Đời xe bàn
10:25', 24/3/ 2004 (GMT+7)

Hình ảnh những chiếc xe tải cũ mèm, cõng trên lưng nào xi măng, phân bón, sắt thép, mì lát khô... ì ạch ra vào Cảng Quy Nhơn đã trở nên quen thuộc với nhiều người, kể cả trong mắt của nhiều cảnh sát, thanh tra giao thông. Mấy ai biết rằng có ty tỷ chuyện từ đoàn xe bàn - những con "nghẽo già" còm cõi ấy.

* Đời người, đời xe

Xe bàn chờ vào làm hàng trước Cảng Quy Nhơn

Tàu cập cảng làm hàng càng nhiều, xe bàn càng mừng. Khi những băng tải, cẩu hàng quay tới quay lui liên tục thì đó cũng chính là thời điểm làm ăn sôi động nhất của cánh xe bàn. Xe bàn thật ra cũng chỉ là xe tải, nhưng nói đến xe bàn người ta hình dung ngay đến những chiếc xe cũ, còm cõi nhưng chịu cõng từ 5 tấn đến 15 tấn, dám chơi quá tải "mát trời ông địa" và chở đủ mọi thứ hàng hóa trên đời. Xe bàn ở Cảng Quy Nhơn hầu hết là xe đời cũ như Desoto (Pháp) đến GMC (Mỹ), Zil (Nga) chế tạo trước 1975. Khá hơn một chút có MAZ (Nga), IFA (Đức), Star (Ba Lan)… Khi chở container tất cả mọi xe bàn đều "cất cánh", nghĩa là thành xe được tháo ra, cất đi. Còn những lúc "ăn" mì lát khô, xi măng, phân bón thì những "cánh" của xe bàn được lắp vào cho dễ coi và dễ được CSGT, TTGT thông cảm.

Anh Nguyễn Minh Châu, một tài xế lâu năm trong nghề, nói trong âm thanh hỗn độn: "Tàu đang nuốt một khối lượng mì lát khổng lồ từ Gia Lai, Kon Tum xuống. Một số xe tốt, xe đời cao (trong khoảng 100 chiếc xe bàn của Bình Định hoạt động thường xuyên ở cảng) là có thể chạy được đường dài cùng với cả trăm xe mang đủ biển số ở các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đắc Lắc… ồ ạt đến cảng. Những chiếc không chạy được đường dài thì chở phân bón hoặc xi măng về các kho xung quanh Quy Nhơn. Ông thấy đấy, chẳng có xe nào nằm nhà, kể cả xe… hết đời!". Một nhân viên điều độ của cảng khoát tay: "Chế độ thưởng phạt hợp đồng giữa chủ hàng và chủ tàu về thời gian xếp dỡ ngày càng nghiêm ngặt đã đẩy vận tốc bốc dỡ lên đến đỉnh điểm và nhịp độ lưu chuyển hàng quay cuồng đến chóng mặt".

Nhiều tài xế xe bàn bỏ nghề, rồi nhiều chủ xe cũng bán tháo đội xe của mình trước khi xe đến tuổi về vườn. Thế nhưng cũng không hiếm người do không đủ sở hụi để sửa xe, đành để xe đó mà ngó. Thu ở phường Ngô Mây, Hiền ở phường Quang Trung, Vũ, Hùng ở phường Nguyễn Văn Cừ (Quy Nhơn). Anh Hùng - một tài xế kiêm chủ xe bàn cho biết: "Lo tiền cà phê, ăn sáng đã hụt hơi lấy đâu ra tiền trăm, tiền triệu để sửa xe? Muốn có ăn phải đầu tư lớn mua xe mới, đủ sức chạy đường dài. Xe đời cũ tụi tui giống như gà què ăn quẩn cối xay, hễ có thóc rơi thì nhặt lấy cần mẫn, nhanh chân lẹ miệng bù lại! Nhưng xe mới đã bắt đầu nhiều và họ cũng chịu chạy đường gần. Họ mà "nghiêng" qua bên này chắc đè bẹp lũ tui không mấy khó".

Nói thì nói thế thôi, bài ca hoàn cảnh của cánh xe bàn không còn mới nữa. Đúng là cũng có một số chủ xe phá sản mà bỏ nghiệp nhưng cứ như hiện nay thì xe bàn vẫn sống khỏe re - Tài xế kiêm chủ một chiếc Huyndai bỏ nhỏ. - Xe tui 5 tấn, quá lắm là chơi lên 7 tấn, quá nữa là đứt bóng. Xe mới chung chi cũng phình theo. Xe cũ đầu tư ít, tụi nó lại dám liều mạng chở theo kiểu "chất được đến đâu chở đến đó"... Xe mới ngó vậy chớ chạy đường gần là thua cái chắc".

* Mánh xe bàn

Tỉ lệ 12% trên tổng thu là mức chủ xe phải trả cho tài xế chạy mướn đã tăng lên 15-18%. Và tin đồn một quái xế biết cách "chạy" để xe khỏi bị "vịn" khi chở hàng quá tải là chuyện có thật. Một đêm cuối tháng 2, trên tuyến đường cho phép xe tải vào thành phố từ ngã ba Ông Thọ đến Cảng Quy Nhơn, một đoàn xe tải khoảng 40 chiếc lặc lè kéo nhau đi. Xe đông, hàng nhiều, mùi mì lát nồng nặc suốt một quãng đường dài. Tất cả các xe đều chất cao ngất ngưởng những bao mì, và chúng đều tập kết đến bãi chờ vào cầu trước cổng cảng. Anh X - cán bộ của một HTX vận tải ô tô tiết lộ với người viết: "Không HTX nào thoát được chuyện phải đứng ra dàn xếp cho anh em. Dàn xếp như thế nào thì ông thông cảm, không nói được... ".

Xe bàn chở quá tải từ 1,5 đến 2 lần là chuyện ai muốn thấy cũng được như ý, một lơ xe bàn ba hoa với chúng tôi - Cứ đứng trên cầu Đống Đa này mà ngó. Xe tấn rưỡi chơi luôn 3-4 tấn, xe 5 tấn ì ạch bò ra đường trên lưng cõng 10-12 tấn hàng khỏe re. Nhưng ngon lành nhất là cảnh những chiếc trọng tải 15 tấn chơi luôn 30 tấn hàng chạy nhong nhong trong thành phố! Thiệt lòng mà nói cánh tài xế chúng em thấy thế mà thèm... Tai nạn á? Thôi đi... ông thầy, chở mấy ngàn, mấy triệu chuyến mới dính một hai tai nạn chớ bộ. Chở quá tải chạy chậm rì hà, chắc tới số mới dính tai nạn xe bàn chớ".

Anh Th - một chủ xe quanh năm làm ăn ở cổng cảng, kể: "Phần đông xe bàn là xe đời thấp, chủ xe là những người không có vốn đầu tư nên xe chỉ chạy lẩn quẩn trong thành phố. Kể ra thì cước vận tải như vậy, tình hình hàng họ như vậy thì sống cũng được. Nhưng đời mà, làm gì có chuyện ngon xơi như vậy mà mình được xơi trọn. Còn phải cắt cho chỗ này một ít, lưu chủ chỗ kia một chút... Lâu lâu cũng phải nhét túi cho "chú nó" mấy chục để "chú nó" uống cà phê, có vậy thì khi quá tải quá khổ "chú nó" mới ngó lơ xí đỉnh chớ... Ờ, xe bàn mà, không chở quá tải bộ hít bụi xi măng mà sống sao! Xe không lăn bánh mươi, mười lăm bữa là chuyện thường ngày ở cảng. Thành thử khi có hàng là anh em chở vượt tải để bù lại chớ."

Như đã biết, xe tải hoạt động ở cảng nhiều năm qua hầu hết là xe cũ. Vì giá cước giữa xe đời cũ và đời mới như nhau và cũng do cạnh tranh nên giá cước vận chuyển đang rơi xuống tận đáy. Kết quả chủ hàng chỉ chọn xe đời mới, cực chẳng đã mới đến phiên xe cũ. Vì vậy tài xế xe bàn hiện nay phải tự luồn lách, tự bốc tự xếp một cách tháo vát thì mới mong sống được. Một tài xế xe bàn tự do (loại xe đóng thuế ở phường, không có chân trong HTX vận tải) cho biết: "Cách đây không lâu, đám xe bàn chúng tôi sống tốt hơn vì không có… cò. Chủ hàng gặp trực tiếp tài xế hoặc chủ xe để thống nhất giá cước và thường là chạy được ngay. Cảng luôn được giải phóng hàng nhanh và không có phiền hà nào. Hiện nay hầu hết xe đều phải qua trung gian các HTX, các trung tâm làm dịch vụ vận tải hàng hóa xung quanh cảng. Mỗi tấn hàng "cắt" cho một trong những nơi kể trên 3.000 đồng". Tài xế này cho biết thêm: "Một HTX ở Quy Nhơn đã từng áp giá cước dứt điểm với cánh lái xe tự do. Khi hoàn thành hợp đồng họ lại kéo thấp hơn so với thỏa thuận làm anh em rất bất bình. Tức lên thì chửi đổng chứ cũng không dám làm căng. Hai bên đều cần nhau nhưng mình cần họ nhiều hơn, nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Tình trạng này xảy ra nhiều lần vì rơi vào lúc hàng khan hiếm nên đành chịu chẹt thôi! Lái xe chúng tôi còn phải tự xuất tiền túi bồi dưỡng thêm cho bốc xếp ở kho rồi cũng bồi dưỡng cho công nhân xếp dỡ ở đầu cảng. Cẩu nhanh, bốc xếp nhanh thì xe quay vòng nhanh, nếu quá tải quá khổ thì tự làm luật. Khúc này là do mình biết điều với anh em chứ chẳng ai buộc, họ cũng không làm khó mình đâu. Mình chơi đẹp với nhau, hàng làm nhanh mình cũng có lợi mà."

* "Ai cũng biết chỉ người này là không biết"

Dân xe bàn thường cạnh khóe rằng HTX vận tải là "cò mẹ", "đồ ăn dày"... Khi hàng cần vận chuyển nhưng số lượng ít, khoảng năm, bảy trăm tấn, "cò mẹ" chê ít vì làm ăn lớn quen rồi nên đẩy qua cho đám "cò con" sống ở đầu cổng cảng. Cò con gom xe chạy tự do lại để thực hiện hợp đồng. Khác với trước, cò con nay không được vào tung tăng hoạt động trong cảng, tự do tiếp cận với chủ hàng để gạ gẫm nữa. Họ sử dụng ĐTDĐ để chạy hàng, bắt mối vòng ngoài. Ngoài số xe quá đát đã được xẻ thịt, hiện Quy Nhơn còn một số chiếc thuộc "đời cô Lựu" có niên đại sản xuất từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước chuyên chạy lụi. Xe chạy lụi, mỗi năm khỏi phải khám lưu hành (4 lần/năm, 225.000 đồng/lần), khỏi chi khoản phí đăng ký; khỏi nộp khoản thuế 250.000 đồng/tháng; khỏi mua các loại bảo hiểm mà mức thấp nhất là 700.000 đồng/năm, khỏi lo thuế môn bài... Như vậy xe chạy lụi bỏ rẻ cũng "tiết kiệm" mỗi năm xấp xỉ 4 triệu đồng. Quá ngon xơi!

L - một tài xế khác cho biết: "Chúng tôi thường mua lốp của xe giàu có, xe nhà nước bỏ ra, còn mới nhưng có chút tì vết, ví dụ như lốp mới nhưng bị đá chém. Chúng tôi gọt bỏ hết cao su, chỉ lấy lớp bố, lót cùng lúc nhiều lớp bố vào chỗ có tì vết để chịu lực! Ờ thì cũng có lúc nổ... lốp chứ. Chuyện đương nhiên mà". Người ta không quên hai tai nạn đáng tiếc xảy ra mấy năm gần đây. Vụ án do chiếc Zil bàn gây ra ở chợ Dinh thuộc về lỗi kỹ thuật, làm chấn thương sọ não người đi xe máy. Tài xế điều khiển chiếc xe này đã phải bồi thường chi phí thuốc men điều trị hơn 60 triệu đồng cộng với 6 tháng tù, trong khi chiếc xe có giá chưa tới 30 triệu đồng. Và vụ án đến nay vẫn chưa khép lại do phần bồi thường chưa thực hiện xong!

Một chủ xe kiêm lái xe có biệt danh H. gấu nói: "Cánh CSGT, TTGT muốn tó đầu lũ xe lụi bọn tui lúc nào hổng được. Chạy đâu cho thoát. Cần gì xe không tem, chẳng qua là họ bỏ qua đấy thôi. Xe bàn có tem hay không tem cũng thế, 10 chiếc thì cũng có đủ 10 chiếc vi phạm điều kiện kiểm định. Các anh thương tình tha cho hoặc "làm luật nhẹ" thì mẹ ơi mừng rơn, còn nếu "đóng" biên bản thẳng tay như phạt quá tải, quá khổ mức thấp nhất cũng 750.000 đồng, trong khi một chuyến hàng chỉ khoảng 500.000 đồng nếu chở trên 10 tấn mà là phải chạy tới Bồng Sơn đấy. Tháng nào ăn biên bản coi như đứt bóng! Anh hỏi có bác tài nào đôi co không hả. Tôi cam đoan chỉ có thằng nào điên mới làm vậy. Ngay anh nếu muốn chỉ cần dở sách luật ra đọc một hồi rồi đi bắt xe bàn cũng được nữa là. Xe bàn nào mà lốp không mòn vẹt, phun khói mù trời đất, chở quá tải. Kiểm định ư! Trời đất, bộ không nhớ mấy vụ xe buýt ở Sài Gòn tuột thắng dẫm chết người hả, có chiếc nào thiếu tem đâu...". Hóa ra bài vở của cánh xe bàn khi đi khám lưu hành là thế đồ. Lốp xe của họ khi vào thường là lốp mới hoặc lốp tốt, cả "heo dầu" cũng vậy. Ấy là họ mượn hoặc thuê. Sau khi khám xong là đâu lại vào đấy!

Vậy đó, chuyện về những con "nghẽo già" là vậy, nguy cơ tai nạn và những hiểm họa chực chờ từ đó là chuyện ai cũng biết. Chỉ những người có chức năng là không biết hoặc giả tảng không biết. Thế nhưng một tài xế xe bàn nói chắc như đinh đóng cột - Xe bàn không dễ chết đâu ông thầy ơi! Ví như ngày mai không có đoàn ngựa già này, lấy cái gì mà giải phóng hàng ở đây.

. Hư Trúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sinh "cù lần"  (24/03/2004)
Nghề tấu cho những cuộc vui   (23/03/2004)
Trở lại Phong Nha   (23/03/2004)
Sự hồi sinh của một dòng sông   (23/03/2004)
Thợ chép tranh   (23/03/2004)
Nỗi buồn của Franz Schubert  (23/03/2004)
Ghi chép trên những cánh đồng thuốc lá  (23/03/2004)
Thơ  (23/03/2004)
Con đường dăm giấy   (23/03/2004)
Hiến dâng NGƯỜI đây sức tuổi 20   (23/03/2004)
Khi nạn mua bán dâm bộc phát trở lại  (23/03/2004)
Yến "mẹ mìn" đã bị bắt  (23/03/2004)
Kiên quyết từ chối  (23/03/2004)
Báo Bình Định xuân giáp thân 2004  (21/03/2004)
Thơ   (02/03/2004)