Tin vào cuộc sống
9:49', 8/6/ 2004 (GMT+7)

Tôi đến làm việc tại cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga (100 - Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn) tính đến nay gần 4 năm. Ở đây tôi có dịp gặp gỡ thấu hiểu bao số phận, bao cảnh đời chịu nhiều thiệt thòi mất mát nhưng sức sống vươn lên mãnh liệt ở họ như một tấm gương lặng lẽ để tôi soi lại chính mình.

* Chuyện của Khanh

Cán bộ kỹ thuật đang kiểm tra độ nghe của tai trước khi đặt máy trợ thính

Trong số hơn 40 người sinh sống ở đây có một người làm tôi không giấu nổi sự mến phục tận đáy lòng. Đó là em Lê Quang Khanh quê ở xã Tây Bình (Tây Sơn) em bị sốt bại liệt từ năm lên 4 tuổi em không đi được bằng chân, đôi tay của em trở thành đôi chân để em đi lại hàng ngày. Nhìn em bò như một đứa trẻ lòng tôi se thắt khôn nguôi… Ôi số phận buồn thương cay nghiệt biết chừng nào! Tôi nhớ mãi lần đầu gặp Khanh, một chàng trai 27 tuổi có đôi mắt thoáng chút u buồn sáng lung linh trên khuôn mặt hiền từ, nhân hậu.

Khanh kể với tôi về "những ngày thơ ấu" của mình. Em sinh ra trong một gia đình nông nghiệp đông anh em, đời sống hồi ấy rất khó khăn, bản thân em bị bệnh tật không đủ điều kiện để đi học. Thời gian dần trôi em sống trong âm thầm lặng lẽ, ngày nối ngày chỉ lo công việc bếp núc, con gà, con heo… giúp đỡ cha mẹ. Nỗi buồn than thân trách phận làm sao tránh khỏi, khi thấy bạn bè cùng trang lứa được học hành, được vui chơi thả diều, đánh bi đánh đáo… còn em thui thủi như "chẳng có trong đời". Nỗi buồn như tăng tiến theo thời gian khi em trở thành một chàng trai mười tám đôi mươi, với bao nỗi niềm trăn trở day dứt. Cha mẹ của em như thấu hiểu điều đó đã động viên an ủi, cố gắng cho em đi học nghề sửa chữa xe đạp. Khanh nói: "Trước đây em khổ lắm, từ khi em sửa chữa xe đạp đời sống đỡ hơn, em bệnh tật, hiền từ nên bà con làng xóm thương lắm, công việc làm ăn thường được nhiều người giúp đỡ". Có thể nói chính công việc thường ngày, sống trong "tình làng nghĩa xóm" đã giúp Khanh phần nào vơi đi nỗi buồn đau bệnh tật.

Đến đầu năm 2003 tình cờ Khanh nghe trên Đài PTTH Bình Định đưa tin về cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga, chẳng những dạy chữ cho trẻ khiếm thính mà còn dạy chữ cho những người khuyết tật vận động chưa biết chữ trước khi dạy nghề. Đã từ lâu em mong ước được học tập, khi nghe tin Khanh vội vã đến đây xin học. Đến cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga em chẳng những học chữ ở "lớp xóa mù" mà còn học thêm được nghề thêu máy. Hàng đêm tôi trở thành người thầy dạy chữ cho em. Với sự siêng năng cần mẫn vốn có, chỉ vài tháng trôi qua giờ đây Khanh có thể đọc được sách báo, viết thư cho gia đình, bạn bè… và làm tốt các phép tính cộng trừ nhân chia. Có thể điều làm tôi suy nghĩ liên tưởng đến mình nhiều nhất là ở Khanh luôn tươi vui, sống rất chân tình, cởi mở, say mê học tập với ý chí vươn lên làm người hữu ích… Có lúc tôi nhận thấy ở Khanh không còn "dáng vẻ" của một người khuyết tật nữa. Em thản nhiên vui sống tự tin như một người bình thường. Có lần em tâm sự: "Người ta đi lại bằng chân, còn em phải bò như một đứa trẻ, nhiều lúc em buồn chán lắm. Nhưng buồn đau có thay đổi được gì đâu, chỉ đau khổ dằn vặt thêm mà thôi, em tự nhủ lòng mình phải chấp nhận sự thiệt thòi mất mát của bản thân để sống, cố gắng làm tốt công việc của mình để có cuộc sống tự lập, chẳng những nuôi sống bản thân mà còn tính đến chuyện gia đình riêng nữa". Tôi thầm mong ước mơ bình dị của em sớm trở thành hiện thực.

* Và chuyện của tôi

Có lẽ với những người khuyết tật chúng tôi câu nói của người xưa "ở hiền gặp lành" là lời động viên thường nhật. Và thực tế một người như Khanh đã nhận được sự may mắn trong đời bù đắp. Vừa qua với sự giúp đỡ của chị Nguyễn Thị Thanh Nga - phụ trách cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga cùng với tấm lòng từ thiện nhân đạo của bà Wendy (New Zealand) và Trung tâm phục hồi chức năng lao động Quy Nhơn đã tận tình giúp đỡ, ca phẫu thuật chỉnh hình đôi chân của Khanh đã thành công tốt đẹp, giờ đây em đã đi lại bằng đôi chân của mình. Em vui lắm! Tôi mừng cho em, mừng cho một sức sống, một niềm tin đang hiện hữu trong đời.

Tôi muốn nói một chút về bản thân. Tôi sinh ra trên quê hương Phù Cát chịu nhiều đạn bom chiến tranh, sự tàn tật của tôi một phần cũng do chiến tranh gây ra. Nỗi mặc cảm, tự ti trong tôi âm ỉ trong nhiều năm liền. Ngay lúc tôi tưởng mình đã thắng được nỗi tự ti khuyết tật nhờ vượt qua chặng đường dài bốn năm đại học đằng đẵng thì chính lúc ấy chuyện không xin được việc làm đã nhấn chìm tôi... Có mảnh bằng cử nhân trong tay mà tôi phải sống khép kín suốt một thời gian dài. Chỉ đến ngày đến với các bạn ở cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga nỗi tự ti tồn tại trong tôi bao năm qua mới tan biến trong không khí sôi nổi học tập và làm việc hàng ngày. Tôi ngẹn ngào đến mức không thể nói trọn lời cảm ơn. Chính những người dám đương đầu với thử thách của số phận như Khanh đã trở thành điểm tựa cho tâm hồn tôi.

Có một danh nhân đã nói đại ý - Chỉ riêng với việc là một người lành lặn không thôi bạn đã hưởng một niềm hạnh phúc không gì sánh nổi. Đừng phiền trách số phận vì những nhọc nhằn bạn phải đương đầu. Bạn có đủ hai tay, hai chân, mắt mũi và nguyên một nụ cười để gieo niềm tin yêu; một số người khác cũng lâm vào tình thế như bạn và họ đã vượt qua bằng thân thể khuyết tật của mình. Họ lấy sức mạnh ở đâu, xin thưa, ở chính tâm hồn không bao giờ khuyết tật của họ. Hãy dành một chút thời gian để chia sẻ cùng chúng tôi, những người không cam chịu khuyết tật tâm hồn.

. Tâm Nhân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ninja - Phía sau sự huyền bí   (08/06/2004)
Giao điểm Krông Bung   (08/06/2004)
Những đường mổ Việt Nam được ghi nhận trong y văn quốc tế   (08/06/2004)
Thơ   (08/06/2004)
Những dòng tin nhắn   (08/06/2004)
"Tivi lụi" ngoại truyện   (08/06/2004)
Lưới bốc làng chài   (08/06/2004)
UBND xã Nhơn Hưng: "Con nợ" thủy lợi phí khó đòi!   (08/06/2004)
Những sắc màu mũ vải   (08/06/2004)
Thầu khoán xây dựng - ông là ai?   (08/06/2004)
Bình Định tận dụng cơ hội này như thế nào   (08/06/2004)
Hà Nội sẽ có cửa ô phía Nam?   (08/06/2004)
Người chăn nuôi Bình Định trong cơn bĩ cực   (08/06/2004)
Bác Hồ trong trái tim bạn bè quốc tế   (08/06/2004)
Đi đúng hướng theo con đường Người đã chọn   (08/06/2004)