Những bất cập trong điều trị bệnh bướu cổ
16:15', 2/3/ 2004 (GMT+7)

Các bà mẹ mang thai bị sảy thai, hoặc bào thai kém phát triển, trẻ sinh ra bị bướu cổ (BC) bẩm sinh hoặc kém thông minh, bệnh BC…, đều là những biểu hiện cụ thể của việc thiếu iốt. Ở Bình Định, những năm gần đây, việc vận động người dân dùng muối iốt đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, trong điều trị bệnh BC vẫn còn một số bất cập…

* Hiệu quả từ chương trình mục tiêu quốc gia

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình quốc gia về phòng chống các rối loạn do thiếu iốt (PCRLDTIO) trong cộng đồng, đến nay Bình Định đã đạt được những kết quả khả quan. Hiện nay 98% người dân Bình Định đã dùng muối iốt, tỉ lệ dân số mắc bệnh bướu cổ là 7,35%, giảm 2,55% so với năm 2002. Ngoài yếu tố công tác truyền thông tốt nên đã vận động được người dân tự mua muối iốt để ăn thì, giúp cho chương trình PCRLDTIO ở Bình Định đạt hiệu quả cao còn phải kể đến chất lượng muối iốt ngày càng tốt, mạng lưới bán lẻ ngày càng mở rộng; công tác giám sát chương trình từ khâu sản xuất đến đưa ra thị trường và tiêu thụ ở hộ gia đình rất chặt chẽ. Đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển cũng là một điều kiện giúp người dân mua được muối iốt để dùng. Hàng năm, hai đơn vị sản xuất muối iốt ở Bình Định là Xí nghiệp muối iốt thuộc Bidiphar và Xí nghiệp muối iốt thuộc Công ty muối miền Trung có khả năng cung ứng khoảng 2.500 tấn muối iốt phục vụ nhu cầu người dân. Trong số này có chừng 1.000 tấn được Nhà nước trợ giá để cấp cho người dân tộc thiểu số thuộc các huyện miền núi của tỉnh.

Bác sĩ Trần Hợp: "Chúng tôi muốn khuyến cáo bác sĩ và bệnh nhân BC cần nghiên cứu kỹ hơn khi thực hiện chỉ định mổ bướu, bởi có những trường hợp cần mổ nhưng cũng có trường hợp chỉ cần uống thuốc điều trị. Mặt khác, khi tư vấn cho bệnh nhân BC sau mổ các bác sĩ cần đưa ra những lời khuyên chính xác, rõ ràng. Bệnh nhân BC cũng cần phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ càng trước khi đi mổ".

Tuy tỉ lệ người dân bị bệnh BC đã hạ xuống nhưng vẫn còn một số địa phương có tỉ lệ này rất cao, như xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Thạnh): 14,6%; Ân Nghĩa, Ân Đức, Ân Mỹ (Hoài Ân): 8,82%; An Hưng (An Lão): 12%. Đây là những địa phương miền núi thiếu nguồn iốt tự nhiên, đời sống kinh tế thấp, giao thông cách trở gây khó khăn cho công tác tuyên truyền và mở rộng mạng lưới phân phối muối iốt.

* Bướu cổ - không phải bướu nào cũng mổ

Một quan niệm khá phổ biến hiện nay trong người dân là khi bị BC thì phải mổ. Thực tế không phải như vậy. Với mục đích tìm hiểu hiệu quả công tác mổ BC cũng như những biến chứng thường gặp sau mổ BC, bác sĩ Trần Hợp, Trung tâm phòng chống sốt rét - các rối loạn do thiếu iốt (PCSR-CRLDTIO), đã thực hiện đề tài khoa học: "Nghiên cứu tình hình BC sau phẫu thuật tuyến giáp tại Bình Định (1993-2002)". Qua nghiên cứu 1.660 bệnh nhân BC ở 24 xã thuộc 8 huyện trong tỉnh, đề tài đã đưa ra kết luận bất ngờ: có 50,97% bệnh nhân BC sau khi phẫu thuật bị tái phát bệnh cũ. Trong các trường hợp biến chứng sau mổ có 5,56% bệnh nhân bị suy giáp - một biến chứng nghiêm trọng làm suy giảm sức khỏe. Ngoài ra, các loại biến chứng khác như mất tiếng, khan tiếng; sẹo dính; hạ canxi máu… chiếm gần 26,3%.

Nguyên nhân của tình trạng này là do có sự chỉ định mổ chưa đúng, lạm dụng việc mổ BC. Mặt khác, một số bác sĩ có những lời khuyên thiếu chính xác đối với bệnh nhân BC sau khi mổ - ví dụ mổ BC xong thì không cần ăn muối iốt cũng được. Theo đề tài, một yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến việc gia tăng các trường hợp biến chứng, tái phát sau mổ BC là đa số bệnh nhân đều tự đi mổ và chọn địa điểm mổ chứ không qua tư vấn của cơ quan y tế. Như vậy, cùng với những khó khăn trong công tác phòng chống bệnh BC ở miền núi như đã nêu trên, thì đây cũng được xem là những khó khăn trong công tác phòng chống bệnh BC ở đồng bằng.

Hiện nay Bình Định có 2 phòng khám bệnh BC, một tại Trung tâm PCSR-CRLDTIO ở TP Quy Nhơn và một tại Trung tâm y tế Hoài Nhơn. Nhằm nâng cao chẩn đoán điều trị bệnh BC, Trung tâm PCSR-CRLDTIO Bình Định đang lập kế hoạch mua thiết bị chẩn đoán, phát hiện sớm những rủi ro sau phẫu thuật. Trung tâm cũng sẽ ưu tiên mở rộng diện điều tra ở những vùng có mức iốt thấp, tỉ lệ người mắc bệnh BC cao để đẩy mạnh các biện pháp phòng bệnh. Một khi làm tốt công tác tuyên truyền cũng như các biện pháp phòng bệnh, điều trị, chắc chắn Bình Định sẽ có tỉ lệ người mắc bệnh BC dưới 5% vào năm 2005 như dự kiến.

. Nguyễn Bích

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định với AFC Champion League 2004: Đi một ngày đàng…  (02/03/2004)
Gió qua miền… hớt tóc   (02/03/2004)
Khảo cứu về câu đối của sứ thần triều Tây Sơn   (02/03/2004)
Lê Văn Ngăn - Đôi mắt chưa khô   (02/03/2004)
Ứng dụng công nghệ thông tin - trong kinh doanh khách sạn   (02/03/2004)
Phấp phỏng một mùa tôm   (02/03/2004)
Giá phân bón tăng nhanh, nông dân phập phồng   (02/03/2004)
Hướng đi nào cho cây dừa?   (02/03/2004)
Cao lanh Bình Định và ước mơ gốm   (02/03/2004)
Hồ Chí Minh với vấn đề dùng người   (02/03/2004)
Trên từng tàn xanh cổ thụ   (14/12/2003)
Thời gian cô đặc trong thơ Văn Cao   (14/12/2003)
Nâng tầm cho granite Bình Định   (14/12/2003)
Kính mắt - lạc vào mê cung   (14/12/2003)
Chút kỷ niệm về vùng đất trũng   (14/12/2003)