Nơi ươm mầm hy vọngcho con em bệnh nhân phong
14:22', 29/12/ 2004 (GMT+7)

Thoạt nhìn cứ tưởng trường giống như bao trường dạy nghề khác, nhưng thực tế không phải vậy. Nằm ẩn mình dưới chân dốc đầu tiên của vùng trũng đèo Quy Hòa thuộc tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, cơ sở dạy nghề số 2 (cơ sở II) của Trường dạy nghề Bình Định (thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội) có nhiệm vụ khá đặc biệt: dạy nghề cho con em các bệnh nhân phong...

Các bạn trẻ trường nghề đang thực tập cắt may

Ngôi trường này do Hiệp hội HANSEN quốc tế Hàn Quốc tài trợ xây dựng, chính thức khai giảng tháng 5-2002. Gọi là cơ sở dạy nghề nhưng thực tế nơi đây chỉ dạy "độc nhất" nghề may dân dụng. Khóa đào tạo này là khóa 10 và gối đầu khóa 11 với tổng cộng 49 học viên là con em các bệnh nhân phong trong tỉnh, trong đó một nửa là con em bệnh nhân ở Bệnh viện Phong và Da liễu (BVP&DL) Quy Hòa. Để đến với lớp dạy nghề này, các học viên phải được Trung tâm y tế huyện, thành phố giới thiệu và gửi danh sách vào Trung tâm dạy nghề Bình Định. Theo đó, các bạn trẻ có độ tuổi từ 15 đến ngoài 20 được đưa đến cơ sở này để chuẩn bị "hành trang" cho tương lai của mình.

Giữa trưa, lớp học đang rộn ràng tiếng nói cười pha lẫn tiếng động của máy may, chợt có người lạ đến bỗng dưng im lặng hẳn. Rụt rè, bẽn lẽn, cô gái có đôi mắt mơ buồn với hàng lông mi dày mang tên Nguyễn Thị Tùng Lanh - 20 tuổi, ở xã Ân Thạnh, Hoài Ân - cho biết: "Hiện thời, do khóa học mới khai giảng nên tụi em mới học được cách may áo. Ban đầu làm quen với đường kim, mũi chỉ nên tụi em gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ của cô giáo nên cũng từng bước khắc phục được. Em mong muốn khi học xong khóa này nếu chưa tìm được việc làm thì sẽ được ở lại trường học thêm một thời gian nữa cho thật vững để mai kia có thể tự mở cho mình một cửa hiệu nho nhỏ để lập nghiệp và được hòa nhập với cuộc sống của người bình thường...".

H'phia - một học viên dân tộc Bana ở xã Canh Thuận (Vân Canh) - thật nhí nhảnh với cái tuổi 18 của mình, cô tâm sự : "Lúc đầu vào học, em cũng mặc cảm lắm bởi mới học xong lớp 5 nên trình độ hiểu biết còn hạn hẹp. Đã mấy bận em đòi về..., nhưng được sự động viên, giúp đỡ nhiệt tình của cô giáo; vả lại chợt nghĩ đến niềm tin, niềm hy vọng của cha mẹ lúc tiễn em lên đường nhập học, nếu bỏ về nửa chừng thì xấu hổ quá... Thế là em cứ theo học và giờ theo mẫu cô giáo may sẵn, em đã may được áo bằng vải rồi, cô giáo khen đường may tốt lắm...". Nói đoạn, cô bé cầm chiếc áo vừa hoàn tất trước đó 10 phút đưa tôi xem. Nụ cười vui chợt ánh lên đôi mắt nâu to tròn của cô gái miền sơn cước, cô bảo: "Em sẽ còn cố gắng thật nhiều nữa chị ạ!". Còn các bạn trẻ là con em bệnh nhân phong ở BVP&DL Quy Hòa theo học ở đây thì tâm sự rằng, ngày trước muốn học nghề thì các bạn chỉ biết nhờ các cô chú cán bộ ở bệnh viện hoặc các soeur gửi ra Quy Nhơn hoặc đến các thành phố lớn để học. Tốn kém, vất vả nhưng hy vọng có được việc làm sau khi thành nghề lại rất mong manh. Đã có nhiều bạn học xong nghề đã chấp nhận làm bất cứ việc gì nếu có cơ hội, cho nên những kiến thức trong nghề cũng hiếm khi được áp dụng. Do đó, với ngôi trường được xây dựng dưới chân đèo này, chỉ cần mất 20 phút đi bộ hay 10 phút đi xe đạp là có thể đến lớp học nghề, điều đó đã đem lại cho các bạn niềm vui mới.

Và, mái trường này cũng thực sự mang đến cho các gia đình có bệnh nhân phong ở các huyện trong tỉnh nhiều hy vọng, bởi họ đã trải qua nhiều đau khổ do bệnh tật, cộng với những lo toan về sự nghèo khó cứ mãi đeo bám cuộc đời vốn dĩ không may của họ. Cho nên, giờ đây mọi khát vọng được vươn lên trong cuộc sống, hướng đến tương lai, họ đều đặt hết vào con em họ đang theo học tại ngôi trường này.

Hiện thời cơ sở II đã được trang bị trên 30 máy may công nghiệp (trong đó có 20 máy do Hàn Quốc tài trợ), một cơ sở vật chất khá khang trang với 2 phòng máy thực hành, 1 phòng học lý thuyết và 10 phòng nội trú cùng khu nhà ăn cho học viên..., khá thuận lợi cho việc phục vụ giảng dạy. Các thầy cô giáo phụ trách giảng dạy trực tiếp, và cả những người phục vụ đều hết lòng với học viên... Tất cả mọi người đều đồng lòng cho mục đích chung: ươm mầm hy vọng cho con em các bệnh nhân phong trong tỉnh. Ông Nguyễn Đức Cảnh - Hiệu phó trường, phụ trách trực tiếp cơ sở này - cho biết: "Cũng bởi đối tượng học nghề là con em bệnh nhân phong, nên những rào cản về tâm lý, sự mặc cảm luôn là điều khó vượt qua được. Để các em ổn định dần tâm lý, chúng tôi phải cẩn thận chăm chút từng việc trong quá trình giảng dạy... Cho nên có thể nói việc nuôi dạy các em nơi đây giống như  là chúng tôi đang nuôi "con mọn" vậy!". Ban đầu để có được khóa đào tạo đầu tiên, ngoài sự giới thiệu của các  trung tâm y tế các địa phương, cán bộ nhà trường đã phải lặn lội vào tận làng phong Quy Hòa để vận động và khuyến khích các em theo học... Hầu hết học viên các khóa học, lần đầu tiên xa nhà để sống tập thể nên gặp không ít khó khăn, ngỡ ngàng, đó là: trình độ văn hóa không đồng đều (có bạn học lớp 5, có bạn lớp 6, có bạn đã xong cấp II, số bạn học cấp III chỉ đếm được trên đầu ngón tay), các em ở vùng sâu, vùng xa chưa quen với cách sống tập thể, phong tục tập quán khác nhau và cả cách nhận thức nghề nghiệp cũng khác nhau. Cho nên, ngoài việc dạy chuyên môn nhà trường còn phải hướng dẫn cho các em cả cách sống, từ chuyện ăn uống đến sinh hoạt... Bên cạnh đó, nhà trường còn tạo điều kiện để các em vui chơi, giải trí và sinh hoạt tập thể. Từ đó, các em từng bước hòa đồng với nhau và quen dần với nếp sống và phương pháp học tập nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Hường - cán bộ phụ trách may thực hành - tâm sự: "Thú thật, lúc đầu được giao nhiệm vụ giảng dạy, mình rất lo vì không biết có giúp được các em vượt qua tâm lý ban đầu hay không. Rồi do hoàn cảnh của mình ở tận Phú Tài, đường sá xa xôi lại dốc đèo, những lúc mưa gió đến trường rất khó khăn, lắm lúc mình nản, muốn bỏ ngang công việc. Nhưng vì yêu thích nghề, rồi học sinh cũng gắn bó nên nảy sinh tình thương thật sự giữa thầy và trò... Cho nên dù mưa gió mình cũng cố gắng đến lớp đều. Mấy khóa trước, có một số học viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cuộc sống nơi đây khá thiếu thốn. Thấy thế, mình thương lắm và cũng thường động viên, giúp đỡ thêm để các em cố gắng học xong khóa đào tạo với hi vọng mai này khi ra trường, các em sẽ có được cái nghề, chẳng những giúp ích cho bản thân mà phần nào cũng có thể phụ giúp gia đình ...".

Cũng bởi học viên là con em bệnh nhân phong nên một số em sức khỏe yếu, do đó thời gian giảng dạy và việc tiếp thu của các em bị hạn chế. Nhưng dù thế nào thì các giáo viên ở đây cũng đều cố gắng hết sức để các em được tốt nghiệp đúng thời hạn. Với những em trình độ tiếp thu chậm thì giáo viên lại tranh thủ thời gian nghỉ trưa để gần gũi và giúp đỡ nhiều hơn, đồng thời động viên các em theo học các bạn và khuyên các em nên đọc kỹ lại bài vở lý thuyết lẫn thực hành… Cứ thế ngày qua ngày, các em đã tiến bộ hơn. Và, điều đáng quý là, ngoài những em dân tộc Kinh thì cũng có em là dân tộc thiểu số (DTTS) tốt nghiệp với thành tích học tập xuất sắc, điển hình là bạn Đoàn Thị Lũy - 17 tuổi - học viên khóa 8. Đây là kết quả học tập thật sự là niềm khích  lệ cho học viên DTTS phấn đấu hơn trong học tập. Chị Hường tâm sự: "Học nghề may chỉ cần các em chịu khó, cần cù chăm chỉ và lanh lợi một chút thì sẽ đạt kết quả tốt thôi. Gắn bó với nhau trong vòng 3 tháng, khi mãn khóa, thật sự giữa thầy - cô và học trò có sự lưu luyến vô cùng, đôi lúc mình cũng rơi nước mắt vì đám học trò ...".

Ông Trần Ngọc Hải - Hiệu trưởng Trường dạy nghề Bình Định - cho biết: "Việc tuyển chọn học viên phụ thuộc vào sự quan tâm của từng trung tâm y tế huyện, là một hạn chế lớn đối với cơ sở II. Tuy nhiên, mỗi năm chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu đào tạo khoảng 100 học viên. Khi kết thúc khóa đào tạo, nếu học viên có nhu cầu thì trường sẽ giới thiệu vào làm tại các cơ sở may ở TP Quy Nhơn hoặc TP Hồ Chí Minh. Do đó, các học viên có thể yên tâm về vấn đề việc làm. Hiện thời trường chúng tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn để có thể mở thêm một số ngành nghề khác nhằm thu hút được nhiều học viên hơn. Và, nếu như có được sự đồng ý của các ban ngành chức năng thì chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng học nghề sang những người khuyết tật, trẻ mồ côi lang thang và cả con em của các gia đình chính sách, hộ nghèo...". 

. Song Hàn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vui buồn đời thợ xây...   (29/12/2004)
Nghề "thả chà" đánh bắt cá   (29/12/2004)
Khi người lính cất tiếng hát   (29/12/2004)
Sống mãi những kỷ niệm của người lính   (29/12/2004)
Từ cánh rừng Trần Hưng Đạo đến... đại thắng Mùa Xuân năm 1975   (29/12/2004)
Xứng danh bộ đội cụ Hồ   (29/12/2004)
Câu lạc bộ Bình Định nguyệt san   (26/11/2004)
Tiệc trà của người Nhật - Nét văn hóa truyền thống độc đáo   (26/11/2004)
Những vụ cướp giật trên địa bàn An Nhơn đang được làm rõ   (26/11/2004)
Cờ tướng Bình Định - Hành trình tạo dựng một thế đứng   (26/11/2004)
Bán đảo Sơn Trà   (26/11/2004)
Vòng tay độ lượng   (26/11/2004)
Làng Kiên Mỹ   (26/11/2004)
Nhà giáo ưu tú Hồ Nghĩa: Người quản lý tận tụy   (26/11/2004)
Nhà giáo ưu tú Hồ Nghĩa: Người quản lý tận tụy   (26/11/2004)