Muốn đến xã Canh Liên (huyện Vân Canh), nơi 37 thầy, cô giáo đang "cắm" bản để nhen ngọn lửa giáo dục ở vùng cao, phải không ít lần vượt dốc. Những con dốc cao, nắng thì đầy sạn cốm, mưa thì lầy lội. Nhìn con đường, mới hiểu thấu nỗi vất vả của những người "gieo" chữ. Ở đây, các thầy, cô vẫn phải trả từ 60.000 đến 80.000 đồng cho mỗi cuốc xe ôm.
* Lên ngàn "gieo" chữ
|
Để lên ngàn "gieo chữ, các thầy - cô giáo phải vượt qua hàng chục kilômét đường dốc như thế này |
Cô giáo Đỗ Thị Tình đã lên Canh Liên dạy học được 4 năm nay. Chính gốc Nghệ An, nhưng cô Tình theo học sư phạm ở Quy Nhơn, ra trường, cô Tình được phân công lên Canh Liên. "Hồi mới lên đây giảng dạy, có lúc, nhìn những con đường mưa lầy lội mà muốn bật khóc. Nhưng rồi công việc cứ cuốn đi…" - cô Tình nói. Và bây giờ, khi đã lập gia đình ở Quy Nhơn, cô Tình vẫn miệt mài dạy chữ giữa non ngàn. Dăm ba tuần, cô mới dám về nhà một lần. Mỗi chuyến đi, cô mất hơn trăm ngàn bạc chỉ riêng tiền xe ôm.
60.000 đồng cho một cuốc xe ôm từ trung tâm huyện lên trung tâm xã. Nhưng ấy vẫn là rẻ khi so với cái công sức mà người lái xe ôm phải bỏ ra khi ôm cua trên những cung đường. Đường lên xã vùng cao này quả vất vả. Vất vả đến độ cái người chuyên chạy xe khách đường dài là chồng chị Tình, một bận thử đi xe máy lên để đến được điểm trường nơi vợ đang "gieo" chữ này, đã lắc đầu, le lưỡi. Vất vả đến độ hầu như chiếc xe nào trên cái dải rừng này cũng được gắn thêm chiếc can nhựa với sợi dây nối thẳng vào lốc máy để làm mát. Nhưng con người thì chỉ có đôi chân và sức lực có hạn.
Thầy Nguyễn Thành Tiên quê ở Canh Vinh, mới lên Canh Liên được hai năm để giữ chức Hiệu phó. Thấy bọn tôi lấm lem bụi bặm, thầy Tiên nói: "Các chú mới lên lần đầu chứ bọn này thì không đếm hết bao nhiêu lần vượt dốc đá, cổng trời rồi. Nắng cũng khổ mà mưa cũng gian nan. Nắng thì sạn cốm, xe leo lên dốc, bánh lăn về đằng trước nhưng xe cứ muốn quật lại phía sau. Mưa thì bùn lầy, đến cánh xe ôm chuyên nghiệp mà nhiều khi cũng phải chào thua". Rồi thầy Tiên truyền đạt kinh nghiệm: "Hồi đầu, xổ dốc mình cứ số một mà sấn. Rồi thì cả xe lẫn người cứ thế mà lăn chài theo con dốc. Sau rút kinh nghiệm, chạy số hai, nhưng phải rà cả hai thắng. Vậy là êm thôi. Giờ thì quen rồi, chỉ có mấy cô giáo, mỗi bận về xuôi nghĩ đến cảnh vượt dốc mà ớn. Vậy là đành leo lên xe ôm cho khỏe đôi chân".
* Nhọc nhằn người "gieo" chữ
|
Học sinh trường bán trú Canh Liên trong giờ thể dục |
Nhà công vụ ở điểm trường chính mới xây hai, ba năm nay. Hai người một phòng. Điện mặt trời tích cả ngày dẫu chỉ đủ cho bốn, năm chiếc bóng tiết kiệm 11W lúc mờ lúc tỏ trong ba, bốn tiếng đồng hồ mỗi đêm. Nhưng đã là khác trước nhiều lắm. "Hồi trước, chưa có nhà công vụ, 6 cô giáo cùng ở chung trong một căn lều mái lá chỉ rộng chừng 20m2. Không truyền hình, không báo chí, không điện thoại, mối liên hệ duy nhất với thế giới bên ngoài là chiếc radio con. Còn như muốn thông tin về gia đình thì chỉ còn nhờ vào mấy anh chàng chạy xe ôm kiêm đưa thư. Vậy mà hồi đó, bọn này vẫn sống, vẫn yêu đời, yêu nghề được cơ mà…" - cô Tình nói.
Thầy Huy bổ sung thêm như đính chính: "Tươm ở điểm chính này thôi, chứ ở các điểm khác vẫn còn vất vả lắm". Thầy Huy lấy ví dụ: Riêng chuyện mỗi tháng các giáo viên ở các điểm về trường chính họp một lần đã cực lắm rồi. Phải đi bộ mất hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ, đường đi còn khó hơn đường từ dưới xuôi lên trung tâm xã. Không có tiền đi xe ôm, vậy là thầy - cô cứ cuốc bộ. Khổ nhất là từ làng Canh Tiến ra, mỗi lần họp là phải đi từ hôm trước, băng rừng suốt một ngày đường. Ra đến làng Chồn nghỉ lại một đêm, hôm sau lại tiếp tục đi bộ thêm ba tiếng nữa mới ra đến nơi…". "Khó nhất còn lại vẫn là chuyện đường sá" - thầy Đinh Khai, Hiệu trưởng nhà trường kết luận.
Lớp cô Tình chỉ có 17 học sinh. Học sinh ở đây đa phần đều nghèo. Bởi vậy, những khi các học sinh thiếu thốn, có thể giúp được gì thì các thầy - cô giáo lại giúp, tất nhiên chỉ có thể khi là cây bút, khi là tấm bảng đen… thôi. Rồi khi các em bỏ học, cũng chính thầy - cô vào tận từng làng, động viên bà con cho các em tiếp tục theo học. Một khó khăn khác là ngôn ngữ bất đồng. Với các giáo viên mẫu giáo lại càng cực. Để có được học trò, có thầy - cô còn phải đến nhà và dỗ bằng… bánh, kẹo.
* Và cả xã góp gạo nuôi... bán trú
Cùng những bước chân nhọc nhằn của người giáo viên "gieo" chữ vùng cao là sự đồng tâm của cả xã cùng lo cho cái chữ. Canh Liên là một xã nghèo, toàn xã hiện còn 127 hộ nghèo, tức là tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 29,9%. Vẫn còn những hộ đói vào mùa giáp hạt. Do vậy, việc tự trang trải chuyện học hành cho con em ở từng hộ gia đình thật sự là một vấn đề nan giải. Hệ quả là có không ít học sinh vì không trang trải nổi chi phí mà không thể theo học. Trong khi đó, hơn ai hết, chính những con người chân chất, quanh năm bám nương, bám rẫy mà vẫn chưa qua hết những khó khăn này, lại ý thức được vai trò của cái chữ với tương lai của bản làng, của gia đình mình như vậy. Bởi vậy, năm 2001, khi trường bán trú được mở ra, xã đã vận động tất cả các gia đình trong xã, mỗi gia đình góp 60 kg gạo một năm để nuôi học sinh bán trú. Riêng những gia đình có con đang đi học thì đóng thêm 10.000 đồng/tháng/em.
Ông Đinh Văn Bưởi, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: "Nói thật là cho đến bây giờ, một số gia đình cũng không hết thắc mắc: sao gia đình mình không có con đi học mà cũng phải góp. Chúng tôi lại càng đặt nặng vấn đề phải tuyên truyền, vận động tích cực hơn nữa thôi. Phải làm sao cho mỗi người đều hiểu ý nghĩa của việc học cái chữ với tương lai lớp trẻ của xã sau này và dần dần chuyển về nhận thức. Chứ nếu không cùng góp sức, liệu có bao nhiêu hộ đủ sức nuôi con đi học bán trú?".
Đến nay, Canh Liên có 125 học sinh đang theo học bán trú tại điểm trường của xã và hơn 10 em đang học tại trường bán trú của huyện. Hiện trong xã, đã có em Đinh Thị Lơk (ở làng Chồn) đang theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định. Kể với chúng tôi kết quả này, ánh mắt ông Bưởi như sáng lên. Chúng tôi hiểu: với các xã khác thì không đáng kể, nhưng với Canh Liên, đó thật sự là một thành tích của cái xã vùng cao khó khăn này.
* Bao giờ hết khó ?
Nhìn bầu trời đầy mây đen, sợ mưa đường trơn không vượt được dốc, chúng tôi chia tay các thầy - cô để vội vàng xuống núi. Bỏ lại phía sau cái bắt tay ríu rít, cái ánh mắt rực sáng của những thầy - cô giáo khi có khách ghé thăm, lòng tôi thêm nặng trĩu. Trên đường về, qua câu chuyện phiếm với người lái xe ôm, tôi mới biết: sắp tới, đường lên Canh Liên sẽ được trải bê tông từng đoạn. Nghe thông tin này mà lòng như vừa vơi được một gánh nặng...
. Viết Thọ - Công Tâm |