So với các trung tâm cờ như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Công an..., bộ môn Cờ tướng Bình Định thuộc "hạng sinh sau, đẻ muộn", nhưng đã sớm trở thành một trong những trung tâm mạnh của làng cờ Việt Nam. Tuy nhiên, Cờ tướng Bình Định cũng từng trải qua không ít thăng - trầm...
* Một thời vang bóng
|
Kỳ thủ Châu Thị Ngọc Giao (bên trái) tại một giải vô địch cờ tướng hạng nhất quốc gia |
Ngay từ trước năm 1975, làng cờ tướng Bình Định từng có những kỳ thủ nổi danh khắp miền Trung, trong đó có "quái kiệt" Minh Trưng. Thế nhưng, mãi đến năm 1987, bộ môn Cờ mới được Sở TDTT Bình Định cho thành lập. Người đầu tiên có công đặt nền móng, xây dựng nên bộ môn Cờ là HLV Tôn Thất Lương Chính. Tuy vậy, thời gian đầu, môn Cờ được hình thành không phải môn Cờ tướng truyền thống, mà lại là môn Cờ vua. Và, cũng phải đến 8 năm sau, môn Cờ tướng Bình Định mới chính thức "trình làng". Thời gian đầu, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, HLV Tôn Thất Lương Chính đành phải "liệu cơm gắp mắm", chọn VĐV từ chính lực lượng ở môn Cờ vua. Thật đúng là "vạn sự khởi đầu nan". Trong số những VĐV đầu tiên được huấn luyện môn Cờ tướng có Châu Thị Ngọc Giao và Hoàng Hải Bình. Chỉ sau vài tháng nhập môn, các kỳ thủ Bình Định đã được thầy Chính cho "xuống núi", tham dự Giải Cờ tướng Đại hội TDTT toàn quốc, tổ chức tại TP Đà Nẵng (tháng 5-1995). Thật bất ngờ, ngay trong lần xuất quân đầu tiên, các nữ kỳ thủ Bình Định đã thi đấu ngang ngửa trước các cựu kỳ thủ như Lê Thị Hương, Ngô Lan Hương, Lý Thanh Phương…(TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Phi Liêm… (Hà Nội)… Kết quả, các nữ kỳ thủ Bình Định đã xuất sắc đoạt Huy chương bạc (HCB) đồng đội nữ. Riêng nữ kỳ thủ Châu Thị Ngọc Giao đã đoạt HCĐ. Chỉ 2 tháng sau (tháng 7-1995), tại Giải Cờ tướng Trẻ - Thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc, một lần nữa các kỳ thủ Bình Định lại làm cho làng cờ tướng Việt Nam phải sửng sốt. Tại giải cờ tướng lần này, các kỳ thủ Bình Định đã xuất sắc đoạt 5/10 HCV và 2 HCĐ. Với kết quả trên, các kỳ thủ trẻ Bình Định đã "qua mặt" cả 2 trung tâm cờ tướng mạnh là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để xếp thứ nhất toàn đoàn. Chưa đầy 1 năm sau (1996), Cờ tướng Bình Định lại chứng tỏ sức trẻ trung của mình. Lần đầu tiên, tại Giải vô địch Cờ tướng hạng nhất quốc gia - 1996 tổ chức tại thủ đô Hà Nội, các kỳ thủ Bình Định đã đoạt HCB đồng đội nữ và được xếp thứ nhì toàn đoàn (sau TP Hồ Chí Minh). Trong đó, kỳ thủ Châu Thị Ngọc Giao đã đoạt HCB cá nhân. Riêng "quái kiệt" Nguyễn Minh Trưng, lần đầu tiên tham dự giải đã được phong danh hiệu "Kiện tướng". Kể từ đó, liên tiếp các năm 1997, 1998, 1999, tại các giải cờ tướng quốc gia, các kỳ thủ Bình Định liên tục gặt hái được những kết quả đáng mừng và giữ vững ngôi vị là một trong những trung tâm cờ tướng mạnh của cả nước. Đặc biệt, riêng 2 nữ kỳ thủ Châu Thị Ngọc Giao và Hoàng Hải Bình thay phiên nhau độc chiếm ngôi vị vô địch (Ngọc Giao vô địch năm 1998, Hải Bình vô địch năm 1999)….
* Vượt cản để tạo dựng một thế đứng
Giữa lúc Cờ tướng Bình Định đang gặt hái được những kết quả khả quan và có một vị trí nhất định trong làng cờ Việt Nam thì bỗng nhiên chững lại và có biểu hiện thụt lùi. Thời điểm "thoái trào" là từ năm 2000. Tại Giải vô địch Cờ tướng hạng nhất quốc gia - 2000, từ ngôi vị "chiếu trên", Cờ tướng Bình Định trở nên "thất bát", thậm chí không giành được tấm huy chương nào. Không chỉ có vậy, ngay cả 2 cựu vô địch Châu Thị Ngọc Giao, Hoàng Hải Bình cũng trở nên yếu thế (Giao xếp ở vị trí thứ 6, còn Bình ở vị trí thứ 9). Ở bảng nam, các kỳ thủ Bình Định còn "thảm" hơn. Đơn cử như Văn Dũng xếp thứ 30/38, Quang Nhật: 32/38, Quang Hiển: 35/38 và Tấn Tình: 38/38… Sau đó, làng cờ tướng Bình Định lại liên tiếp gặp những cản trở, khó khăn. Lão kỳ thủ Minh Trưng giã từ "cuộc chơi". Tiếp theo đó, cựu vô địch Hoàng Hải Bình cũng từ giã làng cờ tướng Bình Định. Điều đáng nói, Hải Bình lại đầu quân cho chính "đối thủ nặng ký của Bình Định" - làng cờ tướng TP Hồ Chí Minh, nên Cờ tướng Bình Định vốn đã khó khăn lại càng trở nên gian khó.
Trước bối cảnh khó khăn, cùng với Ban huấn luyện, HLV Tôn Thất Lương Chính đã từng bước chấn chỉnh đội hình, củng cố lại lực lượng và cải tiến, đổi mới phương pháp huấn luyện, quản lý VĐV… Cứ như vậy, Cờ tướng Bình Định từng bước hồi sinh, phát triển. Liên tiếp các năm 2002, 2003, 2004, Cờ tướng Bình Định lại tạo dựng được vị thế của mình. Vừa qua (10-2004), Giải vô địch Cờ tướng đồng đội năm 2004 tổ chức tại TP Cần Thơ, các kỳ thủ Bình Định đã vào trận với một tinh thần quyết tâm cao. Tham dự giải có 92 kỳ thủ (20 nữ) của 11 đoàn, thuộc các tỉnh, thành, ngành, đơn vị trong toàn quốc. Theo điều lệ giải, các VĐV thi đấu theo thể thức hệ Thụy Sỹ (nam 11 ván, nữ 9 ván). Đội tuyển Bình Định gồm có 10 thành viên (2 HLV, 8 VĐV) tham dự giải, trong đó có 4 kỳ thủ nam và 4 kỳ thủ nữ. Kết quả, đội tuyển Cờ tướng Bình Định đã đoạt HCB đồng đội nữ. HCV đồng đội nữ đã thuộc về đoàn TP Hồ Chí Minh và HCĐ thuộc về đoàn Bộ Công an. Ngoài tấm HCB đồng đội nữ, đội tuyển Cờ tướng Bình Định còn đoạt HCB và HCĐ cá nhân nữ, do công của Hồ Thị Thanh Hồng (HCB) và Châu Thị Ngọc Giao (HCĐ). Với kết quả trên, đội tuyển Cờ tướng Bình Định đã được xếp vị trí thứ ba toàn đoàn.
Có thể nói, giờ đây, làng cờ tướng Bình Định đã tìm lại hào quang xưa và từng bước tạo dựng được thế đứng của mình. Làm gì để thế đứng này luôn luôn bền vững? Đó chính là vấn đề đặt ra đối với Ban huấn luyện bộ môn Cờ Bình Định và cũng chính là trách nhiệm đối với mỗi VĐV cờ tướng tỉnh nhà.
. Viết Hiền |