Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa - Thông tin, Cục Di sản Văn hóa (DSVH) phối hợp với Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản triển khai đề tài khoa học "Nghiên cứu và bảo tồn các kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống". Việc triển khai đề tài góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của một loại hình DSVH còn ít được quan tâm và có nguy cơ hủy hoại do quá trình đô thị hóa và gánh nặng của thời gian. Căn cứ vào những đặc trưng của kiến trúc nhà lá mái, năm 2004, Cục DSVH đã chọn Bình Định để nghiên cứu.
|
Nhà ông Nguyễn Rê (Phù Cát) - ngôi nhà lá mái duy nhất ở Bình Định hiện nay còn đủ nhà chính, nhà cầu, nhà đông lợp bằng mái tranh, vách đất |
Trung tuần tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Cục DSVH phối hợp Trường Đại học Kiến trúc Hồ Chí Minh và Bảo tàng tổng hợp Bình Định, tổ chức điều tra đợt I được 350 nhà và đã chọn ra 35 nhà để điều tra đợt II. Căn cứ kết quả điều tra đợt II, các kiến trúc sư Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa sẽ trực tiếp khảo sát để chọn những nhà tiêu biểu nhất thực hiện điều tra cụ thể lần III vào cuối năm nay.
Nhà lá mái là một đặc trưng văn hóa truyền thống của Bình Định được thể hiện qua không gian quy hoạch - kiến trúc. Do đó, nói về kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam không thể không đề cập đến nhà lá mái Bình Định. Ca dao có câu: Tiếng đồn Bình Định tốt nhà/ Phú Yên tốt lúa, Khánh Hòa tốt trâu. Năm 1934, nhà địa lý học nhân văn Pierre Gourou (người Pháp) đã đi khảo sát các ngôi nhà Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Định, ông đã nhận xét: Đến phía Nam phá An Khê và dãy Sa Huỳnh, chúng ta đã vào hẳn vùng nhà Bình Định. Trừ những chiếc lều không có hình dạng, tất cả các nhà đều thuộc loại hình mới... Do vậy, điều tra nghiên cứu nhà cổ Bình Định là việc làm cần thiết nhằm làm sáng tỏ sự phát triển một cách có hệ thống của nhà ở dân gian ở các vùng và tính đặc trưng của nhà mái lá, một kiểu kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống độc đáo cần được bảo tồn.
Chiến tranh đã cướp đi phần lớn nhà mái lá Bình Định, những huyện bị tàn phá nhiều nhất như: Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa, mưa bão và mối mọt cũng là một tác nhân làm hao gầy nhà lá mái. Hiện nay, nhà lá mái được gìn giữ và bảo quản tốt ở một số địa phương như Ân Đức (Hoài Ân), Hoài Đức, Hoài Sơn (Hoài Nhơn), Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Cát (Phù Mỹ), Cát Trinh, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Tài (Phù Cát), Nhơn An, Nhơn Hòa, Nhơn Phúc (An Nhơn), Phước Hưng, Phước Thành, Phước Hòa (Tuy Phước), Tây Phú, Bình Thành (Tây Sơn), Nhơn Phú (Quy Nhơn). Kết quả điều tra trên địa bàn 11 huyện, thành phố trong tỉnh đã lập biểu mẫu 350 nhà thuộc 5 tiêu chuẩn: nhà cổ có hiện trạng tốt, nhà cổ trước năm 1900, nhà kiểu truyền thống trước năm 1945, nhà có đầy đủ khuôn viên trước năm 1945 và nhà tiêu biểu không thuộc 4 loại trên có thể xây sau năm 1945. Do đề tài nghiên cứu khống chế về thời gian và số lượng nhà điều tra nên còn một số lượng lớn nhà cổ trên địa bàn tỉnh chưa được điều tra thống kê lần này. Qua kết quả điều tra cho thấy, số lượng nhà lá mái được nhân dân gìn giữ đến ngày nay là khá lớn, lên đến con số hàng trăm. Điều đó chứng tỏ rằng nhà lá mái vẫn được người dân Bình Định trân trọng, bảo tồn. Có điều, ý thức bảo tồn hoàn toàn tự phát, nên tùy theo điều kiện kinh tế và ý thức bảo tồn của từng gia đình, mỗi nhà có một cách gìn giữ, bảo quản riêng nếp nhà - di sản vật chất quý báu của cha ông để lại.
Thường nhà lá mái cất theo kiểu chữ Môn hoặc kiểu chữ công và có hai mái: mái đất và mái lá. Quy mô kiến trúc phụ thuộc vào từng gia cảnh, nhà chính thường 3 gian 2 chái (nhà giàu làm đến 5 gian 2 chái), ở giữa là gian thờ, hai đầu chái là đông phòng và tây phòng. Nhà chính nối với nhà đông và bếp bằng một lối đi có mái gọi là nhà cầu và hình thành một sân nhỏ tạo sự thông thoáng cho cả ngôi nhà. Bên phải nhà chính và thông với nó cũng bằng một lối đi có mái là nhà tây. Sự nghèo giàu của các chủ nhân nhà lá mái thể hiện rõ nét nhất là ở các nhà phụ thuộc. Ngoài ra, nhà lá mái còn có một số công trình phụ như: nhà ngõ, thủ kỳ (miếu thờ Thổ thần).
Quy mô nhà lá mái xưa là thế, nhưng hiện nay cả tỉnh chỉ còn vài nhà cổ lợp tranh, lợp rạ đã bị hư hỏng nặng, hàng trăm nhà lá mái khác được thay thế mái lá bằng mái ngói hoặc mái tôn. Một số ít nhà còn giữ được nhà cổng, thủ kỳ, khu vực nhà cầu - nhà đông - nhà bếp và sân nhỏ, nhưng vách mầm trỉ trét đất thay bằng gạch. Một số nhà còn giữ được vách trét đất của nhà chính lại không giữ được các nhà phụ. Có vài nhà để chống mối không những thay vách mầm trỉ trét đất bằng gạch mà còn tháo dỡ cả mái đất chỉ để lại lớp trần sìa tre hoặc ván lát. Do nhiều lý do khách quan buộc các gia chủ phải thu dần các kiến trúc phụ của nhà lá mái để tiện bảo quản, nghĩa là phải chấp nhận tháo dỡ các nhà phụ bị hư hỏng để tập trung đầu tư gìn giữ nhà chính. Đa phần nhà lá mái Bình Định hiện nay chỉ còn giữ lại 3 gian, 2 chái. Có nhà còn giữ đủ 3 gian nhưng thiếu một chái tây hoặc thiếu cả hai chái đông và tây. Một số nhà vẫn giữ nguyên khung gỗ nhưng lại thay trần sìa lá mái bằng trần bằng hoặc chỉ giữ lại các vì kèo, án thờ, bạo xổ để gọi là giữ lại "nếp gỗ" của ông bà.
Từ năm 2002, sau khi Chính phủ ban hành Luật Di sản văn hóa, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVH đã được nâng cao, những ngôi nhà lá mái cũng được gìn giữ và bảo quản tốt hơn. Thế nhưng, cho đến bây giờ, biện pháp bảo tồn nhà cổ vẫn là vấn đề ray rứt của các gia chủ. Hy vọng điều tra lần này là một dịp tốt để khảo sát, đánh giá di sản nhà ở dân gian truyền thống tỉnh nhà; đồng thời dựa trên những kết quả điều tra, Nhà nước có thể tiến hành chỉ định những nhà ở dân gian truyền thống là một DSVH và cố gắng bảo tồn chúng.
. Nguyễn Thanh Quang
|