Một chiều vàng thu bên hành lang cửa hàng quốc doanh đầu thập niên 1980. Người đàn ông ngồi lặng lẽ trước biển vừa nhấm nháp ly cà phê của mình vừa dùng thìa gói bã trong phin để mang về nhà nấu lại nước hai cho khẩu phần buổi tối. Đó là nhà thơ Lê Văn Ngăn, kẻ đã trót nghiện thứ nước uống này từ thời còn đi học và trốn lính.
* Dưới mái nhà không phải nhà của mình
|
Lê Văn Ngăn và con trai |
Năm học đệ thất (lớp 6 bây giờ) Lê Văn Ngăn từng có thơ in trên báo Phụ nữ Thứ bảy-Sài Gòn. 18 tuổi, anh viết bài Người phu xe: Cha đã lăn cho con những vòng xe/ mồ hôi chảy xuống lấp lánh mặt trời/ đọ sức cùng thiên nhiên/(…) Sao mà những nếp nhăn/ sao mà khuôn mặt héo… Bài thơ này làm Thái Ngọc San và nhiều bạn bè khác xúc động mạnh! Thời sinh viên (khóa 3:1964-1966) ở trường Sư phạm Quy Nhơn anh đã in ronéo tập thơ đầu tay Trên đồng bằng gồm 50 bài chọn lọc trong 200 bài thơ anh có. Năm 1972 Đài TNVN và báo Văn Nghệ phát đi bài thơ Sóng vẫn đập vào eo biển, tờ Thống Nhất đăng tải bài Đất của những người bất phục khiến tên tuổi Lê Văn Ngăn được kẻ sĩ Bắc Hà chia sẻ như một đồng chí trên cùng một chiến tuyến. Thời gian này ở Huế, những người bạn của anh như Thái Ngọc San và Lê Gành góp thêm lửa đấu tranh ngùn ngụt của phong trào SVHS bằng cách đốt xe Mỹ trên cầu Trường Tiền.
Cùng số phận với Trên đồng bằng, tập Vào một thời im bóng cũng được in và phát hành bất hợp pháp ở Quy Nhơn năm 1974 với số lượng không nhiều. Ngày ấy thơ của anh lặng lẽ như những tờ truyền đơn đánh thức lòng yêu nước… Tiếc một điều là đến nay hai tập thơ này rất ít người còn giữ được. Tập Trên đồng bằng mà nhà báo Võ Xuân Phụng, học trò cũ Lê Văn Ngăn thời đi dạy kèm, chuyển cho tác giả gần đây là tập hiếm hoi còn lưu giữ …
Dù có thơ đăng báo rất sớm nhưng phải đến năm thi tú tài toàn phần, Lê Văn Ngăn mới thật sự bộc lộ tâm trạng mình, âm thầm chắt lọc tâm sự trải lòng ra trên những con chữ góp phần đại diện cho tầng lớp cần lao trên đất Thần Kinh. Trong tuổi thanh xuân rạo rực, anh quyết định giành lấy số phận bằng tâm sự một kẻ sĩ yêu dân tộc, yêu nhân dân. Hình ảnh người cha kéo xe ba gác suốt nền trời mưa dầm, nắng hạn của quê hương đến năm 78 tuổi mới chịu "rửa tay chậu vàng". Để rồi ông đành khuất phục định mệnh và qua đời ở năm 79 tuổi mà hầu như chưa hề được hưởng bất cứ một tiện nghi nào của trần gian. Lệ rơi trên quan tài lặng câm, rơi nhạt nhòa trên ngọn đèn dầu vốn hắt hiu đã để lại trong ánh mắt Lê Văn Ngăn nỗi đau khắc cốt ghi tâm. Nỗi buồn cổ tích lăn qua ngày hiện hữu, khắc nghiệt dừng lại trên nhân ảnh sương khói của người mẹ ngoài tám mươi, giờ vẫn còn lận đận nhen lên bếp lửa đầu ngày, đưa vai gánh nồi nước bún mưu sinh nơi con hẻm nhỏ, khiến hồn anh lần nữa dậy lên niềm thương cảm bất lực trong tấc lòng hiếu thảo của người con trưởng nam. Nỗi buồn xa xăm làm anh bất chợt thốt lên giữa đêm Quê hương ơi, hãy lau khô đôi mắt…
Một số bạn bè vì không thấu được nỗi riêng này nên đùa: "Lê Văn Ngăn có cách ứng xử, tư duy của con người thế kỷ 19! Sao vẫn "tồn tại" ở thế giới hiện đại này nhỉ!". Trên thực tế, anh rất xa lạ với các thiết bị điện tử tiêu dùng, anh chưa bao giờ tự mở ti-vi hoặc biết chuyển kênh. Anh cũng chưa bao giờ di chuyển bằng xe gắn máy, nói chi đến nút "start" của dàn máy vi tính. Bụi công nghiệp dường như không thích hợp với trái tim anh. "Dù "nhận thức là một quá trình" và quá trình ấy đã có, mình vẫn là người rất… lạc hậu!" - Anh tự nhận.
Niềm vui vang lên trong căn nhà nhỏ anh đang trú ở Đà Lạt: giải phóng Quy Nhơn. Thượng tuần tháng 4-1975, ngược chiều với lớp lớp đoàn quân tiến vào Sài Gòn, anh về Quy Nhơn trên những vòng lăn của chiếc xe đạp cũ, nơi có người vợ hoa khôi thời nữ sinh, luôn dõi theo anh về phía phương Nam bằng ánh mắt ba thu mà anh vừa cưới "nháp" hồi cuối năm 1974. Xuống đến Phan Rang anh đổi chiếc xe cà tàng cho Ngọc Minh - chủ bút tờ Ý Thức - để đổi lấy chiếc xe khác tốt hơn. Qua đường dây cơ sở, anh gặp nhà văn Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục bấy giờ là bộ đội tiếp quản thành phố Nha Trang. Họ lưu anh lại hai ngày, chia sẻ với nhau ngọn lửa hừng hực, tất yếu của chiến dịch tiến về Sài Gòn.
* Nhà thơ không bao giờ lớn tiếng
Văn chương, dù thanh cao
vẫn chỉ là sản phẩm phụ so với đời sống, khổ đau, hạnh phúc
Từ đó, tôi dành niềm tin
cho những nhà thơ không bao giờ lớn tiếng.
"Những dòng này đúng hơn khi dành để nói về anh, thơ anh. Lê Văn Ngăn trung thành trọn đời với những tín niệm nghệ thuật của mình. Trừ vài sáng tác ở thời kỳ đầu, toàn bộ thơ được viết trong cố gắng không ngừng rời xa những niêm luật truyền thống - thơ văn xuôi. Thơ anh nghiêng về những con người lao lực, những người cha kéo xe ba gác, những người mẹ bán hàng rong, người quét rác, ngọn đèn khuya bên khung cửa sổ… Ta thấy "sản phẩm" của anh hiện lên những số phận, những cuộc đời chưa dễ khô nước mắt". Nhà thơ Ngô Thế Oanh đã viết về thơ anh như thế.
Một đêm cuối năm 1985 tôi đến nhà anh trên đường Hai Bà Trưng (Quy Nhơn) và bất ngờ gặp anh một mình bên thành giếng, chậm rãi uống cạn một hồ trường. Trước mặt anh là ngọn lửa giao thừa và tàn tro của vô số bản thảo chưa in hoặc đã in trước đây ở miền Nam. Cả những tạp chí Đối Diện, Ý Thức, Bách Khoa… - nơi thơ anh được in. Hỏi ra mới biết anh đang hướng về quê nhà. Như một bi kịch, những điều anh viết, đã làm được thật quá nhỏ bé đến mức không nhìn thấy, không cần lưu lại trên cõi đời, so với công đức sinh thành và dưỡng dục. Gần đây anh còn nói: "Cha mẹ cho mình thân xác và khối óc. Trái tim ta có lẽ 60 năm mới biết nó rung động như thế nào. Năm đậu tú tài cha mình tặng cho mình cái… bạt tai, ông bảo: "Mi có khinh tau không biết chữ không?". Vì sao?... Mãi sau này anh mới hiểu đó là vì ông sợ mất con! Tình yêu thương của cha mẹ, ý thức về nỗi đau đất nước phân ly như in dấu hữu hình trên da thịt ngày ấy đã trở thành ý chí trên những chặng đường làm người của Lê Văn Ngăn. Chúng ta như kẻ sống dưới hầm tối muốn ngoi lên ánh sáng, để được cái quyền coi thường sự bất nhân? Có những năm tháng chúng ta đã từng yêu nhau…
* Không nguôi niềm hy vọng
Có thể nói Lê Văn Ngăn là nhà văn duy nhất của Hội Nhà Văn Việt Nam không xuất bản tập thơ nào suốt 29 năm qua, kể từ 1975. Năm 2002, Hội tài trợ cho anh 3 triệu đồng để in tập Không nguôi niềm hy vọng. 40 bài thơ ưng ý nhất được anh tuyển chọn từ 250 bài, viết ra từ 1975 đến 2003. Nhưng có điều lạ, gương mặt bài thơ Xa Đà Lạt và bài Dưới mái nhà không phải nhà của mình đoạt giải nhì toàn quốc Tuần báo Văn Nghệ 1990-1991 lại không hiện diện trong tập bản thảo này. Anh cho biết: "Đà Lạt, nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm sâu sắc. Giờ nghĩ lại thấy xấu hổ vì những điều mình nói trong thơ cho thấy mình chưa hiểu được bao nhiêu về con người của miền đất ấy... Cây bút không phải cần câu cơm, thơ không phải cần câu danh vọng!" Gần 20 năm trước, Lê Văn Ngăn "dọn sạch tâm hồn" mình bằng cách đốt từng tờ thơ trong đêm tàn niên, còn bây giờ anh tự gạt hai bài danh giá ra khỏi tập "danh chính ngôn thuận" đầu tiên. Có riết róng và nghiệt ngã quá không - với thơ, với mình? Những lý giải của anh dường như chưa thật thấu tỏ: thơ, tự nó không chịu trách nhiệm trước những khổ đau và hạnh phúc, tham vọng và dối lừa của cuộc đời.
Đứa con tinh thần muộn mằn vừa nêu chưa biết bao giờ mới chào đời. Anh đã tiêu sạch đến đồng xu tài trợ cuối cùng để nuôi con. Với anh, con cái là cuộc đời thứ hai, là nốt nhạc kiêu hãnh của khúc loan phụng hòa minh. Ngày trước, anh hay đèo "một nửa của mình", có cả thằng cu Ngạn lên ba đến chơi nhà tôi trên chiếc xe đạp đem về từ Đà Lạt. Anh chị thường uống chung một ly cà phê, dự cảm tương lai tươi tắn của con cái. Dạo ấy, anh thường đưa tôi xem những bài thơ về con cái. Qua đôi mắt em đắm say, tôi chỉ thấy một nền trời ngày mai yên tĩnh…
Đầu năm 2004, con trai lớn của anh tốt nghiệp khoa CNTT Trường Đại học KHTN TP.HCM. Anh kể: "Trong kỳ thi môn Lịch sử Đảng, con mình chỉ được 4,5 điểm. Nó làm cháu chậm lại mất nửa năm học. Mình mượn ngay 500.000 đồng, rồi đáp chuyến tàu đêm, mang theo tâm trạng người có lỗi. Trên tàu mình đã nghĩ cách nhập đề… Thế là hai cha con dẫn nhau ra quán đầu xóm nhà trọ, uống với nhau vài cốc bia rồi trao đổi như hai người bạn vong niên. Một đường thẳng vạch ra để phân định thời gian, cột mốc những sự kiện lịch sử… Rồi con mình không còn thấy môn học này khô khan nữa, vì đó chính là lịch sử con người. Sau, cháu thi lại đạt 8,5 điểm".
Nhiều người biết đến bút danh Hạ Lan - tên một bến đò ở quê quán anh xưa - ký dưới những bài thơ dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Dự định hiện tại của anh: dịch thơ từ tiếng Việt qua Pháp ngữ… Anh sinh tháng 1 năm 1944. Vừa tròn một chu kỳ của lục thập hoa giáp! Cột mốc 60 năm "cắm" trên cuộc đời có là hào quang ảo của sự thành đạt bên cái nghèo thiết thân, hay đó là bước chân nối tiếp trong hành trình kẻ sĩ?
. Trần Hoàng |