Thợ cắt tóc
14:50', 29/12/ 2004 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Phan Cao Toại

Buổi sáng, khi mặt trời đã lên quá cây sào, khi những chiếc xe khách trong bến xe thị xã đã đi về các nơi, người ta mới thấy ông Vinh lững thững ra mở quán. Quán cắt tóc của ông ở ngay bến xe, không biển hiệu, tuềnh toàng che bằng mấy tấm phên mà khi nào cũng đông khách.

Ông mặc bộ quần áo màu cỏ úa, đội mũ mềm đã cũ, đôi giày vải đã sờn. Tất cả đều đồ lính. Khuôn mặt ông xương xương, da mai mái như da của đàn bà mới ở cữ (ông là thương binh hai trên bốn). Ông già trước tuổi, mới ngoài năm mươi mà như ông lão bảy mươi. Khi ông cười mới thật thảm hại. Hai chiếc răng cửa đã rụng, để lộ một khoảng trống hoác, cứ như là cánh cửa mở rộng dẫn vào ruột gan ông. Hàm răng dưới cũng chiếc còn chiếc mất khiến giọng nói của ông méo xệch. Đã thế ông lại thích kể chuyện. Chuyện Mậu Thân ở Huế năm sáu tám. Chuyện mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị. Ông kể say sưa. Ông rất tự hào về gốc gác người lính của mình.

Thường thì khi ông mở quán đã có dăm bảy khách ngồi chờ. Khách quen trong thị xã. Khách từ các huyện về. Có anh từ thành phố, để dành tóc hai ba tháng mới về quê nhờ ông cắt. Nói vậy, để biết tay nghề của ông được xếp vào thứ hạng nào. Đồ nghề của ông ngoài tấm gương lớn treo trên vách đã bị vỡ đôi, chỉ có chiếc khăn dù nhuốm mùi mồ hôi của khách, một chiếc ghế xoay hoen rỉ, cái tông đơ từ thời Pháp, mấy cái kéo cũng đã cũ nhưng còn rất sắc. Ông khoe với khách, bộ đồ cắt tóc ấy do một anh chính trị viên đại đội tặng ông. Kể cả cái nghề cắt tóc cũng do anh ấy truyền lại. Ông kể với mọi người như một giai thoại: "Tớ mới nhập ngũ được dăm ngày. Vào một buổi trưa, anh ấy dựng tớ dậy, hỏi: Vinh, cậu có biết cắt tóc không? Tớ lắc đầu, thành thực đáp, từ lúc cha sinh mẹ đẻ chỉ biết cắt lúa. Anh ấy nói, nghề cắt tóc là nghề gia truyền của nhà anh. Ông bố mất để lại cho anh bộ đồ nghề. Anh ấy dạy tớ học. Những nhát kéo, nhát tông đầu tiên tớ thực hành ngay trên đầu anh. Phá hỏng dăm bảy đầu tóc của anh em trong đơn vị - anh đứng ngoài chỉ cách sửa - cuối cùng tớ thành thợ cắt tóc cho cả đại đội. Khi bị thương xuất ngũ, anh chính trị viên tặng tớ bộ đồ này, dặn rằng: "Cậu đã thành thợ rồi, cầm lấy về mà mở tiệm".

Trong quán, ngoài chiếc ghế băng để khách ngồi chờ, có một chiếc bàn tre nhỏ để đầy báo. Báo tỉnh, báo trung ương. Ông không đặt báo nhưng khi nào cũng có báo đọc. Quán của ông thường xuyên có ba anh phóng viên báo tỉnh, một anh phóng viên thường trú đến cắt. Anh nào anh nấy khi rời quán, ngoài tiền công, cũng tặng ông tờ báo mới. Còn cánh văn nghệ sĩ thì ông ưu tiên hơn. Những bài thơ, bài nhạc của họ ông trân trọng cắt dán lên vách. Có cả thơ của những nhà thơ rất nổi tiếng. Khách lạ vào quán, ngạc nhiên hỏi về các tác giả và những bài thơ ấy, ông Vinh giấu vẻ tự hào trong nụ cười nửa miệng: "Bạn tớ cả ấy mà…".

Sáng chủ nhật hôm ấy, quán của ông Vinh vẫn đông khách như thường lệ. Có một ông từ Hà Nội, tranh thủ chủ nhật về thăm quê, nhưng chính là để nhờ ông Vinh làm đẹp cho mái tóc của mình, và một ông nhà báo đang ngồi chờ. Trên ghế cắt là một anh diễn viên kịch nói. Anh này đưa tay ra hiệu cho ông Vinh phải cắt ra sao. Ông Vinh lắng nghe rồi đứng xa ra, ngắm nghía. Y như một nhà điêu khắc đang đứng trước một tảng đá. Và ông giảng giải:

- Chú yên tâm đi. Trước đầu tóc của một người khách, trong đầu tôi lập tức hình dung ra ba phương án để cắt, ba khuôn mặt của người ấy sau khi cắt xong. Và tôi luôn chọn mái tóc đẹp nhất. Tóc của chú phải tỉa đuổi phía sau, hai bên phải dưỡng vì lần trước ai cắt cho chú lên cao quá…

- Lần trước em cắt ở Hà Nội…

- Nói chú đừng giận, tay nào cắt cho chú chẳng biết cắt tóc là gì cả… Chú vào hiệu cắt tóc thanh nữ chứ gì…?

Anh diễn viên tái mặt, thừa nhận những điều ông Vinh vừa nói. Ông không chú ý những đổi thay trên sắc mặt anh, mà nheo mắt, mơ màng đưa chiếc kéo đánh lách tách vào khoảng không, ướm thử sẽ luồn kéo vào nơi nào trên đầu khách. Cuối cùng, ông dùng chiếc lược nâng tóc lên và những lọn tóc đầu tiên rơi lả tả xuống mặt đất.

Hai anh thanh niên khác chạy xe Hon da đến trước quán, nói vọng vào:

- Bác Vinh ơi, cho em đăng ký hai suất…!

Ông Vinh vẫn đánh kéo lách tách, không hướng về phía có tiếng gọi:

- Ờ, hai giờ nữa các cậu lại…

Hai thanh niên vừa chạy xe đi thì một chiếc xe du lịch bóng loáng trờ tới, đậu ngay trước quán. Người lái xe còn trẻ, tên Vượng, áo pull quần jean, giày Adidas bước ra, điệu đà đi về phía sau, mở cửa. Từ trong xe, một người đàn ông béo tốt, complet cravate, tóc để dài, nặng nề bước ra. Ông Vinh vẫn không để ý. Người khách sang trọng vào quán, không thèm chào hỏi ai, hất hàm ra lệnh cho ông Vinh:

- Cắt cái tóc…!

Ông Vinh hơi khó chịu nhưng vẫn cố làm ra vẻ nhũn nhặn:

- Báo cáo sếp, chiều mời sếp quay lại… Sáng nay em bận rồi…

Người đàn ông kênh kiệu:

- Tôi phải đi dự đám cưới ngay, không chờ được… !

Ông Vinh ôn tồn:

- Dạ không được. Còn hai bác đây ngồi đợi từ sáng. Lại còn hai chú thanh niên…

Trong hai người khách kia, có một người đã nhận ra người đàn ông kia, đứng dậy lễ phép:

- Em chào sếp Thái. Sếp cứ cắt trước đi…

Ông Vinh ngừng kéo, ngước mắt nhìn người đàn ông tên Thái:

- Nhưng cũng phải sau ông nhà báo từ Hà Nội về…

Ông Thái vén tay áo, nhìn đồng hồ, buông ra một câu cộc lốc:

- Thế thì muộn mẹ nó rồi còn gì…!

Ông Vinh vẫn dán mắt vào mái tóc của anh diễn viên, không chú ý câu nói của ông Thái. Ông dướn người ra sau, hài lòng với những nhát kéo mình vừa cắt. Trong gương, anh diễn viên mỉm cười hài lòng. Vượng, hình như quá lo lắng cho sếp mình, kéo ông Vinh ra khỏi cơn hưng phấn, ghé sát tai ông:

- Bác ơi, sếp em là…

Ông Vinh cười tỉnh khô:

- Là ai thì khi vào quán của tôi cũng phải xếp hàng…

Ông Thái khó chịu bỏ ra ngoài. Còn Vượng thì ném vào mặt ông Vinh cái nhìn trách móc…

Chiếc xe nổ máy lao đi. Vượng quay lại nói với ông Thái:

- Tại sếp chứ. Trên phố bao nhiêu quán, máy lạnh hẳn hoi mà sếp cứ đòi phải cắt cho được cái quán của thằng cha ấy… !

Ông Thái ậm ừ. Quả thế thật. Trên phố biết bao nhiêu tiệm cắt tóc. Cắt tóc thanh nữ. Tiếp viên trẻ đẹp. Máy lạnh êm ru. Cũng có hôm, cấp dưới mời ông vào gội đầu, cạo râu. Các em nhỏ nhẹ, nuông chiều, ăn mặc gợi cảm. Cạo râu cho ông mà mặt các em cứ cúi sát xuống mặt ông, đến nỗi ông nghe rõ nhịp thở gấp gáp và mùi da thịt thơm tho của tuổi mười bảy. Nhiều lúc ông phải nhắm mắt để tránh bộ ngực căng phồng, trắng nõn của các cô như một thứ thuốc lú mời gọi. Những đụng chạm của các cô, cứ nhẹ nhàng, mơn man và cuối cùng đưa ông vào giấc ngủ…

Ông Thái chỉ vào tiệm cắt tóc thanh nữ có một lần duy nhất ấy. Ông rất thích sự vuốt ve của các em nhưng lại ý thức được rằng: "Hàm răng mái tóc là góc con người". Cái đẹp của người đàn ông đầu tiên phải là mái tóc. Ông rất sợ các cô làm hỏng mái tóc nghệ sĩ của mình. Ngay thợ cắt tóc đàn ông trong thị xã, ông cũng đã thử cắt ở nhiều tiệm. Và ông nhận xét, không ai qua mặt được ông Vinh. Nhiều lần ông nói với mọi người, ông Vinh không phải là người cắt tóc mà là một nghệ sĩ tạo những mái tóc hợp thời trang cho cánh đàn ông trong thị xã.

Vậy mà, sáng nay, khi cần xuất hiện trước một đám cưới "quan trên trông xuống, người ta trông vào", ông Vinh đã từ chối không làm đẹp cho ông. Thế mới hận chứ ! Cứ tưởng ngồi trong chiếc xe hơi sang trọng, ăn mặc tươm tất như một vị bộ trưởng thì ông Vinh phải nể nhưng ông đã tỉnh bơ. Ông Thái giận lắm: "Đừng có mà láo. Mày cũng chỉ là một thằng cắt tóc quèn, đi nhặt tiền lẻ của thiên hạ. Làm như cả thị xã này chỉ mình mày làm nghề ấy…".

Như đoán biết những suy nghĩ của ông, Vượng cho xe chạy chậm vào quán cắt tóc máy lạnh.

Sau hơn một giờ đồng hồ, ông Thái được một em váy ngắn cũn cỡn bá cổ bước ra. Ông đê mê trước những cử chỉ âu yếm của các em. Nét mặt ông mãn nguyện. Nhưng Vượng thì giật mình: "Mẹ kiếp, chúng nó phá hỏng mái tóc của sếp mất rồi…!".

Trong đám cưới, mọi người cứ nhìn ông. Rồi cười khúc khích với nhau. Có người thân tình, vỗ vai ông: "Đứa nào cắt tóc cho cậu đấy…?". Ông Thái đi vội vào trong toilette, giật mình thấy mái tóc của mình như tóc thằng ngố. Ông trao phong bì cho cô dâu chú rể rồi biến mất.

Buổi chiều, người ta thấy Vượng lái xe đưa ông Thái đến quán cắt tóc của ông Vinh…

Hà Tĩnh 28-11-2004

. P.C.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vài phút với ông đồ thời @   (29/12/2004)
Chuyện của Bá Thạch   (29/12/2004)
Đường ra trận xanh mát hồn thơ   (29/12/2004)
Thơ   (29/12/2004)
Chuyện kể của người thuyền phó tàu không số   (29/12/2004)
Kỹ thuật viên vật lý trị liệu: Những người chữa bệnh bằng đôi tay   (29/12/2004)
Những quán cà phê tình ở Quy Nhơn   (29/12/2004)
Nơi ươm mầm hy vọngcho con em bệnh nhân phong   (29/12/2004)
Vui buồn đời thợ xây...   (29/12/2004)
Nghề "thả chà" đánh bắt cá   (29/12/2004)
Khi người lính cất tiếng hát   (29/12/2004)
Sống mãi những kỷ niệm của người lính   (29/12/2004)
Từ cánh rừng Trần Hưng Đạo đến... đại thắng Mùa Xuân năm 1975   (29/12/2004)
Xứng danh bộ đội cụ Hồ   (29/12/2004)
Câu lạc bộ Bình Định nguyệt san   (26/11/2004)