Sự kiện con tàu không số chở 36 tấn vũ khí, đạn dược cùng chất nổ từ hậu phương lớn miền Bắc vượt qua hàng ngàn cây số với bao lớp phòng thủ của địch, cập bến Lộ Diêu (Hoài Nhơn) an toàn vào năm 1964 là một sự kiện bất ngờ, trở thành nỗi kinh hoàng cho bọn ngụy quyền Sài Gòn ở Bình Định lúc bấy giờ... Một chiều đông mưa tầm tã, tại ngôi nhà số 433 đường Nguyễn Huệ - thành phố Quy Nhơn, ông Trần Phi Khanh- thuyền phó con tàu không số ấy - hồi tưởng lại chuyến đi "cảm tử" của mình ...
|
Ông Trần Phi Khanh |
Ông Khanh kể: Nhằm tăng cường chi viện cho cuộc kháng chiến của quân và dân miền Nam, tháng 5-1959 Tổng Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến đường Hồ Chí Minh dọc dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam (đường 559 - đường mòn Hồ Chí Minh) và đường vận tải trên biển tháng 7-1959 (đường Hồ Chí Minh trên biển). Đầu năm 1960, tôi - Trần Phi Khanh (tức Trần Ngọc Mỹ quê ở Ân Hữu - Hoài Ân) - thiếu tá thuyền trưởng Hải quân Việt Nam - được Bộ Tư lệnh Hải quân, Cục Quân báo và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam biệt phái về Bình Định làm cán bộ tham mưu Ban Quân sự tỉnh, chuyên trách công tác nghiên cứu tình hình, chuẩn bị bến bãi cho tàu không số chở vũ khí vào vùng biển Bình Định. Sau một thời gian nghiên cứu, phân tích tình hình, tôi nhận thấy chỉ có Lộ Diêu là nơi có thể đảm bảo các yếu tố bí mật, bất ngờ, thuận tiện cho tàu cập bến.
Tháng 7-1963, trước yêu cầu bức xúc của tình hình, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định quyết định thành lập Đoàn công tác đặc biệt gồm 4 đảng viên: Lê Văn Nốt (Lộ Diêu), Phạm Văn Khương và Phạm Văn Kiệm (Phú Thứ - Mỹ Đức) thông thạo đường biển do tôi phụ trách ra Bắc trực tiếp báo cáo với Bộ Tư lệnh Hải quân, Cục Quân báo, Cục Bảo vệ và Ban Chỉ huy Lữ đoàn 125 Tàu không số thuộc Cục Hải quân về tình hình chuẩn bị bến bãi và xin cho tàu chở vũ khí vào. Kể đến đây, giọng ông nghẹn ngào xúc động: Nói thật, lúc được giao nhiệm vụ đặc biệt này, tôi rất vinh dự và tự hào dù biết cuộc hành trình vượt Trường Sơn sẽ rất gian khổ. Nhưng sự tin tưởng của cấp trên và sự khát khao của nhân dân được vũ trang khởi nghĩa giành lấy quyền sống và giải phóng quê hương đã thôi thúc chúng tôi bằng mọi giá phải lên đường. Sau gần 4 tháng vượt suối đèo qua bao rừng thiêng nước độc, ngày thì đói cơm, thiếu muối, có đêm gió rét, mưa dầm dai dẳng mà bọn vắt rừng cứ như đỉa đói đeo bám bất cứ chỗ nào trên da thịt để hút từng giọt máu còn sót lại của chúng tôi. Thế rồi tất cả cũng qua. Tháng 11-1963, đoàn chúng tôi đã có mặt tại Hà Nội trong niềm vui khôn cùng.
|
Đ/c Võ Nhân Huân (bên phải hàng thứ 2) thuyền trưởng chuyến tàu không số đầu tiên chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng |
Tại Hà Nội, chúng tôi trình bày với đồng chí Hàm - Cục trưởng Cục Bảo vệ thuộc Bộ Tổng tham mưu - và sau đó tiếp tục làm việc với đồng chí Phước (Lữ đoàn 125 Hải quân) phụ trách đoàn tàu không số chuyên lo phục vụ chiến trường miền Nam. Và, một điều đáng mừng khi hay tin có Đoàn cán bộ từ Bình Định ra xin chi viện vũ khí, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho gặp. Tôi lại vinh dự được trực tiếp báo cáo với Thủ tướng ba nội dung mà trước khi lên đường, đồng chí Trần Quang Khanh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - giao phó: lòng khát khao được vũ trang khởi nghĩa của nhân dân Bình Định; quyết tâm của Tỉnh ủy Bình Định trong việc thực hiện Nghị quyết 15 của T.Ư Đảng; khó khăn về vũ khí đạn dược, đang ngày đêm chờ T.Ư chi viện. Nghe xong, Thủ tướng nói: Đồng chí hãy yên tâm về báo lại với đồng bào miền Nam rằng Đảng, Bác Hồ, Chính phủ luôn vì miền Nam ruột thịt, sẽ lo chi viện không chỉ vũ khí, đạn dược mà còn cả những gì các đồng chí cần, đồng bào miền Nam cần cho cuộc chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Vậy là phương án, kế hoạch do tôi đề xuất đã được chấp nhận.
Ngày 9-10-1964, Tàu không số thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân đã được biên chế tổ chức, gồm 4 cán bộ chỉ huy và 8 thủy thủ, trong đó có Đoàn công tác đặc biệt do Thường vụ Tỉnh ủy cử ra Bắc tháng 7-1963, chở 36 tấn vũ khí đã được lệnh rời căn cứ. Lúc này, thuyền trưởng tàu là đồng chí Phạm Vạn (quê Quảng Ngãi), tôi là thuyền phó 1, đồng chí Trần Phấn là thuyền phó 2. Đồng thời, chúng tôi cũng thành lập Chi bộ gồm 8 đảng viên: Đồng chí Thanh (Khánh Hòa) làm bí thư, tôi và đồng chí Vạn là chi ủy viên - đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong việc quyết định sứ mệnh lịch sử của con tàu khi gặp tình huống đột biến, không để lọt vào tay địch. Buổi tiễn đưa tại bến Hải Phòng có đồng chí Phạm Hàm - đại diện Bộ Tổng tham mưu. Đồng chí Trà - Chính ủy Tư lệnh Hải quân đã nói rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến đi, phân tích thuận lợi, khó khăn, ven biển khu V bãi ngang không có sông rạch và rất trống trải, do đó Tàu không số sẽ có thể gặp địch và phải chiến đấu. Như muốn truyền đạt tình cảm của T.Ư, của Quân chủng Hải quân đến quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và truyền thêm ý chí quyết tâm cho từng thủy thủ của tàu, đồng chí đã xúc động nói: "Có thể chuyến đi này các đồng chí không trở về nữa, nhưng hi vọng điều ấy không xảy ra. Quân chủng rất tin tưởng các đồng chí hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ và trở về mạnh khỏe". Thú thật, khi nghe đồng chí ấy nói, chúng tôi cũng xúc động lắm nhưng một khi đã dám nhận nhiệm vụ thì phải quyết tâm làm và chấp nhận hi sinh.
Đúng như dự đoán, sau 2 tuần ra khơi, gặp phải gió mùa cấp 7, chiếc tàu vỏ gỗ nhỏ chở 36 tấn vũ khi không chịu đựng nổi phải quay trở về. Đến ngày 26-10-1964, biển bớt động, tàu không số được ngụy trang thành tàu đánh cá xuất phát. Ra đến hải phận quốc tế, tàu chiến hạm đội 7 của Mỹ phát hiện, cho 2 máy bay khu trục quần đảo bám sát boong tàu ta suốt 8 giờ liền, muốn thả bom. Chúng tôi trên tàu ngụy trang trên lưới đánh cá, dưới súng đạn, thuyền viên mặc đồ công nhân, trên tàu treo cờ quốc tế. Cán bộ chiến sĩ trên tàu vẫn bình tĩnh, điều khiển tàu, sẵn sàng chiến đấu. Mỗi đồng chí đều chuẩn bị sẵn 12 quả thủ pháo nặng 20 kg, nếu địch phát hiện thì giựt cho nổ tàu. Chúng tôi lúc này căng lắm, địch giãn ra nhưng vẫn theo dõi. Ngày thứ 2, 3 chúng tôi chuyển hướng vào Bình Định. Nhờ ngụy trang tàu tốt nên địch vẫn chưa hành động, nhưng chúng vẫn nghi, gọi hải quân ngụy ở Đà Nẵng cho 2 tàu chiến lớn ở Đà Nẵng theo vào. Cái đi trước, cái đi sau... Cứ thế bám theo tàu ta. Đêm 30-10 gần hải phận Bình Định, tàu ta chuẩn bị chuyển hướng thì tàu địch đến gần sát. Chúng tôi tính toán khoảng 12 giờ đêm, 1 giờ sáng là vào bến nhưng địch như vậy nên không dám vào thẳng mà đi vòng nên kéo dài thời gian. May sao lúc ấy trời mù, gió lớn, mưa dầm, sóng lên... Tàu địch sợ quá không dám theo nữa và bỏ hẳn. Thấy thế mình mừng lắm. Tàu mình bị sóng đánh dạt hẳn vào gần bờ. Đồng chí Phấn nghe sóng vỗ trên gành đá thì biết gần bến Tân Phụng (Mỹ Thọ - Phù Mỹ), lúc này đã hơn 3 giờ sáng, tàu theo hướng bắc ngược gió quay ra vùng biển Lộ Diêu lúc 4 giờ sáng ngày 31-10-1964. Trời vẫn mưa to, gió mạnh, sóng lớn không thể vào sát bờ, Ban chỉ huy tàu quyết định mở hết tốc lực lượn theo đà sóng lao thẳng vào vũng Lộ Diêu... Biết là không kịp đưa tàu ra hải phận quốc tế nữa, nên khi lấy vũ khí xong, Ban chỉ huy tàu cho tháo máy và các thiết bị trên tàu, đổ dầu, đặt kíp nổ đốt cháy tàu suốt 3 ngày đêm. Bọn hải thuyền ở Tam Quan và Đề Gi tuần tiễu trên biển và máy bay quần đảo trinh sát nhưng chúng cho là tàu đánh cá của dân bị sóng dập và bốc cháy nên không để ý, ta cũng phao tin như vậy để đánh lạc hướng địch. Cũng trong đêm ấy, ta huy động thêm lực lượng từ Hà Ra, Phú Thứ cùng lực lượng có sẵn ở Lộ Diêu hoạt động liên tục trong 10 ngày đêm, bí mật vận chuyển toàn bộ vũ khí về căn cứ an toàn. Đây là chuyến tàu đầu tiên của lực lượng hải quân miền Bắc mở đường Hồ Chí Minh trên biển chuyển chở vũ khí bí mật, an toàn chi viện cho chiến trường miền Trung. Số vũ khí này tăng cường trang bị cho bộ đội chủ lực Quân khu V và lực lượng vũ trang trong tỉnh, góp phần vào chiến thắng chiến dịch Đông Xuân 1964 - 1965 với những trận An Lão, Đèo Nhông, Dương Liễu, Gò Bồi… mở ra vùng giải phóng cắt đường số 1 từ Bồng Sơn đi Quảng Ngãi, tạo thế và lực mới trong giai đoạn chiến tranh cục bộ.
Nhìn nét mặt hân hoan của ông lúc này, tôi chợt hỏi đến tâm trạng của ông như thế nào khi bị địch theo dõi suốt mấy ngày đêm trên biển. Đang vui, đôi mắt ông chợt đăm chiêu: "Nói thật, lúc đó về đến quê mình rồi, tôi căng như sợi dây đồng giữa sự sống và cái chết, giữa cái còn - cái mất, thất bại và thành công, bởi về đến quê mà không hoàn thành nhiệm vụ. Mà điều quan trọng nhất đối với đồng bào mình, mất đi số lượng vũ khí này quả thật là một tổn thất lớn. Cho nên lúc đó chúng tôi chỉ biết nguyện cầu - nói hơi mê tín một chút nhưng sự nguyện cầu lúc đó đối với chúng tôi là một niềm tin lớn... Và sự thật là vũ khí đã được vận chuyển đến nơi an toàn...".
Chiến công lịch sử của Tàu không số đã trở thành nỗi lo sợ của bọn ngụy quyền lúc này. "35 năm sau, chiến công này mới được công bố rộng rãi. Một số cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...". Ông Khanh xúc động đến nghẹn ngào.
. Hải Âu |