Sinh ra và lớn lên tại xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, trung tá Phan Hùng Vương (tên thật là Phan Văn Nửa) là con thứ trong một gia đình có hai liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc thân yêu. Cũng giống như người chị gái và người anh trai nguyên là du kích mật đã hy sinh, ông Vương cũng nung nấu chí căm thù, quyết tâm trở thành người chiến sĩ dù biết rằng cuộc chiến đấu với quân thù không kém phần cam go, ác liệt và chấp nhận cả hy sinh.
|
Trung tá về hưu Phan Hùng Vương |
Bây giờ ở cái tuổi 76 nhưng trung tá Phan Hùng Vương còn nhớ như in những ngày tháng lịch sử cùng đồng đội kề vai sát cánh trong những trận đánh vang dội cách đây gần 50 năm.
Nhập ngũ năm 1949 rồi làm Tiểu đội trưởng và xạ thủ SKZ, ông đã tham gia đánh Pháp, cùng đồng đội tiêu diệt được 6 đồn, 6 lô cốt, 2 pháo đài tại Bình Định và Quảng Nam. Bước chân ông đã từng đi qua bao địa danh và ghi dấu những chiến công, từ khi là Tiểu đội trưởng rồi Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 108, Huyện đội trưởng Phù Mỹ, hay đến khi làm Tham mưu phó Tỉnh Đội Bình Định, kiêm Thị đội trưởng Quy Nhơn, Chính trị viên, Chỉ huy trưởng mặt trận Khu Đông, lúc nào cũng thường trực trong ông một quyết tâm đánh địch và tiêu diệt chúng đến cùng. Bản thân ông là thương binh hạng 3/4 và đã 9 lần được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ diệt Mỹ, ngụy, nhiều lần được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua và rất nhiều huân, huy chương các loại từ hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, trong đó có Huân chương Quân công và Huân chương Độc lập hạng III.
Những tháng ngày đáng ghi nhớ ấy đã trôi qua gần 50 năm nhưng trong ký ức của người lính già hôm nay vẫn vẹn nguyên những tình cảm đối với quê hương đất nước, với đồng đội người còn, người mất và với cả những chiến công mà ông đã cùng đồng đội khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ. Lúc ấy, chúng đã treo giải thưởng cho ai bắn chết hoặc bắt sống ông Vương với khoản tiền thưởng là 300.000 đồng tiền ngụy. Nhưng với phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, với ý chí sắt đá trước quân thù, với lòng can đảm, sự khéo léo thông minh trong thế trận nên được nhân dân tin yêu, chở che. Ông Vương đã khiến quân thù phải mất ăn mất ngủ khi cùng đồng đội giải phóng 7 xã Khu Đông (Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Cát, Mỹ Thọ, Mỹ Tài, Mỹ Đức) của huyện Phù Mỹ trong vòng một tháng và liên tục diệt ác, phá kềm; vận động quần chúng, thành lập các cơ sở của ta và động viên nhân dân không để địch tản dân. Cuộc chiến giữa ta và địch ngày càng ác liệt và người Huyện đội trưởng Phan Hùng Vương luôn là người lính gương mẫu đi đầu trong mọi trận đánh và ông cũng đã cùng đồng đội thiết lập được những phương án tác chiến thông minh và khôn khéo trong lòng địch.
Trong tâm trí ông, vẫn còn in đậm trận đánh năm 1966 tại xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ), diệt và bắt sống toàn bộ 4 trung đội dân vệ, 5 trung đội bảo an, bắn rơi 2 máy bay địch tại thôn An Xuyên. Thế nhưng, có lẽ trận đánh mà ông nhớ nhất là trận tập kích vào kho đạn Đèo Son tại Quy Nhơn vào năm 1971. Sau 6 tháng chuẩn bị trận địa, vận chuyển vũ khí, đạn dược phục vụ chiến đấu, tháng 2-1971 trận đánh mở màn. Trận này gồm 2 đợt tập kích: đợt thứ nhất diễn ra vào tháng 2-1971, trong 3 ngày, 3 đêm ta đã tiêu diệt 1 trung đội Mỹ, trên 100 tên lính bảo an ngụy, đánh cháy 30 kho thuốc nổ C4 cùng nhiều vũ khí trang bị khác của địch, tạo tiếng vang lớn cho phong trào cách mạng lúc bấy giờ; đợt thứ 2 vào tháng 6-1971, trong 2 ngày ta đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng.
Sự kiện này nối tiếp sự kiện khác và ông Vương như trẻ lại với cái tuổi 40 ngày ấy. Ông không thể nhớ nổi mình đã tham gia phá được bao nhiêu ấp chiến lược và đồn bốt của địch, chỉ biết rằng cuộc đời binh nghiệp của ông đã từng vào sinh ra tử, tham gia hơn 300 trận đánh lớn nhỏ, nhiều khi tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc, một mình ông phải đối chọi với hàng chục tên lính Nam Triều Tiên…
Trong ký ức của ông Vương vẫn còn những khoảng lặng dành riêng cho những đồng đội đã hy sinh. Ông luôn nhớ về đồng đội của mình với những kỷ niệm đẹp nhất và những cái chết anh hùng nhất. Ông tâm sự: "Ngay bản thân tôi cũng có lúc do dự, băn khoăn, cũng có lúc nghĩ đến cái chết nhưng vì tình yêu quê hương đất nước, vì lý tưởng cách mạng, vì con đường mà tôi đã chọn đi theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu nên tôi lại hăng hái, quyết tâm chiến đấu với kẻ thù đến hơi thở cuối cùng và chấp nhận hy sinh…".
Trong câu chuyện của ông có lúc buồn, lúc vui, có lúc nhớ, lúc quên, nhưng những chiến công vang dội của ông và đồng đội chắc chắn sẽ là những kỷ niệm đẹp và khó phai trong tâm tưởng của người lính già hôm nay. Chúng tôi, những thế hệ hậu sinh vô cùng cảm phục và biết ơn những người lính như ông Vương, những con người bình dị mà phi thường.
. Như Ngọc |