Nỗi buồn của Franz Schubert
10:58', 24/3/ 2004 (GMT+7)

Franz Schubert là một nhạc sĩ thiên tài để lại cho hậu thế một di sản âm nhạc cổ điển đồ sộ. Ông đã viết 10 bản sonate, 10 bản giao hưởng, 5 vở opera... Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bản tình ca "Khúc nhạc chiều" (Serenade). Giai điệu lắng đọng và lãng mạn của khúc nhạc bắt nguồn từ một mối tình xót xa của ông khiến nhân loại hàng trăm năm sau vẫn phải rung động mỗi khi tiếng vĩ cầm trỗi lên những hợp âm đầu.

Khi mới tuổi 18, Schubert viết bản lider (ca khúc thơ có đệm đàn piano) đầu tiên. Schubert từng có 15 năm làm thầy giáo tiểu học nhưng thời gian ông dành cho âm nhạc nhiều hơn dạy học. Trong số 10 bản giao hưởng đồ sộ của ông có một bản giọng si thứ, sáng tác vào năm 1822 chưa hoàn thành. Sau này, giới phê bình âm nhạc gọi tên là bản Giao hưởng bỏ dở. Mãi về sau, người ta mới biết được Schubert rất hay bị đau ốm, nên ông không thể hoàn thành trọn vẹn bản giao hưởng tuyệt vời này. Đây là bản giao hưởng duy nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển chỉ có hai chương. Tuy nhiên, chính sự dang dở ấy đã khai mở một mạch nguồn âm nhạc vô tận, mà sau này nhiều nhạc sĩ đã sử dụng nguồn hứng "dang dở" để phát triển ý nhạc theo cảm xúc riêng.

Năm 1815, Hoàng đế nước Pháp Napoleon bị phế truất. Niềm hy vọng về tự do và cách mạng thổi bùng khắp nơi. Ban ngày, người dân bàn tán về số phận của châu Âu, ban đêm khiêu vũ trong các quán rượu, nhà hàng và các lâu đài quý tộc. Chính những nơi này sinh ra những điệu valse, mà sau này dòng họ Johann Strauss đã khai thác triệt để và trở thành những bản valse bất tử của nhân loại. Khi ấy, Schubert thường thết đãi bạn bè nhạc sĩ bằng những bản nhạc do mình sáng tác trong những buổi dạ hội mang tên Những buổi tối Schubert. Các sáng tác của ông được giới nhạc sĩ đương thời ngưỡng mộ. Thế nhưng, ông lại không có được vị trí xứng đáng trong danh sách những nhạc sĩ hàng đầu của thành Vienne lúc bấy giờ.

Hoàn cảnh của Schuberrt có một điểm tương đồng với Mozart - ông rất nghèo. Đôi khi, ông viết liên tục không nghỉ trong một ngày, chỉ mong kiếm được một khoản kha khá từ các nhà xuất bản. Tuy nhiên, do biết Schubert nghèo và rất cần tiền nên họ mua các tác phẩm của ông với giá rẻ mạt. Dẫu buồn, Schubert vẫn miệt mài sáng tác. Nhưng nỗi đau của ông không thể không thấp thoáng trong các tác phẩm. Nhạc của ông thấm đượm nỗi u buồn và ca ngợi sự chịu đựng phi thường của con người trước số phận bất hạnh. Những giai điệu ấy cũng chan chứa tình yêu cuộc sống cho đến phút cuối cuộc đời. Khúc nhạc chiều bất hủ của ông sáng tác là để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu. Để làm cho nàng bất ngờ, ông nhờ một bạn thân là ca sĩ, trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Oái ăm thay, sau này cô gái ấy lại đem lòng yêu người trình bày ca khúc. Schubert vẫn chỉ là con số không trong đời nàng.

Vào một ngày mùa đông năm 1828, nhạc sĩ thiên tài giã từ thế giới ở tuổi 32, vì căn bệnh thủy đậu tại nhà của một người anh em ở ngoại ô thành Vienne. Khi ông mất, người ta kiểm kê tài sản và chỉ đếm được vẻn vẹn 6 shilling đồng sáu xu và một đống bản thảo nhạc viết tay.

. Kiều Phong

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi chép trên những cánh đồng thuốc lá  (23/03/2004)
Thơ  (23/03/2004)
Con đường dăm giấy   (23/03/2004)
Hiến dâng NGƯỜI đây sức tuổi 20   (23/03/2004)
Khi nạn mua bán dâm bộc phát trở lại  (23/03/2004)
Yến "mẹ mìn" đã bị bắt  (23/03/2004)
Kiên quyết từ chối  (23/03/2004)
Báo Bình Định xuân giáp thân 2004  (21/03/2004)
Thơ   (02/03/2004)
Khúc quanh lãng mạn   (02/03/2004)
Tóc dài thuở ấy   (02/03/2004)
Cát ở lòng đường - nguồn ô nhiễm bị bỏ quên   (02/03/2004)
Trang phục của một phụ nữ dịu dàng   (02/03/2004)
Chuyên gia "thổi... mô tô" lãnh án   (02/03/2004)
Trịnh Công Sơn - người nối vòng tay lớn cho hòa bình   (02/03/2004)