Trở lại Phong Nha
15:15', 23/3/ 2004 (GMT+7)

Trong những ngày giữa tháng 2-2004, có dịp đi ngang qua thị xã Đồng Hới, tôi tranh thủ đến thăm các đồng nghiệp ở Báo Quảng Bình. Trong bữa cơm chiều, Tổng biên tập Tạ Đình Nam, khuyên tôi nên đi tham quan động Phong Nha. Khi nghe tôi từ chối vì đã đi một lần cách đây 5-6 năm, anh bảo: "Cứ đi lại đi, bây giờ có nhiều cái mới lắm".

Tác giả trong động Phong Nha

Đúng là có nhiều chuyện mới. Trước hết là con đường từ thị xã lên Phong Nha trước bụi đất mịt mù, nay trải nhựa phẳng lỳ, đi hơn nửa đường thì nối vào đường Hồ Chí Minh mới mở. Nơi đón tiếp của Ban Quản lý động cũng được mở rộng và xây dựng lại khang trang hơn nhiều so với trước đây.

Thuyền đưa chúng tôi ngược sông Son, con sông xanh ngắt, uốn khúc như dải lụa đào. Chừng nửa giờ thuyền đã đến cửa động. Nhìn xa tưởng nhỏ, nhưng đến nơi mới hay cửa động cao đến hơn 10m, rộng 20-25m. Dòng nước từ trong lòng động đổ ra xanh biếc. Vòm cửa động cao lồng lộng như một bầu trời khép kín. Những nhũ đá gồ ghề treo lơ lửng giống như hàm răng khổng lồ của miệng con quái vật. Con thuyền chầm chậm trôi dần vào lòng núi, êm ắng nghe rõ tiếng chim ríu rít (vào động không được phép nổ máy). Ánh sáng thiên nhiên từ cửa động nhạt nhòa rồi mất hút. Mặt nước đen ngòm, không biết lòng nước sâu bao nhiêu, chứa đựng trong đó những gì? Hai cô sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Bình xin đi theo giờ sợ hãi bấu chặt tay vào mạn thuyền.

Dưới ánh đèn màu, Phong Nha hiện ra muôn hình dáng lạ lùng, nào phượng múa, hổ chầu, voi phục… Cả một thế giới mộng ảo hiện về từ quá khứ xa xăm. Thuyền cập bến, chúng tôi đổ bộ lên một nhánh hang khô có tên động Bi Ký. Một bãi cát mịn màng không biết từ đâu ra? Nhưng câu hỏi đó đã bị quên ngay bởi vẻ đẹp mê hồn của động. Thạch nhũ rũ xuống trông giống những đèn lồng trong buổi dạ hội; một số khác treo lơ lửng như những cánh hoa, đài hoa. Một vài vách hang được bao phủ bằng những ống dài như ống sáo của những chiếc phong cầm lớn trong nhà thờ. Một sự hài hòa tuyệt vời của thiên nhiên, như sợi tơ duyên nối giữa cha trời, mẹ đất.

Rời động Bi Ký, thuyền xuôi về Động Tiên và động Cung Đình. Ai đó có lý khi nói rằng đến đây thì mọi lời bình đều trở nên vô nghĩa. Tôi như đi lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh, chỉ có trong chuyện cổ tích. Những cột đá cao hàng chục mét như cột đình thần Zeus. Những nhũ đá trông vừa mảnh mai, vừa uy nghiêm sừng sững như thách thức với thiên nhiên. Xa xa là Đức tiên ông nhân hậu đang dang tay làm phúc, là người mẹ bồng con mong ngóng chờ chồng, là những nàng tiên giáng thế… Muôn hình, muôn vẻ thỏa sức tưởng tượng của du khách.

Thuyền ra khỏi động Phong Nha, tiến đến động Tiên Sơn, thường được gọi là động Khô (vì không có nước). Tạo hóa thật khéo bày, tạo thêm một động Tiên Sơn, nằm bên cạnh Phong Nha như đôi trai thanh, gái lịch quấn quýt bên nhau. Tọa lạc ở độ cao khoảng 200m trên trần động Phong Nha, động Tiên Sơn có chiều dài đến 980m nhưng không ăn thông với Phong Nha. Đường lên Tiên Sơn men theo vách núi, uốn lượn như con rắn khổng lồ đang bò từ dưới đất lên. Từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn cách đồng ngô, đậu xanh mượt hai bên dòng Chày, dòng Troóc, tạo nên một làng quê thanh bình yên ả.

Đặt chân lên động Tiên Sơn ngỡ mình đang bước vào cõi thiên thai. Anh Thái, phóng viên Báo Quảng Bình đưa chúng tôi đi nói: "Tôi đến đây hàng chục lần, lần mô cũng thấy mới lạ, không muốn rời". Quả thật mỗi nơi, mỗi chốn đều là một kỳ công thiên tạo. Những cột nhũ đá óng ánh màu cẩm thạch trông đến mê hồn. Nơi này, dòng nhũ đá mềm mại long lanh như những hạt sương. Chỗ kia những khối đá khổng lồ đẽo tạc như những pho tượng của các vị thần. Trên vòm động như có nhiều đám mây ngũ sắc lững lờ trôi. "Ôi trời, đẹp thật nhưng đi mệt ghơ". Giọng nói của một chị vừa đi lướt qua. "Chị ở Bình Định à?" - tôi hỏi theo quán tính - "Vâng, tôi ở huyện Tây Sơn, được Công ty cho đi tham quan…". Tôi chợt nhớ ở Bình Định nhiều cơ quan, đơn vị vẫn thường tổ chức cho cán bộ CNVC đi tham quan Phong Nha; Công ty Du lịch Bình Định cũng có tours đi Phong Nha, du khách ở Bình Định đến Phong Nha không ít trong những năm qua. Bình Định - Quảng Bình như đã xích gần lại hơn.

Sau hơn hai giờ mặc sức ngắm nhìn, mặc sức tưởng tượng, chúng tôi rời động. Tôi ngồi vào một hàng nước bên vệ đường mòn, xoa bóp đôi chân đã mỏi nhừ. Cô hàng nước như muốn chia sẻ: "Chưa ăn thua mô, động Phong Nha còn nhiều lắm, dài lắm". Vâng, điều đó thì tôi biết. Báo chí đã nói nhiều về 4 đợt thám hiểm của Hội địa lý hang động Hoàng gia Anh trong các năm 1990, 1992, 1994 và 1997. Họ đã thám hiểm, khảo sát 31 hang động với tổng chiều dài hàng chục km. Sau các đợt thám sát, với những bộ ảnh đẹp, đầy ấn tượng, Phong Nha đã được họ giới thiệu qua tạp chí Internationnal Caver (Tạp chí hang động quốc tế) và ở nhiều trường đại học lớn ở châu Âu. Nhờ vậy, Phong Nha được nhiều người biết đến như một đệ nhất kỳ quan. Theo các nhà thám hiểm thì Phong Nha là một trong ba hang nước tiêu biểu trên thế giới và là hang động duy nhất ở Việt Nam đạt 7 tiêu chí: hang có con sông ngầm đẹp nhất; có cửa hang cao và rộng nhất; có bãi cát, bãi đá ngầm đẹp; có hang khô rộng và đẹp; có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất và là hang nước dài nhất. Nghe nói trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các ngành chức năng, ông Howard Limbert, trưởng đoàn thám hiểm đánh giá: Động Phong Nha là một trong hai hang động đẹp nhất thế giới. Còn nghe nói các nhà thám hiểm đã bắt gặp nhiều đoạn sông ngầm lộ thiên, trong hang động có nhiều lỗ thông lên trời và có những nhánh hang dẫn ra núi đá.

Nhưng nếu chỉ có Phong Nha thôi thì chưa thể làm nên một Di sản thiên nhiên thế giới. Phong Nha giá trị chừng ấy bởi nó được nằm trong một vùng đất rộng lớn và giàu tiềm năng. Theo các đồng nghiệp ở Báo Quảng Bình, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) có diện tích đến 85.754 ha, chứa đựng những kiến tạo địa chất độc đáo, là một trong những mẫu hình nổi bật, thể hiện các thời kỳ phát triển lớn của lịch sử trái đất; chứa đựng các dữ liệu về sự sống, các tiến trình phát triển tầng địa chất. Vườn quốc gia PN-KB gồm nhiều quần thể hang động, núi đá vôi và một thảm rừng nhiệt đới phong phú, trong đó có hơn 90 % là rừng nguyên sinh, với nhiều động- thực vật quý hiếm. Nghe nói đây là nơi sinh sống của loài mang lớn và sao la, hai loài thú mới được phát hiện ở Việt Nam.

Tôi rời Phong Nha, rời Quảng Bình trong rừng cờ hoa đón mừng Bằng công nhận Di sản thiên nhiên thế giới PN-KB do UNESCO trao. Danh hiệu cao quý này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển ở vùng đất vốn chịu nhiều đau thương trong quá khứ. Nghe nói một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của Công ty Phát triển văn minh đô thị (CIVIDEC) đã khởi động tại Phong Nha với kinh phí xây dựng hơn 300 tỷ đồng. Mừng cho Quảng Bình có được cơ hội lớn và cũng mừng cho chính tôi được chứng kiến cái ngày có ý nghĩa lịch sử này.

. Ngọc Minh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề tấu cho những cuộc vui  (23/03/2004)
Một mái nhà để trở về  (23/03/2004)
Tháng ba mùa sầu đông nở  (23/03/2004)
Đời xe bàn  (23/03/2004)
Sinh "cù lần"  (23/03/2004)
Nghề tấu cho những cuộc vui   (23/03/2004)
Trở lại Phong Nha   (23/03/2004)
Sự hồi sinh của một dòng sông   (23/03/2004)
Thợ chép tranh   (23/03/2004)
Nỗi buồn của Franz Schubert  (23/03/2004)
Ghi chép trên những cánh đồng thuốc lá  (23/03/2004)
Thơ  (23/03/2004)
Con đường dăm giấy   (23/03/2004)
Hiến dâng NGƯỜI đây sức tuổi 20   (23/03/2004)
Khi nạn mua bán dâm bộc phát trở lại  (23/03/2004)