Vui buồn đời thợ xây...
14:20', 29/12/ 2004 (GMT+7)

Mồ hôi chảy nhễ nhại trên chiếc áo lao động cũ kỹ, trên giàn giáo, anh thợ xây nói vọng xuống một tiếng gọn lỏn: hồ. Một người thợ phụ vội xách xô hồ đưa lên. Trong cái nắng như thiêu, như đốt, những người thợ xây không nói với nhau tiếng nào, họ lặng lẽ xây lên những công trình mong kịp thời hạn giao cho chủ.

Thợ xây đang lao động tại một công trình

Trong vài năm trở lại đây, do nhu cầu xây dựng nhà cửa ngày càng lớn, những người làm nghề thợ xây "xuất hiện" ngày càng nhiều ở tỉnh ta. Đây là nghề tương đối nặng nhọc nhưng không cần phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc để học nghề. Người chưa có nghề chỉ cần theo thợ cả phụ việc khoảng 1-2 tháng là có thể học được nghề. Đa số những người theo làm nghề thợ xây là rất ngẫu nhiên, trong lúc nông nhàn, muốn tranh thủ kiếm tiền theo phụ hồ cho thợ xây nhà. Mỗi ngày người mới vào nghề được trả công khoảng 20.000 - 25.000 đồng, tuy không cao lắm nhưng cũng đủ để họ trang trải chi phí cho cuộc sống gia đình. Để trở thành một thợ xây không khó, chỉ cần trong tay có một cái bay, một bàn chà bằng gỗ, một cân thủy và hai tháng học việc thì mọi chuyện trở nên dễ dàng.

Chúng tôi gặp anh Trần Văn Hưởng ở thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc (Tuy Phước) nhận khoán thi công một ngôi nhà ở thành phố Quy Nhơn. Anh Hưởng cho biết: "Làm cái nghề thợ xây này vất vả lắm, tuổi thọ giảm nhiều vì công việc nặng nhọc, luôn hít thở bụi xi măng, suốt ngày phải dang mình ngoài nắng. Nhưng nếu không làm thợ xây thì chẳng biết làm gì trong lúc nông nhàn, nhà có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 sào ruộng. Mà làm ruộng bây giờ thì rất khó khăn, giá phân bón tăng vùn vụt, giá xăng dầu lại tăng kéo theo giá công cày ruộng, giá tuốt lúa cũng tăng; còn giá lúa bán ra thì có tăng đâu. Tuy làm nghề thợ xây hơi cực nhưng dành dụm được ít tiền lo cho con cái có được miếng ăn, cái học".

Phụ hồ - nghề giải quyết nhiều lao động nông nhàn ở nông thôn

Nghề thợ xây dường như chỉ dành cho phái nam vì cần sức khỏe, phái nữ chỉ theo phụ giúp cơm nước hoặc phụ hồ. Nghề không khó nên có rất nhiều người theo nghề này. Xóm Đậu thuộc thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) hiện có hơn nửa số thanh niên trong xóm đi làm thợ hồ. Đa số họ là những nông dân nhàn rỗi, xong mùa gặt lúa là họ đi làm kiếm thêm tiền để trang trải chi tiêu trong gia đình. Có sức bám nghề thì theo thợ cả làm liên tục, không thì làm thợ gọi, hễ có việc thì thợ cả gọi. Người có sức khỏe tốt thì đi làm xa ở tận thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, tiền công được trả cao hơn. Anh Nguyễn Mộng Hùng ở thôn Đại Thuận - xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ), một thợ xây lành nghề kể: "Làm ở miền Nam tiền công thợ cao hơn ở mình, một ngày từ 45.000-  70.000 đồng, một tháng chịu khó tích cóp cũng để dành được hơn triệu đồng gởi về phụ giúp cha mẹ. Sức lực thanh niên mà, ngại chi khó!" - anh cười. Những người thợ lành nghề, có uy tín được chủ nhà gọi đến bàn giao hợp đồng gọi là thợ cả, thợ cả nhận hợp đồng làm nhà theo giá thỏa thuận (khoảng 10 đến 20 triệu đồng một ngôi nhà cấp bốn) rồi tự gọi thợ làm. Nhiều thợ cả làm có uy tín thì cùng lúc có thể nhận đến 10 hợp đồng. Khoảng hai đến bốn tháng là một ngôi nhà đã xây xong tùy theo số lượng thợ tham gia.

Đời làm thợ xây cũng gặp không ít rủi ro, tai nạn đáng tiếc. Vì chủ quan coi thường an toàn lao động nên không ít thợ xây đã bị thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong. Điển hình như trường hợp thương tâm của anh Võ Trí (đội 2, thôn Tri Thiện, xã Phước Quang - Tuy Phước). Cách đây 3 tháng, đang đứng xây trên tầng 3 của một căn nhà ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) thì bất ngờ giàn giáo sập, anh Trí rơi xuống đất chết tại chỗ. Hay trường hợp của anh Ngô Văn Trị ở thôn Đại Tín - xã Phước Lộc cũng bị té giàn giáo, dập lá lách, dù thoát chết nhưng mang thương tật suốt đời. Hoặc như trường hợp anh Tấn Văn Phòng ở thôn Chánh Định - xã Cát Chánh (Phù Cát). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, để kiếm sống, năm 2000 anh vào thành phố Hồ Chí Minh làm thợ xây. Trong lúc đang lao động, anh bị ngã, dập vùng thắt lưng, bất tỉnh. Mặc dù được anh chị em thợ nghèo cưu mang và được sự giúp đỡ của Bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị nhưng anh vẫn bất động hoàn toàn, không chủ động được tiểu tiện, gia đình phải đưa về quê an dưỡng…

Tuy rất vất vả, tai họa luôn rình rập, nhưng nghề thợ xây đã góp phần giải quyết số lượng lớn lao động ở nông thôn. Sáng sớm, trên các nẻo đường vào thành phố Quy Nhơn những người thợ xây đi làm vội vàng chào nhau. Buổi chiều, sau một ngày làm mệt nhọc được chủ nhà vui tính đãi vài xị rượu, họ ra về thoang thoảng hơi men. Sáng hôm sau lại vội vàng chào nhau trên con đường quen thuộc. Những ngôi nhà cứ thế mọc lên, tuy vất vả nhưng những người thợ xây vẫn tìm được niềm vui trong công việc của mình. Những bàn tay khéo léo của mỗi người thợ xây luôn là nét vẽ cho những vùng quê, có lẽ vẻ đẹp đó cũng là lý do để họ tồn tại với nghề của mình.           

. Nguyễn Quý

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề "thả chà" đánh bắt cá   (29/12/2004)
Khi người lính cất tiếng hát   (29/12/2004)
Sống mãi những kỷ niệm của người lính   (29/12/2004)
Từ cánh rừng Trần Hưng Đạo đến... đại thắng Mùa Xuân năm 1975   (29/12/2004)
Xứng danh bộ đội cụ Hồ   (29/12/2004)
Câu lạc bộ Bình Định nguyệt san   (26/11/2004)
Tiệc trà của người Nhật - Nét văn hóa truyền thống độc đáo   (26/11/2004)
Những vụ cướp giật trên địa bàn An Nhơn đang được làm rõ   (26/11/2004)
Cờ tướng Bình Định - Hành trình tạo dựng một thế đứng   (26/11/2004)
Bán đảo Sơn Trà   (26/11/2004)
Vòng tay độ lượng   (26/11/2004)
Làng Kiên Mỹ   (26/11/2004)
Nhà giáo ưu tú Hồ Nghĩa: Người quản lý tận tụy   (26/11/2004)
Nhà giáo ưu tú Hồ Nghĩa: Người quản lý tận tụy   (26/11/2004)
Công chúng Bình Định với nghệ thuật tuồng   (26/11/2004)