Không chỉ che nắng vào mùa hè, giữ ấm ở mùa đông, mũ vải còn mang ấn tượng riêng qua nét đẹp thời trang và túi tiền dành cho nhiều giới. Và dù "nồi cơm điện" ra đời bên cạnh luật giao thông, thị trường mũ vải với giá từ 3.000 đến 120.000 đồng/chiếc vẫn được sản xuất và tiêu thụ đều đều.
* Hàng hiệu
|
Chọn mũ |
Ngay từ đầu cuộc săn lùng tư liệu tôi đã sửng sốt khi biết có cả những chiếc mũ vải giá đến vài trăm ngàn đồng. T.H.N - cô cháu gái của tôi đang luyện thi đại học, bĩu môi nói với tôi: "Chú lạc hậu… dã man! Cháu đã "tận mắt chứng kiến" bạn cháu mua một cái mũ giá 500.000 đồng. Mấy đứa không có tiền cũng dám xài tới loại mũ dăm bảy chục ngàn một cái để diện đấy chú ơi. Tụi cháu đứa nào cũng có một lúc 2 - 3 cái để đội, cái thì để diện, cái thì để đội đi học, cái thì để... ra oai!". Mũ và ngay cả chiếc mũ vải bình thường đã là một ngành hàng thời trang ngay ở Quy Nhơn.
Chủ shop Thanh Phương (hiệu bán mũ thời trang lớn nhất Quy Nhơn) trên đường Phan Bội Châu nhỏ nhẹ cho biết: "Khách hàng của hiệu em thường từ 15 đến 35 tuổi. Hàng xịn ngoại nhập giá rất cao. Ngay hàng gia công xuất khẩu của ta đóng mác Mỹ, Hàn Quốc…(để xuất sang thị trường nước này) như Nike, Tommy, Reebook, Adidas… của các doanh nghiệp ở TP.HCM cũng có mặt ở chợ với giá không rẻ chút nào. Các đơn vị gia công Việt Nam mình rất chịu khó. Tây nó đưa 1 mét vải bảo may 10 mũ nhưng mình lại chịu khó vắt óc tìm ra phương án may được 12 cái. Vậy 2 cái dôi ra ấy sẽ được đưa ra tiêu thụ ở thị trường nội địa. Giá không cao như hàng hiệu chính hãng nhưng với người mình nhất là với sức mua của dân Quy Nhơn thì vẫn cao chất ngất ở tỉnh lẻ. Loại mũ cao cấp này có giá từ 100.000 đến 160.000 đồng/chiếc. Ấy vậy mà gần đây, loại hàng này đã được chấp nhận và tiêu thụ khá đều. Thanh Phương còn có một shop nữa trong siêu thị Coop Mart Quy Nhơn, nhưng lượng hàng bán ra không bằng ở đây… Anh thông cảm, em không thể công bố doanh số được!".
Theo lời kể của cô chủ shop Thanh Phương, người đã có 14 năm trong nghề may và kinh doanh mặt hàng này, Gò Vấp và Thủ Đức là cái nôi sản xuất mũ ở TP.HCM, nhưng không một cơ sở nào cùng lúc cung cấp hàng chục, hàng trăm mẫu mã, kiểu dáng nam, nữ khác nhau cho hàng ngàn cửa hiệu bán mũ khắp nơi được. Người bán mũ phải lấy ở nhiều cơ sở từ mũ mùa hè cho đến mũ thời trang, mũ thể thao (loại mũ chỉ có vành và lưỡi, không có phần đỉnh) mới mong đáp ứng được thị hiếu vốn ưa thích phong phú chủng loại của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ. Được tặng một cái mũ có giá 15 USD, anh N. tỏ ra là người sành điệu: "Tôi đã dùng rất nhiều mũ, mặt hàng cao cấp của mấy thương hiệu vừa nêu khác với mũ thường ở chỗ vải may. Đó là vải độc quyền và không nhái được. Điểm khác biệt nữa là khi đội, mũ rất đứng, không nhão. Đi xe máy gió khó bay. Chơi mũ còn vì muốn chứng tỏ mình thuộc về giới sành điệu nữa".
* Cạnh tranh
Cách đây khoảng vài năm, khi máy thêu vi tính của Trung Quốc rớt giá đến mức 50 - 60 triệu đồng (trong khi máy Nhật có giá đến 70.000 USD), "cái nôi nghề mũ" ở Sài Gòn bắt nhịp mua về và ùn ùn đưa ra thị trường hàng tỉ kiểu mũ với vô số mẫu thêu nhãn mác. Hàng nhái tuột giá đầy ấn tượng và đẩy hàng hiệu vào thế hạ phong! Hơi nóng của cuộc cạnh tranh này nay đã lan về đến từng cơ sở may mũ ở Quy Nhơn. Chủ doanh nghiệp gia công hàng may mặc MN ở Quy Nhơn cho hay: "Tôi thấy… oải quá, nhưng biết làm sao có ngành hàng nào không phải cạnh tranh đâu. Mở doanh nghiệp là có ý chuyên cung cấp cho các cơ quan, công sở những hợp đồng may mặc quần áo bảo hộ lao động, đồng phục học sinh, áo thun ngành và dĩ nhiên trong đó có cả mũ nữa. Để đứng chân được trên thị trường, chúng tôi phải mở rộng địa bàn lên Gia Lai, Kon Tum".
Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Tân Bình Minh tỏ vẻ hoạt bát hơn: "Tôi thấy nhiều nơi ở ta có "bàn tay vàng" nhưng vì vẫn giữ cung cách làm ăn cũ, không chịu thay đổi công nghệ và tầm nhìn của một nhà kinh doanh nên không thể khá lên được, như cơ sở AV. có thâm niên trong nghề trên đường Trần Thị Kỷ (Quy Nhơn), hiện nay vẫn chỉ sản xuất hàng chợ... Người ta thường nói rủi ro cao đồng nghĩa với lợi nhuận cao. Nguyên tắc của thị trường tiêu thụ đơn giản chỉ là sản xuất cái người ta cần và phải làm sao để chấp nhận chuyện rủi thì ít mà lợi nhuận mang lại cao mới là đáng nói. Khi đi làm công tác khai thác, tôi thấy thị trường dường như đã… kín chỗ hết! Chỉ còn một cách là hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh, để có chỗ mà… len vào. Về điều này người tiêu dùng là có lợi nhất. Phải mạnh dạn để làm, thế thôi. Nếu một cái mũ lời 1.000 đồng nhưng bù lại ta có số lượng nhiều. Mở rộng địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh, ký được những hợp đồng lớn đương nhiên là một hình thức làm ăn tốt…".
Hiện nay các nhà sản xuất chính trong ngành mũ của Bình Định đang hướng về thị trường Tây Nguyên. Việc in, thêu vi tính trên mũ phải gởi vào Sài Gòn thực hiện rồi gởi ra, vẫn rẻ hơn làm tại chỗ! Điều đáng nói là mấy năm trước, Nhà máy thêu khá hiện đại của Công ty PISICO có nhận làm công đoạn này (và không chỉ thêu mũ mà còn có thêu tất tật mọi thứ cần thêu và thêu được) nhưng vì không thể nghiên cứu làm sao cho giá thành nhẹ như trong Sài Gòn nên đã phải dẹp tiệm. Công ty này phải dẹp tiệm nhưng các doanh nghiệp nhỏ của tư nhân lại khai thông được một lối đi riêng nên vẫn có cơ hội để tồn tại và làm giàu.
Ở Quy Nhơn mũ loại thường được sản xuất từ "làng nghề" ở hẻm Ngọc Nga (phường Hải Cảng) và ở những cơ sở trên đường Trần Thị Kỷ. Loại mũ này quen được gọi là hàng chợ. Anh T. người sống nhiều năm bằng nghề may hàng chợ thổ lộ: "Mũ cao cấp của Sài Gòn có mức lợi nhuận cao ai mà chẳng thích, nhưng tớ nói cậu nghe nhé, nhưng nghèo đến mức phải dạt vào ở những nơi "hóc bà Tó, xó bà Bếp" như tớ thì đào đâu ra tiền mua thiết bị. Vài chục triệu mỗi chiếc cả đấy! Ở đây chỉ may mũ bình dân thôi, tiền công thấp nhưng vẫn sống được. Giá thành mỗi cái chỉ từ 3 - 5.000 đồng, chẳng mốt miết gì ráo nhưng bảo đảm che đầu tốt, gió bay mất không tiếc, lại mua chiếc khác! Con nhà nghèo ưng lắm nên mình cứ đều đặn có việc mà mần. Còn người bán hàng như ở shop Thanh Xuân (đường Lê Hồng Phong) tâm sự: "Phải lấy thêm hàng đẹp của Sài Gòn để bán. Mũ thời trang hè, đông khác nhau. Mẫu mã năm nay tồn đọng, năm tới khó mà bán cho được. Về sáng tạo mẫu mã thì mình không thể theo kịp trỏng đâu".
Những chiếc mũ tưởng như "chuyện nhỏ" - bình thường và thậm chí dễ bỏ quên - chỉ để che nắng nhưng từ bao giờ chẳng biết mũ vải đã bước vào thế giới thời trang và hình thành một ngành hàng riêng biệt với sức mua khá lớn. Có một thông tin vui, thị trường Tây Nguyên xem ra lại khoái các mẫu mã do Bình Định phăng ra từ các mẫu mũ ngoại hơn là nhóm hàng do Sài Gòn sản xuất, có thể lấy đây làm bàn đạp để ngành thiết kế sản xuất mũ phát triển không nhỉ hỡi các nhà sản xuất chịu thương chịu khó Bình Định?
. Trần Hoàng
|