Dừa là cây trồng đã gắn bó lâu đời với mảnh đất và con người Bình Định. Tuy nhiên, để cây dừa Bình Định thực sự mang lại các lợi ích về mặt dân sinh, kinh tế thì có rất nhiều việc phải làm.
* Thực trạng cây dừa
|
Phơi thảm xơ dừa |
Dừa được trồng hầu hết các địa phương từ đồng bằng đến miền núi, nhưng nhiều nhất là ở các huyện: Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát… Ngoài việc tạo nên vẻ đẹp cảnh quan cho quê hương, cây dừa còn là cây trồng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Ở Bình Định, dừa được trồng chủ yếu để lấy trái, dùng cho chế biến thủ công tại địa phương (nấu dầu dừa, bánh tráng nước dừa…). Tuy nhiên, trong những năm qua, giá dừa trên thị trường thấp, nông dân phải bán sản phẩm với giá rẻ, 500-600 đồng/trái dừa khô. Mặc dù đã có cơ sở chế biến dừa công nghiệp của Tổng công ty PISICO (chế biến chỉ xơ dừa, than gáo dừa xuất khẩu) nhưng mức độ sản xuất có hạn, chỉ tiêu thụ một phần nhỏ sản lượng dừa của tỉnh và giá mua cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Một số cơ sở TTCN cũng sử dụng vỏ dừa, thân cây dừa để sản xuất thảm xơ dừa, dây dừa, đũa dừa… phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và xuất khẩu, nhưng qui mô hoạt động nhỏ vì còn phụ thuộc đầu ra sản phẩm.
Do khó khăn về thị trường, nên nông dân Bình Định tuy vẫn giữ vườn dừa nhưng không quan tâm đầu tư chăm sóc. Đã thế, mấy năm qua dịch bọ cánh cứng hại dừa cứ tái đi tái lại khiến nông dân không còn màng đến, bỏ mặc cây dừa được chăng hay chớ!
* Hướng đi nào cho cây dừa?
Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh xác định: dừa là cây trồng quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, từ nay đến năm 2005 ổn định diện tích khoảng 13.000 ha. Mặc dù được xác định như vậy, nhưng những năm qua cây dừa vẫn chưa được các cấp chính quyền và nông dân các địa phương quan tâm thực hiện một cách đúng mức. Hiện, diện tích dừa vẫn giữ vững 13.000 ha, nhưng có đến trên 80% diện tích là giống dừa địa phương, không được chăm sóc chu đáo, hoặc già cỗi cho năng suất thấp. Trong khi đó, các giống dừa xiêm, xiêm lai, dừa ẻo…dùng cho giải khát, ăn tươi, thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn thì diện tích còn ít, chỉ khoảng 20%. Sản phẩm từ cây dừa được bán với giá rẻ, công tác diệt trừ bọ cánh cứng hại dừa thì "đầu voi đuôi chuột". Dừa vẫn còn bị phó mặc cho thời gian. Đó là những hạn chế đã ngăn cản sự phát triển kinh tế cây dừa. Dừa là cây trồng đã gắn bó và chở che cho nhân dân trong tỉnh để phát triển đời sống sản xuất, nguồn lợi từ cây dừa thì nhiều vô kể, nhưng đòi hỏi phải cần có bàn tay chăm sóc của con người.
Muốn cây dừa trở thành cây trồng quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, thì các vườn dừa cần được cải tạo, thay diện tích dừa già cỗi, kém hiệu quả bằng các giống dừa mới năng suất cao hơn, chú trọng phát triển dừa nguyên liệu chế biến công nghiệp để xuất khẩu, dừa ăn quả, uống nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường nội địa và khách du lịch. Các ngành chức năng có liên quan cần tăng cường công tác nghiên cứu, chọn lọc giống, quy hoạch xây dựng các cơ sở nhân giống để cung cấp giống dừa cho nông dân. Đồng thời hướng dẫn nông dân cải tạo vườn dừa, đầu tư thâm canh… để cây dừa thực sự là cây hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, chú trọng đến việc chế biến dừa trái, nghiên cứu thị trường mở hướng phát triển công nghiệp, TTCN sản xuất sản phẩm có nguyên liệu từ cây dừa.
. Tiến Sĩ
|