Nhà giáo ưu tú Hồ Nghĩa: Người quản lý tận tụy
9:37', 26/11/ 2004 (GMT+7)

Trong điều kiện khó khăn của một trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp - dạy nghề (TT KTTH HNDN), bằng sự tận tâm, tận lực với công việc, ông Hồ Nghĩa, Giám đốc TT KTTH HNDN huyện Phù Cát đã luôn trăn trở tìm các giải pháp để giữ vững và phát triển công tác hướng nghiệp - dạy nghề cho học sinh (HS) trong huyện. Nhờ đó, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT).

Ông Hồ Nghĩa

Có một thực tế, HS hiện nay thường không mấy mặn mà với việc được hướng nghiệp- học nghề (HN-HN) do chưa xác định được động cơ học nghề một cách đúng đắn. Mặt khác, các TT còn quá nhiều khó khăn trong tổ chức, hoạt động; điều kiện về nhân lực, vật lực còn thiếu thốn, ngành, nghề bất cập, chậm đổi mới; mục tiêu hướng nghiệp chưa được quan tâm, chú trọng... Trong hoàn cảnh đó, nhiều giám đốc TT có tư tưởng buông xuôi để cho việc dạy và học nghề trở thành việc "được chăng, hay chớ". Ông Hồ Nghĩa lại không nghĩ như vậy. Với trách nhiệm của mình, ông đã trăn trở, suy nghĩ và năng động tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của TT. Trước thực trạng HS bỏ học nghề hàng loạt, ông Nghĩa đã suy nghĩ, phải chặn đứng lại bằng sự quan tâm và nhiệt tình vì các em. TT KTTH HNDN huyện Phù Cát đã chủ động ký hợp đồng trách nhiệm với hiệu trưởng các trường phổ thông có HS học nghề, trong đó, TT có trách nhiệm theo dõi sĩ số HS đến học trong từng buổi. Việc làm này không đơn giản như theo dõi sĩ số của một lớp học, bởi vì HS học nghề ở TT đến từ nhiều trường và được phân tán qua nhiều lớp học nghề khác nhau. Để theo dõi sĩ số HS, GV và bộ phận giáo vụ của TT đã phải nhận thêm một công việc phức tạp.

Muốn cho HS quan tâm đến việc học nghề thì trước hết các em phải được chọn nghề mà mình theo học. Không như một số TT khác, cứ ấn chỉ tiêu từng nghề xuống các trường để rồi buộc HS phải chấp nhận học, ông Nghĩa đã chỉ đạo GV chủ động nắm danh sách HS trong đối tượng học nghề ngay từ đầu năm học và tổ chức một buổi hướng nghiệp, giới thiệu các nghề, chương trình học... Sau đó, phát cho mỗi HS một phiếu đăng ký nguyện vọng (NV1, NV2). Nhờ đó, trong điều kiện có thể, hầu hết HS đã chọn được đúng nghề phù hợp.

Để động viên GV và HS thi đua dạy-học và tạo không khí sôi nổi trong các lớp, các nghề, TT đã thường xuyên phát động phong trào thi đồ dùng dạy học tự làm, thi GV dạy giỏi cấp trường và các hoạt động như thao giảng, dự giờ để tăng cường tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy của các GV. Riêng năm vừa qua, đã có 24 GV đạt giải cấp trường về đồ dùng dạy học; 7 GV đạt giải GV dạy giỏi cấp cơ sở; HS tiên tiến chiếm tỷ lệ 92%; 1.214 sản phẩm của HS làm ra đã bán được trên thị trường, thu về trên 24 triệu đồng. Do được tuyển chọn từ các trường phổ thông nên phần lớn GV mới đạt chuẩn về đào tạo sư phạm, chưa chuẩn về kỹ năng nghề. Để nâng cao chất lượng dạy và học, TT đã từng bước bố trí GV đi học chuẩn nghề tại các trường kỹ thuật theo nhiều hình thức: tại chức, đào tạo từ xa. Ông Hồ Nghĩa cho biết: "Chỉ hai năm nữa, đội ngũ GV của TT sẽ được chuẩn hóa về nghề".

Xác định nguyên nhân hiện tượng HS bỏ học nghề hàng loạt ở các TT một mặt là do tác động của phụ huynh. Các bậc cha mẹ chỉ muốn con em mình được "làm thầy" chứ không muốn "làm thợ". Trước thực trạng này, ông Hồ Nghĩa rất băn khoăn. Việc học nghề phổ thông hiện nay không có chế tài, do đó, muốn HS quan tâm đến học nghề thì trước hết, các em phải được sự động viên, hỗ trợ của phụ huynh. Và có lẽ, TT là đơn vị duy nhất tổ chức được Ban chấp hành Hội phụ huynh HS để cùng chăm lo việc học nghề cho con em mình. HS học nghề gì, nguyện vọng ra sao, trong hồ sơ xin học nghề gởi tại TT đều có ý kiến chấp thuận của phụ huynh.

Với những cố gắng của người quản lý, công tác dạy-học nghề tại TT vẫn liên tục phát triển trong khó khăn. Từ 759 HS với 5 nghề được tổ chức trong những ngày đầu mới thành lập (1995), đến nay TT đã mở được 140 lớp cho 12 nghề với 3.345 HS của 11 trường theo học. Tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp nghề chiếm 99,5%. Để kéo HS đến với mình, thay vì thụ động ngồi chờ, GV của TT đã trực tiếp đem máy móc về các trường xa như THCS Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Nhơn để tổ chức dạy nghề tại trường cho các em.

Ông Hồ Nghĩa sinh năm 1958 tại Cát Tân, Phù Cát.

Năm 1976-1978, ông học Trường CĐSP Nghĩa Bình, ra trường về giảng dạy môn Lý tại nhiều trường THCS ở huyện Phù Cát. Năm 1983-1988, ông tiếp tục học Đại học Tổng hợp Huế và về công tác tại TT Thí nghiệm thực hành huyện. Từ năm 1995 đến nay, ông làm Giám đốc TT KTTH-HNDN Phù Cát. Năm 2000 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.a

HNDN là một công tác đi trước, đón đầu, do đó, HS cũng không thể thích thú học nghề nếu thiết bị dạy nghề không được thường xuyên đầu tư bổ sung, cập nhật. Là thủ trưởng đơn vị, ông Hồ Nghĩa đã luôn trăn trở tìm biện pháp khắc phục. Trong chỉ đạo giảng dạy, ông luôn đảm bảo phôi liệu cho HS thực hành với tinh thần tiết kiệm, không lãng phí. Vì thế nên năm qua, TT đã để dành được hơn 75 triệu đồng mua bổ sung thiết bị nghề kéo điện 3 pha, thiết lập hệ thống điều hòa nhiệt độ phòng vi tính, mua thêm máy vi tính để giảng dạy tin học. Riêng đối với nghề thú y, TT có cơ sở chăn nuôi heo, gà, thỏ... để đảm bảo khâu thực hành vật nuôi từ bé đến trưởng thành.

Người quản lý giỏi còn phải biết quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của anh em, biết động viên cán bộ, GV vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Vẫn được tiếng là GV nhưng GV ở các TT KTTH HNDN chưa được HS và xã hội quan tâm đúng mức. Nhiều GV cảm thấy mặc cảm và buồn. Nắm bắt được tâm tư ấy, Giám đốc Hồ Nghĩa đã chú ý đến anh em hơn trong các ngày lễ, ngày Tết. Bên cạnh đó, nhờ phát huy được vai trò của Hội phụ huynh trong TT nên những năm gần đây, phụ huynh HS đã có nhiều hoạt động mang tính chất tình cảm, động viên đội ngũ CB,GV, CNV của TT. Bên cạnh đó, ông Nghĩa đã đề xướng thành lập quỹ "Tình thương", mỗi cán bộ, GV, CNV đóng góp 2 ngày lương/năm; quỹ "Giúp nhau vượt khó"... trong nội bộ nhà trường, từ đó đã tạo ra được môi trường "vòng tay đồng nghiệp", gắn kết tình đồng nghiệp trong đơn vị...

 Từ những kinh nghiệm trong công tác quản lý, ông Nghĩa đã viết nên nhiều sáng kiến kinh nghiệm có giá trị. Mới đây, ông đã hoàn thành đề tài "Thực trạng và giải pháp phát triển TT KTTH-HNDN Phù Cát trong giai đoạn mới, từ 2004-2010"…

Bằng tấm lòng yêu nghề, say mê và có trách nhiệm với công việc, ông Hồ Nghĩa đang từng bước biến những điều "không thể" thành "có thể". Trong công việc, ông luôn tâm niệm "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".

. Ngọc Quỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà giáo ưu tú Hồ Nghĩa: Người quản lý tận tụy   (26/11/2004)
Công chúng Bình Định với nghệ thuật tuồng   (26/11/2004)
Thơ   (26/11/2004)
Tôi đi tìm việc làm thêm ở TP. Hồ Chí Minh   (26/11/2004)
Điều tra kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Bình Định   (26/11/2004)
Mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng đã bị lừa?   (26/11/2004)
Cà phê Quy Nhơn   (26/11/2004)
Thị trường lịch: Trầm lắng trước thềm năm mới   (26/11/2004)
La Vuông - Tiếng gọi của đại ngàn ...   (26/11/2004)
Nhọc nhằn "gieo" chữ giữa đại ngàn   (26/11/2004)
Trong tinh thần trọng học   (26/11/2004)
Thú câu cá đồng  (23/10/2004)
Săn trùn biển  (23/10/2004)
Một địa chỉ từ tâm  (23/10/2004)
Phù Cát hướng tới những cánh đồng chuyên canh  (23/10/2004)