Giao điểm Krông Bung
9:45', 8/6/ 2004 (GMT+7)

CLB cồng chiêng ở làng M3, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh) trong ngày hội làng

Thú thật là tôi rất vui khi nhận được tập thơ Từ Krông Bung (NXB Đà Nẵng, 2003). Vui vì được gặp lại mảnh đất thân quen, qua cái cảm và góc nhìn của những anh - chị quý mến của mình: Chị Xuân Mai và các anh Nguyễn Anh Hộ, Hà Giao. Đó là chưa kể người bạn đề từ cho tập thơ: Nguyễn Thanh Mừng. Cả bốn người vốn cùng một cơ quan, nay đã không "cùng", tánh tình rất khác nhau. Lại nữa: các anh, chị hẳn không đến nỗi nghèo tiền, nghèo thơ đến mức mỗi người không làm riêng một tập, lại cùng đứng chung trong 76 trang sách với vỏn vẹn 33 bài thơ.

* Xuân Mai được lên trước có lẽ không phải là "ưu tiên cho phụ nữ". Thơ chị thích bộc trực, minh bạch như chính con người chị. 11 bài thơ của chị từ Krông Bung cũng thế Nhưng cái thật đáng yêu ở chị là tình cảm cháy bỏng với vùng đất sinh thành của mình:

Bài hơmon dài như dòng sông

Vàng rực đôi bờ hoa muồng nở

Như tiếng vọng từ Tà Kơn thành cổ

Những khối đá âm vang tiếng đoàn quân

(Nghe hát hơmon)

Quả mảnh đất này chen lẫn, pha trộn giữa sự thật - lịch sử với sự thật - huyền thoại, nói cách khác là huyền thoại thật sự. Xuân Mai không quen uống rượu, nhưng chị thấy ở rượu cần là "hòn than hồng nơi ngực, ủ nồng men quê hương". Chị cảm được cái sinh động vĩnh hằng trên "nét khắc thời gian", có lẽ là hình ảnh của vũ nữ Apxara của đất Bình Định nhiều tháp Chăm hàng trăm năm:

Không gian trong đêm rêu phong

Thạch bích ngời lên nét khắc

Dẫu ủ ngàn năm lòng đất

Vẫn xanh thăm thẳm sắc trời

Thơ chị đằm thắm viết về quê mẹ ở vùng trung lưu sông Kôn, nơi có "bên bồi biêng biếc nương dâu, bên lở đất cằn đá xám, bóng hàng me ngập ngừng trôi". Giữa hai đầu nỗi nhớ thượng nguồn và biển cả, chị hay lên với vùng cao, thức cùng đêm đại ngàn, cảm cái bao la ngan ngát vĩnh hằng của tình người.

* Nguyễn Anh Hộ là một họa sĩ, tất nhiên đã vẽ nhiều về nguồn, nhưng anh còn muốn mượn bút nhà thơ để biểu lộ niềm cảm xúc của mình từ Krông Bung. Ở đó có một họa sĩ, một người bạn vong niên của anh đã đi khắp các chiến trường, đã ở phố thị, nhưng luôn ngật ngưỡng và quay về rừng, trở thành một ông "bá" người Bana. Có lẽ thêm một bóng hồng tưởng tượng nào đó khiến anh hăm hở xách rượu Bàu Đá lên vùng cao.

Anh lên thượng đạo tìm em

Lưng đèo gió cuốn mây viền lối đi

Thế là xứ nẫu - Trường Thi

Mang lòng Bàu Đá khắc ghi nghĩa tình...

Mượn bút nhà thơ, nhưng thói quen cầm cọ vẽ vẫn còn đó: Anh "vẽ" Krông Bung với những vần thơ dựng cao như vách núi, anh "vẽ" một người một mình đi đò ngược lên ngàn như về chốn thiên thai, nàng sơn nữ lưng đeo gùi cõng trăng lên dốc... tất nhiên những nét "vẽ" ấy đậm màu siêu thực. Nhưng đã cầm bút của nhà thơ thì ít ra cũng phải khác họa sĩ cầm cọ, bút làm thơ phải làm được cái mà cọ vẽ bất lực.

Bạn đọc bắt gặp trong thơ anh cái hình ảnh đáng yêu của núi rừng Krông Bung, cái hình ảnh gùi sóng lên ngàn, gùi trăng, cả tình cảm của anh dành cho Krông Bung đầy bản thể tự nhiên như núi quên cái áo, trăng hôn đồi sương, gió ôm mây về núi... Nhưng rồi cũng có lúc anh hay cả lo:

Gió ôm mây về núi

Giăng kín lối em về

Cơn mưa rừng bất chợt

Có ướt áo sơn khê?

Thực ra thì "sơn khê" chả bao giờ sợ ướt áo như các nàng nữ sinh miền xuôi sợ ướt áo dài trắng! Có thể ở đây Nguyễn Anh Hộ lại dùng bút pháp tượng trưng một chút. Nhưng rõ ràng ở câu thơ này thì anh cố tình hay vô ý, đã hơi thô: Em ngồi đôi mắt nhìn theo/Cao cao dốc núi ai trèo cùng ai. Tuy vậy nhìn chung Nguyễn Anh Hộ đã làm thơ như một người thi sĩ thực thụ, không phải chỉ mượn bút mua vui trong chốc lát.

* Hà Giao, bậc đàn anh, có thể nói là một ông "bok", ít ra là ở tuổi tác, nhất là sự "thâm niên" của anh ở vùng Krông Bung. Thời bọn chúng tôi còn trai trẻ, anh từng "phỉnh" lên đây, có lần đi ăn Tết hết làng này đến làng khác với người Bana, lại "phỉnh" bọn tôi là uống rượu cần... không bao giờ say! Nhưng phải nói rằng nhờ anh mà chúng tôi biết người vùng cao, biết được suối Sem, Kon Chuk, biết nàng Hơ Cớ đêm ngủ để cái đàn bầu khô lên bụng, biết tiếng tơ rưng, tiếng chiêng đo vòng tròn của bầu trời miền núi, biết nàng Hơ Lanh, Hơ Đang da bánh mật, biết vị rượu cần ngày Tết ở làng Mơ bên suối Sem một đêm nào... và hơn tất cả là tấm lòng của đồng bào Bana.

Hà Giao yêu đất này không kém quê hương anh, thậm chí còn ơn sâu nghĩa nặng với phía đầu nguồn hơn cả quê anh. Tiếc chưa nghe tiếng chiêng đồng

Ngủ nhà rông vẫn như không ngủ làng

Cồng chiêng, nhà rông, rượu cần, bếp lửa nhà sàn... cùng với điệu ca choi H’rê, bóng cây Kơnia của nhà thơ Ngọc Anh, tâm sự của một họa sĩ phiêu bạt về nguồn, Hầm Hô với thủ lĩnh Cần Vương Mai Xuân Thưởng, thác Lơ Pin huyền thoại hóa thân nên ánh sáng thần kỳ... là những chất liệu của thơ anh góp vào tập này. Thơ anh không ầm ào, không phô bày, mà âm thầm, dồn nén, chậm rãi, điềm tĩnh. Bài Phác thảo có nhiều tứ hay, tiếc là hình như kiểu thơ nặng triết lý không phải sở trường của anh, nên có lẽ đã có mấy câu thừa. Dễ "vào" hơn vẫn là thơ lục bát với bài Hầm Hô, câu chữ như con suối nhỏ tuôn chảy tự nhiên, với những câu hỏi tiếp liền nhau, có sức gợi tả hơn nhiều những lời đáp hay sự cắt nghĩa. Thơ anh mạnh ở thể thơ ngắn, cô đúc, gần với cách cảm, cách nghĩ dân dã, mộc mạc. Bích Khê thi sĩ tượng trưng xưa có bài Tỳ bà dùng toàn chữ vần bằng, với thể bảy chữ "Nàng ơi tay đêm đương giăng mềm...". Ở tập thơ này, Hà Giao cũng có bài thơ toàn vần bằng, nhưng với câu năm chữ: Trong mênh mông ta man/ Xanh năm ba buôn làng/ Đêm đêm nghe nhà sàn/ Vang lên lời chinh chiêng.. Lời thơ nghe mênh mang tựa tiếng chiêng khoan thai của người Bana thả vào bầu trời đêm khuya mà ai đã từng nghe mới cảm thấu.

Nhưng Krông Bung đâu chỉ là chuyện nghệ thuật, trước hết nó là chuyện đời, chuyện lòng người. Có thể người bình thường đến với vùng cao chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Người làm thơ đến vùng cao với cả tấm lòng, nhưng không phải để ban phát, mà để thâu nhận, chứa cho đầy xúc cảm mới nhào nặn ra thơ. Xúc cảm ấy ở đâu ra? Chính là ở thiên nhiên và cuộc sống ban sơ, tất nhiên có phần lạc hậu. Người bình thường đến với vùng cao có thể mang theo chút kiêu kỳ, sản phẩm của văn minh, nhưng người làm thơ nói riêng, các văn nghệ sĩ nói chung, lại tìm thấy ở đó cái bản thể vốn có của mình, cái cội rễ của mình, trước khi con người tiến bước đến văn minh kèm theo sự "tha hóa" do chế độ tư hữu, như Mác đã nói. Hàng ngàn năm gian khổ của loài người đã qua, xã hội cộng sản văn minh chưa thật sự đến, còn những dấu nét của xã hội nguyên thủy vẫn tồn tại ở những nơi như Krông Bung. Krông Bung như tiếng đồng vọng của quá khứ về hướng tương lai. Giao điểm của Krông Bung, vì vậy, chắc chắn không chỉ là giao điểm của ba người, và càng không phải là giao điểm của sự hoài cổ.

Quảng Ngãi tháng 5 - 2004

. Cao Chư

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những đường mổ Việt Nam được ghi nhận trong y văn quốc tế   (08/06/2004)
Thơ   (08/06/2004)
Những dòng tin nhắn   (08/06/2004)
"Tivi lụi" ngoại truyện   (08/06/2004)
Lưới bốc làng chài   (08/06/2004)
UBND xã Nhơn Hưng: "Con nợ" thủy lợi phí khó đòi!   (08/06/2004)
Những sắc màu mũ vải   (08/06/2004)
Thầu khoán xây dựng - ông là ai?   (08/06/2004)
Bình Định tận dụng cơ hội này như thế nào   (08/06/2004)
Hà Nội sẽ có cửa ô phía Nam?   (08/06/2004)
Người chăn nuôi Bình Định trong cơn bĩ cực   (08/06/2004)
Bác Hồ trong trái tim bạn bè quốc tế   (08/06/2004)
Đi đúng hướng theo con đường Người đã chọn   (08/06/2004)
Những tên côn đồ chống người thi hành công vụ   (27/04/2004)
Dấu ấn của các tiền đạo tân binh   (27/04/2004)