Mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng đã bị lừa?
9:14', 26/11/ 2004 (GMT+7)

Kết quả đợt thanh tra chuyên đề "Đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ" trên toàn tỉnh vừa qua cho thấy, trên 46% số đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng đóng gói sẵn đã kiểm tra có vi phạm về đo lường và chất lượng. Đây là vấn đề đáng báo động...

* Nhiều mặt hàng có sai phạm

Đoàn thanh tra đang kiểm tra hàng tại một doanh nghiệp

Theo kết quả thanh tra, từ ngày 16-8 đến ngày 22- 10- 2004, Đội Kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ và các ngành liên quan trong tỉnh đã thanh tra và phát hiện 45/97 đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tỉnh có vi phạm. Trong đó, chủ yếu là sai phạm về đo lường gồm định lượng thể tích và trọng lượng... Trong đó, nước mắm là mặt hàng đang lưu thông trên thị trường có phạm vi sai phạm nhiều nhất. Qua kiểm tra, Đội kiểm tra liên ngành đã phát hiện 16/17 cơ sở sản xuất và kinh doanh nước mắm có vi phạm về đo lường, chiếm tỷ lệ trên 91%. Phần lớn những chai nước mắm lưu thông trên thị trường trong thời gian qua có mức độ thiếu CIA tích trung bình từ 1,5 đến 8,5% so với dung lượng in trên nhãn mác các loại chai có dung tích 500ml và 1.000ml. Điều đáng nói là các chai nước mắm trên nếu như đong đầy cũng vẫn không đủ theo dung lượng in trên chai.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu như mì tôm, thuốc bảo vệ thực vật, xà phòng... đang được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phân phối, kinh doanh cũng đã xảy ra tình trạng thiếu khối lượng so với nhãn mác đã ghi. Điển hình như lô hàng bột giặt OMO sản xuất tháng 7-2004 có định lượng 3.000g được DNTN thương mại Hoàng Bình (Tuy Phước) nhập về để kinh doanh; lô hàng 900 gói mì ăn liền hiệu TADICO, loại 40gr do hộ kinh doanh Diệp Xuân (180 Quang Trung, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) kinh doanh; lô hàng bánh trứng cuộn kem đậu xanh Naboco được cơ sở kinh doanh bánh A&B (Quy Nhơn) nhập về kinh doanh; lô hàng mì tôm và gà Hòa Hợp (loại 70g) được DNTN Hoài Thu (Quy Nhơn) nhập về kinh doanh... Ngoài ra, việc thiếu định lượng còn xảy ra ở những cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh tự sản xuất và đóng gói bán ra thị trường. Chẳng hạn, sau khi kiểm tra lô hàng lạp xưởng loại đặc biệt 500g của cơ sở sản xuất kinh doanh lạp xưởng Bà Chị (Quy Nhơn), đoàn kiểm tra đã phát hiện thiếu định lượng về trọng lượng.

Trong lĩnh vực thương mại, về chất lượng, tuy chỉ có 4/97 cơ sở vi phạm nhưng tính chất nặng hơn so với sai phạm về đo lường. Điển hình như cơ sở sản xuất rượu Kim Quy (đường Mai Xuân Thưởng, Quy Nhơn), hàng loạt sản phẩm rượu xuất xưởng không đúng với chất lượng đã được đăng ký; hoặc mặt hàng thuốc trừ sâu COBITOX- 5G (loại 1.000g), thuốc trừ cỏ BRAVO-480SL (loại 1.000ml) do Công ty Vật tư bảo vệ thực vật I Bình Định kinh doanh không đúng tiêu chuẩn... Không chỉ vi phạm về đo lường, chất lượng, Đoàn Kiểm tra liên ngành còn phát hiện doanh nghiệp kinh doanh hàng hết "đát" như loại mặt hàng HI 7010 - PH 10,01 do Chi nhánh hóa chất, vật liệu điện và vật tư khoa học kỹ thuật Bình Định kinh doanh.

* Người trong cuộc nói gì?

Ông Trần Tấn Hoàng - Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành về chuyên đề Đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đóng gói sẵn, cho biết: "Sai phạm trong đợt thanh tra vừa qua chủ yếu xảy ra ở định lượng của các mặt hàng đóng gói sẵn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai phạm về đo lường của các cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm cả chủ ý và khách quan, nhưng chủ yếu vẫn là sai phạm khách quan. Trong đó, sai phạm nhiều nhất và có ý cố tình là những chai nước mắm bán ra trên thị trường. Vì là sai phạm lần đầu nên chúng tôi chỉ phạt hành chính, nếu như phát hiện những đơn vị trên tiếp tục sai phạm chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng có hình thức xử lý nặng hơn".

Theo nhiều chủ cơ sở nước mắm, việc thiếu định lượng dung tích chai nước mắm không phải do chủ ý của cơ sở sản xuất. Nguyên nhân là do sơ suất trong khâu đặt hàng và kiểm định thể tích khi nhập chai về nên đã để xảy ra tình trạng chai bị thiếu định lượng về dung tích!? Còn đối với những đơn vị kinh doanh vi phạm về thương mại và chất lượng thì chủ yếu là do các chủ cơ sở, doanh nghiệp cố tình như thuốc bảo vệ thực vật hết "đát", nước mắm thấp độ đạm... Bên cạnh đó, không ít các mặt hàng thiếu định lượng do nguyên nhân khách quan, chủ yếu là mặt hàng thực phẩm như mì tôm, bánh kẹo.... Theo nhiều người kinh doanh, những thứ hàng hóa trên nếu để trong kho qua thời gian dài trong mùa nắng thì chắc chắn sẽ bị giảm khối lượng.

Với những sai phạm trên, căn cứ vào luật định, vừa qua, Thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 45 cơ sở với tổng số tiền trên 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở Khoa học - Công nghệ Bình Định còn đề nghị các Sở Khoa học - Công nghệ các tỉnh, thành phố nơi có cơ sở sản xuất các sản phẩm kinh doanh tại Bình Định có vi phạm về đo lường và chất lượng phối hợp xử lý.  

So với số tiền mà nhiều doanh nghiệp cố tình "móc túi" người tiêu dùng trong thời qua thì số tiền nộp phạt trên chỉ là "cò con". Vì vậy, rất có thể vì lợi nhuận, sẽ còn nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh cố ý "đánh lừa" người tiêu dùng bằng cách giảm định lượng, bán hàng hóa kém chất lượng. Để mua được những sản phẩm "tiền nào, của nấy", người tiêu dùng cần thận trong hơn với những sản phẩm hàng hóa đang lưu thông trên thị trường trước khi bỏ tiền ra mua.

. Lê Anh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cà phê Quy Nhơn   (26/11/2004)
Thị trường lịch: Trầm lắng trước thềm năm mới   (26/11/2004)
La Vuông - Tiếng gọi của đại ngàn ...   (26/11/2004)
Nhọc nhằn "gieo" chữ giữa đại ngàn   (26/11/2004)
Trong tinh thần trọng học   (26/11/2004)
Thú câu cá đồng  (23/10/2004)
Săn trùn biển  (23/10/2004)
Một địa chỉ từ tâm  (23/10/2004)
Phù Cát hướng tới những cánh đồng chuyên canh  (23/10/2004)
Phụ nữ Việt Nam đồng hành cùng thời đại mới  (23/10/2004)
Phong trào phụ nữ qua nửa nhiệm kỳ đại hội  (23/10/2004)
Hoài Ân: Tiếc quá cây dâu!  (23/10/2004)
Mùa cá chua  (23/10/2004)
Giải pháp nào để chấn chỉnh và quản lý hiệu quả?  (23/10/2004)
Đem thiên nhiên vào nhà  (23/10/2004)