Kỹ thuật viên vật lý trị liệu: Những người chữa bệnh bằng đôi tay
14:28', 29/12/ 2004 (GMT+7)

Từ bên ngoài đi vào, phòng Vật lý trị liệu của Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) nằm phía bên tay trái. Ở đấy hầu như lúc nào cũng đông đúc, sôi nổi nhất ở Trung tâm. Bệnh nhân người thì tập tạ, người tập đi, có người năm, kẻ ngồi... Bóng áo trắng của những Kỹ thuật viên vật lý trị liệu (KTV) thoát ở chỗ này, thoắt lại ở chỗ kia vì bệnh nhân (BN) yêu cầu tới tấp. "Nhiều lúc mệt phờ cả người cô ạ" - một KTV tâm sự.

* Người bệnh tập cùng KTV

KTV Thu Hương đang tập luyện tay cho BN nhi

Trong căn phòng rộng gần 50 m2, có đến 30-40 người đang miệt mài tập những bài tập co duỗi tay, chân. Không chỉ có bệnh nhân, người nhà và các KTV cũng đều luyện tập. Vừa tập, họ vừa nói chuyện, cười đùa với nhau như thể để quên đi sự đau đớn và mệt nhọc. Anh Nguyễn Hồng Quảng ở Phù Cát bị tai nạn xe máy, gãy xương tay, nứt mâm chày (đầu gối). Sau gần một tháng rưỡi băng bột, cơ gân bị cứng không co duỗi được. Sau 12 ngày điều trị vật lý trị liệu ở đây, anh đã có thể co duỗi chân, tình hình sức khỏe ngày càng khả quan. "Tập một ngày thấy đỡ thêm một chút. Chứ trước tôi chẳng thể nào duỗi được cái chân này thẳng ra", anh Quảng vừa tập vừa nói. Hiện anh đang tập theo bài vận động lấy lại tầm độ khớp gối.

Gần đó, một cháu bé mới khoảng hơn tháng tuổi bị sang chấn sau khi sinh đang được KTV Nguyễn Thị Bông điều trị. Thằng bé con đang ngủ, mắt nhắm nghiền. Anh Phạm Văn Khương, ba của cháu bé, nói: "Nhà tôi ở tận ở Đồng Xuân, Phú Yên. Vợ tôi sinh cháu được hơn một tuần thì tôi để ý tay trái của cháu không thể giơ cao được như tay phải mà có vẻ bị xuội. Hỏi bác sĩ thì họ bảo bị sang chấn sau khi sinh và khuyên nên cho cháu đi tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt. Hôm qua mới đầy tháng là tôi bế nó ra đây luôn. Hôm nay là buổi tập đầu tiên". Mỗi lần KTV Bông giơ tay trái của cháu bé lên cao, nó lại khóc thét lên khiến ông bố đứng bên mất tinh thần "Không sao, vậy mới mau có tác dụng" - chị Bông an ủi anh Khương. 

* KTV: Đâu chỉ là kỹ thuật

Bảng phân công trực ngày hôm ấy có 4 KTV làm việc. Tôi đếm, một KTV phải chịu trách nhiệm điều trị cho trên chục người. Chị Nguyễn Xuân Đoan Hà, làm việc trên 7 năm, tiết lộ: "Hôm nay chưa nhiều đâu. Ngày cao điểm một KTV phải chăm sóc, điều trị cho 23 bệnh nhân lận". Thoạt nhìn công việc của KTV rất nhẹ nhàng, chỉ cần những động tác nhẹ, giúp các bệnh nhân co duỗi chân tay; xoa, nắn các khớp xương..., nhưng thật ra để làm được các công việc đó, các KTV đều phải qua một lớp đào tạo bài bản về kỹ thuật vật lý trị liệu từ 2 đến 3 năm. Các KTV bắt buộc phải nắm rõ về cơ thể học, biết cấu tạo của các bắp thịt, xương, khớp thần kinh… Ngoài ra, họ cũng được các chuyên gia Tân Tây Lan đến hướng dẫn và chỉ bảo thêm để nâng cao tay nghề. Theo quy định, các KTV phải làm theo chỉ định của bác sĩ nhưng nhiều trường hợp đòi hỏi người KTV phải có sự linh hoạt và nhạy cảm, tùy thuộc vào các điều kiện khách quan khác như thời gian đến trị liệu sớm hay muộn, bệnh sử của bệnh nhân. Tuy nhiên, chỉ có kỹ thuật không thôi thì chưa đủ mà trong khi làm việc các KTV còn cần phải biết kết hợp với tâm lý bệnh lý, làm cho bệnh nhân chịu hợp tác với mình thì tác dụng chữa bệnh mới có hiệu quả.

Các kỹ thuật viên vật lý trị liệu luôn khuyến khích các BN tự luyện tập

Tổ vật lý trị liệu thuộc Khoa Y học của Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn gồm 6 người. Thâm niên nhất phải kể đến KTV Nguyễn Thị Bông với kinh nghiệm 24 năm trong nghề, người trẻ nhất như chị Nguyễn Xuân Hà Đoan cũng làm việc được 7-8 năm trời. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, kinh nghiệm 20 năm trong nghề đã tạo ra ở chị một thói quen: đó là sau mỗi lần nắn chân, tay cho BN chị đều đập nhẹ lên chân tay của người bệnh. "Phải làm vậy để người bệnh tập trung tinh thần để luyện tập, không xao lãng vào việc khác. Nếu tập mà suy nghĩ vẩn vơ thì lâu có tác dụng lắm", chị vừa giải thích vừa hướng dẫn cho người nhà của BN làm theo.

Ông Phan Cảnh Cương, Giám đốc Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn nhận xét: "Vật lý trị liệu là một trong những yếu tố quyết định góp phần quan trọng trong khả năng phục hồi của bệnh nhân sau khi đã được phẫu thuật chỉnh hình. Nếu như sau khi phẫu thuật xong, BN không kết hợp điều trị vật lý trị liệu ngay thì các cơ sẽ bị co cứng, khả năng phục hồi lại như xưa rất khó".

Nói về nghề của mình, chị Thu Hương tâm sự: "Cái nghề của chúng tôi cũng giống như người đưa đò; người đi đò là các BN. Có người chỉ quá giang một lần trong đời nhưng có người thì phải trở đi trở lại nhiều lần. Chẳng ai muốn vậy đâu cô ạ. Bổn phận của những KTV chúng tôi phải luôn là những người đưa đò mẫn cán, tận tâm trong công việc để cho người đi đò, dù chỉ quá giang một lần trong đời, cũng không bao giờ buồn lòng về thái độ của người phục vụ".

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những quán cà phê tình ở Quy Nhơn   (29/12/2004)
Nơi ươm mầm hy vọngcho con em bệnh nhân phong   (29/12/2004)
Vui buồn đời thợ xây...   (29/12/2004)
Nghề "thả chà" đánh bắt cá   (29/12/2004)
Khi người lính cất tiếng hát   (29/12/2004)
Sống mãi những kỷ niệm của người lính   (29/12/2004)
Từ cánh rừng Trần Hưng Đạo đến... đại thắng Mùa Xuân năm 1975   (29/12/2004)
Xứng danh bộ đội cụ Hồ   (29/12/2004)
Câu lạc bộ Bình Định nguyệt san   (26/11/2004)
Tiệc trà của người Nhật - Nét văn hóa truyền thống độc đáo   (26/11/2004)
Những vụ cướp giật trên địa bàn An Nhơn đang được làm rõ   (26/11/2004)
Cờ tướng Bình Định - Hành trình tạo dựng một thế đứng   (26/11/2004)
Bán đảo Sơn Trà   (26/11/2004)
Vòng tay độ lượng   (26/11/2004)
Làng Kiên Mỹ   (26/11/2004)