Tiệc trà của người Nhật - Nét văn hóa truyền thống độc đáo
9:52', 26/11/ 2004 (GMT+7)

Cách thức dùng trà của người Nhật, được gọi là cha-no-yu, sado hay chado là một nghi lễ văn hóa truyền thống có nguồn gốc từ Trung Quốc, được một nhà sư mang sang Nhật. Việc uống trà rất phổ biến trong giới tu sĩ và đã lan sang các samurai của Nhật vào thế kỷ thứ 12.

Tại một buổi tiệc trà

Cha-no-yu có nghĩa đen là nước nóng dùng để pha trà, thường được dùng chỉ các nghi lễ giản đơn; từ sado hoặc chado là cách uống trà, chỉ việc nghiên cứu hoặc các học thuyết về cách dùng trà. Nền tảng của chado dựa trên 4 yếu tố chính là WA, KEI, SEI và JAKU, trong đó WA tượng trưng cho sự hài hòa, KEI cho sự tôn kính, SEI cho sự tinh khiết, và JAKU cho sự bình thản.

Tiệc trà truyền thống Nhật Bản không có nhiều nghi thức rườm rà mà chỉ là sự tập hợp bạn bè để dùng trà và một bữa ăn nhỏ trong một không gian yên tĩnh. Tuy nhiên, buổi tiệc đem lại cho những người thưởng thức sự thư giãn cần thiết trong vòng quay đời sống thường nhật, giúp họ đến gần hơn với thiên nhiên và tạo sự gần gũi với bạn bè. Nó là cách tách rời con người ra khỏi những công việc trần tục diễn ra ngày này qua ngày khác để đạt được, dù chỉ trong một thời gian ngắn, sự bình lặng và yên ổn trong tâm khảm.

Người phục vụ trà phải có hiểu biết rộng về các loại trà, về thuật viết chữ đẹp, nghệ thuật trang trí hoa, dùng đồ gốm cùng nhiều nghệ thuật truyền thống khác bên cạnh việc pha trà. Các khách mời trong một buổi tiệc trà cũng phải có những kiến thức cơ bản về sado, bao gồm lời ăn, tiếng nói, cách đi đứng và cách cư xử chung trong phòng trà.

* Chuẩn bị cho một buổi tiệc trà

Chủ nhà viết thiệp mời khách, nêu rõ mục đích, thời gian và địa điểm. Nếu chấp thuận, khách phải viết thư trả lời và đến thăm chủ nhà để bày tỏ sự biết ơn về lời mời vào ngày trước khi bữa tiệc diễn ra. Nếu không có thời gian, khách có thể gọi điện hoặc viết thư. Khách thường đến sớm và ngồi trong phòng chờ. Tại đây, họ sẽ được phục vụ nước nóng và cùng nhau bàn luận chọn ra một người làm trưởng nhóm. Sau đó, khách đi ra vườn và ngồi đợi trên băng ghế trước một cái cổng vòm cho đến khi được mời vào.

Trước khi ra đón khách, chủ nhà rửa tay và miệng bằng nước sạch trong một chiếc chậu đá. Khách và chủ nhà chỉ cúi đầu chào nhau, không nói lời nào. Sau đó, chủ nhà dẫn khách đi bộ qua cổng vòm tượng trưng cho chiếc cửa ngăn cách giữa thế giới trần tục và thế giới tâm linh của trà. Khách sẽ rửa tay và miệng ở chậu nước và đi vào phòng trà qua một cái cửa nhỏ chỉ cao có 90 cm. Vì vậy, tất cả họ đều phải cúi đầu và thu nhỏ người lại. Việc này có ý nghĩa nhắc nhở con người là những sinh vật khiêm tốn trong vũ trụ bao la và mọi người đều bình đẳng như nhau. Chủ nhà đợi cho đến khi tất cả khách mời ngồi xuống rồi mới bước vào.

* Phòng uống trà

Phòng uống trà là một căn lều nhỏ ở bên ngoài khu nhà chính, được thiết kế dành riêng cho các buổi tiệc trà. Căn phòng được làm bằng các vật liệu đơn giản và không trang trí nhiều. Ở góc phòng treo một bức tranh viết chữ nghệ thuật, đã được chủ nhà lựa chọn cẩn thận để diễn tả chủ đề của buổi tiệc. Tất cả đồ dùng và dụng cụ bằng sơn mài, tre, và gốm được dùng cùng nhau để đạt được sự hài hòa trong những nét tương phản.

Chủ nhà ngồi xuống, chào hỏi khách rồi nhóm bếp và bỏ bột trầm vào lửa nếu khí hậu bên ngoài lạnh. Vào mùa nóng, bếp lửa được nhóm sau bữa ăn cùng trầm đàn hương.

* Bữa ăn

Các đĩa dọn thức ăn đều bằng gốm và được trưng bày trong những chiếc khay sơn mài đen với những đôi đũa làm bằng gỗ tùng. Bữa ăn gồm có 3 món: cơm trắng trong tô gốm ăn kèm với các món khác, soup miso trong tô sơn mài, và đồ chua trong dĩa gốm. Khách dùng bữa với rượu sakê và rượu gạo. Và cuối cùng là đồ ngọt, thường làm bằng bột đậu. Sau khi ăn xong, chủ nhà mời khách ra nghỉ ngoài vườn để chuẩn bị cho tiệc trà.

Khi các vị khách vừa ra ngoài, chủ nhà nhanh tay tháo bức tranh xuống và thay bằng một chùm hoa. Căn phòng được quét dọn và bày biện lại. Hơn 13 vật dụng dùng để uống trà được dọn ra, mỗi vật dụng mang một nét nghệ thuật khác nhau.

* Thế giới tâm linh của trà

Trong tiệc trà, nước tượng trưng cho âm (trong thuyết âm dương Trung Quốc), lửa cho dương. Matcha hay trà xanh dạng bột được cất trong hộp gốm đựng trong túi bạc. Thông thường, nếu tiệc trà diễn ra vào ban ngày thì chủ nhà đánh chiêng mời khách trở lại phòng trà, nếu ban đêm thì rung chuông. Khách sẽ rửa tay và miệng một lần nữa rồi bước vào phòng theo lối cũ. Họ sẽ khen ngợi chùm hoa, bình thủy, lò sưởi và cùng ngồi xuống.

Chủ nhà bước ra tay cầm tô trà, que khuấy trà, muỗng xúc trà và một cái khăn sạch để lau tô và hộp trà. Tất cả đồ vật này được đặt gần một bình nước sạch tượng trưng cho mặt trời (dương), cái tô tượng trưng cho mặt trăng (âm).

Chủ nhà dùng khăn lau sạch hộp trà và muỗng rồi rót nước nóng vào tô, dùng que chùi sạch. Kế tiếp, xúc trà vào tô, đổ nước sôi vào rồi khuấy đều cho đến khi nước trong tô sủi bọt và có màu xanh. Trà được pha đặc gần giống như súp đậu. Khuấy xong, chủ nhà chuyển tô trà cho trưởng nhóm. Khách uống vài ngụm, lấy khăn lau vành tô và chuyển cho vị khách khác.

Khi tất cả khách đã uống xong, tô được trao lại cho chủ nhà. Người này sẽ lau tô, hộp trà và muỗng xúc trà sạch sẽ. Cả chủ nhà và

* Chuẩn bị tiễn khách

Bếp lửa tiếp tục được nhóm để chuẩn bị cho một lần uống trà nữa. Lần này để tiễn khách rời khỏi thế giới tâm linh của trà để quay trở lại thế giới trần tục. Thuốc lá được đem ra mời khách, nhưng hiếm khi người ta hút thuốc trong phòng trà.

Trà phục vụ có cách làm tương tự như lần trước nhưng được pha loãng hơn. Tô uống trà được trang trí cầu kỳ hơn và mỗi vị khách dùng trà trong một tô riêng.

Kết thúc buổi tiệc, khách cảm ơn về buổi tiệc và bày tỏ sự khâm phục về óc nghệ thuật của chủ nhà. Chủ nhà cũng cảm ơn sự có mặt của khách và tiễn họ ra tận cửa rồi nhìn theo đến khi họ mất hút.

* Nghiên cứu về trà mất rất nhiều thời gian và công sức, có khi phải nghiên cứu cả một đời. Tuy nhiên, nghệ thuật dùng trà của người Nhật đã trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo giống như tác giả Kakuzo Okakura đã viết trong tuyệt tác Cuốn sách về trà năm 1906 rằng: "Không một màu sắc nào làm xáo trộn sắc màu của căn phòng, không âm thanh nào phá vỡ nhịp điệu của mọi vật, không một cử chỉ nào phá vỡ sự hài hòa, không một từ ngữ nào phá vỡ sự hợp nhất của cảnh vật xung quanh, tất cả được hòa quyện đơn nhất và tự nhiên - tất cả những điều đó là mục đích của một buổi tiệc trà".

. Hiểu Nhi (biên dịch)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những vụ cướp giật trên địa bàn An Nhơn đang được làm rõ   (26/11/2004)
Cờ tướng Bình Định - Hành trình tạo dựng một thế đứng   (26/11/2004)
Bán đảo Sơn Trà   (26/11/2004)
Vòng tay độ lượng   (26/11/2004)
Làng Kiên Mỹ   (26/11/2004)
Nhà giáo ưu tú Hồ Nghĩa: Người quản lý tận tụy   (26/11/2004)
Nhà giáo ưu tú Hồ Nghĩa: Người quản lý tận tụy   (26/11/2004)
Công chúng Bình Định với nghệ thuật tuồng   (26/11/2004)
Thơ   (26/11/2004)
Tôi đi tìm việc làm thêm ở TP. Hồ Chí Minh   (26/11/2004)
Điều tra kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Bình Định   (26/11/2004)
Mặt hàng đóng gói sẵn: Người tiêu dùng đã bị lừa?   (26/11/2004)
Cà phê Quy Nhơn   (26/11/2004)
Thị trường lịch: Trầm lắng trước thềm năm mới   (26/11/2004)
La Vuông - Tiếng gọi của đại ngàn ...   (26/11/2004)