Phóng sự:
"Tivi lụi" ngoại truyện
9:39', 8/6/ 2004 (GMT+7)

Gần đây trên thị trường Quy Nhơn xuất hiện những chiếc tivi mới keng nhưng trụi lủi, không nhãn mác, không xuất xứ, không tên, không thương hiệu. Loại tivi được giới thiệu là hàng Trung Quốc, có giá rất mềm và đang thu hút sự chú ý của một bộ phận khá đông người tiêu dùng có thu nhập thấp.

* "Tivi lụi" lụi tivi thùng

Ti vi chính phẩm bị ti vi lụi cạnh tranh ráo riết

Khoảng hai năm trước, một số cơ sở điện tử ở Quy Nhơn đã nhập vỏ máy, vỉ mạch tivi và đèn hình để lắp ráp thành tivi nguyên chiếc với đặc điểm khá hấp dẫn - rất dễ điều khiển do màn hình hiển thị tiếng Việt. Vỏ và ruột loại tivi này sản xuất từ Trung Quốc (TQ) được đóng thùng: vỏ riêng, mạch riêng khi vận tải. Đèn hình là nguồn máy vi tính đã qua sử dụng có xuất xứ từ TP.HCM. Tất cả đều có hóa đơn, chứng từ xuất hợp lệ. Khi tập trung về đến Bình Định, những linh kiện rời này được thợ điện tử lắp ráp và tổ chức phân phối khắp khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Bằng cử chỉ không hào hứng lắm, anh Q., chủ một cửa hiệu điện máy có vẻ làng nhàng trên đường Trần Hưng Đạo (Quy Nhơn) xua tay: "Này... này, ông đi chỗ khác dùm! Cơ sở tôi chỉ là "doanh nghiệp" nhỏ. Phải chịu gian nan, vất vả lắm mới trụ được đến bây giờ đấy! Ông tương lên báo đài là chết em, hợp pháp cả nhưng rồi sẽ có đoàn này đoàn khác đến hỏi thăm ngay. Ôi chuyện đời mà, biết mình sai chỗ nào, đúng chỗ nào mà đỡ, tốt nhất là ngậm tăm mà làm. Loại hàng này ai bán nấy bảo hành chứ, nếu mua trực tiếp từ em thì được bảo hành một năm. Dạo trước có cửa hàng M. tung ra bán đầu DVD mới lãi bạo tàn chứ như em thì nước non gì". Cái mà Q. gọi là doanh nghiệp nhỏ mỗi tháng cũng tiêu thụ được non ba trăm bộ vỏ và vi mạch. Vừa mua, vừa lắp ráp, vừa tiêu thụ. Trừ mọi phí tổn về mặt bằng thuê, công thợ 10.000 đồng/máy, tiền điện, điện thoại 2 triệu/tháng, thuế má… còn lại Q. lời không dưới 7 triệu đồng/tháng. Qua tìm hiểu, ở Quy Nhơn có cả thảy năm ông trùm, mỗi ông đưa về thành phố 3 đợt hàng mỗi tháng. Mỗi đợt khoảng 1.000 - 1.200 bộ. Màn hình do một "đường dây" cung cấp riêng, và dĩ nhiên số lượng đèn hình nhập tương ứng với vỏ, vi mạch. Bỏ cho các "đại lý" lắp ráp, mỗi bộ lời 20.000 đồng. Màn hình vi tính có mức lời thấp hơn. Vậy mỗi tháng một "ông trùm vỏ vỉ" lời 72 triệu đồng, "ông trùm màn hình" ít hơn nhưng cũng được khoảng 40 triệu đồng. Nếu kiêm luôn việc lắp ráp, tiêu thụ thì hệ số lãi còn lớn hơn.

Ngoài các "đại lý" lắp ráp có bề nổi, mặt tiền kinh doanh ở phố, cơ sở gia công "chìm" khu trú ở nhà không số, phố không tên thì nhiều vô kể. Nhưng đến đây, công việc dựng thành phẩm lại trở thành một công việc bất hợp pháp, vì không hiệu và không tem. Tính ra Quy Nhơn xuất đi ít nhất 8.000 tivi lắp ráp hằng tháng. Mỗi máy lời 20.000 đồng. Nếu bán lẻ cho người tiêu dùng thì lời thêm 50.000 đồng/máy nữa. Thị trường lắp ráp hiện nay thật sự sôi động, ráp được đến đâu gởi đi đến đó, bằng xe đò hoặc xe tải quen mỗi ngày.

Một thợ điện tử lâu năm nhà ở gần Cảng Quy Nhơn cho biết: "Một cơ sở lắp ráp lớn có nguồn tiêu thụ mạnh ở các tỉnh xa, sẽ lắp ráp đều đặn 35 máy mỗi ngày. Ti vi bán chạy nhất là vào thời điểm có những sự kiện lớn như World Cup, SEA Games hoặc thời vụ nông dân, ngư dân được mùa. Ông nên biết rằng người nghèo có mức thu nhập 300.000 đồng/tháng thì họ bấm bụng nhín ăn nhịn tiêu trong 12 tháng để mua một tivi 14’ có giá thấp nhất nước, để vợ chồng con cái cùng được xem truyền hình. Họ không thể nhịn nhiều hơn thế để mua một tivi chính phẩm có giá gấp đôi! Người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa cần gì đến nhãn hiệu, đến tem?". Chủ một cửa hàng đã có 15 năm trong nghề buôn bán máy thu hình ở phường Hải Cảng, khẳng định thêm: "Sức mua hiện nay của người tiêu dùng tăng gấp 6 lần so với 10 năm trước. Tui thấy hồi đó trong 10 nhà chỉ có 2 - 3 nhà có tivi. Nay thì khác hẳn đấy, một nhà có thể có đến 2 hoặc 3 tivi! Một cái ở phòng khách để ông bố thưởng thức bóng đá, một cái ở nhà ăn hoặc trên lầu để bé xem hoạt hình. Và một cái nữa trang bị trong phòng ngủ cho ba mẹ thích coi phim tình cảm Hàn Quốc!". Tivi mới kiểu này hấp dẫn hơn tivi nội địa tỉ lần, tivi nội địa ngỏm thật rồi, còn tivi hàng thùng, chính phẩm thì đang hết hơi với dòng tivi giời ơi này.

* Kỹ thuật và chiêu xử lý

Có một điều mà bất cứ thợ điện tử nào cũng sẵn lòng phân tích và chứng minh cho bạn thấy đó là bảng mạch mà dòng tivi lụi đang dùng cũng chính là loại linh kiện mà các nhà sản xuất đầu tivi, VCD hiệu BELCO, VTB, HANEL dùng để ráp sản phẩm của mình. Nhưng công bằng mà nói để bảng mạch tivi "đồng thanh tương ứng" với màn hình vi tính (vốn hai thứ này khác nhau như mặt trăng với mặt trời) các hảo thủ điện tử Quy Nhơn đã "chế" ra bo (board) xử lý méo gối hình ảnh! Với bo này, thợ ở ta (100% không qua đào tạo) vô tư cho chạy với bất kỳ loại đèn hình nào, từ đèn "gù" có góc quét 90 đến đèn "lép" 110 độ, sản xuất ở châu Á hay châu Âu, châu Mỹ. Chính các kỹ sư của một hãng điện tử Hàn Quốc khi rã bộ ruột của một chiếc tivi thuộc dòng sản phẩm giời ơi này đã há hốc mồm kinh ngạc không hiểu vì sao những thứ linh kiện năm cha ba mẹ kia lại có thể vui vẻ làm việc với nhau để khi yên vị đĩnh đạc trên kệ đều được thiên hạ công nhận đúng là… tivi. Chuyện này ai nghi hoặc cứ ra phố điện tử Phan Đình Phùng (Quy Nhơn) kiểm chứng, đến một anh thợ giày cũng có thể kể lại vanh vách nguồn cơn.

Nghề lắp ráp tivi lụi hưng thịnh khiến một số nghề khác nhân đó cũng có cơ hội để ăn theo. Đèn hình trầy xước do va chạm khi vận chuyển, được thợ mài đèn (Quy Nhơn có 3 cơ sở) dọn sạch bằng cách xoáy thô rồi xoáy mịn. Giá sa cạ cho mỗi đèn: loại nhỏ 5.000, loại lớn 10.000 đồng. Một ngày một người thợ có thể đánh tới 30 đèn nếu có hàng. Dân làm đồ nhựa cũng có việc thường xuyên ấy là công đoạn nạo bỏ bớt biên vỏ 14 in khi phải lắp đèn 15 in. Ngược lại nếu ráp đèn 14 in vào vỏ máy 15 thì đắp thêm nhựa, phun sơn đàng hoàng. Miễn sao mặt tiền thật điển trai, rồi bỏ túi 20.000 đồng/vỏ. Ngay cả phế liệu còn lại sau quá trình chế tạo cũng được thu gom để tận dụng đồng, nhôm vụn. Cứ tưởng thợ điện tử sẽ "tịch diệt" khi "đồ nội địa" hết thời nhưng không, với cái đầu nhạy bén và giàu ý tưởng độ chế các tay thợ nhanh nhẹn ở Quy Nhơn vẫn sống tốt.

Máy thu hình TQ do tư nhân ở ta tự lắp ráp, tự bảo hành (6 tháng) có giá 750.000 đồng đối với máy 14 -15’, máy 17’ có giá 1.020.000 đồng, và máy 19’ - 21’ giá 1.100.000 đồng. Hàng thùng BELCO 14 in giá 1.520.000 đồng, máy 21 in giá 2.250.000 đồng. Hàng VTB có giá thấp hơn BELCO một chút. Hàng hiệu ở các hãng này không có cỡ 15, 17, 19 in. Như vậy ti vi lụi có giá thấp đến một nửa và chủng loại máy phong phú hơn để khách chọn. Và hàng thùng do nguyên tắc bảo chứng chất lượng sản phẩm, phải nuôi các trạm bảo hành, chi phí quảng cáo lớn đang chịu một sức ép cạnh tranh chưa từng có. Chuyện đúng sai thế nào về dòng tivi này xin nhường cho các cơ quan có chức năng liên quan, riêng người viết bài này cảm thấy rất thú vị khi bật tivi lên trên màn hình có ngay dòng chữ "Xin chào", khi tắt tivi dòng chữ "Tạm biệt" xuất hiện. Trẻ con rất mê màn trình diễn này.

. Hư Trúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lưới bốc làng chài   (08/06/2004)
UBND xã Nhơn Hưng: "Con nợ" thủy lợi phí khó đòi!   (08/06/2004)
Những sắc màu mũ vải   (08/06/2004)
Thầu khoán xây dựng - ông là ai?   (08/06/2004)
Bình Định tận dụng cơ hội này như thế nào   (08/06/2004)
Hà Nội sẽ có cửa ô phía Nam?   (08/06/2004)
Người chăn nuôi Bình Định trong cơn bĩ cực   (08/06/2004)
Bác Hồ trong trái tim bạn bè quốc tế   (08/06/2004)
Đi đúng hướng theo con đường Người đã chọn   (08/06/2004)
Những tên côn đồ chống người thi hành công vụ   (27/04/2004)
Dấu ấn của các tiền đạo tân binh   (27/04/2004)
Kitaro - một tâm hồn Nhật   (27/04/2004)
Người mẹ hiền của trẻ khuyết tật   (27/04/2004)
Sốt đất ở Suối Trầu   (27/04/2004)
Một lần đến Sa Pa   (27/04/2004)