Những đường mổ Việt Nam được ghi nhận trong y văn quốc tế
9:43', 8/6/ 2004 (GMT+7)

Những bác sĩ định danh mình trên những đường mổ khó trên thế giới không nhiều. Có thể kể đến các cái tên: đường mổ Lexer, N.A. Dombrovskai, B.V. Petrovski... Ngay cả trong giới y khoa không phải ai cũng biết khá nhiều đường mổ ghi trong y văn quốc tế được viết bằng tiếng Việt. Trong y học Việt Nam hiện đại, nói về những đường mổ như thế trước hết phải kể đến…

Một ca mổ của bác sĩ Phạm Tỵ

Phương pháp cắt gan khô của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Qua nghiên cứu, GS Tôn Thất Tùng đã đưa ra một sơ đồ phân loại mới so với những phân loại đã có trong các sách giáo khoa y học. Dựa vào kết quả nghiên cứu này, ông đã đề ra phương pháp cắt gan khô.

Phương pháp cắt gan khô của GS Tôn Thất Tùng được giới ngoại khoa thế giới đánh giá cao. Phương pháp này đã được đưa vào cuốn Từ điển bách khoa phẫu thuật (Paris, Pháp).

Năm 1958, ca mổ tim kín đầu tiên ở Việt Nam do GS Tôn Thất Tùng và cộng sự thực hiện cho một bệnh nhân hẹp van hai lá tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Mùa xuân năm 1965, cũng tại Bệnh viện Việt Đức, ca mổ tim hở đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện. Kíp mổ gồm GS. Tôn Thất Tùng, GS. Nguyễn Dương Quang, GS. Nguyễn Xuân Ty, GS. Nguyễn Khánh Dư, GS. Tôn Đức Lang, GS. Nguyễn Thụ. Những tên tuổi lớn của ngành phẫu thuật Việt Nam đã mổ thành công cho một nữ bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh - thông vách liên nhĩ trong điều kiện tuần hoàn ngoài cơ thể (máy tim phổi nhân tạo). Ca mổ này đánh dấu một bước ngoặt phát triển mới cho phẫu thuật tim của nước ta (Mỹ bắt đầu mổ tim hở vào năm 1952, Liên Xô năm 1957). Như vậy ngành phẫu thuật Việt Nam chỉ đi sau các nước tiên tiến nhất trong lĩnh vực này độ 10 năm mà thôi; ở thời điểm này, các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… chưa mổ tim hở.

Vào tháng 6-1989, kíp mổ gồm GS.TS. Nguyễn Khánh Dư, GS.TS. Nguyễn Đoàn Hồng, PTS. Phan Thị Hồ Hải đã cùng GS. Pransev, GS. Rudenco (Liên Xô) đã liên tục thực hiện thành công 7 ca mổ tim hở. Đây là những ca mổ tim hở đầu tiên trong điều kiện hạ thể nhiệt nhân tạo trung bình của Việt Nam.

7 ca mổ của các phẫu thuật viên Việt Nam thực hiện cùng các bạn đồng nghiệp Liên Xô kể trên khẳng định sự vươn tới đầy sức thuyết phục cho ngành phẫu thuật tim nước ta.

Cùng với lĩnh vực phẫu thuật điều trị các bệnh tim, ngành phẫu thuật mạch máu Việt Nam (mổ điều trị vết thương và bệnh lý ở các mạch máu lớn, ở động mạch chủ ngực, động mạch chủ bụng…) cũng có những niềm tự hào của riêng mình. Ngày 19-9-1978, GS. Nguyễn Khánh Dư cùng cộng sự đã thực hiện một ca mổ cực kỳ phức tạp. Bệnh nhân H.H.T 34 tuổi, quê ở Tây Ninh, vào năm 1967 bị một viên đạn xuyên vào lồng ngực, hơn 10 năm sau, vết thương cũ tái phát, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 19-8-1978 và được chỉ định mổ. Đây là một vết thương thuộc phần trung tâm động mạch cảnh chung trái và động mạch dưới đòn trái. Nó chiếm khoảng 1,25% đến 10,5% trong tổng số vết thương trên toàn cơ thể, dẫn đến nguy cơ tử vong cao ngay cả khi được can thiệp phẫu thuật. Do vết thương nghiêm trọng nên việc chọn một đường mổ tương thích vào phần trung tâm của các động mạch lớn kể trên là một yêu cầu quan trọng, trước hết đường mổ đó phải đơn giản và rộng, dễ thực hiện. Trước đây, để thực hiện những ca tương tự đã có các đường mổ của Lexer, M.A. Dombrovskai, B.V. Petrovski… Nhưng các đường mổ đó không đủ các tính chất cần thiết kể trên, nhất là nếu có các biến chứng nghiêm trọng xảy ra như chảy máu ào ạt trong khi mổ. Để giải quyết những yêu cầu trên, GS. Nguyễn Khánh Dư đã đưa ra một đường mổ mới gọi là "Đường mổ cổ-ngực kết hợp". Với đường mổ này, GS. Nguyễn Khánh Dư đã cứu sống bệnh nhân H.H.T và gây tiếng vang lớn trên thế giới. Ngày nay, đường mổ này đã đi vào lịch sử y khoa thế giới; y văn thế giới đã khẳng định một đường mổ mang tên Nguyễn Khánh Dư - đường mổ cổ-ngực có xẻ dọc một phần xương ức mở vào ngực trái khi có đám dính.

Chính GS. Nguyễn Khánh Dư cũng là người đã lập nên một bảng phân loại mới về các di chứng vết thương mạch máu lớn ngoại biên. Bảng phân loại này hiện nay được coi là hiện đại nhất của thế giới.

Phẫu thuật mạch máu ở Việt Nam đã có thêm một lĩnh vực mới, đó là ngành vi phẫu thuật. Người sáng lập ra ngành này ở Việt Nam là GS-TS Nguyễn Huy Phan. GS-TS Nguyễn Huy Phan đã tiến hành nhiều ca mổ ghép thành công nối các chi, các ngón bị đứt rời do tai nạn, các ca ghép da có cuống nuôi. Những thành công của ngành vi phẫu thuật Việt Nam ban đầu chỉ được giới nghiên cứu y học quốc tế ghi nhận hết sức dè dặt vì rằng ngay cả ở những nước phát triển Tây Âu, ngành này cũng chỉ đạt được những thành công hết sức hạn chế dù đã được đầu tư lớn. Có lý gì ở một nước mà cơ sở vật chất thiết bị còn nhiều hạn chế như ở Việt Nam lại mau chóng gặt hái quá nhiều thành công như thế trong một thời gian quá ngắn. Nhưng đến khi được khảo chứng bởi các nhà vi phẫu thuật hàng đầu, họ đã không tiếc lời tán tụng. Ngành vi phẫu thuật Việt Nam với người chỉ huy là GS-TS Nguyễn Huy Phan đã phát triển không hề thua kém so với các nước tiên tiến nhất trên thế giới như Mỹ, Nga, Anh, Pháp…

Hiện nay, tại Việt Nam đã có một số lĩnh vực mới trong ngành ngoại khoa ra đời và đang tiến triển. Đó là can thiệp phẫu thuật xâm phạm tối thiểu (Minimal Invasive Surgery). Công việc cụ thể của chuyên ngành này là mổ thám sát hoặc cắt bỏ một số cơ quan bộ phận trong cơ thể qua ngả nội soi: nội soi ổ bụng - cắt bỏ túi mật, cắt bỏ ruột thừa, buồng trứng, làm sinh thiết hạch giao cảm… Loại phẫu thuật này đã và đang được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân, Phòng khám đa khoa Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Ngành ghép các cơ quan, bộ phận cũng đã hình thành ở nước ta và bước đầu cho kết quả tốt. Gần 20 ca ghép thận đã được tiến hành ở Quân y viện 103 (Hà Đông) và Bệnh viện Chợ Rẫy. Việt Nam đã có Ủy ban ghép thận Trung ương do GS. TS. Lê Thế Trung làm chủ tịch. Và mới đây ta cũng đã ghép gan thành công.

Chúng ta tự hào và hy vọng rằng từ phương pháp cắt gan khô của GS. Tôn Thất Tùng, đường mổ kỳ diệu của GS. Nguyễn Khánh Dư, đường mổ tỉ mỉ, chính xác của GS. Nguyễn Huy Phan sẽ mở ra nhiều thành tựu mới, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của y học Việt Nam trong toàn cảnh y học quốc tế.

. Đông A

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ   (08/06/2004)
Những dòng tin nhắn   (08/06/2004)
"Tivi lụi" ngoại truyện   (08/06/2004)
Lưới bốc làng chài   (08/06/2004)
UBND xã Nhơn Hưng: "Con nợ" thủy lợi phí khó đòi!   (08/06/2004)
Những sắc màu mũ vải   (08/06/2004)
Thầu khoán xây dựng - ông là ai?   (08/06/2004)
Bình Định tận dụng cơ hội này như thế nào   (08/06/2004)
Hà Nội sẽ có cửa ô phía Nam?   (08/06/2004)
Người chăn nuôi Bình Định trong cơn bĩ cực   (08/06/2004)
Bác Hồ trong trái tim bạn bè quốc tế   (08/06/2004)
Đi đúng hướng theo con đường Người đã chọn   (08/06/2004)
Những tên côn đồ chống người thi hành công vụ   (27/04/2004)
Dấu ấn của các tiền đạo tân binh   (27/04/2004)
Kitaro - một tâm hồn Nhật   (27/04/2004)