. Ghi chép của Thu Hiền
Chiếc xe Toyota Land Cruiser hai cầu thuộc Dự án đa dạng hóa nông nghiệp của Sở NN - PTNT tỉnh lầm lũi băng đường dốc đá lởm chởm, lội suối vượt núi, chở đoàn công tác gồm các vị lãnh đạo của HĐND tỉnh và Sở NN - PTNT tỉnh lên khảo sát thực địa vùng núi La Vuông thuộc xã miền núi Hoài Sơn - Hoài Nhơn. Hôm nay, ông trời nắng đẹp, nhờ vậy, một giờ rưỡi chiều đoàn đã có mặt trên đỉnh núi...
|
Ông Thiệt (đầu tiên bên trái) và Đoàn khảo sát tại sân bay dã chiến La Vuông |
Trong cái se lạnh của gió núi, chúng tôi rời khỏi xe đón ánh nắng rực rỡ, một cảm giác thật dễ chịu khi đứng trên đỉnh núi cao hơn 700 m. Đập vào mắt chúng tôi là những cánh đồng cỏ bạt ngàn xanh tươi, từng đàn trâu bò ung dung gặm cỏ. Tiến vào sâu hơn là hình ảnh những công nhân đang hối hả chuyển những cây dứa giống trên xe xuống đất, những chiếc xe ủi đang hối hả san ủi mặt bằng... Dừng chân trước một lán trại, đón chúng tôi là một người đàn ông cao to, gương mặt trầm trầm, điềm tĩnh bắt tay từng người một. Theo lời giới thiệu của ông Giám đốc Lâm trường An Sơn thì đấy là "người hùng" Lê Văn Thiệt - ông chủ Công ty TTHH xây dựng và dịch vụ Thương Thảo - người đầu tiên của tỉnh dám xung phong lên đỉnh La Vuông quyết tâm phục hóa vùng đất này để trồng dứa với mục đích nếu thành công thì sẽ biến nơi đây thành vùng nguyên liệu dứa trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới. Trong lán trại tạm bợ kế thừa lại của nông trường La Vuông ngày trước, chúng tôi ngồi quây quần trên chiếu để nghe ông Thiệt trình bày việc phục hóa của mình và những khó khăn đang cần tỉnh giúp đỡ.
43 tuổi đời, là dân thôn An Hội - xã Hoài Sơn, từng bôn ba làm ăn ở các tỉnh Sông Bé, Tây Ninh, Đắc Lắc, 20 năm về trước ông Thiệt đã từng có ý tưởng lên La Vuông lập nghiệp nhưng đường sá ngày ấy cách trở, bản thân chưa hội đủ điều kiện, nên sau khi khảo sát tình hình, ông đành gác lại. Bẵng đi một thời gian, ông lại nhận trồng rừng cho một công ty Nhật ở dưới chân dốc La Vuông. Đến khi tỉnh có dự án trồng dứa làm nguyên liệu cho Công ty cổ phần Nguyên liệu dứa và Chế biến rau quả Bình Định (NLDVCBRQBĐ), có trong tay hơn 200 nhân công, một đoàn xe phục vụ xây dựng..., ông đã quyết định trở lại La Vuông. thuê đất và chính thức khai thác từ 20-7-2004. Đến nay, ông đã khai hoang phục hóa được 100 ha, trong đó đã làm đất được 35 ha, trồng được 15 ha dứa giống Cayen Trung Quốc do Công ty thực phẩm Đồng Giao (Ninh Bình) cung ứng, (hiện dứa giống đang được tiếp tục chở về), trồng được 20 ha cỏ để nuôi bò, đào được 5 cái hồ nhỏ tích trữ nước tự nhiên để tưới cho dứa. Ngoài ra, ông còn có kế hoạch trồng rừng nguyên liệu trên hơn 70 ha đất đá …
|
Một góc đồi dứa của ông Thiệt trên đỉnh La Vuông |
Đưa chúng tôi đi tham quan đồng dứa của mình đang tràn đầy sức sống trên đỉnh núi, ông Thiệt tâm sự: "Qua thực tế khảo sát, tui thấy vùng đất La Vuông này tốt lắm, nên đã xin phép tỉnh trồng thử nghiệm khoảng 30 ha dứa, nếu thành công thì tui sẽ phát triển lên 50 - 80 ha. Theo đề xuất của Công ty cổ phần NLDVCBRQBĐ thì bước đầu trồng 100 ha. Tui cũng chưa nắm chắc thực hiện đủ nhưng sẽ nỗ lực, bởi tui đã từng sống ở vùng nguyên liệu dứa của nông trường Đèo Nhông (Phù Mỹ) rồi, đã trồng thử 2 ha dứa ở đó, nhưng kết quả không tốt lắm, vì vậy, với vùng đất mới này, tui nhất định phải thành công!". Quyết tâm của ông là vậy, nhưng thực tế để khai thác được tiềm năng của vùng đất hoang hóa này, ông phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, đòi hỏi sự bền bỉ và kiên trì.
Đi bộ một đoạn trên con đường đất dẫn lên đỉnh núi, chỉ vào những hàng kẽm gai căng dọc hai bên đường, nhìn những cây keo lá tràm cũng đang rung rinh trong gió lộng, ông Thiệt nói thêm: " La Vuông còn hoang hóa lắm, dân Hoài Sơn, Hoài Châu thường lên đây chăn nuôi trâu bò, để bảo vệ dự án của mình, tui phải dùng dây kẽm gai rào lại. Để chắn gió, tui trồng keo lá tràm xung quanh các vành đai. Ban đêm trên núi khí hậu rất lạnh nên lao động lên rồi về, mình phải vất vả lôi kéo họ ở lại. Tuy nhiên, khó khăn nhất là vấn đề giao thông, bởi nơi đây buổi chiều thường mưa, mà mỗi lần mưa xuống thì xe không làm sao lên núi được, phải chờ ngày nắng mới làm. Chính vì vậy, việc đưa dứa giống lên đây rất khó. Để trồng 1 ha dứa thì phải cần 4 xe Camac chở giống, vừa rồi để đưa 76.000 cây giống lên đây giữa lúc trời mưa gió, tui phải huy động thêm 3 xe ủi để hộ tống... Thú thật, khi lên đây tui cũng đã nghĩ đến việc thất bại nếu không trồng được dứa, nhưng không làm thử thì làm sao biết được. Nếu chiều hướng tốt đẹp thì tui có thể giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương".
Để tạo thuận lợi cho việc lên xuống La Vuông và cũng không ngoài mục đích có đường giao thông phục vụ dân sinh, ông Thiệt đã tự bỏ vốn và tận dụng nhân lực, máy móc của công ty mình để làm con đường đất từ chân dốc lên đến đỉnh núi. Hỏi sao không tận dụng con đường chiến lược Hòa Bình (xây dựng trong thời chiến tranh) dài 13 km xuyên Hoài Sơn, Hóc Đằng (thuộc vùng núi An Lão) để lên xuống La Vuông, ông Thiệt bảo rằng không thể dùng con đường đó được bởi vì cự ly quá dài, trong khi con đường mới do ông tự bỏ vốn ra làm chỉ chưa đầy 5km đã tới nơi. Điều ông thực sự mong muốn nhất lúc này là được tỉnh, huyện hỗ trợ ít kinh phí để ông đào mương thoát nước 2 bên đường, tránh tình trạng nước suối chảy tràn lan khi trời mưa... Dù khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều, nhưng ông Thiệt rất vui và phấn chấn bởi lãnh đạo Công ty cổ phần NLDVCBRQBĐ vẫn thường đến thăm và động viên; rồi sự quan tâm của tỉnh, huyện - tất cả như tiếp thêm cho ông sức mạnh trên con đường đánh thức vùng đất hoang hóa La Vuông...
3 giờ chiều, cả đoàn lại hồ hởi leo lên 2 chiếc xe Uoát xuyên rừng đi khảo sát thực địa vùng La Vuông. Theo tầm bao quát của các vị lãnh đạo HĐND tỉnh và Sở NN - PTNT thì nơi đây có thể trồng khoảng 500 ha dứa chuyên canh. Đồng thời phát triển nông lâm kết hợp với quỹ đất rất lớn. Những thảo nguyên mênh mông, từng đàn trâu bò chạy tán loạn khi xe lướt qua, phân trâu bò đầy trên cỏ mà theo ông Thiệt, sẽ tận dụng nguồn phân này để chăm sóc cho dứa. Xe dừng lại trên một đồng cỏ non, chúng tôi lại được "tận hưởng" cái lạnh giữa không gian bao la, xa xa phía trước mặt là những cánh rừng đại ngàn có những con diều hâu bay lượn. Trên mặt đất, những chú trâu béo mộng tròn xoe mắt nhìn người lạ. Nơi chúng tôi đang đứng trước …. là sân bay dã chiến La Vuông của Mỹ. Chiến tranh đi qua, để lại nơi này nhiều đau thương, mất mát. Giờ đây, cái sân bay dã chiến ấy chỉ còn là đồng cỏ hoang vắng. Tại đây, ông Thiệt có kế hoạch phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp, chủ yếu là nông nghiệp. Để phát triển vùng nguyên liệu dứa đạt hiệu quả, cần có các hộ dân sống ở nơi đây gắn bó với cây dứa. Bên cạnh đó, cần tận dụng lợi thế của các đồng cỏ nơi đây, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài.
Trở lại lán trại, ông Thiệt cho biết thêm: "Bước đầu, vụ thu hoạch dứa này tui chỉ cần huề vốn để lấy chồi trồng vụ sau. Hiện tại, tui cũng cần trồng 15 ha dứa Queen dù biết rằng sản lượng giống dứa này không cao, nhưng cơ bản là tui cần chất lượng của nó. Về khâu kỹ thuật thì ngoài việc học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn, tui còn được Công ty thực phẩm Đồng Giao cử kỹ thuật viên ở lại đây hỗ trợ...". Đoàn khảo sát cũng xác định rằng lợi thế của La Vuông là gần Công ty cổ phần NLDVCBRQ, tiềm năng đất đai rộng lớn lại tập trung, khi sản xuất thành công sẽ mở ra triển vọng cho vùng nguyên liệu dứa của nhà máy chế biến, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của địa phương ... Ông Hồ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN - PTNT sau khi khảo sát và lắng nghe ông Thiệt trình bày phương án làm ăn của mình, đã cho biết, La Vuông có thể là vùng trọng điểm trong chiến lược phát triển cây dứa của tỉnh trong thời gian đến.Sở NN - PTNT sẽ cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ thêm vốn đầu tư, giúp chủ động được nước tưới ổn định; đồng thời sẽ kêu gọi sớm hoàn thiện thủ tục thuê đất để ông Thiệt yên tâm phục hóa La Vuông ...".
Rời La Vuông khi bóng chiều dần tắt, ngoái nhìn núi rừng đang khuất dần, chúng tôi tin rằng với sự quan tâm và đầu tư đúng mức của tỉnh, huyện và sự quyết tâm của "người hùng Lê Văn Thiệt", rồi đây đại ngàn La Vuông sẽ trở thành vùng kinh tế nông - lâm kết hợp, mở ra một triển vọng mới cho tỉnh nhà ...
. T.H |