Việc dùng người sao cho hiệu quả là vấn đề thường xuyên được đặt ra với bất cứ nhà nước nào. Có thể nói việc phát huy tối đa khả năng làm việc của cán bộ sẽ quyết định sự thành công của bất cứ bộ phận nào trong bộ máy xã hội... Lịch sử hình thành và phát triển, những thắng lợi mà Đảng CSVN gặt hái được có phần đóng góp rất lớn của những cá nhân kiệt xuất, trong đó phải kể đến người ươm mầm vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh - một trong những bậc thầy về phép dùng người.
Với Hồ Chí Minh, nhân dân, con người không bao giờ là phương tiện của các nhà chính trị mà ngược lại, nhân dân là người chủ sở hữu của quyền lực chính trị, con người vừa là mục đích, vừa là động lực và sức mạnh của mọi sự nghiệp chính trị. Lịch sử đã để lại nhiều ví dụ, ngay sau khi lập quốc, Người đã kêu gọi tri thức Việt kiều về phục vụ dân tộc và kết quả nhiều nhà trí thức lớn đã đáp lại lời kêu gọi của Người: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo... Và cũng chính Người đã rất quan tâm đến vấn đề đào tạo thế hệ tương lai để tiến hành sự nghiệp vĩ đại: Giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào; "làm cho mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Động cơ ấy đã trở thành triết lý nhân sinh, thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ chính sách dùng người của Hồ Chí Minh.
Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, công chức các cấp: "Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số căn bệnh cơ bản làm cho người cán bộ không tự biết được mình. Đó là: Bệnh cậy thế và kiêu ngạo. Bệnh ưa người ta phỉnh nịnh mình. Bệnh "tư túng". Bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, máy móc, giáo điều... Theo Hồ Chí Minh, muốn cán bộ làm được việc, phải khiến cho họ yên tâm làm việc, vui thú làm việc. Làm cho cán bộ có tinh thần chủ động, dám phụ trách trong công việc.
Nghệ thuật thu hút con người, sử dụng đúng người đúng việc, phát huy tối đa trí tuệ tập thể vì lợi ích nhân dân, cộng đồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên những giá trị của nó. Trong kỷ nguyên kinh tế tri thức những nguyên tắc, giá trị ấy càng cần được nghiên cứu phát huy nhiều hơn.
. Học Phong
|