Gió qua miền… hớt tóc
16:7', 2/3/ 2004 (GMT+7)

"Hớt tóc nghệ thuật, hớt tóc thư giãn, hớt tóc thanh nữ" do những cô gái trẻ đảm trách đang hấp dẫn giới mày râu. Những cửa hiệu như vậy đang mọc lên như nấm sau mưa không chỉ ở Quy Nhơn mà còn bắt đầu lan về các phố huyện.

* Êm êm hớt tóc thanh nữ

Trong chừng hai năm nay đường Trần Phú (Quy Nhơn) đã được mệnh danh là "phố hớt tóc thanh nữ". Ở đây trong phạm vi chưa tới 300 mét đã có đến hơn 20 cửa hiệu hớt tóc nghệ thuật. Dù bạn là ai, bạn đi xe gì, tóc bạn ngắn hay dài... bạn cũng được đón tiếp như nhau ngay từ ngạch cửa ra vào.

Vào trong ngạch cửa rồi, tùy sự quen biết thân sơ mà quý khách sẽ được các cô thợ đón tiếp khác nhau. Nhưng dù có khác gì đi nữa thì hễ đã ngồi lên ghế rồi thì chỉ dăm ba phút sau bạn cũng có cảm giác dường như các cô chỉ cười riêng với mỗi một mình ta. Những khách quen biết, thường lui tới được các em chìu hơn những thượng đế bình thường kia một chút - có thể đó là những nụ cười, làm kỹ hơn... Ở con phố này có hiệu hớt tóc kiêm karaoke để bạn có thể… hát sau cắt, hoặc ngược lại. Cũng cần nói thêm là từ ngày những cửa hiệu kiểu này mọc lên những tiệm hớt tóc nam "truyền thống" đã lẳng lặng tìm chỗ khác mần ăn, bởi nỗi buồn ế ẩm!

Anh N. - chủ một cửa hàng tư nhân trên đường PBC, anh B. - một công chức có nhà ở chợ Đầm cho biết: "Lúc đầu thấy ngại, nhưng đến riết thành quen rồi đâm nghiện. Giờ mỗi tuần tôi đến đây một lần để cạo râu, thường thì ngoáy tai, massage mặt luôn thể. Giá chỉ có 15.000 đồng, chưa kể gội đầu, chưa kể khoản "bo". Tùy theo mức độ tán gẫu và trình độ… nằm dai trên ghế, giá sẽ không dưới 20.000 đồng cho một giờ. Lắm khi, em nào ca hay bài "hoàn cảnh đẩy đưa, ai đưa thì… lấy" thì có thể nhận được tờ năm chục mà không cần thối. L - một gã trai tự nhận rằng mình đã nghiện "chat" với các em thợ, nói thêm: "Đặc điểm của khách đến đây là giới lớn tuổi, có gia đình và là dân có tiền. Kế đến mới là lớp trẻ… Đấng nam nhi nào muốn "dãy cỏ" cho đẹp mặt thì đừng bao giờ đến đây, vì trong mười cô đã có đến chín cô rưỡi không biết hớt tóc nam hoàn chỉnh. Tôi đã giao phó cái đầu mình cho các ả một lần duy nhất rồi tởn tới giờ. Trông cứ như… bị con gì gặm! Đến đây tôi chỉ cạo râu, ngoáy tay và tán dóc cho đỡ buồn".

Anh V. - người có nhà ở gần một tiệm hớt tóc trên đường TP tiết lộ: "Hầu hết họ đều đàng hoàng, giữ khoảng cách chừng mực với khách. Người đời vẫn nghĩ hớt tóc nam phải là nghề của nam giới, sợ những sự va chạm ở cự ly gần rồi nghĩ gần nghĩ xa về các cô ấy. Tôi biết có những cô ở tuốt trên Tuy Phước, Phù Mỹ vào đây học nghề, rồi mở tiệm riêng, rồi có chồng con đàng hoàng như ai. Nhưng nói gì thì nói, không bà nào cô nào tán thành chuyện chồng mình, người yêu của mình chuyển hẳn việc "dọn đầu tóc" từ tiệm nam sang tiệm nữ". Số lượng cửa hiệu tăng lên một phần lớn do các đệ tử lần lượt ra nghề, có khi mở cửa hiệu gần bên như để cạnh tranh với các chị. Cửa hiệu H.T là nơi đào tạo nhiều đệ tử nhất; nổi bật hơn với số lượng khách đông nhờ cô em gái xinh xắn và đội ngũ học viên nữ biết chìu khách. Vì như nấm sau mưa nên mỗi cửa hiệu thường có một số bạn hàng riêng và những chiêu thức riêng để giữ khách, mới mong tồn tại được.

Ăn mặc sao cho thật gợi cảm và nhất nhất đều phải giới thiệu mình còn độc thân là những quy định bất thành văn của tất cả các tiệm. Một điều cần khẳng định là hầu hết các tiệm hớt tóc thanh nữ ở Quy Nhơn đều lành mạnh. Đã có những ông khách ăn bạt tai vì "bé cái nhầm". Nhưng bên cạnh đó cũng có một số ít tiệm hớt tóc thanh nữ chịu thi triển những màn công phu như "Ngồi bên này ngoáy tai bên kia" hoặc "Gội đầu đứng từ phía dưới" khiến thần hồn giới mày râu thất điên bát đảo. Thợ ở những tiệm này biết cách vòi vĩnh bằng... cử chỉ để nhận tiền bo, có cô chiếm được cảm tình của khách nhờ… im lặng trong mọi tình huống!.

* "Hớt tóc sung sướng"

Nghe tiếng tiệm hớt tóc P.H (Phú Tài) tôi lò dò đến thử. Tiệm khá đông khách, tôi đành phải đọc báo ngồi chờ dù vẫn còn một ghế trống. Cô chủ ỏn ẻn: "Anh chờ một chút, em nó mắc đi ăn cơm". Thốt nhiên một ông khách bước vào, đi thẳng đến ghế, dường như nóng nực, anh ta nhanh chóng cởi áo không cần nhìn ai, rồi ưỡn bụng trên ghế nằm có vẻ rất "người nhà". Vừa trông thấy khách, cô chủ vội móc điện thoại bấm bấm, đoạn thì thầm: "Mối của mày tới, về nghen!". Chỉ mấy phút sau, ông khách "người nhà" đã được phục vụ chu đáo.

Rồi cũng đến phiên tôi và khá may mắn tôi được chính cô chủ phục vụ. "Ấy là khách sộp của cửa hiệu em đấy. Ông ấy làm gì, ở đâu em không rõ, nhưng lão "thích" con T. nên chỉ có mình T. được tiếp lão mà thôi. Họ cũng hẹn nhau đi chơi riêng. Dạng này gọi là "mối béo" đó! - cô chủ vừa cạo mặt vừa cuối sát xuống rỉ vào tai tôi nói nhỏ. Thợ hớt tóc như tụi em, đứa nào chỉ cần có chừng dăm ông khách như vậy là... đỡ lo lắm. Lần khác, khi chúng tôi đến cửa hiệu H trên đường TP vào đầu hôm để được duỗi chân thư giãn sau một ngày "đi đâu loanh hoanh…", nhưng các thanh nữ đóng cửa không tiếp. Các em bảo rằng, "chị chủ nhận lời ông K. ở Sài Gòn ra, bao cả tiệm chúng em chơi xả láng đêm nay. Riêng thiệt hại thu nhập do tiệm phải đóng cửa, ông ấy đã đền bù thêm cho chủ 300.000 đồng". Không phải chỉ ông K. mà bất cứ ai có nhu cầu "ham vui kiểu ông K." đều được các em hoan nghênh.

Cô T.T.N, quê ở Hoài Nhơn kể: "Em lỡ có con khi chưa tốt nghiệp THPT. Em chọn nghề này vì nó nhẹ nhàng, nhanh kiếm được tiền để gởi về quê nuôi con. Bây giờ em đã gom góp gần đủ vốn để có thể mở cửa hiệu riêng, nhưng cùng lúc em nhận ra tương lai của một gia đình êm ấm là rất mịt mờ". Cô H. ở Phan Thiết, cô T. quê Sông Cầu, cô Th. ở Phù Mỹ nói giống nhau: "Chúng em thích công việc này vì vừa vui vừa có tiền. Làm là để gởi tiền về phụ giúp gia đình và để làm vốn… lấy chồng". Thực tế có nhiều cô sau khi làm một thời gian đã bỏ nghề để theo người yêu, như cô H. ở thị trấn Bình Định. Có cô làm nhiều năm đủ tiền trả nợ thay bố mẹ, có cô vì gặp người cùng làng nên xấu hổ bỏ nghề hớt tóc để làm nghề khác, như cô H. ở Hoài Ân. Có cô quê tận miền Bắc, yêu vội một chàng trai thành phố để rồi tình phụ, chuyển sang nghề bán bia mang theo mặc cảm mất mát của thời con gái.

Đến Phú Tài, anh C. bạn tôi, một nhà thầu và là dân chơi "mút mùa Lệ Thủy" đã chiêu đãi một chầu thư giãn hoạt náo ở cửa hiệu B.

- Nghe bạn anh giới thiệu em có món "Nhổ râu bằng răng" phải không?".

- Làm gì có hở anh. Đó là món… ba xạo! "Nhổ râu bằng răng" hay "Cạo mặt bằng lưỡi" chỉ có trong… thần thoại Sài Gòn(!). Cô thợ khẳng định chắc như đinh đóng cột. Nhè nhẹ để làm quen giải mỏi thì mấy anh để tụi em "phục hồi chức năng" cho, ưng nữa thì anh em mình "ô vờ nai", dzậy cho nó nhanh. Mấy cái màn kia chỉ được cái tiếng... Té ra "thanh nữ" này đã một lần có chồng và chinh chiến nhiều năm trong nghề nên cũng dạn dĩ… đùa cợt! Anh C. cho biết, "cảm giác mạnh" chỉ xảy ra ở phòng sau - phòng gội đầu. Nhiều ông mắc bệnh hói, tóc chỉ lơ thơ vài sợi nhưng cứ thích món gội đầu là vậy. Trong căn phòng nhỏ thiếu ánh sáng hoặc được quây lại bằng tấm ri-đô, khách có thể "múa may" thoải mái, tiền bo ở công đoạn này là 30.000 đồng. Nặng đô hơn thì ra phòng trọ!

* Vỹ thanh

Chưa nghe ai báo động rằng "hớt tóc thanh nữ" là tệ nạn nhưng đã có cán bộ của ngành LĐ - TBXH xác nhận rằng: Nhà nước không cấm hớt tóc nữ nhưng nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, khoảng cách từ đó đến tệ nạn xã hội thật sự cũng không lấy gì làm xa lắm. Mặt khác cũng cần thấy rằng các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát những màn múa may "mong mỏng" ở các tiệm hớt tóc thanh nữ "đen".

Xin được kết thúc phóng sự này bằng mẩu chuyện sau. Bạn của người viết bài vốn là sư phụ trong đào tạo thợ kể: So với thợ nam, đào tạo thợ nữ rất... ngon cơm. Các em rất nôn nóng ra nghề nên thường yêu cầu chỉ bảo những ngón nghề cơ bản (cắt, xấp, cạo mặt, lấy ráy tai), xong là được. Khó mần nhất là màn lấy ráy. Mỗi khi rảnh khách, mình ngồi trên ghế làm vật thí nghiệm, có khi là cho cả hai thợ một lúc. Các em chưa quen tay, có khi ráy không kẹp cứ nhè kẹp da thịt mà kẹp, đau chết cha luôn. Còn đầu tóc thì thôi, lắm lúc chỉ muốn cạo trọc cho xong. Nói vậy thôi chứ khi có học trò rất mong tóc chóng dài để còn lấy làm mẫu tiếp. Thế thôi, còn mấy cái màn "kích hoạt" thì các em nó tự dạy nhau khi ra nghề...

. Hư Trúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khảo cứu về câu đối của sứ thần triều Tây Sơn   (02/03/2004)
Lê Văn Ngăn - Đôi mắt chưa khô   (02/03/2004)
Ứng dụng công nghệ thông tin - trong kinh doanh khách sạn   (02/03/2004)
Phấp phỏng một mùa tôm   (02/03/2004)
Giá phân bón tăng nhanh, nông dân phập phồng   (02/03/2004)
Hướng đi nào cho cây dừa?   (02/03/2004)
Cao lanh Bình Định và ước mơ gốm   (02/03/2004)
Hồ Chí Minh với vấn đề dùng người   (02/03/2004)
Trên từng tàn xanh cổ thụ   (14/12/2003)
Thời gian cô đặc trong thơ Văn Cao   (14/12/2003)
Nâng tầm cho granite Bình Định   (14/12/2003)
Kính mắt - lạc vào mê cung   (14/12/2003)
Chút kỷ niệm về vùng đất trũng   (14/12/2003)
Vẽ ước mơ bằng những cái nhấp chuột   (14/12/2003)
Gắn chữ tâm lên trên đầu súng   (14/12/2003)