Trên đường hành quân tham dự hai chiến dịch lớn là Khe Sanh (năm 1968) và Đường Chín - Nam Lào (năm 1971), cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 Quân tiên phong, ngoài việc sẵn sàng chiến đấu, còn sáng tác nhiều thơ, văn. Ban Tuyên huấn Sư đoàn đã tuyển lựa và chọn 39 bài thơ trong số đó để in thành tập thơ "Đường chiến dịch". Tập thơ phản ánh tâm trạng của những người lính, trên đường đi đánh giặc vẫn rất giàu cảm xúc, rất yêu thơ...
Có hạnh phúc nào hơn được lên đường đánh Mỹ giành độc lập, tự do cho Tổ quốc! Đi chiến đấu là niềm vui bất tận. Trước đây đã có nhà thơ nói thế. Một Lê Mã Lương, trăm ngàn Lê Mã Lương đã chọn đường ra trận làm hướng đi đời mình. Chính thế, nó cũng luôn luôn xanh mát hồn thơ. Tập sách nhỏ in giấy nến gồm 39 bài thơ của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Quân tiên phong ở mặt trận Đường Chín - Nam Lào đã phần nào nói lên hồn thơ xanh mát ấy.
Các anh hành quân "đạp lên bom, lên đá, lên mây", đi suốt ngày đêm không ngừng không nghỉ cho kịp giờ nổ súng. Thế mà thơ vẫn cứ nở theo từng bước các anh đi. Thơ không thể vắng mặt trên đường hành quân. Bởi nó đã làm dịu mát những đôi vai nóng bỏng khiêng pháo qua lèn, những đôi chân rộp phồng vượt dốc.
Chiến dịch mở rồi, nên các anh hành quân vội lắm. Tuổi trẻ rất yêu hoa, nhất lại là hoa nở trên rừng Trường Sơn. Có một vài bông cài lên mũi súng, cài vào vành mũ hẳn là thi vị lắm. Vậy mà:
Chúng tôi ra trận mùa xuân
Yêu bông hoa lưng ngàn đi không kịp hái.
Rừng Trường Sơn ngàn năm im lặng. Hơn chục năm bền bỉ mở lối mòn đưa đất nước hành quân.
Con đường chênh vênh lẫn giữa mây trời
Suốt tháng năm rộn rã tiếng cười vui…
Nhưng bây giờ không chỉ một con đường mòn chênh vênh nữa mà có hàng chục, hàng trăm con đường lớn "Một dòng suối cũng trở thành đại lộ" cho xe pháo ta đi. "Bãi sỏi long lanh là bến đỗ" cho hàng trăm xe chở quân, chở hàng dừng bánh.
Lối cũ bây giờ quá nhỏ
Quân đi tràn cả ra rừng.
Giặc luôn luôn khiếp sợ những con đường, bởi những con đường ấy sẽ đưa chúng vào chảo lửa, vào địa ngục trần gian. Cho nên chúng không tiếc bom đạn để hòng giết chết con đường. Nhưng chúng làm sao chặn nổi bước quân đi.
Trường Sơn nổi gió
Bom dội lưng đèo
Vượt qua bom đạn
Chật đường quân reo.
Đường ra trận không chỉ trùng trùng lớp lớp con trai, mà còn rất nhiều con gái:
Tay búp măng xẻ núi mở đường
Đêm trăng đẹp thoảng đưa hương sả
Từ đỉnh đèo rền rĩ tiếng bom…
Có người bạn khác tỉnh mới quen "Nói quê hương nhưng em chẳng nói tên". Có cả bao người thân thuộc "Nghe tiếng biết em cùng quê hương". Đông đủ các binh chủng hợp thành trên đường ra trận.
Chiến sĩ pháo binh:
Bốn người khiêng nòng
Bốn người khiêng đế
Hành quân
Bom dội ầm ầm
Một người vác nòng
Một người vác chân
Cứ tiến!
Chiến sĩ thông tin:
Suốt ngày đêm náo nức
Cuộc đời bao mến yêu
Tích tà reo nốt nhạc
Giục giã ta sớm chiều.
Chiến sĩ công binh:
Bất chấp đạn bom nổ dồn chặn lối
Vẫn dũng cảm mở thêm đường mới.
Chiến sĩ nữ vận tải:
Áo đẫm mồ hôi lẫn sắc rừng
Cồng kềnh hòm đạn cõng trên lưng.
Và cả anh chiến sĩ văn nghệ xung kích:
O văn công gửi lại nhánh mai vàng
Chiếc hộp xinh xinh đựng phấn hóa trang.
Các thế hệ, các lứa tuổi cũng "tình cờ không hẹn mà nên". Từ đồng chí Sư trưởng "Bao năm trường vệ quốc/ Mái tóc bạc sương pha", bây giờ vẫn "Lưng đeo mười ngày gạo/Vai hằn dây AK", đến anh chiến sĩ mới nhập ngũ:
Lần đầu tiên nghe tiếng bom giặc dội
Cũng giật mình thức suốt đêm thâu.
Đấy là chuyện thường tình, lần đầu ra trận ai chẳng thế. Nhưng sâu hơn cả vẫn là:
Khi bước qua một hố bom vương máu
Biết căm thù rồi chẳng sợ gì đâu!
Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi! Lời Bác Hồ kêu gọi thôi thúc người lính. Giặc Mỹ chưa cút, thế hệ này sẽ tiếp nối thế hệ khác lên đường:
Con hành quân
Cha vẫn ở bên con.
Và:
Với tôi hôm nay, Minh là đồng chí
Chung đường vào đánh Mỹ
Dấu chân em lồng dấu chân anh.
Chúng ta ra trận, cả quê hương đất nước cùng đi:
Những sư đoàn đạp bom đạn đi lên
Sông núi cũng bước vào thế trận.
Đường ra trận có những giờ phút thật đẹp:
Buổi sáng trong rừng binh trạm giao liên
Chúng tôi ngồi với nhau trên võng
Hát say sưa và chờ tia nắng
Của chân trời đằng đông xuyên ngang.
Có nhiều sắc màu tương phản đầy ấn tượng:
Ơi núi rừng Trị - Thiên
Dậy màu xanh quật khởi
Những con đường chênh vênh
Nắng thơm màu đỏ ối.
Có tiếng nói thủ thỉ đậm đà tình cảm:
Ríu rít đường vui rộn bóng chiều
Ôi tiếng cười trong vương mãi theo
Tôi đi khắc đậm trong tâm tưởng
Dáng áo bà ba vượt núi đèo.
Có nụ cười khúc khích của tuổi mười chín, đôi mươi:
Dừng chân ra suối tắm thảnh thơi
Nước thấm làn da mát lịm người
Chị Hằng tha thẩn chơi bên suối
Xấu hổ che mây khúc khích cười…
Nhưng cũng "có những lúc bom nổ rền bên cạnh", những ngày "nắng dội lửa chói chang gay gắt/Vai tím bầm, mũ sắt nóng ran". Dù có gian khổ hy sinh cũng không thể làm chùn bước ta đi. Trong lòng ta, tiếng gọi lập công ngày đêm thôi thúc như một mệnh lệnh, như một lời thề thiêng liêng, bởi ta hiểu rất rõ chân lý không có gì quý hơn độc lập tự do!
Nước mất nhà tan tiếng gọi xé lòng
Đau nhói con tim sống đời chật hẹp
Cuộc sống không tính gì hơn thiệt
Chỉ có tiếng lòng đang gọi: Lập công!
Ta bắt gặp ở đây những người đi đánh giặc rất giàu cảm xúc, rất yêu thơ. Anh cán bộ tuyên huấn Nguyễn Viết Sơn; các chiến sĩ trẻ: pháo thủ Nguyễn Khắc Tơ, trinh sát Nguyễn Hồng Hà, vận tải Vũ Đức Bình, xung kích Lương Đình Củ, Lê Huy Toàn và hàng chục cán bộ, chiến sĩ yêu thơ khác trong sư đoàn đã góp tiếng nói tâm hồn cùng đồng đội làm nên chiến thắng.
Đây là thơ trên đường ra trận của các anh. Các anh đã có mặt ở nơi chiến trường nóng bỏng nhất, giáng cho Mỹ - ngụy những đòn sấm sét. Vui mừng thưởng thức những vần thơ xanh mát của các anh trên đường hành quân, rất mong được đọc những trang thơ, câu thơ cháy bỏng, đỏ rực chiến công nối tiếp của các anh.
. Nguyễn Văn Chương |