Phấp phỏng một mùa tôm
15:21', 2/3/ 2004 (GMT+7)

Sau 3 năm liền chịu thất bại do dịch bệnh, trong vụ tôm trước mặt, người nuôi tôm ở Bình Định cần được giúp đỡ để vượt qua những khó khăn như: thiếu vốn, nguồn nước nuôi bị ô nhiễm trầm trọng, đầu ra ở thị trường Mỹ bị thắt lại do kiện tụng…

Mộ hồ nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ đang làm vệ sinh hồ

Chỉ còn một tháng nữa là đến thời điểm thả giống mà nhiều vùng hồ nuôi tôm vẫn chưa hề được sửa sang cải tạo. Tại xã Phước Hòa (Tuy Phước) nơi có hơn 320 hồ tôm với hơn 500 hộ nuôi tôm đã mang nợ đến gần 20 tỉ đồng. Hộ nợ nhiều nhất tới vài trăm triệu, hộ nợ ít cũng vài chục triệu. Ông Nguyễn Ngọc Sơn-Phó chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết: "Gần như toàn bộ tài sản của những người nuôi tôm ở đây đều đã bị cầm cố. Từ hồ nuôi đến nhà cửa, xe máy. Bước vào vụ nuôi này họ đều lâm vào cảnh vô phương xoay sở. Ngân hàng thì đã "khóa", không cho vay tiếp. "Bốc nóng" bên ngoài, chấp nhận lãi suất rất cao, cũng không còn ai cho vay bởi sợ không có khả năng thu hồi vốn. Trong khi đó, để đầu tư nuôi theo hướng công nghiệp phải mất đến 150 triệu đồng/ha. Vì vậy, nếu như trước đây ai cũng cố gắng đầu tư nuôi thâm canh thì hiện nay đa số trở lại cách nuôi bán thâm canh, chấp nhận "được chăng hay chớ"! Tuy nhiên, số hộ còn "gắng gượng" được là không nhiều…".

Ở Huỳnh Giảng, một vùng có 100% hộ dân (2.000 nhân khẩu) chuyên nuôi tôm với 200 ha diện tích hồ, nơi trước đây vốn được xem là vùng đất "nhà giàu" thì hiện nay gần như không ai còn chút tài sản gì. Đến vùng tôm trong những ngày này, không ai khỏi xót lòng trước cảnh những hồ tôm nằm vắng lặng dù đã sắp bước vào vụ nuôi mới. Chị Sáu, người đã từng làm chủ hơn 4.000 m2 hồ tôm than thở: "Bây giờ gạo còn phải đi mua nợ, lấy đâu ra tiền mà đầu tư nuôi tôm".

Chuyện vốn liếng nghe đã buồn là thế, chuyện nguồn nước nuôi tôm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng càng đáng lo hơn. Ông Phó chủ tịch UBND xã Phước Hòa dắt tôi ra nhìn tận mắt sự ô nhiễm của dòng sông Gò Bồi, nguồn cung cấp nước nuôi tôm cho 1.000 ha hồ tôm của huyện Tuy Phước và một phần diện tích nuôi của TP Quy Nhơn qua cửa đầm Thị Nại. Lềnh bềnh trên mặt nước là những chiếc bao đựng xác gia cầm chết. Nước triều xuống thì chúng dồn lại cuối nguồn, nước triều lên chúng lại bị trôi dạt trở lại. Cứ lẩn quẩn như thế cho tới khi chúng rữa xác ra. Ông Sơn cho biết: " Chúng tôi đã thành lập nhiều đội xung kích thường xuyên tỏa đi vớt xác gia cầm chết ở các dòng nước…".

Tất cả đang là nỗi ám ảnh lớn của những người còn khả năng đầu tư cho vụ tôm này! Anh Nguyễn Văn Bảy ở thôn Kim Đông lo ngại nói: "Sau nhiều thất bại, chúng tôi đã có lúc muốn chuyển hướng làm ăn khác. Thế nhưng chúng tôi thì chẳng có nghề nghiệp gì, chỉ còn biết đi tha hương làm thuê. Con tôm đã làm cho chúng tôi vương nợ quá nhiều rồi, bây giờ mà đi làm thuê làm mướn thì với mức thu nhập ấy biết đến bao giờ chúng tôi mới gỡ được nợ. Thế nhưng nếu vụ này mà phải gánh thêm một lần thất bại nữa do dịch bệnh thì những người nuôi tôm chúng tôi kể như trắng tay". Mang nỗi lo này của những người nuôi tôm trao đổi với ông Nguyễn Văn Mong - Phó giám đốc Sở Thủy sản, ông Mong cho biết: "Khắc phục tình trạng này, ngành Thủy sản chúng tôi sẽ thường xuyên cử cán bộ về các vùng nuôi tôm để kiểm tra môi trường nguồn nước và sẽ có những giải pháp kịp thời để bà con yên tâm vào vụ nuôi mới".

Người nuôi tôm Bình Định rất mong vượt qua đận khó khăn này!

. Vũ Đình Thung

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giá phân bón tăng nhanh, nông dân phập phồng   (02/03/2004)
Hướng đi nào cho cây dừa?   (02/03/2004)
Cao lanh Bình Định và ước mơ gốm   (02/03/2004)
Hồ Chí Minh với vấn đề dùng người   (02/03/2004)
Trên từng tàn xanh cổ thụ   (14/12/2003)
Thời gian cô đặc trong thơ Văn Cao   (14/12/2003)
Nâng tầm cho granite Bình Định   (14/12/2003)
Kính mắt - lạc vào mê cung   (14/12/2003)
Chút kỷ niệm về vùng đất trũng   (14/12/2003)
Vẽ ước mơ bằng những cái nhấp chuột   (14/12/2003)
Gắn chữ tâm lên trên đầu súng   (14/12/2003)
Chuyện má Mười   (14/12/2003)
Loạn đất ở Cát Chánh   (20/11/2003)
Cầu nối cho những công trình mới   (20/11/2003)
Những ngày hào hiệp   (20/11/2003)