Công chúng Bình Định với nghệ thuật tuồng
9:33', 26/11/ 2004 (GMT+7)

Nói đến nghệ thuật Tuồng là nói đến môn nghệ thuật sân khấu (NTSK) lâu đời nhất của dân tộc ta, được nhiều thế hệ nghệ sĩ gìn giữ và vun bồi.

Trong các yếu tố làm cho NTSK truyền thống của dân tộc được bảo tồn và chấn hưng đến hôm nay thì yếu tố công chúng (người xem - khán giả) là yếu tố vô cùng quan trọng không thể thiếu vắng, không thể ngoài cuộc (thử hỏi, nếu trình diễn mà không có người thưởng thức thì sẽ ra sao và liệu nghệ sĩ có theo đuổi để giữ lấy nghề, hẳn họ không muốn là "bảo tàng sống"). Sự hưởng ứng nghệ thuật của công chúng là quan trọng đến thế.

Ở bài viết này, xin được giới thiệu đôi nét về công chúng Bình Định với nghệ thuật Tuồng qua ca dao, hò vè. Đó là sự yêu quý đến ham mê của người Bình Định, xem nghệ thuật Tuồng như một món ăn đặc biệt bổ dưỡng tinh thần.

Không biết từ bao giờ, xuất phát ở đâu, trong dân gian Bình Định đã có những câu ca dao, hò vè được lan truyền:

Tai nghe trống Chiến

Không khiến cũng đi

Nghe giục trống Chầu

Đâm đầu mà chạy

Nghe trống Chiến trỗi lên biết là có hát Tuồng thì không cần ai mời, ai bảo cũng đi xem. Tiếng trống Chầu giục giã, thôi thúc người ta phải đâm đầu mà chạy để khỏi lỡ buổi xem Tuồng.

Có người thì lại mê Tuồng đến mức quên cả chuyện gia đình:

Hát Bội làm tội người ta

Bỏ cửa bỏ nhà cũng vì Hát Bội

Và nếu biết hát, biết diễn Tuồng thì đó sẽ là một sản phẩm để người con thuyết phục người mẹ khó tính và chắc rằng mẹ cũng thích điều đó thì con mới nói ra:

Má ơi đừng đánh con đau

Để con hát Bộ, làm đào má coi

Ở trường hợp khác:

Trồng trầu thả lộn dây tiêu

Con mê Hát Bội, mẹ liều con hư.

Nghe câu hát này, có thể mỗi người nghĩ theo mỗi khía cạnh. Chúng tôi thì nghĩ về khía cạnh tích cực là Hát Bội rất hấp dẫn, bởi hấp dẫn nên mới mê. Cũng phải thôi, không những thường dân mà ngay cả các hàng quan lại cho đến vua chúa (như Tự Đức) cũng mê Hát Bội, tham gia vào những việc làm cho Hát Bội hưng thịnh (thời triều Nguyễn).

Rất đông công chúng Bình Định mê xem hát Tuồng không chỉ để thưởng thức nghệ thuật đơn thuần mà còn thể hiện sự am hiểu, biết phân biệt cái đúng cái sai, chỗ hay chỗ dở.

Bài "Vè xem Hát Bội" sau đây là một dẫn chứng:

Nghe giục trống Kỳ

Rủ nhau mà đi

Đến làm chật chỗ

Lúc này không ngộ (hay)

Mới đánh đầu tuồng

Chạy thẳng vô buồng

Thấy hai chú tướng

Tướng này không sướng

Không bằng tướng kia

Ai dìa thì dìa (về)

Tui coi tới sáng.

Mà không chỉ biết bình phẩm nghệ thuật, họ còn nhớ cả những hình tượng biểu diễn của từng nhân vật trong tuồng (được liên tưởng thông qua bài tả cảnh người ghiền thuốc phiện đang nằm hút hít):

Tay cầm gươm bạc như Triệu Tử huơ đao

Miệng ngậm ống như Trương Phi ngậm tửu (rượu)

Mắt liếc đèn như Lưu Bị nhìn sao

Cẳng (chân) tréo ngoe như Khổng Minh ngôi xem sách.

Yêu quý - ham mê nghệ thuật Tuồng làm cho số đông trong công chúng Bình Định trở nên "sành điệu". Họ thuộc làu nhiều tuồng tích, thậm chí cả ý tứ văn chương; biết rõ nghệ sĩ, nghệ nhân nào diễn giỏi vai Đào, Kép, Lão, Tướng, Ninh hoặc Hề trong vở nào; biết vị nào là chức Chánh ca, Phó Ca, Đội, Nhưng, Bầu; và theo đó nhiều cá nhân, tổ chức đã thành những "mạnh thường quân" thực sự của nghệ thuật Tuồng.

Chẳng vậy mà phong trào Tuồng ở Bình Định rất mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng: có thời kỳ có tới trên 60 đội  Tuồng hành nghề khắc mọi nơi (vừa mang tính chuyên nghiệp, vừa dân dã), nhiều nghệ nhân nổi tiếng một vùng. Nghệ thuật Tuồng luôn được thỉnh mới hát đình, hát miễu, hát án (cầu ngư), hát lễ…, đã trở thành một tập tục văn hóa thiêng liêng từ xưa cho đến bây giờ. Ấy cũng là một số trong những điều để chúng ta hiểu vì sao Bình Định được mệnh danh là "Chiếc nôi của nghệ thuật Tuồng".

Thực tiễn cho thấy: Công chúng Bình Định với nghệ thuật Tuồng là mối quan hệ sinh - dưỡng, là nguồn cổ vũ hữu hiệu cho những người làm nghề, góp phần không nhỏ và sự nghiệp bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật dân tộc. Đây là nét sinh hoạt văn hóa rất tốt đẹp, đáng được khích lệ và cần được lưu truyền.

. Đào Duy Kiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ   (26/11/2004)
Tôi đi tìm việc làm thêm ở TP. Hồ Chí Minh   (26/11/2004)
Điều tra kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Bình Định   (26/11/2004)
Mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng đã bị lừa?   (26/11/2004)
Cà phê Quy Nhơn   (26/11/2004)
Thị trường lịch: Trầm lắng trước thềm năm mới   (26/11/2004)
La Vuông - Tiếng gọi của đại ngàn ...   (26/11/2004)
Nhọc nhằn "gieo" chữ giữa đại ngàn   (26/11/2004)
Trong tinh thần trọng học   (26/11/2004)
Thú câu cá đồng  (23/10/2004)
Săn trùn biển  (23/10/2004)
Một địa chỉ từ tâm  (23/10/2004)
Phù Cát hướng tới những cánh đồng chuyên canh  (23/10/2004)
Phụ nữ Việt Nam đồng hành cùng thời đại mới  (23/10/2004)
Phong trào phụ nữ qua nửa nhiệm kỳ đại hội  (23/10/2004)