Có một loại lưới không hề có cước, có nhợ, có chì, có phao, nhưng hành nghề ăn chắc mười mươi. Người ta gọi đó là "lưới bốc"; nghe hài hước một chút, song chẳng thô tục bao giờ. Có lẽ ở quê tôi nghề lưới bốc đã tồn tại khá lâu rồi và không biết đến khi nào thì nó kết thúc?
Khuya khuya, nghe tiếng ngựa hí ngái buồn trên đường làng, tiếng xe máy thồ cá thoạt qua ròn rã kịp buổi chợ sớm vùng xa và có cả tiếng nói cười của những người đi lưới bốc. Ban đầu, người ta gọi "lưới bốc" là ám chỉ lũ nhóc ở làng chài chuyên đi hôi cá. Sau đó mở rộng phạm vi đối tượng: kéo lưới, đẩy ghe. Nghĩ cũng oan uổng, nhưng biết làm sao bây giờ?
Những ngày mùa, ngư dân từ khơi xa hối hả trở về, cá bạc đầy khoan. Thuyền cập bến ầm ĩ tiếng reo hò của đoàn người lao xao trong nắng sớm. Người nhà của chủ thuyền chỉ chiếm một phần nhỏ so với người đẩy ghe, hôi cá. Đám trai làng chài mình trần vạm vỡ áp vai vào chiếc đòn, khiêng thuyền lên bãi theo tiếng hò tổng lực: "Dô! Dô! Dô!". Có những người đàn ông không ai mời mọc cũng cứ kề vai sát cánh với đám ngư dân bẫy ghe lên bờ, trong lúc lũ trẻ con áo quần nhếch nhác, tóc vàng cháy, da đen nhẻm ào vào ghe trộm cá mặc cho chủ thuyền gào thét lạc giọng. Vậy là cả hai đối tượng: khiêng ghe và trộm cá đều ghép vào cái tên "lưới bốc" nghe buồn cười.
Càng về sau nghề biển làng chài quê tôi càng phát triển. Người ta đóng những con thuyền bề thế 20-30 sức ngựa. Mỗi lần thuyền dong về bến, ngư dân cho thuyền neo đậu ngoài xa, họ dùng những chiếc thúng trét to tướng chở cá vào bãi biển. Lũ trẻ chả ngán sóng nước, cứ phăng phăng lội bơi thẳng ra thuyền, trèo lên trộm cá, cho vào bao, mang vô bờ bán đổ bán tháo cho các mẹ chị kiếm tiền ăn quà. Có đứa mỗi mùa biển đi lưới bốc dư tiền đưa cho mẹ mua áo quần, mũ dép. Còn người lớn, sau khi hoàn thành việc tự nguyện giúp sức đưa thuyền lên bờ, họ được chủ thuyền cho dăm ba con cá đem về nấu ngọt, tươi mát với vợ con bữa cơm đậm đà tình cảm làng quê. Gặp những năm mùa biển ăn nên làm ra, dân lưới bốc mang cá về nấu ăn không hết phải đem bán, hoặc muối mắm để dành mùa đông tháng giá có cái để đỡ tiền chạy chợ.
Những người "đi bạn" cho các thuyền nghề thường có sự giao kèo với các chủ thuyền là phải dùng sức lao động hợp tác với chủ thuyền đánh bắt cá thường xuyên thì mới được chia tiền sau mỗi con nước và được chia cá tươi hàng ngày. Còn dân lưới bốc thường là dân ở vùng nông nghiệp, lúc nào rảnh việc thì "hành nghề", thuyền nào có cá thì đến kề vai sát cánh, nên cái nghề lưới bốc còn lâu mới "thất nghiệp!".
Ngày còn thơ bé, tôi cũng có những lần đi "lưới bốc" hẳn hoi. Đó là những lúc tôi dỡ cơm cho cha, đợi người dong thuyền về bến sau một đêm dài thức trắng, lênh đênh trên biển cả mệt nhoài. Tôi tranh thủ thời gian đợi chờ, chung tay vào mạn thuyền góp sức đẩy ghe. Sau khi hoàn thành công việc, chủ ghe nào có thưởng thì cho tôi vài con cá. Họ không cần biết đến sự nhiệt tình của tôi thì thôi. Những năm tôi còn trai trẻ, cũng có những lần hì hục kéo lưới với ngư dân. Đó là những lần tôi đi tắm biển, muốn tham gia công việc với chủ lưới cho ra gân, ra cốt. Cái chính là được tận mắt xem mẻ lưới cá giãy rần rật trong túi đãy thật sướng. Vậy mà có những lần lưới quát đầy cá, tôi được chủ lưới cho vài con hoặc vài bụm cá đem về nấu ngọt được mẹ khen muốn lên mây.
Đặc tính của người dân làng chài thơm thảo nên "lưới bốc" có lẽ còn sống dài dài.
. Trần Quốc Cưỡng
|