Cái đặc biệt của bá Thạch, người cựu chiến binh Ba na ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, là ông biết vận dụng uy tín của mình để cùng với bản làng chiến đấu chống lại cái nghèo nàn, lạc hậu…
* Thành tích của bá Thạch
|
Bá Thạch - "cây chò lớn" của làng Hà Ri |
Chưa đến Hà Ri, tôi đã được nghe người Vĩnh Hiệp kháo nhau chuyện về một già làng vận động người dân giữa mưa che ni-lon để làm từng đoạn đường bê tông. Nghe câu chuyện, gặp con người, thấy chẳng khác mấy trong hình dung: một ông già mắt sáng với cái nhìn cương nghị và cách nói dứt khoát. Tôi hỏi lại ông chuyện xưa, ông cười: "Hồi đó, tui đăng ký làm, mấy ông xã rồi kế hoạch của huyện đều trù trừ, không tin. Bỏ ra hàng trăm tấn xi măng chứ có ít gì! Nhưng tui nghĩ, cái gì khó thì bàn với dân là ra hết. Mà dân đã giơ tay thì chắc làm được rồi. Đằng này, dân làng tui đã 3 lần giơ tay mà không cho họ làm thì nghĩa là sao. Bởi vậy, dù đã vào mùa mưa tui vẫn quyết định nhận xi măng về làm. Ngày 23-9 khởi công, trời mưa quá, tui mới nói bà con chặt mấy cành cây cắm quanh làm cọc, mua thêm mấy tấm bạt che lên, làm dần từng đoạn. Vậy mà thành công. Xi măng là của Nhà nước, cát, sạn thì lấy ở suối, ở sông. Dân làng bỏ công ra làm. Tính ra dân Hà Ri đã bỏ tới cả 5.500 công. Chú tính, tui chỉ biết chút chút, đong chừng ấy xi măng là trộn chừng đó cát, bấy nhiêu sạn, cứ vậy mà làm thôi. Vậy mà làm xong, ông Bí thư Huyện ủy về kiểm tra, khen: Người dân chỉ làm tay ngang mà đẹp hơn mấy ông kỹ thuật làm ngoài kia".
Đó chỉ là một thành tích của bá Thạch. Chỉ một thành tích ấy thôi mà nay, đường làng Hà Ri đã thảm bê tông sạch từ đầu đến cuối. Và hai bên, rợp tán cây, bên những ngôi nhà mới xây, khang trang hơn cả những làng dưới xuôi. Nghe tôi nhận xét như vậy, anh cán bộ UBND xã Vĩnh Hiệp, người dẫn đường cho chúng tôi, tiết lộ: Đấy cũng là một thành tích khác của bá Thạch. Chẳng là, hồi những năm từ 1996 đến 1999, người Hà Ri trồng đào nhiều nhưng thu nhập lại thấp, cây đào như cây rừng vậy. Nhưng muốn nâng cao hiệu quả thì phải đầu tư. Mà vay ngân hàng thì phải biết cách đầu tư, nếu không thì chỉ tổ đã nghèo lại còn mang thêm nợ. Với lại mỗi gia đình ít nhất 2 ha đào thì rất nhiều hộ không thể chăm sóc nổi. Chi bộ làng mà bá Thạch làm Bí thư, đã họp bàn và quyết định: phải khơi dậy truyền thống đoàn kết của người làng để giải quyết cỏ đào. Vậy là làng có 3 xóm thì chia thành 3 tổ đoàn kết, dưới các tổ lại chia thành nhiều nhóm, cứ khoảng 9-10 hộ thành một nhóm. Các hộ cứ thay nhau xoay vần đổi công, hết làm giúp cho hộ này rồi lại làm sang hộ khác. Nhờ vậy mà chỉ một thời gian sau, những vườn đào đã cho hiệu quả tốt. Hiện nay, Hà Ri có 250 ha đào thì 150 ha đã cho thu hoạch. Năm 2001 cả làng thu hoạch được 60 tấn thì sang năm 2004 đã cho thu hoạch 75 tấn. Những ngôi nhà mới, ngày càng khang trang hơn là kết quả của những vườn đào đang ngày càng đem lại hiệu quả.
|
Nghĩa trang của làng Hà Ri do bá Thạch khởi xướng và vận động mọi người trong làng xây dựng |
Khi đi từ phía bờ đập Định Bình để đến làng Hà Ri, đập vào mắt tôi là một cái… nghĩa địa. Nghĩa địa khá khang trang, cổng xây đàng hoàng. Bỏ mả là một phong tục của người Ba na nên việc một làng Ba na mà có hẳn một khu nghĩa địa là một cái gì đó rất lạ. Nhưng bá Thạch có vẻ rất tự hào vì cái công trình này của mình. Bá nói: "Vận động miết, mãi từ năm 1994 đến giờ mới được như vậy. Bây giờ thì ít nhất mồ nào cũng có tấm bia, nhiều hộ còn xây mả xi măng nữa".
Cách làm ấy của bá Thạch còn tỏ ra hiệu quả ở nhiều cuộc vận động khác. Như chuyện cả làng góp tiền xây nhà văn hóa. Ngay từ năm 1996 mà bá vận động được 80 triệu đồng xây ngôi nhà sinh hoạt văn hóa vào loại to nhất huyện đã là một sự lạ, rồi sau đó lại vận động tiếp để làm thêm mấy công trình phụ nữa; tính ra mất hơn trăm triệu đồng khi đó. Rồi gần đây là vận động người dân góp công xây dựng nhà tình thương cho các hộ nghèo trong làng… Cứ vậy, mỗi kỳ tích của bá Thạch lại góp phần điểm cho Hà Ri một nét mới.
* Nói phải, củ cải cũng nghe
Tôi hỏi: "Khi bá vận động người làng theo nếp sống mới, tất nhiên, sẽ có chuyện đụng đến tập quán lâu đời của làng, hẳn đã có không ít ý kiến phản đối?". Bá cười: "Vận động cái gì thì gia đình mình cũng phải làm trước cái đã chứ. Làm cái gì cũng phải có cái ngòi nổ. Có lúc, không chỉ người làng mà cả trong gia đình cũng có ý ngược. Nhưng dù gì thì gì, mình cứ theo cái phải, cái đúng, thì sau rồi mọi người cũng nghe ra cả thôi. Một cách làm nữa là phải xây dựng cho được lực lượng trung kiên làm nòng cốt. Trước hết là các đảng viên, rồi từ đó mới vận động dần ra".
|
Lắp đặt trạm thu truyền hình DTH tại làng O2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh |
Với những kết quả đó, Hà Ri đã được UBND tỉnh công nhận Làng văn hóa từ năm 2001. Nhưng cái quan trọng là nếp sống mới đã không chỉ dừng lại ở những cái bằng mà đã thực sự "ăn" vào nếp nghĩ, vào đời sống đồng bào. Không du canh du cư từ sau ngày giải phóng, người làng đã biết làm ruộng, đào ao nuôi cá, làm vườn rừng… Kinh tế gia đình đang ngày càng khởi sắc. Trong làng có 30 hộ đã sắm được xe máy, gần 50 hộ có ti vi, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 5 triệu đồng/khẩu/năm, chưa kể đến các khoản thu phụ khác. Toàn xã có 103 hộ thì chỉ còn khoảng 12 hộ nghèo.
"Hẳn các hộ nghèo đều thuộc dạng già cả, không có sức lao động?"- tôi hỏi. "Không có đâu. Phần lớn các hộ này đều là thanh niên, trẻ, khỏe cả, có sức mà không làm, cứ đi tầm bậy tầm bạ, uống rượu khà khà. Tui nhức đầu vì mấy hộ này lắm. Không cuộc họp nào không nhắc nhở, không cảnh cáo. Cũng may là số hộ như vậy cũng ít, nhiều thì chắc chết"- bá Thạch nói.
Bá Thạch đã thoát ly đi chiến đấu từ năm 1951, từng là Trưởng Công an huyện Vĩnh Thạnh những năm 1964-1970, rồi Giám đốc Trường Chính trị huyện Tây Sơn cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1982. "Mình có may mắn là được Đảng, Nhà nước cho ra tận Hà Nội học chính trị, lại được học ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc nữa cơ. Được học cái chữ, học lý luận, khi về hưu chẳng làm được gì nhiều cho dân làng thì mình đứng ra vận động nhân dân theo nếp sống mới, bỏ nếp sống cũ vậy thôi"- bá Thạch nói.
Sinh năm 1929, năm nay đã 75 tuổi, nhưng người cựu chiến binh, cũng là già làng, là Bí thư Chi bộ của làng này, vẫn như một cây chò lớn tỏa bóng cho bản làng.
. Viết Thọ |