|
Sông Hà Thanh (ảnh: Đ.T.Đ) |
Sông chỉ là nó khi có dòng chảy từ nguồn ra biển. Đã có những cuộc biến thiên hoặc nhân tạo để "Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai" (Sông lấp - Trần Tế Xương). Có dòng sông không bị lấp, nó chỉ làm nhiệm vụ tuôn tháo nước lũ ra biển, rồi phô bày lòng cát, vài rẻo nước tù với dăm đụn cỏ cho bò ăn, vịt rúc. Có người dùng chữ nghĩa: dòng sông khát. Có bức ảnh nghệ thuật đặt tên: Nỗi niềm của một dòng sông.
Sông chỉ là nó khi luôn có dòng nước mát để đôi bờ soi bóng hàng tre, để ríu ran bầy trẻ tắm trên sông, để chiều về em giặt áo và sớm khuya có tiếng gõ thuyền, mái chèo khua con cá quẫy mùa màng. Trong cuộc mưu sinh vĩ đại và bừa ẩu của mình, con người đã không ít lần làm cho những dòng sông thoi thóp khi rừng nguồn bị đốn hạ xác xơ.
Tháng ba tôi bơi thuyền cùng anh Nhàn (Diêu Trì - Tuy Phước) trên sông Hà Thanh bủa cá chép. Nghề cá vùng cửa sông này ra đầm Thị Nại truyền đời các làng lưới Lạc Trường, Thuận Nghi thôi không nói tới. Cùng với vài chục thuyền nghề Bàu Đưng (Phước An) xuống, Bàu Lác (Phú Tài) qua, anh Nhàn đang thực sự sống nhờ sông nước đoạn từ cầu Diêu Trì ngược lên hơn cây số. Mùa nào thức nấy, cá lúi, cá diếc không thiếu nhưng kinh tế chủ lực là con chép, con tràu. Bỏ nghề chạy xe nhiều rủi ro, nghề hút cát bấp bênh, vài năm nay anh dựng trại bên bờ sông với chiếc thuyền con lựa gió nước, lắng nghe tăm cá. Thu nhập bình quân ba, bốn chục ngàn một ngày chưa nhiều. Anh lên kế hoạch đan lồng rộng nuôi cá nhỏ, trữ cá cho mùa động, đan lờ làm chà bắt tôm sông… "Sẽ sống được, ngày nào sông còn nước, tôi còn sống được với nó!"
Còn nhớ những năm trước, mới tết lòng sông đoạn này chỉ còn lạch nước và những thảm cỏ xanh vội. Tháng tư đã chang chang cát rang bờ tre cháy nắng. Lúc Nhàn neo thuyền xách hai con chép vô trại chiên xù đãi khách, tôi ào ra sông bơi. Lòng sông rộng hơn hai trăm mét có nhiều đoạn sâu ba bốn sải. Lâu lắm rồi mới được tắm sông thỏa thích. Nhánh sông nhỏ quê tôi đã bị ngăn ô bằng lưới của nhiều chủ nuôi vịt đàn, nước xanh rêu tanh tưởi. Nơi tôi đang bơi trước đây cũng thế. Lặn xuống đáy nghe cái tĩnh lặng của lòng sông và đàn cá nhỏ quẩn bên đám rêu, tôi bắt đầu tin sông đang là chính nó.
Con người đã sửa chữa những sai lầm. Rừng đầu nguồn Vân Canh đã xanh lại. Đập ngăn mặn Phú Hòa, Phú Xuân, Cây Dừa đã giữ được lượng nước quý giá. Đập Thạnh Hòa đã rót về tiếp sức mùa khô hạn khiến nước cầu Diêu Trì chảy ngược… Chuyện đắp bờ hạn đưa nước vào đồng ông cha ta đã làm từ nghìn năm qua. Đó là những đập bổi ngăn sông sau mùa mưa lũ. Lượng nước thoát đi trên các nhánh sông ra biển một cách hoang phí rất nhiều. Khi thiết kế những con đập bê tông kể trên, việc ngăn mặn hiệu quả sẽ dần cải tạo cánh đồng, giữ nước đủ để tăng vụ thành công, con người đã lặng lẽ phục thiện. Còn nhiều việc phải làm, chẳng hạn khắc phục độ ô nhiễm số nước thải từ khu công nghiệp Phú Tài đổ vào hữu ngạn, tích cực trồng lại rừng nguồn, điều tiết việc sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp hợp lý hơn… Và thời gian. Bao giờ cũng vậy, làm lại lâu hơn, khó hơn. Điều đáng mừng là chúng ta đã và đang làm những điều cần thiết để cứu dòng sông, tức là cũng cứu chính mình. Người ta thường nói chinh phục thiên nhiên. Chữ dùng dễ được hiểu theo nghĩa bá đạo này thực chất phản ánh thuộc tính hoảng sợ và kiêu ngạo của con người. Hiểu biết, tìm kiếm sự dung hòa cao nhất với thiên nhiên để tồn tại và phát triển còn là bài học dài không riêng thế hệ hôm nay.
Sông chỉ là nó khi còn tưới tắm cánh đồng và trải những mạch ngầm cho đời sống. Với sự đỏng đảnh của thời tiết những năm gần đây, có thể có những mùa khô hạn, những mùa sông khát. Chắc rằng có tác động của con người nhưng vấn đề khí hậu toàn cầu là chuyện của các chuyên gia. Với những dòng sông nhỏ tạm hiểu đó là quy luật của thiên nhiên. Cũng như rất có lý khi sông lúc đầy lúc vơi, lúc lặng lờ xanh trong, lúc phồm phàm ào ạt phù sa, khi thắt lòng chắt chiu, chờ đợi. Thiên nhiên hào phóng và tốt bụng nếu con người không tệ bạc.
"Ngày nào sông còn nước…" - tôi tin anh Nhàn sẽ sống được với cái nghề bình yên anh chọn, với những dự định nhiều gắn bó bên bờ sông quê hương, bởi vì, sông tự bao đời luôn thao thiết chảy cho hồn làng và bởi vì, sông đang hồi sinh. Sông đang hồi sinh, có thể là, không riêng dòng Hà Thanh của tôi…
. Lê Hoài Lương