Tôi đi tìm việc làm thêm ở TP. Hồ Chí Minh
10:22', 26/11/ 2004 (GMT+7)

Câu hỏi canh cánh của hơn 300.000 sinh viên (SV) các tỉnh tại TP. Hồ Chí Minh là làm sao kiếm được một công việc làm thêm tốt, sau giờ học, để trang trải chi phí và phụ thêm vào "học bổng u-ta-chi" mỗi tháng của gia đình. Và tôi cũng không là ngoại lệ.

* Gian nan đường tìm việc

Chiều nắng gắt, tôi và cô bạn SV Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV TP.HCM) "đổ bộ" vào Trung tâm Hỗ trợ SV thành phố, ngay ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng để tìm việc. Tại đây, có rất nhiều bạn SV cũng cùng chung mục đích như chúng tôi. Sau khi nhìn trên soát dưới trên bảng tuyển dụng thì không có việc nào phù hợp cho cả hai. Nơi tuyển dụng chủ yếu chỉ cần lao động nữ để phụ việc, bán hàng tiếp thị… Ra ngoài dắt xe, chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt thất vọng vì chưa có việc làm thích hợp.

Nơi thứ hai chúng tôi đến là Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên tại số 1 Phạm Ngọc Thạch (Q.1). Bước vào đã thấy đông nghịt người. Trông nơi này "không khí" hơn và quả thật nhiều việc hơn. Trên tấm bảng tuyển dụng có ghi đầy đủ từ cần lao động có trình độ ĐH, CĐ cho đến lao động phổ thông (LĐPT). Nhìn thoáng qua ô dành cho ĐH, CĐ chúng tôi thấy ghi cần kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện của ĐH Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật…; ô dành cho LĐPT thì cần 45 nam, nữ nhân viên bán hàng tiếp thị, làm việc từ 3 giờ đến 21 giờ tối các ngày thứ 6, 7, CN; cần 1 trưởng nhóm tiếp thị có khả năng lãnh đạo, thông thạo đường phố… Suy nghĩ một hồi, chúng tôi chọn ô dành tuyển dụng 45 nam, nữ bán hàng siêu thị vì làm việc vào ngày nghỉ, trong khi một số công việc khác đòi hỏi phải có bằng B tiếng Anh, có kinh nghiệm…

Bước vào bên trong trung tâm, chị Loan - một trong bốn nhân viên tư vấn - chỉ dẫn cách thức làm hồ sơ xin việc và bảo: "Nếu giấy tờ chưa đủ thì sáng mai em quay lại đây". Nhìn bảng hướng dẫn hồ sơ gồm: bản sao CMND, hộ khẩu (hoặc giấy tạm trú), đơn xin việc, 2 ảnh 3 x 4cm, bản sao Thẻ SV.

Sáng hôm sau, mới 8 giờ, khuôn viên trung tâm đã đông kín người và xe đến xem thông tin tuyển dụng. Trong thời gian chờ nhận hồ sơ, chúng tôi tình cờ gặp đồng hương Quy Nhơn là chị Phương - một nhân viên tại đây. Chị cho biết: "Sáng nay còn ít đấy, có hôm người đến đông hơn nữa". Đang trò chuyện thì một cán bộ tuyển dụng của một doanh nghiệp đến tuyển. Chị Phương bảo: "Nếu cần trên 10 lao động, anh ấy sẽ tuyển tại đây luôn". Thấy một bạn đang thẫn thờ nhìn vào bảng tuyển dụng: Cần 1 phóng viên nam, tốt nghiệp ĐHKHXH&NV TP.HCM (Khoa Báo chí), loại khá, làm việc tại Q.3, lương 800.000 đồng/tháng. Hỏi ra mới biết anh là Tuấn, đã tốt nghiệp Khoa Báo chí và đang chờ xin việc làm. Tuy nhiên, tấm bằng của anh chỉ xếp loại trung bình nên không đủ điều kiện.

Chờ mãi rồi cũng tới lượt nhận hồ sơ, chị Loan nhân viên thu 10.000 đồng/hồ sơ và hẹn "Thứ sáu tới phỏng vấn nghe em !". Trên đường về, cô bạn cứ thắc mắc: "Đi bán hàng mà cần phỏng vấn à?". "Để tìm người đủ điều kiện chứ" - tôi trả lời.

* Hồi hộp chờ phỏng vấn

Mặc dù 9 giờ sáng mới là giờ hẹn, song mới 8 giờ đã có rất đông các bạn đến dự tuyển. Chúng tôi leo lên phòng A2, tầng 1 của Trung tâm Giới thiệu việc làm theo chỉ dẫn. Một căn phòng nhỏ hẹp hiện ra với 70 hồ sơ nộp xin phỏng vấn (con số do nhân viên Trung tâm cho biết). Lần lượt từng người một được lên phỏng vấn. Nhiều bạn không giấu được sự hồi hộp, hiếm hoi mới có một nụ cười như Hoài (ĐH Kinh tế) đang chờ tới lượt. Đến lượt mỗi người, nhà tuyển dụng bảo: "Hãy giới thiệu về bạn". Tới tôi, tôi nói "một hồi" theo sự chuẩn bị trước: "Em tên…, địa chỉ…, số ĐT…". Anh tuyển dụng lướt nhanh trên tập hồ sơ của tôi. Anh dừng lại: - Nhà ở xa thế thì sao đảm bảo được công việc trong thành phố? Tôi bảo:- Em có xe máy, vả lại em có nhà người anh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Hai giờ chiều, chúng tôi quay lại trung tâm để biết kết quả phỏng vấn. Một bạn nam tới trước đã không có tên trong danh sách; còn tôi thì may mắn hơn. Anh nhân viên lại hẹn hôm sau tới khách sạn Sofitel, tầng 3, phòng track, số 17 đường Lê Duẩn để nhận công việc.

Hôm sau, đến khách sạn, theo thang máy lên tầng 3 là một khung cảnh hoa lệ. Trong thời gian chờ nhà tuyển dụng, tôi làm cuộc phỏng vấn chớp nhoáng các bạn sẽ là "cộng sự" với mình. Có nhiều bạn đang là SV, đi làm thêm như Trung (ĐH Văn Lang), Vũ (ĐH Sư phạm kỹ thuật)… Hai nhà tuyển dụng xuất hiện. Đó là anh Trân - người phỏng vấn lúc trước - và chị Ngân, đều của Công ty Unilever bestfood Viet Nam. Chúng tôi bây giờ mới biết sẽ làm việc trong chương trình "Mời khách dùng Lipton Ice Tea miễn phí tại các siêu thị". Nhà tuyển dụng đọc danh sách mỗi nhóm gồm 3 người (2 nữ, 1 nam) làm việc tại khắp các siêu thị trong thành phố từ siêu thị Bình Dân, Thắng Lợi, Cộng Hòa cho đến tận Cora Đồng Nai. Lương của nam là 65.000 đồng/ngày, nữ là 55.000 đồng/ngày. Sau khi hướng dẫn cách thức của một nhân viên tiếp thị, cách pha chế sản phẩm Ice Tea, mỗi người được phát 2 chiếc áo màu vàng - màu của sản phẩm.

* Đoạn trường mới biết, qua cầu mới hay...

Vượt qua vài chục cây số đi về, qua xa lộ Hà Nội đầy bụi đất, những làn xe voi chạy ầm ầm, vượt cầu Đồng Nai nguy hiểm, cuối cùng chúng tôi cũng đến "nhận nhiệm vụ" tại siêu thị Cora Đồng Nai, ngay ngã 3 Vũng Tàu. Thế là tuần 3 buổi, chúng tôi phóng xe ra Đồng Nai. Vào bên trong siêu thị làm thủ tục lấy bàn ghế, pha nước, đẩy ra nơi dành cho khách rất xa và nặng ơi là nặng. Trong giờ làm việc, bạn phải liến thoắng giới thiệu sản phẩm Ice Tea, mời quý khách dùng nước miễn phí, phát tờ rơi, đến 21 giờ tối mới tan ca. 5 giờ chiều, bạn được 15 phút thay nhau nghỉ ăn cơm. Nhiều lúc mời "rát lưỡi" mà khách không thèm uống hoặc có người thiếu ý thức, uống xong xả ly khắp nơi, nên nhân viên tiếp thị làm thêm nhiệm vụ… đi nhặt từng cái. Nỗi lo lớn nhất của nhân viên tiếp thị sản phẩm Ice Tea là trong một thoáng lơ là mải vui, mà "sếp" - anh Trân - của công ty đi kiểm tra thấy được thì sẽ bị khiển trách hoặc cho nghỉ việc.

Hết giờ làm, phóng như bay trên xa lộ, mở cửa phòng trọ, chúng tôi chỉ muốn đánh một giấc cho quên mệt nhọc. Và đêm ấy, biết đâu ta lại có một giấc mơ đẹp về tương lai khi ra trường. Ở nơi ấy, ta biết cha mẹ ta còn khổ với ta nhiều lắm vì bao khoản lo cho cuộc sống, học phí, sách vở…

. Phạm An Hòa

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Điều tra kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Bình Định   (26/11/2004)
Mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng đã bị lừa?   (26/11/2004)
Cà phê Quy Nhơn   (26/11/2004)
Thị trường lịch: Trầm lắng trước thềm năm mới   (26/11/2004)
La Vuông - Tiếng gọi của đại ngàn ...   (26/11/2004)
Nhọc nhằn "gieo" chữ giữa đại ngàn   (26/11/2004)
Trong tinh thần trọng học   (26/11/2004)
Thú câu cá đồng  (23/10/2004)
Săn trùn biển  (23/10/2004)
Một địa chỉ từ tâm  (23/10/2004)
Phù Cát hướng tới những cánh đồng chuyên canh  (23/10/2004)
Phụ nữ Việt Nam đồng hành cùng thời đại mới  (23/10/2004)
Phong trào phụ nữ qua nửa nhiệm kỳ đại hội  (23/10/2004)
Hoài Ân: Tiếc quá cây dâu!  (23/10/2004)
Mùa cá chua  (23/10/2004)