Thị trường phân bón:
Giá phân bón tăng nhanh, nông dân phập phồng
15:18', 2/3/ 2004 (GMT+7)

Thời gian gần đây, giá phân bón tăng mạnh và hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. "Nếu cứ đà tiếp tục tăng nhanh này chắc người nông dân chúng tôi phải "giãi sào" quá vì khó có thể kiếm ăn được từ nghề làm ruộng" - bác Nguyễn Văn An - một nông dân ở xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) bức xúc nói.

* Giá tăng và vẫn còn tiếp tục tăng

Nhập phân bón ở Cảng Quy Nhơn

Giữa tháng 2-2004, giá phân urê bán ở hầu hết các địa phương trong tỉnh dao động ở mức 3.550 - 3.650 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, tăng khoảng 1.200 đồng/kg so với đầu năm 2003. Theo nhiều người kinh doanh phân bón thì năm 2003 là quãng thời gian phân bón tăng nhanh nhất. Đầu năm 2003, giá phân bón thị trường trong tỉnh dao động từ 2.350 - 2.400 đồng/kg; giữa năm 2003, giá tăng lên 2.800 - 3.000 đồng/kg và đến nay, giá phân bón từ 3.550 - 3.650 đồng/kg.

Giải thích hiện tượng đột biến giá phân bón trong thời gian gần đây, các chuyên gia phân bón có chung nhận định là do chiến tranh Iraq đã đẩy mức dầu tăng, kéo theo chi phí sản xuất phân bón tăng; nguồn cung cấp phân bón ở các nước ngoài như Indonesia, Ấn Độ... giảm; chi phí vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam nói chung và về cảng Quy Nhơn nói riêng tăng mạnh... Điển hình như từ sau khi Hiệp hội Tàu quốc tế cấm tàu trên 25 tuổi hoạt động, cước phí vận chuyển cứ thế tăng nhanh. Ví dụ như giá phân bón được vận chuyển từ các nước Trung Quốc, Indonesia... nhảy vọt lên gần 30 USD/tấn so với mức 15-17 USD/tấn trước đây.

Tổ điều hành thị trường của Chính phủ nhận định, năm 2004 nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước khoảng 7,3 triệu tấn các loại, trong đó sản xuất trong nước chỉ có khả năng cung ứng 3,3 triệu tấn. Trong số 4 triệu tấn phải nhập khẩu có 2,1 triệu tấn phân urê (chiếm khoảng 90% nhu cầu sử dụng của cả nước), 70.000 tấn kali, 90.000 tấn SA và DAP... Lượng phân nhập khẩu lớn hơn nhiều so với lượng phân sản xuất trong nước đã làm mặt bằng giá phân ở Việt Nam phụ thuộc vào mặt bằng chung giá phân bón trên thế giới. Thị trường phân bón quốc tế "nóng lạnh" là ta lập tức điêu đứng.

* Dự trữ

Trước những diễn biến bất thường trên thị trường phân bón hiện nay, cuối năm 2003 - đầu năm 2004, nhiều nhà kinh doanh phân bón trong tỉnh Bình Định đã có những kế hoạch chuẩn bị rõ ràng cho vụ đông - xuân. Ông Lưu Sinh Ngọc - Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp Bình Định, cho biết: "Chúng tôi tin rằng trong năm 2004 giá phân bón sẽ tiếp tục tăng cao, vì vậy chúng tôi đã kịp thời vay thêm vốn để nhập một số lượng phân bón khá lớn nhằm phục vụ cho bà con nông dân trong vụ đông - xuân 2003-2004. Cuối năm 2003, chúng tôi đã nhập 6.050 tấn phân urê, 5.000 tấn phân NPK, 6.000 tấn Sulfate... đến tháng 2-2004, chúng tôi tiếp tục nhập thêm 12.000 tấn phân urê, 4.000 tấn phân kali, 12.000 tấn SA... để phục vụ cho bà con nông dân. Ngoài ra, để gánh bớt giá cho nông dân, chúng tôi đã tìm cách giảm bớt chi phí vận chuyển, hoa hồng... để hạn chế mức tăng giá phân bón".

Giá phân sẽ còn biến động phức tạp. Hiện nay nhiều nhà kinh doanh phân bón trong tỉnh vẫn tiếp tục tích trữ hòng chờ khi giá phân bón tăng cao hơn nữa mới bung ra bán. Chính điều này đã làm cho sự khan hiếm phân trở nên gay gắt và giá cả phân trong tỉnh theo đó tăng nhanh.

Phân bón là nguyên liệu chính cho người nông dân trồng trọt, đặc biệt phân bón ảnh hưởng nhiều nhất đến cây lúa. Mỗi vụ canh tác một sào ruộng trung bình cần khoảng 40 kg phân gồm: 15 kg phân lân, 13 kg NPK, 7 kg urê, 5 kg kali. Vụ đông - xuân năm 2002-2003 số lượng phân trên trị giá khoảng 70.000 đồng, nhưng với thời điểm giá phân hiện nay thì mất khoảng 100.000 đồng. Anh Nguyễn Văn Học, một nông dân ở thôn Trung Ái, xã Nhơn Hòa (An Nhơn), phân tích: "Với năng suất bình quân khoảng 2,4 tạ/sào, sau khi trừ chi phí một sào ruộng người nông dân chúng tôi kiếm lãi khoảng 50 kg lúa, tương đương với 100.000 đồng. Nhưng giá phân bón cứ tăng đều đều như hiện nay thì chúng tôi chưa biết lời hay lỗ nữa.".

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hướng đi nào cho cây dừa?   (02/03/2004)
Cao lanh Bình Định và ước mơ gốm   (02/03/2004)
Hồ Chí Minh với vấn đề dùng người   (02/03/2004)
Trên từng tàn xanh cổ thụ   (14/12/2003)
Thời gian cô đặc trong thơ Văn Cao   (14/12/2003)
Nâng tầm cho granite Bình Định   (14/12/2003)
Kính mắt - lạc vào mê cung   (14/12/2003)
Chút kỷ niệm về vùng đất trũng   (14/12/2003)
Vẽ ước mơ bằng những cái nhấp chuột   (14/12/2003)
Gắn chữ tâm lên trên đầu súng   (14/12/2003)
Chuyện má Mười   (14/12/2003)
Loạn đất ở Cát Chánh   (20/11/2003)
Cầu nối cho những công trình mới   (20/11/2003)
Những ngày hào hiệp   (20/11/2003)
Bến đợi chồng   (20/11/2003)