Cao lanh Bình Định và ước mơ gốm
15:14', 2/3/ 2004 (GMT+7)

Có hai thứ quan trọng làm nên chất lượng sản phẩm gốm: trình độ tay nghề của thợ gốm và chất lượng nguồn cao lanh nguyên liệu. Có thể nói Bình Định có đủ cả hai thứ này. Gốm Bình Định không còn vang danh như xưa nhưng nguồn nguyên liệu quý giá đang được chúng ta sử dụng như thế nào?

* Một thời vang bóng

Gốm Nhơn Hậu

Theo ông Nguyễn Vĩnh Hảo - một nhà sưu tập đồ cổ và cũng là người nặng lòng với gốm cổ Bình Định, thì gốm Bình Định từng có một vị trí cực kỳ vững chắc trên thị trường nội địa. Đã có lúc nếu nói đến gốm miền Bắc, người ta ca ngợi gốm Bát Tràng, Chu Đậu thì với miền Trung, người ta cũng xưng tụng gốm Gò Sành. Cho đến giữa thế kỷ XX, gốm Bình Định lại "tái xuất giang hồ" với lò gốm của ông Nguyễn Hượt (thân sinh ông Nguyễn Vĩnh Hảo) ở Phù Mỹ. Ông Hảo kể lại: "Cha tôi lấy cao lanh ở thôn Trung Thứ (Mỹ Chánh - Phù Mỹ) và thôn Suối Tre (Cát Tường - Phù Cát) để làm gốm. Từ năm 1958 đến 1967, đồ gốm thương hiệu Kim Môn - Phù Mỹ do cha tôi làm chẳng những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước châu Âu. Sau đó, do chiến tranh và các yếu tố bất lợi khác, cha tôi không sản xuất đồ gốm nữa".

Những năm 80 của thế kỷ XX, ở Tuy Phước có một xí nghiệp sản xuất đồ sành sứ với nguồn nguyên liệu khai thác tại chỗ. Sản phẩm làm ra của xí nghiệp không được đẹp và chỉ là những vật dụng đơn giản như chén bát, hũ, lọ. Một thời gian sau, xí nghiệp giải thể. Cũng trong thời kỳ này, nỗi niềm đau đáu với gốm cổ Bình Định đã khiến ông Nguyễn Hượt nuôi ý định vực dậy nghề gốm. Cùng các hội viên câu lạc bộ Trúc Lan Viên, ông xây dựng lại lò gốm tại nhà mình ở Phù Mỹ, mướn thợ địa phương làm. Mẻ sản phẩm đầu tiên ra đời làm nức lòng những người trong cuộc bởi nó chứng tỏ họ đã làm được điều mình hằng tâm niệm - phục hồi gốm Bình Định. Nhưng rồi do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, mẻ sản phẩm đầu tiên ấy cũng là mẻ sản phẩm cuối cùng.

* Đau đáu một nỗi nhớ

Trữ lượng các mỏ đất sét ở Bình Định:

- Cao lanh: 25 triệu m3, phân bố ở Tuy Phước, Phù Cát

- Đất sét đỏ: 13,5 triệu m3, phân bố dưới dạng mỏ sét đồi hoặc ruộng, tập trung ở An Nhơn, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh và Tây Sơn.

Bình Định có nguồn nguyên liệu đất sét đỏ, đất sét trắng (cao lanh) rất dồi dào và đã được người dân cách đây hàng chục thế kỷ phát hiện, sử dụng. Ngoài trữ lượng lớn thì nguồn nguyên liệu này còn có chất lượng khá tốt với những đặc trưng riêng của nó. Ông Nguyễn Vĩnh Hảo khẳng định: "Qua các hiện vật mà mình có được, tôi biết đất sét đỏ Bình Định có hàm lượng sắt rất cao, vì thế khi nung ở nhiệt độ cao, sắt nóng chảy ra, sản phẩm là chum, vò, ché sẽ được tráng bằng một lớp sắt nên chúng rất bền, lại không thẩm thấu nước. Còn sành sứ của ta tuy có màu xám chứ không trắng như sản phẩm các nơi khác vì cao lanh có pha nhiều tạp chất, nhưng bù lại chúng chắc và kín. Đây là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của gốm Bình Định". Rồi ông trăn trở: "Bình Định có nguồn nguyên liệu làm gốm dồi dào, chất lượng tốt, lại có đội ngũ thợ giỏi và có lợi thế kinh doanh vì thương hiệu gốm Bình Định đã nổi tiếng từ 10 thế kỷ trước (theo ý kiến của ông Hảo, thời hưng thịnh và thể hiện tinh hoa của gốm Gò Sành là ở thế kỷ XI chứ không phải thế kỷ XIV-XV như nhiều người nói), vậy tại sao chúng ta không tận dụng ưu thế đó để phục hồi và phát triển nghề gốm?".

Hiện tại, nguồn đất sét đỏ chủ yếu được các lò gạch tư nhân (trên dưới 500 lò) và 4 nhà máy gạch tuy nen khai thác để làm gạch ngói. Gốm Bình Định chỉ còn tồn tại ở một số làng nghề thủ công với sản phẩm là đồ đất nung giá rẻ. Thời hoàng kim của làng gốm Vân Sơn (Nhơn Hậu - An Nhơn) cũng chỉ còn lại trong ký ức. Hiện Bình Định có 2 cơ sở sản xuất đồ gốm xuất khẩu là Công ty TSC và Công ty TNHH Đất Lửa, đều ở Tây Sơn, với sản phẩm là đồ đất nung, thị trường chủ yếu là các nước châu Âu nhưng chủng loại và số lượng sản phẩm xuất ra vẫn chưa nhiều. Còn việc khai thác cao lanh để sản xuất sành sứ thì chỉ có Công ty Cosevco 75 khai thác để sản xuất gạch ceramic, với công suất 100.000m2 gạch/năm. Trong danh mục các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh có dự án nhà máy gốm mỹ nghệ xuất khẩu, nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Nhà máy sẽ sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp phục vụ trang trí nội thất tiêu dùng nội địa và xuất khẩu với công suất 1 triệu sản phẩm/năm. Còn với nhà sưu tập Nguyễn Vĩnh Hảo, ông đang ấp ủ ý tưởng xây dựng một xưởng phục chế gốm Bình Định.

Trong khi gốm cổ Bình Định đang chảy máu, việc khôi phục nghề gốm cũng như khai thác và sử dụng hợp lý nguồn đất sét đỏ, cao lanh ở Bình Định để làm ra sản phẩm chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu không chỉ có ý nghĩa trong việc phục hồi một thương hiệu mà còn mang lại lợi ích kinh tế to lớn. Gốm Bát Tràng, gốm Hải Dương, gốm Lái Thiêu nổi tiếng một thời. Nay vẫn giữ được danh tiếng của mình, và còn hơn thế bởi đầu óc kinh doanh của những nghệ nhân, doanh nhân các làng gốm trên. Còn gốm Gò Sành, gốm Bình Định cũng từng được xưng tụng, nhưng nay thấy ít ai nhắc đến. Ai sẽ trả lại tên cho gốm Bình Định?

. Nguyên Sương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hồ Chí Minh với vấn đề dùng người   (02/03/2004)
Trên từng tàn xanh cổ thụ   (14/12/2003)
Thời gian cô đặc trong thơ Văn Cao   (14/12/2003)
Nâng tầm cho granite Bình Định   (14/12/2003)
Kính mắt - lạc vào mê cung   (14/12/2003)
Chút kỷ niệm về vùng đất trũng   (14/12/2003)
Vẽ ước mơ bằng những cái nhấp chuột   (14/12/2003)
Gắn chữ tâm lên trên đầu súng   (14/12/2003)
Chuyện má Mười   (14/12/2003)
Loạn đất ở Cát Chánh   (20/11/2003)
Cầu nối cho những công trình mới   (20/11/2003)
Những ngày hào hiệp   (20/11/2003)
Bến đợi chồng   (20/11/2003)
Tượng kỳ ký sự   (20/11/2003)
Mưa   (20/11/2003)