Kiên Mỹ, một làng quê nằm về phía tả ngạn sông Kôn thuộc huyện Tây Sơn, hình thành từ bao giờ và vì sao mang tên này? Khó có ai lý giải chính xác. Song ta có thể hiểu, đó là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, sơn thủy hữu tình; vùng đất được mệnh danh "Địa linh nhân kiệt", quê hương của ba anh em nhà Tây Sơn.
|
Lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn tặng cờ lưu niệm các làng, khu phố văn hóa và đánh trống khai mạc Liên hoan |
Kiên Mỹ trước kia là một thôn thuộc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Kiên Mỹ thuộc tổng Phú Phong - huyện Bình Khê - tỉnh Bình Định. Sau tháng 8 năm 1945, Kiên Mỹ cùng các thôn Phú Lạc, Thuận Nghĩa lập thành xã Kiên Thành, tổng Phú Phong, huyện Bình Khê. Năm 1947, tổng Phú Phong bị bãi bỏ và xã Kiên Thành được đổi tên thành Bình Thành có thêm các thôn Kiên Long, Kiên Ngãi, An Dõng. Sau ngày miền Nam được giải phóng, năm 1976 thành lập huyện Tây Sơn, năm 1979 tách thôn Kiên Mỹ ra khỏi xã Bình Thành để nhập vào thị trấn Phú Phong và gọi là Khối 1. Kiên Mỹ tồn tại với thời gian và cũng là mảnh đất có nhiều di tích, truyền thuyết gắn bó với lịch sử phong trào Tây Sơn.
Ngôi nhà của gia đình ba anh em Tây Sơn bị phá hủy sau khi triều Nguyễn Gia Long được thiết lập. Với tấm lòng ngưỡng mộ và sùng kính đối với các vị anh hùng dân tộc, dân làng Kiên Mỹ đã dựng trên nền nhà cũ ngôi đình Kiên Mỹ nhằm tưởng niệm ba ngài Tây Sơn. Để che mắt vua quan triều Nguyễn lúc bấy giờ, dân làng phải ngụy trang việc thờ cúng ba vị Tây Sơn bằng cách khai Thành Hoàng làng và xin sắc phong nhà Nguyễn về thờ (song thực tế sắc thần không thờ ở đình làng mà thờ ở miếu Vĩnh An thuộc xóm Chợ của Kiên Mỹ). Đình bị phá hủy trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp theo chủ trương "tiêu thổ kháng chiến".
Nghề buôn trầu ở Kiên Mỹ nổi tiếng và thịnh hành ở thời điểm lịch sử nhà Tây Sơn, vì thế bến Trường Trầu đã ra đời để đáp ứng quan hệ trao đổi buôn bán giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Bến nằm về phía tả ngạn sông Kôn, cách cầu Kiên Mỹ (cầu cũ) khoảng 300m về phía đông, thuộc địa phận xóm Trầu và xóm Hưng Hóa của Kiên Mỹ. Nguyễn Nhạc một thời với biệt danh "Anh Hai Trầu" xuôi ngược dòng sông Kôn buôn bán với đồng bào dân tộc thiểu số. Sau này, khi phong trào Tây Sơn chuẩn bị khởi nghĩa, bến Trường Trầu trở thành địa điểm liên lạc của nghĩa quân Tây Sơn. Bến Trường Trầu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử ngày 16-11-1988. Ngày nay do sự bồi lấp của dòng sông Kôn, bến Trường Trầu đã cạn, thuyền bè không cập bến được. Song, địa danh lịch sử cùng với những truyền thuyết về anh Hai Trầu vẫn sống mãi trong ký ức của nhân dân.
|
Trên cầu Kiên Mỹ những ngày Lễ hội Đống Đa (Tây Sơn) |
Cùng với bến Trường Trầu, dọc đường liên xã xuôi về đất truyền thống thượng võ An Vinh, cách Bảo tàng Quang Trung khoảng 300m về phía bắc có một địa danh rất quen thuộc: "Gò Đá Đen". Có lẽ xưa kia khu vực này được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp huyền bí, với những tảng đá màu đen thẫm đủ kích thước và hình dáng, nằm án ngữ trên một dải đất bằng phẳng. Lợi dụng địa hình này, năm 1773 Nguyễn Nhạc xây dựng khu luyện tập cho nghĩa quân Tây Sơn. Trải qua thăng trầm và biến cố lịch sử, các di tích thời Tây Sơn nói chung, di tích Gò Đá Đen nói riêng hầu như bị tàn phá dưới triều Nguyễn và trong chiến tranh. Ngày 16-11-1988, Gò Đá Đen được Bộ văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa.
Kế tục truyền thống cha ông, nhân dân Kiên Mỹ rất dũng cảm kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Kiên Mỹ đã cùng đồng bào cả nước đứng lên đấu tranh chống áp bức, bất công, đòi các quyền dân sinh, dân chủ, tiến lên làm cách mạng, giành độc lập, tự do cho đất nước.
Cùng với quá trình khai khẩn, phát triển nông nghiệp, người dân Kiên Mỹ biết lợi dụng địa hình tự nhiên tạo nên những con đập, con mương đưa nước về tưới tiêu cho đồng ruộng như đập Thủy Làng, đập Lỗ Ổi, mương Văn Phong (Văn Phong là tên của vị tiền hiền có công đứng ra khai mương, đắp đập) chảy uốn lượn qua khuôn viên Bảo tàng Quang Trung, tạo khung cảnh nên thơ hấp dẫn đối với du khách tham quan bảo tàng, đồng thời còn là hệ thống thủy lợi rất quan trọng, cung cấp nước tưới cho một vùng đồng bằng rộng lớn.
Kiên Mỹ xưa có 7 xóm, mỗi xóm có đặc điểm mang tên các nghề thủ công hoặc buôn bán. Ngày nay do ảnh hưởng kinh tế thị trường, ngành nghề truyền thống ở đây có phần mai một. Xóm Rèn (Hưng Nguyên), xưa kia tưng bừng trong không khí làm nghề rèn dao, cuốc, thuổng… và một số dụng cụ bằng sắt để trao đổi, mua bán với đồng bào thiểu số. Về sau có lẽ do thu nhập không cao, nên nghề rèn ở đây không tồn tại nữa. Xóm Trầu (Hưng Hòa) có bến Trường Trầu bên bờ sông Kôn, ngày xưa bến được xem là tụ điểm trong việc trao đổi, mua bán trầu cau giữa miền núi rừng cao nguyên và đồng bằng. Sau này bến cạn, nghề buôn trầu không còn nữa, một số người xóm Trầu nhập vào xóm Rèn, xóm Đậu. Hiện nay, ngoài nông nghiệp, để tăng thu nhập cho gia đình, cư dân xóm này có thêm nghề trồng rau xanh… Xóm Đậu, xa xưa dân Kiên Mỹ đã biết tận dụng sản phẩm địa phương, từ hạt đậu nành với phương pháp thủ công, đã chế biến ra những khuôn đậu miếng thơm ngon, cung cấp cho thị trường thị trấn Phú Phong và các vùng lân cận. Vì thế, mãi cho đến bây giờ, nghề làm đậu ở đây vẫn đứng vững và tồn tại với thời gian. Xóm Bún (Hưng Bửu), dân ở đây có nghề làm bún và bánh hỏi, bánh tráng… Hiện nay vẫn còn hơn 50% số hộ của xóm làm nghề này. So với thời trước, nghề làm bún bây giờ đỡ vất vả hơn mà thu nhập lại khá hơn vì người dân đã đưa kỹ thuật máy móc vào khâu chế biến.
Từ xóm Bún đi theo con đường rải nhựa dẫn đến Bảo tàng Quang Trung. Đến đây du khách sẽ tận hưởng không khí mát mẻ trong lành của khuôn viên xinh đẹp được quy hoạch hài hòa theo tổng thể khu di tích. Trước đây, địa điểm này là nơi buôn bán tấp nập của người dân xóm Chợ, gọi là chợ Kiên Mỹ, là chợ lớn nhất trong vùng lúc bấy giờ. Đây là chợ họp theo phiên 6 lần mỗi tháng. Chung quanh chợ có phố xá buôn bán nên thường xảy ra hỏa hoạn, vì vậy dân xóm Chợ lập miếu Hỏa Đức thờ thần Lửa. Mãi đến năm 1961 - 1962, chợ Kiên Mỹ mới thực sự không còn sử dụng nữa. Năm 1977, quy hoạch thôn xóm và lập Công viên Bảo tàng Quang Trung, một số hộ dân xóm Chợ chuyển vào xóm Mới (xóm Núi). Xóm Ươm (Hưng Hóa), có nghề trồng dâu - nuôi tằm - kéo sợi từ lâu đời. Sau năm 1954 đến nay, nghề này sa sút dần, những năm gần đây có phục hồi và phát huy làng nghề truyền thống này. Xóm Mía (Hưng Thạnh) có nghề trồng mía - nấu đường. Hiện nay Kiên Mỹ có trên 6 ha ruộng mía, khoảng 1/4 số hộ trong xóm tiếp tục phát triển nghề trồng mía để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy đường thuộc Công ty Cổ phần Đường Bình Định.
Kiên Mỹ còn được xem là một trong những làng võ cổ truyền, trung tâm nổi tiếng về võ thuật với dòng võ Tây Sơn độc đáo (18 môn binh khí cổ truyền). Ở đây luyện võ đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, cha truyền con nối, người dân có truyền thống thượng võ.
Kiên Mỹ, một mô hình làng xã mang đặc trưng văn hóa Bình Định và hơn thế nữa, bởi nét riêng biệt mà diễn trình lịch sử tạo nên:
"Cây me cũ, bến Trầu xưa
Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm"
Con người Kiên Mỹ đôn hậu, nhân từ, có truyền thống đấu tranh cách mạng. Non nước - Con người Kiên Mỹ đúng như tên gọi; kinh tế Kiên Mỹ ngày càng phát triển vững chắc; văn hóa đa dạng, phong phú; giàu tiềm năng phát triển du lịch. Ngày 26-6-2002, UBND tỉnh đã công nhận danh hiệu Làng văn hóa Kiên Mỹ, một mô hình làng văn hóa đặc trưng ở Bình Định.
. Nguyễn Văn Ngọc
|