Vài phút với ông đồ thời @
14:48', 29/12/ 2004 (GMT+7)

Sinh năm 1985, một cặp kính cận khá dày, thân hình hơi nhỏ con, rụt rè nhưng lại là chàng trai có thâm niên khổ luyện viết chữ thư pháp hơn 5 năm. Không chỉ có thế, Phạm Hoài Vỵ còn đang ấp ủ khá nhiều ước mơ mà mọi người cho là táo bạo.

* Từ khổ luyện...

Phạm Hoài Vỵ - bên góc phòng học

Niềm đam mê thư pháp đến với Vỵ khi còn là một cậu bé học THCS. Mặc bạn bè gán cho mình những biệt hiệu "hâm", "dở hơi", Vỵ đã tự tìm tòi mọi sách vở, tự nghiên cứu học rồi luyện thư pháp. Hoài Vỵ không nhớ những nét chữ đầu tiên đã lấy đi bao nhiêu giấy mực, thời gian và tâm lực. Vỵ tâm sự: "Khi mới bắt đầu học viết thư pháp, bạn bè thường bảo sao mình cứ sống như ông già thích làm trò vô vị. Thú vui gì mà chỉ quanh quẩn với mấy cái chữ viết đi rồi viết lại. Nhưng khi đến với thư pháp mới thấy, không dễ gì mà học viết được nếu thật sự không có duyên và niềm đam mê, kiên trì". Trong suốt những năm tập viết thư pháp, Vỵ đều phải tập vào ban đêm vì sợ gia đình không cho phép. Gần 1 năm trời Vỵ mới tập cầm được cây bút lông. Vỵ nói: "Không phải cứ dùng bút lông, mực tàu là viết được chữ thư pháp. Tùy theo cảm nhận, cách sáng tạo, tịnh tâm riêng của mỗi người mà nét chữ viết sẽ khác nhau. Chữ Việt lại là chữ ký âm nên viết bằng bút lông làm sao thể hiện hình ảnh, nét khoan thai, lực chữ sung mãn hay dáng điệu gân guốc... là rất khó, đòi hỏi sự khổ luyện rất nhiều".

Hiện nay, thư pháp đang được giới trẻ quan tâm rất nhiều. Thư pháp được các bạn xem như là thú vui tao nhã, mang nét văn hóa Á Đông. Thế nhưng, thư pháp là một nghệ thuật cần có thời gian am hiểu và người thể hiện thư pháp phải là con người nghệ thuật. Nhiều bạn trẻ cứ nghĩ thư pháp là viết chữ bằng bút lông với mực tàu nên cứ nhờ Vỵ chỉ giúp. Sau một thời gian ngắn, các bạn trẻ ấy bỏ cuộc hết trơn. Có bạn chỉ kịp nghe Vỵ kể về cách luyện tập của mình trong 5 năm qua là đã xin thôi không học nữa rồi.

Vỵ đã mày mò tự nghiên cứu và sáng chế ra cây bút lông nét cực nhỏ, con dấu chữ ký riêng bằng cao su. Không phải vì Vỵ không có đủ tiền mua các vật dụng trang bị cho việc viết chữ mà đó là sự sáng tạo trong suốt những năm khổ luyện.

* Đến ước mơ...

Thơ và chữ thư pháp của Phạm Hoài Vỵ

Vỵ cũng muốn thành lập một CLB nhóm bạn yêu thích thư pháp để cùng mình trao đổi, học tập và tạo điều kiện cho thư pháp phát triển rộng rãi. Vỵ còn khá nhiều trăn trở khó nói ra, nhiều người không biết thì cứ nghĩ cậu mới biết chút đỉnh đã tạo vẻ làm thầy, bạn bè thì giúp đỡ hết sức nhưng cũng chỉ được nhìn với con mắt "miệng còn hôi sữa" mà làm nên trò gì.

Chữ thư pháp của Vỵ đã được đưa lên mạng trong các trang web thư pháp. Vỵ nhận được nhiều lời khen, góp ý của mọi người cùng sở thích ở khắp mọi miền đất nước. Chữ của Vỵ cũng đã được nhiều người đặt viết. Khi tôi đến nhà Vỵ thì cậu đang ngồi dán bảng chữ "Phúc, Tâm, Đức" lên giấy lụa cho một người đặt chữ ở Gia Lai. Chữ thư pháp của Vỵ cũng đã được gởi bán ở các cửa hàng mỹ thuật trong TP Hồ Chí Minh. Khi được hỏi: "Vỵ đã bắt đầu kinh doanh chữ của mình rồi à?", Vỵ trả lời: "Không phải là việc kinh doanh chữ viết đâu. Em đến với thư pháp trước hết vì đam mê nghệ thuật này. Tuy nhiên, theo em nghĩ thì việc người am hiểu hoặc có sở thích treo tranh thư pháp là việc tốt. Mình viết chữ cho, tặng, bán đều tùy thuộc vào tấm lòng của người nhờ viết. Việc nhận tiền bồi dưỡng cũng là phần thưởng xứng đáng và cũng để người được nhận chữ thể hiện tấm lòng của họ". Cách đây 2 tháng, Vỵ được một người đặt viết 12 bức thư pháp về thơ, chữ... để treo trong một quán trà. Thế nhưng, mãi đến giờ này vẫn không biết những bức thư pháp ấy được treo ở quán nào.

Vỵ còn làm thơ nhưng chỉ để tặng bạn bè và để viết chữ thư pháp. Tình cờ, một người bạn thân thấy hay gởi thử cho Báo Hoa Học Trò, thế là được đăng. Thỉnh thoảng, ngoài việc học tập, luyện thư pháp, Vỵ cũng làm thơ gởi các báo. Vỵ cho biết: "Nhiều lúc bài được đăng em cũng chẳng hay, khi nhận giấy báo của tòa soạn mới biết".

Lớp 12 A4 Trường THPT Trần Cao Vân (niên khóa 2002 - 2003) rộn ràng vào những ngày cuối năm, ông đồ thời @ miệt mài bên một chồng quyển lưu bút của các bạn, có bạn còn đưa cả áo thun. "Chưa thấy Tết mà đã có ông đồ rồi à" - lời của cô chủ nhiệm làm Vỵ vui nhất. Từ đó, Vỵ đến với thơ văn nhiều hơn, cốt cũng để thư giãn và thực hiện một ước mơ nữa. Vỵ thổ lộ: "Em có mơ ước là sẽ xuất bản cho mình một tập thơ riêng. Nhưng để đến được với ước mơ đó, em còn phải cố gắng nhiều hơn nữa đặc biệt là học cho xong ngành Xây dựng ở Trường Đại học Đà Nẵng cho gia đình yên tâm". 

. Hải Yến

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện của Bá Thạch   (29/12/2004)
Đường ra trận xanh mát hồn thơ   (29/12/2004)
Thơ   (29/12/2004)
Chuyện kể của người thuyền phó tàu không số   (29/12/2004)
Kỹ thuật viên vật lý trị liệu: Những người chữa bệnh bằng đôi tay   (29/12/2004)
Những quán cà phê tình ở Quy Nhơn   (29/12/2004)
Nơi ươm mầm hy vọngcho con em bệnh nhân phong   (29/12/2004)
Vui buồn đời thợ xây...   (29/12/2004)
Nghề "thả chà" đánh bắt cá   (29/12/2004)
Khi người lính cất tiếng hát   (29/12/2004)
Sống mãi những kỷ niệm của người lính   (29/12/2004)
Từ cánh rừng Trần Hưng Đạo đến... đại thắng Mùa Xuân năm 1975   (29/12/2004)
Xứng danh bộ đội cụ Hồ   (29/12/2004)
Câu lạc bộ Bình Định nguyệt san   (26/11/2004)
Tiệc trà của người Nhật - Nét văn hóa truyền thống độc đáo   (26/11/2004)