|
Xuất khẩu dăm giấy ở cảng Quy Nhơn |
Mi ền Trung đang nóng lên tình trạng các nhà máy chế biến nguyên liệu giấy (NLG) thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Giá thu mua nguyên liệu được đẩy lên chóng mặt, có lúc tăng đến gần 30%. Bình Định có 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và cũng đang chịu những tác động chung của tình hình khó khăn trên.
* Ngành kinh doanh nhiều lợi nhuận
Sản xuất và xuất khẩu NLG đang là ngành ăn nên làm ra tại Bình Định và thu hút khá nhiều doanh nghiệp tham gia. Mà không chỉ riêng Bình Đ ịnh, cả khu vực miền Trung cũng đang lên cơn sốt xây dựng nhà máy NLG. Cách đây 11 năm (1993) cả miền Trung chỉ có một nhà máy NLG duy nhất - Nhà máy NLG Quy Nhơn. Nay cả khu vực miền Trung đã xuất hiện thêm 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tại Bình Định hiện có 3 doanh nghiệp tham gia sản xuất và xuất khẩu NLG là Công ty NLG Quy Nhơn, Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn (100% vốn Nhật Bản) và Công ty liên doanh sản xuất dăm gỗ (liên doanh giữa Công ty NLG Quy Nhơn và Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn). Tại Đà Nẵng, Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi - mỗi tỉnh đều có một doanh nghiệp sản xuất NLG. Đó là chưa kể sắp tới đây, bất chấp cơn khủng hoảng nguyên liệu, Thừa Thiên - Huế, Bình Định và Quảng Ngãi - mỗi địa phương sẽ "tòi" ra thêm một nhà máy NLG nữa. Một cán bộ kinh doanh của một công ty kinh doanh NLG (đề nghị không nêu tên) tiết lộ: Lãi ghê lắm. Đầu tư không bao nhiêu mà lãi thì chắc băng. Kêu thì kêu vậy nhưng lãi vẫn còn bộn lắm.
Trong năm 2003, các doanh nghiệp sản xuất NL G ở Bình Định đã xuất khẩu được gần 85,5 ngàn tấn NLG trị giá hơn 7,1 triệu USD sang Nhật Bản. Hai doanh nghiệp có lượng hàng xuất khẩu nhiều nhất là Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn và Công ty NLG Quy Nhơn. Ông Đinh Duy Tân - Trưởng phòng Quản trị Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn cho biết: "Công ty chúng tôi được thành lập trên cơ sở sự hợp tác của 3 tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản và họ đang có nhu cầu rất lớn về NLG. Vì thế nguồn NLG do công ty và các doanh nghiệp cùng ngành hàng trên địa bàn Bình Định sản xuất đều được các tập đoàn kinh tế trên ở Nhật thu mua. Nhật Bản là một thị trường tiêu thụ NLG tốt, ổn định và giàu tiềm năng".
* Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu
Để bảo đảm cho các công ty NLG hoạt động, việc xây dựng vù ng nguyên liệu rất được các doanh nghiệp chú trọng. Trước đây, Công ty NLG Quy Nhơn không mảy may lo lắng chuyện nguyên liệu. Vùng NLG của công ty này được phép mở rộng lên tận Gia Lai, Kon Tum và vào đến Phú Yên. Chỉ riêng vùng nguyên liệu hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã giải quyết cho Công ty NLG Quy Nhơn một lượng nguyên liệu cực lớn. Nó đủ để nhà máy băm dăm của họ hoạt động khoảng 35% công suất. Còn Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn, với năng lực sản xuất và xuất khẩu hơn 30.000 tấn dăm/năm thì có hẳn vùng nguyên liệu rộng khoảng 10.000ha phân bố tại 8 huyện trong tỉnh, cho khả năng khai thác 1.300ha/năm.
Khi tình trạng khan hiếm NLG xuất hiện, việc mở rộng vùng nguyên liệu và hỗ trợ người trồng rừng của các doanh nghiệp NLG Bình Đ ịnh được đẩy lên một tầm mới. Một số doanh nghiệp áp dụng chính sách thu mua nguyên liệu hấp dẫn hơn, chấp nhận việc tăng giá thành và giảm lợi nhuận. Năm 2004, Công ty NLG Quy Nhơn đã cấp không cho nông dân 8 huyện, thành phố trong tỉnh 2,7 triệu cây keo lai và cây bạch đàn lai với tổng kinh phí là 1,246 tỷ đồng để trồng rừng nguyên liệu. Ngay cả Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn, vốn không bị động trong việc thu mua nguyên liệu, bắt đầu từ năm 2002 cũng có chính sách cho nông dân cây giống trồng rừng nguyên liệu. Ông Tân cho biết thêm: "Chúng tôi cũng nhận được sự đề nghị của nông dân về việc công ty đầu tư, hỗ trợ họ giống cây, phân bón, sau đó họ sẽ bán nguyên liệu cho Công ty. Hiện chúng tôi đang xem xét vấn đề này".
Ông Nguyễn Văn Tư một nông dân ở Phước An (Tuy Phước) tiếc rẻ: "Mấy nẳm tui cũng có trồng mấy héc ta nhưng đến lúc khai thác, bán thì nhiêu khê lắm lận. Công ty hiếm khi chịu mua trực tiếp mình phải bán qua trung gian đầu nậu. Cực ghê lắm nên được vài năm tui nhượng mất phần đất của mình. Giá còn đất mình trồng keo lai, chỉ vài năm là có ăn". Những người như ông Tư không phải chỉ Tuy Phước mới có. Khi đi tìm tư liệu cho bài viết này chúng tôi đã gặp nhiều ông Tư khác ở Tây Sơn, Phù Mỹ...
* Thương trường là chiến trường
Sự ra đời liê n tiếp của nhiều nhà máy sản xuất NLG ở miền Trung đã làm cho vùng nguyên liệu trong khu vực vốn trước đây chỉ có một mình Bình Định "tung hoành" nay bị chia năm xẻ bảy. Theo dự tính, trong tương lai, nhu cầu NLG của cả khu vực miền Trung sẽ là trên 1 triệu m3/năm. Đó là chưa kể việc khai thác xuất khẩu gỗ chọn từ nguồn gỗ keo lai hiện có xu hướng gia tăng.
Khi nhà máy ván sợi ép MDF của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam ra đời tại An Khê vào năm 2002, tình hình thiếu hụt nguồn nguyên liệu thật sự trở nên căng thẳng. Nhà máy NLG Quy Nhơn bị mất hẳn vùng nguyên liệu Gia Lai, Kon Tum. Và với sự ra đ ời của Công ty chế biến dăm Cát Phú (Phú Yên), Công ty NLG Dung Quất (Quảng Ngãi), tình hình thu mua nguyên liệu của các nhà máy NLG ở Bình Định càng khó khăn hơn. Giá thu mua nguyên liệu nhanh chóng tăng lên. Ông Nguyễn An Điềm - Chủ tịch HĐQT Công ty NLG Quy Nhơn nhận định: "Trước mắt, việc tăng giá thu mua nguyên liệu là để khuyến khích nông dân trồng rừng NLG nhưng về lâu dài đó không phải là giải pháp tốt. Để giải bài toán nguyên liệu, các doanh nghiệp cần đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, một khi giá NLG trên thị trường vượt qua ngưỡng 90 USD/tấn vì vẫn đảm bảo có lãi. Đã đến lúc mình cũng nên nhập khẩu gỗ keo để sản xuất dăm mà xuất...".
Hiện nay, việc mở rộng vùng nguyên liệu ở Bình Đ ịnh đang gặp khó khăn cơ bản là thiếu đất. Từ năm 2002, Công ty NLG Quy Nhơn đã có dự án trồng 15.000ha rừng nguyên liệu và đã được UBND tỉnh đồng ý nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai được vì quỹ đất chỉ còn 4.500ha. Như vậy, điều nan giải cho các nhà máy NLG có "thâm niên" cũng như mới ra đời ở Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung là cần có nguồn vốn lớn để đầu tư cho vùng nguyên liệu, đồng thời phải biết kiên nhẫn chờ một thời gian từ 5-10 năm để có nguồn nguyên liệu ổn định.
. Minh Khương |