Trên tuyến đò biển Quy Nhơn - Nhơn Lý, lộ trình từ Hòn Khô (xã Nhơn Hải) đến Mũi Kìm (xã Nhơn Lý), khách đi đò thường thấy lô nhô trên mặt biển những nọc tre trông như những… "nòng pháo phòng không". Đấy chính là những ngọn chà của bà con ngư dân 2 xã Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) thả xuống biển để "dụ" cá và đánh bắt cá.
|
Chắn đăng bắt cá |
Có thể nói, "thả chà" là một "sáng tạo đặc biệt" của ông cha ta từ hàng trăm năm nay. Nó đã được ngư dân nhiều nơi - đặc biệt là ngư dân Bình Định - vận dụng, duy trì và phát triển trong việc đánh bắt cá, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.
"Thả chà" là một công việc vừa mang tính "khoa học" độc đáo, vừa mang tính truyền thống, dân dã… Đó là dùng cây, lá… kết thành mảng thả xuống biển, tạo thành một "vùng rạn nhân tạo" để đón cá, "nuôi cá", làm nơi cho cá "đứng" (cá ở); để rồi sau đó dùng mành, lưới đánh bắt chúng. Nét đặc trưng và độc đáo của nghề này là: ngư dân có thể di chuyển những "vùng rạn nhân tạo" của mình lên-xuống-vô-ra-lộng-khơi… tùy thích để có thể "đón lỏng" những bầy, đàn cá khi di chuyển theo mùa vụ mà… "nhập chà".
Làm và thả xong một cây chà xuống biển là cả một quá trình lao động cực kỳ vất vả và nặng nhọc, đòi hỏi phải có đông lao động thạo việc. Nghề thả chà được phân chia thành bốn công đoạn chính sau đây:
* Thiết kế cội chà
Phần này có thể nói là khá đơn giản. Người ta chọn từ 5 đến 7 cây tre thật dài và thật suôn (thẳng) nhưng phải là loại tre nhặt mắt, đặc ruột, rồi dùng dây rừng (đã qua ngâm nước lâu ngày) hoặc dây mây có độ dẻo và độ bền tốt, bó chặt chúng lại. Cứ từ 1 đến 1,2m là có một ruột dây bó ngang, suốt từ gốc tới ngọn. Kế đến, người ta dùng khoảng 10 đến 15 gốc tre có độ dài bằng nhau, mỗi gốc dài chừng 3m, đem bó ốp xung quanh gốc cội chà để gia cố và tăng cường thêm sức nổi, sức nâng của cây chà khi được thả xuống biển.
Ở nuột dây cuối cùng sát với gốc cội chà (thường được bện bằng một nuột dây rất to, bằng cổ chân người lớn), người ta "léo" vào đó từ 4 đến 5 cái "tai" (khoen) cũng bằng dây rừng, đường kính khoen khoảng 30cm dùng để buộc những sợi dây đá, giữ cho cây chà ít bị di chuyển trước những dòng hải lưu cực mạnh của biển. Đến đây, phần thiết kế cội chà coi như hoàn chỉnh.
* Đánh lá
Đánh lá (có nơi, có chỗ, có địa phương còn gọi là "bện" lá chà), xét về cơ bản cũng nhẹ nhàng thôi nhưng đòi hỏi người tham gia phải chịu khó, tỷ mẩn và khéo léo… Vì vậy, nhiều nơi công đoạn này thường sử dụng lao động nữ, có phân công người chỉ huy để kiểm tra và giám sát thường xuyên.
Người ta chăng một sợi dây thừng (thường được bện bằng dây rừng hoặc dây mây) dài từ 20 đến 30 sải tay người lớn, to bằng cườm tay ra trên bãi biển. Sau đó dùng lá của cây chà là (hoặc lá dừa được rọc lá và đước ngâm nước mặn lâu ngày) trở đầu lại với nhau, gốc đấu vào giữa, ngọn lá tè ra hai bên, đặt lên giữa sợi dây thừng này làm nhiều chỗ, mỗi chỗ 5-6 lá cách nhau chừng hai gang tay, rồi dùng lạt mây hoặc lạt giang, lạt tre… bện, léo đều vào dây thừng; lấy dây thừng làm điểm tựa, làm trục trung tâm. Ở hai đầu dây thừng, người ta chừa ra một đoạn chừng một sải tay để khi thả chà, một đầu dây được buộc vào "tai" của cội chà, đầu còn lại buộc vào một hòn đá to, nặng cả tạ. Khi sợi dây chà được "tếch" xong, nó giống như một chiếc lông công khổng lồ được đặt nằm dài trên bãi biển. Khi đã hoàn chỉnh dây lá, người chỉ huy hướng dẫn cho đám thợ cuộn gọn nó lại theo cách cuốn chiếu để dễ bề vận chuyển ra thuyền chờ ngày thả chà và tiếp tục cho làm tiếp các dây khác.
* Làm đá
Làm đá còn được gọi là… "dộng đá", là một công đoạn khá nặng nhọc, vất vả nên thường được phân công cho đám trai tráng khỏe mạnh, lực lưỡng đảm nhận. Đầu tiên họ dùng thuyền ra các đảo xa để tìm và chọn những hòn đá có hình quả trám, hình hột xoài… có độ nhám, độ ma sát cao, mỗi hòn nặng cả tạ, rồi chở về bến và xúm nhau vần, lăn lên bãi biển. Sau đó, họ dùng các loại dây rừng có độ bền, độ dẻo và chịu nước tốt, đánh thành 2 chiếc niền một lớn, một nhỏ lồng vào nhau như xích chó: niền lớn để tròng vào hòn đá, niền nhỏ dùng làm "khoen" để buộc dây lá vào khi thả chà. Họ dựng đứng hòn đá trên bãi cát, tròng niền lớn vào hòn đá rồi dùng hệ thống "con nêm" và chày vồ bằng gỗ dộng đều xung quanh niền để từng bước đưa niền vào đúng giữa hòn đá mới thôi. Từ thực tiễn lao động nặng nhọc này của khâu làm đá mà từ nhiều đời nay ở nhiều vùng biển Bình Định, mỗi khi khiêng vác một vật gì nặng, người ngư dân thường có câu ví: "nặng như… đá chà" là vậy đó !…
* Thả chà
|
Nghề lưới rớ trên vùng đầm Thị Nại |
Khi đã hoàn thiện 3 khâu trên thì cũng có nghĩa là người chủ nghề đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, xét về tính chất công việc và quy trình thả một cây chà thì đến đây chỉ mới hoàn thành một nửa công việc mà thôi, bởi phần thả chà mới là phần quan trọng nhất, quyết định cho mọi việc sau này. Cũng vì vậy mà trước lúc thả chà, người chủ nghề thường có tục xem ngày, giờ "động thủy", kèm theo đó là một ít lễ vật như: hương-đèn, bông-chuối, chè-xôi, trái cây… để cúng "thủy thần", cầu mong cho chà được an toàn dài lâu, cá "đứng" nhiều, nghề nhà làm được nhiều cá…
Ngày thả chà, người chủ nghề thường huy động, mượn hoặc thuê thêm lao động và ghe thuyền thì mới đủ sức làm, bởi khâu nào cũng nặng và đòi hỏi nhiều người; chỉ riêng các vật liệu làm chà thôi cũng có thể chở đến 2-3 thuyền và kỹ thuật thả chà là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm nhiều năm. Các thao tác cơ bản khi thả một cây chà xuống nước gồm các phần sau đây: Đầu tiên là phần "xuống đá": Sau khi xác định tâm điểm của cây chà đứng ở vị trí nào, người ta tiến hành xuống đá (tức là thả đá xuống đáy biển) xung quanh tâm chà theo hướng đông-tây-nam-bắc. Mỗi cây chà kéo theo một chuỗi lá và 2-3 hòn đá có tổng trọng lượng trên-dưới 300kg "trấn giữ" ở bốn góc chà thay cho bốn cái neo, tạo thế "chân kiền" vững chãi cho chà. Sau đó, người ta tập trung lực lượng đông người sang chiếc thuyền chở cội chà, rút thật căng các dây chà ở bốn góc rồi buộc nó thật chặt vào bốn "cái tai" đã làm sẵn ở gốc cội chà. Khi mọi việc đã đâu vào đó, họ hò nhau đẩy nguyên cây chà toàn tre là tre nặng cả tấn vọt ra khỏi thuyền, lao ầm xuống nước. Chừng mười phút sau khi cây chà đã đứng thẳng, vuông góc với mặt nước, chỉ còn nhô lên trên mặt biển chừng vài mét, người ta lấy một nùi lá chà bó chặt vào ngọn chà như một cái tổ quạ để các tàu thuyền lạ qua lại dễ quan sát, nhận biết nơi đây có chà mà tránh né, khỏi đâm vào chà. Thế là xong! Những cây chà đạt các yếu tố kỹ thuật thì chỉ chừng mười bữa, nửa tháng sau ngày thả là có "cá đứng" (cá đến ở) và có thể tổ chức khai thác, đánh bắt được.
Cây chà thả đúng kỹ thuật phải hội đủ các yếu tố sau đây:
- Vị trí chà nằm ở những chỗ thường là "lộ trình" di chuyển của cá.
- Mực nước nơi thả chà không sâu lắm mà cũng không cạn lắm, thường đạt từ 15 đến 20 mét nước là tốt nhất.
- Đứng trên thuyền nhìn xuống, chà có bóng râm rộng, tròn, kín, đậm (tối)… là lý tưởng nhất trong việc "dụ" cá đến ở… |
Lịch thả chà thường bắt đầu từ tháng giêng, tháng hai Âm lịch và tổ chức khai thác, đánh bắt cho đến cuối tháng bảy (ÂL). Chà đã trở thành "ngôi nhà chung" của vô số các loại cá, nhiều nhất là cá nục (nục gai, nục suốt,…). Ở những cây chà khơi từ 25 đến 30 mét nước còn có cả những loại cá như: cá mướp, cá "nục sồ" to như cán rựa, cổ tay. Hai loại cá này thường "đứng" sâu dưới đáy chà nên khó phát hiện và khó đánh bắt. Nhưng khi biển lặng, trời êm, "phải trời, phải nước", chúng có thể bựt nổi lên trên rất dễ đánh. Và khi đã đánh bắt được chúng thì phải nói là… "đầy ghe, khẳm thuyền", hiệu quả kinh tế rất cao!…
Một chủ mành chà mỗi năm thường thả từ 1 đến 2 cây chà. Những hộ khá giả có thể thả 3-4 cây. Theo thời giá hiện nay, tổng chi phí cho mỗi cây chà khoảng từ 7 đến 10 triệu đồng (chưa tính công lao động). Tuy nhiên, nếu… "phải trời, phải nước" cá "đứng" nhiều thì chỉ cần năm, mười bữa, nửa tháng là có thể… "dư vốn, dư lời"!
. Nguyễn Hữu Đức
|