Sinh "cù lần"
10:1', 24/3/ 2004 (GMT+7)

Hướng dẫn cho đội viên kỹ năng đánh tín hiệu cờ xi - mo - pho (1984)

Cách đây chừng 20 năm, tivi chiếu vở kịch "Giữa hai màu áo". Kịch rất hay và nhân vật Sinh "cù lần" trong kịch trở nên nổi tiếng. Khi ấy Quy Nhơn cũng có một anh Sinh khác nổi tiếng không kém đang làm Tổng phụ trách Đội (TPTĐ) Trường PTCS Lê Hồng Phong. Dù anh Sinh này chẳng có gì để làm người ta phải liên tưởng đến anh Sinh kia và thật ra người tên Sinh thì lủ khủ nhưng chỉ có mỗi anh Sinh phụ trách là chết tên - Sinh cù lần. Nhiều năm nay, không ít phụ huynh đã tỏ ra hãnh diện khi cho biết rằng mình cũng là người quen của "Sinh cù lần".

* Hạnh phúc khi được gọi bằng anh

Thành tích của Trần Văn Sinh: 2 lần dự gặp mặt TPTĐ giỏi toàn quốc và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 2 Huy chương phụ trách Đội giỏi, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Như một lẽ tự nhiên, Trần Văn Sinh bắt đầu kể về cuộc đời "anh Tổng" của mình bằng câu chuyện về đại từ nhân xưng anh. Có một dạo do cuộc sống khó khăn, ngoài giờ lên lớp, vợ chồng anh phải làm thêm nghề bán bánh mì. Rất nhiều khách hàng của vợ chồng anh là phụ huynh và học sinh trường Lê Hồng Phong. Một bữa, có hai cha con người khách nọ mà cả cha và con đều là học trò của anh, đến mua bánh mì. Người cha nói: "Anh Sinh bán cho ổ bánh mì". Cô con gái cũng nói: "Anh Sinh chan nhiều nhiều nước cho em". Rồi Sinh cười thoải mái: "Tôi khoái nhất là vẫn được mọi người, từ lớn đến nhỏ xíu đều gọi bằng anh. Xưng hô thầy trò với các em tôi thấy nó xa cách và ngượng ngập làm sao ấy. Tôi là anh TPTĐ, là một người anh lớn tuổi của các em. Tôi cùng chơi, cùng học, cùng giải quyết các vấn đề của tuổi nhi đồng với các em và điều đó làm tôi thấy mình luôn trẻ. Vậy thì tại sao không xưng hô anh - em cho thân mật và gần gũi, để tuổi thơ của các em được tròn trĩnh hơn!".

51 tuổi, tóc chưa bạc nhưng đã bắt đầu phát tướng - biểu hiện của tuổi già đang chực sau lưng. Nhưng, có hề gì! Mập thì gọi là "Sinh milô", cho các em có chuyện để cười, dễ gần gũi. Và đến giờ phút này, tuổi tác vẫn chỉ là chuyện nhỏ đối với một người luôn trẻ trung yêu đời như Trần Văn Sinh. Chính cái tạng ham thích hoạt động tập thể đã giúp anh luôn giữ được sự tươi trẻ trong tâm hồn, để gắn bó hết lòng với nghề.

* Bí quyết... chơi với trẻ con

Ông Lê Văn Khanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong:

"Anh Sinh là một TPTĐ có năng lực, say sưa với công việc và có nhiều kinh nghiệm. Anh có công rất lớn trong việc giúp các em học sinh của trường rèn luyện đạo đức và nề nếp trong học tập, sinh hoạt, từ đó giúp cho công tác dạy và học ở trường tốt hơn. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc tuổi tác của anh không còn phù hợp với công tác Đội nữa. Anh Sinh có đề xuất và trường cũng tán thành việc sắp xếp để anh ra đứng lớp. Tuy nhiên vì Hội đồng Đội thành phố chưa tìm được người thay thế nên anh chưa thể rời vị trí này được. Tôi nghĩ rằng với những trường hợp như anh Sinh, chúng ta không nên "vắt chanh bỏ vỏ", hãy bố trí cho họ một công việc phù hợp nào đó ở trường để họ tiếp tục được cống hiến".

Đã chơi với trẻ con thì phải biết hát, biết múa, biết bày trò, biết chơi mà học, học mà chơi cùng các em. Nhưng là một người anh thì còn phải dạy dỗ các em nữa. Anh nói: "Tôi không dạy các em môn học nào, nhưng tôi biết nếu dạy các em biết xếp hàng ngay ngắn trước khi vào lớp, biết giữ trật tự và tự ôn bài trong 15 phút đầu giờ thì buổi học hôm ấy sẽ hiệu quả hơn. Tôi biết cũng không nhất thiết phải cho các em tập điều hành một buổi chào cờ, hoặc bắt các em viết biên bản cuộc họp chi đội, liên đội nhưng tôi vẫn muốn tập cho các em những việc nhỏ như thế, để khi lớn các em không lúng túng".

Còn nhớ năm 1980, khi Trần Văn Sinh vừa chân ướt chân ráo về Trường Lê Hồng Phong, phong trào Đội ở đây đang… xẹp lép. Một số đội viên cấp II thường cúp cua, lêu lổng, vô lễ với thầy cô giáo. Dạo đó, mỗi lần được báo có học sinh trốn tiết là anh lẳng lặng sang Bưu điện, Rạp 1-4 và Hội trường Quang Trung quan sát. Xong đâu đó anh mới gọi học sinh lên, nhẹ nhàng nói rằng anh biết lúc mấy giờ các em đang ở đâu, với ai, làm gì. Sau những lần như vậy, tình trạng học sinh trốn tiết giảm hẳn. Trường hợp khác, sau nhiều lần "phục kích", anh đã bắt quả tang một cậu học trò cá biệt lớp 7 thường hay giở chiêu độc vào các giờ sinh hoạt lớp: vấy bẩn phân lên bàn ghế lớp học. Những cậu học trò phạm lỗi phục anh sát đất và… tư vấn: "Anh Sinh đi công an là vừa!".

Không chỉ thực hiện tốt các công việc trước mắt, có những phần việc mà anh chu đáo lên kế hoạch cho mãi… 2 năm sau ngay từ bây giờ. Vì thế, học sinh tiểu học Lê Hồng Phong không chỉ nổi đình nổi đám bởi thành tích học tập mà cũng ngon lành không kém trong các phong trào khác như: Hội khỏe Phù Đổng, Tiếng hát hoa phượng đỏ, Kể chuyện theo sách, Tin học trẻ không chuyên… 15 năm từ khi tách trường (1989) đến nay, Liên đội Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có 13 năm liền dẫn đầu toàn tỉnh khối tiểu học.

* Đời và nghề

Năm 1973, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, anh ra dạy tiểu học tại Quảng Ngãi. Sau giải phóng, anh về làm giáo viên kiêm TPTĐ Trường cấp I, II Cát Hiệp (Phù Cát). Từ năm 1980 đến nay, anh dính chặt vào vị trí TPTĐ Trường cấp I, II Lê Hồng Phong và bây giờ là Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. 24 năm qua, chưa ai thay thế được vị trí này của anh. Ngay cả lãnh đạo trong trường cũng không nghĩ đến chuyện tìm người thay anh. 40 tuổi. 45 tuổi. Rồi anh Sinh ngày nào nay đã vượt qua tuổi 50 cũng vậy. Hỏi anh vui hay buồn vì điều đó, Sinh thật lòng: "Tôi tự hào vì mình đã giúp được cho các thầy cô trong việc giáo dục học sinh, được phụ huynh trân trọng vì đã rèn luyện đạo đức và nề nếp cho con cái họ. Nhưng mình phải biết điểm dừng của mình". Ít có người biết rằng những năm sau giải phóng, cuộc sống khó khăn (hai vợ chồng anh đều là giáo viên), để theo đuổi và gắn bó được với nghề, Sinh đã phải làm thêm nhiều nghề như đạp xe ba gác, xích lô, nạo vét cống, bán bánh mì. 29 năm làm Tổng, vinh quang có, buồn có, vui có, vui nhiều hơn buồn, chưa bao giờ anh cảm thấy chán. Đó là niềm vui của một người thường đi sớm về trễ, giờ ra chơi thích dạo quanh sân trường, để quan sát đàn em của mình kỹ hơn, kịp thời dạy bảo, uốn nắn những hành vi, thái độ không đúng mực.

Niềm vui của một người ngày nào không tới trường, dù ngày nghỉ, là thấy thiếu một cái gì đó, nghe vợ nói: "Bữa nay anh không tới trường chắc trời sắp mưa" mà mát gan mát ruột. Niềm vui là những lứa học sinh ra đời và trở thành người tốt. Cuối cùng, nỗi buồn còn lại là những khi đối diện với chính mình vào ngày 20-11, thấy mình ít được học sinh nhớ tới, dù mình cũng là một người thầy. Nhưng suốt đời vẫn một tâm nguyện: "Mình phải là một tấm gương sáng cho các em noi theo".

. Nguyên Sương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề tấu cho những cuộc vui   (23/03/2004)
Trở lại Phong Nha   (23/03/2004)
Sự hồi sinh của một dòng sông   (23/03/2004)
Thợ chép tranh   (23/03/2004)
Nỗi buồn của Franz Schubert  (23/03/2004)
Ghi chép trên những cánh đồng thuốc lá  (23/03/2004)
Thơ  (23/03/2004)
Con đường dăm giấy   (23/03/2004)
Hiến dâng NGƯỜI đây sức tuổi 20   (23/03/2004)
Khi nạn mua bán dâm bộc phát trở lại  (23/03/2004)
Yến "mẹ mìn" đã bị bắt  (23/03/2004)
Kiên quyết từ chối  (23/03/2004)
Báo Bình Định xuân giáp thân 2004  (21/03/2004)
Thơ   (02/03/2004)
Khúc quanh lãng mạn   (02/03/2004)