Trịnh Công Sơn - người nối vòng tay lớn cho hòa bình
16:31', 2/3/ 2004 (GMT+7)

Bằng những bài ca phản chiến xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX, có thể coi Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ chống chiến tranh hàng đầu ở miền Nam Việt Nam. Năm 2004, cùng với các tên tuổi như Joe MacDonald, Bop Dylan, Harry Belafonte, Joan Baez, Peter Paul & Mary (Mỹ), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của Việt Nam cũng vinh dự được Ban tổ chức Giải thưởng âm nhạc hòa bình thế giới (World peace music adwards) trao giải thưởng "Trọn đời vì hòa bình". Đây là năm thứ hai của giải thưởng này và dự kiến lễ trao giải sẽ được tổ chức vào tối 26-6-2004 tại Hà Nội.

* Nhạc sĩ, người trốn lính, kẻ du ca

"Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề... Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ" - Trịnh Công Sơn đã kể về mình như thế. Và rồi, như một sự ngẫu nhiên đầy định mệnh, trong những cố gắng diễn đạt để tìm sự cảm thông với người và với đời, Trịnh Công Sơn nhận thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về âm nhạc. Bài hát đầu tiên - Ướt mi - ra đời năm Trịnh Công Sơn mới 19 tuổi, là những cảm xúc được ghi lại khi nghe ca sĩ Thanh Thúy, khi ấy mới 16 tuổi, trình bày Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Bài hát đầu tiên ra đời đã tạo nguồn cảm hứng cho một loạt những xúc cảm khác thành hình.

Tiểu sử và sự nghiệp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

- Quê quán: Huế

- Ngày sinh: 28-2-1939, tại Đắk Lắk.

- Ngày mất: 1-4-2001, tại TP Hồ Chí Minh.

- Thời niên thiếu học ở Huế. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, ông lên B’lao (Lâm Đồng) dạy học. Sau đó bỏ dạy học về sống và sáng tác tại Sài Gòn.

- Ca khúc đầu tiên: Ướt mi (NXB An Phú, Sài Gòn, 1959).

- Các tập ca khúc: Tuổi đá buồn, Khói trời mênh mông, Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Một cõi đi về, Huyền thoại mẹ, Em còn nhớ hay em đã quên... cùng nhiều album. Ông đã sáng tác trên 500 ca khúc.

- Hội viên Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập phụ san Thế Giới Âm Nhạc (Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

- Năm 1972, ca khúc Ngủ đi con (trong album Ca khúc da vàng) phát hành trên 2 triệu đĩa tại Nhật Bản và được trao Dĩa vàng.

- Trịnh Công Sơn có tên trong từ điển Bách Khoa Pháp Encyclopédie de eous les du monde.

Sau khi học xong tú tài, để trốn lính, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thi vào Trường Sư phạm Quy Nhơn, vì chỉ có học trường sư phạm mới được hoãn quân dịch. Học xong, cũng để trốn lính, ông đã phải nhịn đói hai đợt (mỗi đợt 30 ngày) trong hai năm liên tiếp để hạ số cân xuống dưới 30kg, nhưng sau đó thì không thể nhịn mãi. Từ năm 1963 đến 1975, Trịnh Công Sơn sống phiêu bạt khắp các tỉnh thành ở miền Nam, trong đó có Quy Nhơn (các ca khúc Diễm xưa, Biển nhớ ra đời khi ông lưu dấu chân mình ở Quy Nhơn). Trong tâm trạng bế tắc và u ẩn, những bài ca phản chiến đã ra đời, như một sự phản kháng đối với chiến tranh.

Năm 1964, lần đầu tiên Trịnh Công Sơn ra mắt trước quần chúng. Tại khu đất trống sau lưng Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, trước mặt đám đông mấy nghìn người đủ thành phần từ văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, Trịnh Công Sơn một mình đứng trên bục gỗ với cây đàn ghi ta và trình diễn một mạch 20 ca khúc nói về quê hương, ước mơ hòa bình. Những Gia tài của mẹ, Đàn bò vào thành phố, Nối vòng tay lớn, Ta đã thấy gì trong đêm nay, Đại bác ru đêm... đã khuấy động tâm hồn người nghe đến nỗi có bài được yêu cầu hát lại đến lần thứ 8, và cuối cùng mọi người tự động hát theo. Những buổi trình diễn nối tiếp ở các giảng đường đại học khác cũng được lặp lại trong một bầu không khí nồng nhiệt như thế. Và cũng từ đây, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu ngộ ra một khái niệm, đó là ý thức về trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với dân tộc.

Từ những năm 1970, Trịnh Công Sơn bị cuốn vào phong trào tranh đấu của học sinh - sinh viên Sài Gòn. Đó là những tháng ngày ông sống hết mình và say sưa nhất, viết trong niềm phấn khích mãnh liệt của những đêm không ngủ và chứa chan niềm hy vọng. Đây cũng là giai đoạn mà người ta thấy ở ông một chất giọng mới khi những bài hát Ta đã thấy mặt trời, Chính chúng ta phải nói, Ta đi dựng cờ, Đừng mong ai đừng nghi ngại xuất hiện với giai điệu và ca từ mạnh mẽ, đầy khí thế cách mạng.

* Người thơ ca

Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa. Ngoài dòng nhạc về chiến tranh, ông còn sáng tác nhiều bài hát về tình yêu và về thân phận con người. Day dứt, khắc khoải, xót xa, ngậm ngùi tê buốt trong nuối tiếc mịt mùng nhưng không hề bi lụy, đó là đặc trưng của tình ca Trịnh Công Sơn. Ví dụ như khi ông viết Em phụ tôi một thời bé dại, thơ dại, ra đi không nhớ gì tôi, thơ dại, ra đi quên hết tình tôi... (Xin trả nợ người) thì đó cũng chỉ là một cách mà nhạc sĩ tự nhủ, tự thanh lọc tâm hồn mình để không vương một chút oán hờn nào, cho dù bị phụ rẫy. Còn những bài hát về thân phận con người của ông thì lại thường mang đậm chất triết lý. Đó là một thứ triết lý đời thường được chắt lọc từ những cảm nhận và chiêm nghiệm của ông về cuộc sống, như Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để sóng cuốn đi, để gió cuốn đi... (Để gió cuốn đi) - nghĩa là cái quan trọng nhất trong cuộc đời một người là phải có tấm lòng, cho dù có khi cũng chỉ để gió cuốn đi.

"Tôi nhớ mãi hình dáng của cha tôi, một con người sống thiết tha với lý tưởng yêu nước của mình... Cha tôi ở trong tù còn nhiều hơn ở nhà, và kỷ niệm không thể nào phai nhạt trong tôi là những đêm tôi được phép vào thăm cha ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Hình ảnh cha tôi đã lớn dần trong tôi bằng sự yêu thương, kính trọng. Ông đã hy sinh sau Hiệp định Genève, và đó cũng là lý do thiêng liêng nhất không cho phép tôi cầm súng cho quân đội Sài Gòn"… (Trịnh Công Sơn)

Mỗi bài hát của Trịnh Công Sơn như một bài thơ - nhiều người đã nhận xét như thế. Cả ca từ và giai điệu trong âm nhạc Trịnh Công Sơn đều đẹp một cách lạ lùng, nhẹ nhàng mà sâu lắng, huyền ảo lung linh mà rất tình và rất thật với đời. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nhận xét: "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra", còn nhạc sĩ Văn Cao thì mô tả: "Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn chính là ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới...".

Trịnh Công Sơn là một hiện tượng đặc biệt trong làng âm nhạc Việt Nam với số lượng công chúng hâm mộ hiếm có suốt hơn 40 năm qua, kể từ khi ông công bố ca khúc đầu tiên vào năm 1959. Suốt trong thời gian chiến tranh, hàng trăm bản tình ca và nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn đã được hát lên ở miền Nam. Và đặc biệt là sau ngày giải phóng 1975, thống nhất nước nhà, âm nhạc của ông đã chinh phục hàng triệu triệu con tim trong nước và ngoài nước.

. Minh Khương (biên soạn)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Alicia Keys và lối đi riêng   (02/03/2004)
Danh họa Tề Bạch Thạch   (02/03/2004)
Cái xương cá   (02/03/2004)
Những bất cập trong điều trị bệnh bướu cổ   (02/03/2004)
Bình Định với AFC Champion League 2004: Đi một ngày đàng…  (02/03/2004)
Gió qua miền… hớt tóc   (02/03/2004)
Khảo cứu về câu đối của sứ thần triều Tây Sơn   (02/03/2004)
Lê Văn Ngăn - Đôi mắt chưa khô   (02/03/2004)
Ứng dụng công nghệ thông tin - trong kinh doanh khách sạn   (02/03/2004)
Phấp phỏng một mùa tôm   (02/03/2004)
Giá phân bón tăng nhanh, nông dân phập phồng   (02/03/2004)
Hướng đi nào cho cây dừa?   (02/03/2004)
Cao lanh Bình Định và ước mơ gốm   (02/03/2004)
Hồ Chí Minh với vấn đề dùng người   (02/03/2004)
Trên từng tàn xanh cổ thụ   (14/12/2003)