Chợ Lớn Quy Nhơn - nơi đóng vai trò là trung tâm thương mại của cả tỉnh - đang mất dần vị thế của mình. Sự mất mát trở nên rõ ràng từ khi CoopMart Quy Nhơn ra đời (12-2003). Nhưng Chợ Lớn không thể "chết" một cách dễ dàng như thế. Bên cạnh vai trò là một trung tâm buôn bán, Chợ Lớn còn mang trong nó những giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của địa phương. Chợ Lớn Quy Nhơn sẽ thoát khỏi tình thế khó khăn này như thế nào?
* Cạnh tranh khốc liệt
|
Chợ Lớn cần được sắp xếp lại lô sạp và chú ý khâu vệ sinh, trật tự hơn |
Chợ Lớn giữ một vai trò đặc biệt trong đời sống kinh tế thương mại của Quy Nhơn nói riêng và cả tỉnh nói chung. Thời hưng thịnh nhất, những năm 1990, Chợ Lớn thể hiện rõ vai trò một trung tâm thương mại "bất khả thay thế". Không chỉ chiếm ưu thế trong việc giữ vai trò bán sỉ qua các đại lý, đầu mối phân phối hàng hóa cho các chợ trong thành phố, chợ huyện, các hộ kinh doanh trong cả tỉnh và một số tỉnh trong khu vực mà cả trong lĩnh vực bán lẻ Chợ Lớn cũng chiếm thế thượng phong. Từ những vựa trái cây, rau củ, thực phẩm, các nhà phân phối hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm… cho đến các sạp hàng bán lẻ đều thu hút rất đông khách hàng, bởi sự đa dạng và phong phú về chủng loại, mẫu mã, chất lượng hàng hóa.
Tuy nhiên, với một loạt chợ được xây mới hoặc nâng cấp, xây lại, mở rộng quy mô như Chợ Đầm, Chợ Cây Xăng, Chợ Sân Bay, Chợ Khu Sáu trong những năm gần đây; sự lớn mạnh của nhiều đại lý, nhà phân phối và các quầy tạp hóa, hàng khô quy mô lớn trên đường phố đã đánh bật vai trò trung tâm thương mại của Chợ Lớn. Ngoài ra, sự hình thành các nhà phân phối lớn như: Kim Huệ (phân phối hàng cho Unilever, Foremost, bột ngọt Vedan); Anh Nhật (dầu Tường An, sữa Nestle, Coca Cola, A One…); Hai Vi (nước khoáng LaVie, Pepsi…); Minh Nguyệt (bánh kẹo Kinh Đô, Bibica); Hào Quang (quần áo Việt Tiến, Tây Đô…); Ái Vy (hàng công nghệ phẩm, nước giải khát) cũng gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến tình hình mua bán của Chợ Lớn. Và đến khi CoopMart Quy Nhơn ra đời thì các hộ kinh doanh ở Chợ Lớn lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn.
Ông Đỗ Thanh Tâm - Phó Ban quản lý (BQL) Chợ Lớn Quy Nhơn - xác nhận: "Từ khi siêu thị CoopMart Quy Nhơn ra đời đến nay thì cả lượng khách, lượng hàng hóa và sức mua tại Chợ Lớn đều giảm từ 25 - 30% so với trước. Trong đó sức mua giảm nhất là ở các mặt hàng quần áo may sẵn và tạp hóa mỹ phẩm". Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Chợ Lớn hoàn toàn thất thế trước sự lớn mạnh của các loại hình kinh doanh khác. Về số lượng và sự phong phú của các mặt hàng tươi sống thì không chợ và siêu thị nào có thể "qua mặt" được chợ Lớn.
* Chợ Lớn sẽ phải thay đổi như thế nào?
Có thể sự so sánh này hơi khập khiễng nhưng sự ra đời của CoopMart Quy Nhơn chỉ là một giọt nước làm tràn ly. Vị thế thương mại của Chợ Lớn Quy Nhơn đã dần giảm từ cách đây 4 - 5 năm nay mà minh chứng là sự giảm sút về số lượng hộ bán lẻ và sự thay đổi phương thức kinh doanh của các hộ bán buôn. Trước năm 2001, Chợ Lớn có gần 1.000 hộ bán lẻ nhưng hiện nay con số này chỉ là khoảng 700. Còn nếu để ý một chút, người ta sẽ thấy sự tấp nập, hối hả của những chuyến xe tải chở rau quả, trái cây kìn kìn đổ hàng cho các vựa tại Chợ Lớn vào thời điểm cách đây 4 - 5 năm trước nay chỉ còn lại trong hoài niệm. Một chủ vựa rau củ trên đường 31-3 nói rằng lượng xe tải chở hàng sỉ cho chợ giờ chỉ bằng 1/3 hồi trước. Tuy số lượng hộ bán buôn không giảm nhưng để tăng lợi nhuận, một số hộ chuyển sang vừa bán buôn vừa bán lẻ.
Về doanh thu, từ năm 2000 trở về trước, trung bình mỗi năm Chợ Lớn Quy Nhơn nộp ngân sách hơn 2 tỉ đồng tiền thuế và hơn 1 tỉ đồng phí và lệ phí. Từ năm 2001 đến nay chợ nộp hơn 2,5 tỉ tiền thuế và gần 1,5 tỉ phí và lệ phí/năm. Sự gia tăng doanh thu trong khi số hộ buôn bán và lượng hàng hóa ở chợ giảm chủ yếu là do sự gia tăng của giá cả và sự mở rộng quy mô kinh doanh của các chủ hàng.
Trước tình hình đó, ngay sau khi siêu thị Quy Nhơn ra đời, BQL Chợ Lớn đã họp đại diện các ngành hàng trong chợ lại và xác định rằng đây là một đối thủ cạnh tranh của chợ. Vì thế, việc các tiểu thương phải thay đổi phương thức kinh doanh từ việc mua bán, phục vụ, tiếp thị, thiết kế gian hàng, trưng bày hàng hóa là điều tất yếu nếu muốn tồn tại. Ông Đỗ Thanh Tâm - Phó BQL chợ cho biết: "Chúng tôi vận động, thuyết phục các hộ kinh doanh bán đúng giá, nói thách ít, trưng bày hàng hóa bắt mắt hơn, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất lô sạp mình hơn để thu hút khách hàng trở lại với chợ. Hiện một số hộ đã ý thức được điều này".
Vạch một hướng đi cho Chợ Lớn Quy Nhơn để phù hợp với xu thế thương mại hiện nay, những người có thể làm được điều đó không ai khác là BQL chợ. Chợ Lớn Quy Nhơn không được chết và cũng không thể chết, bởi bên cạnh vai trò là một nơi buôn bán, Chợ Lớn còn mang trong nó nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Bình Định.
. Minh Khương
Vài nét lịch sử Chợ Lớn Quy Nhơn
- Đầu triều Nguyễn (thế kỷ XVIII), Chợ Lớn có tên gọi là Chợ Thị Nại (còn gọi là Chợ Chánh Thành), là trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của Cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư lưới cụ… Chợ được xây theo hình chữ U, có 4 dãy nhà ngói, cột gỗ.
- Năm 1882, Chợ Thị Nại đổi tên thành Chợ Quy Nhơn.
- Tháng 10-1932, Chợ Quy Nhơn bị sụp đổ do bão.
- Năm 1934 chợ được xây dựng lại và khánh thành vào đầu năm 1936.
- Năm 1946-1947, Chợ Quy Nhơn bị phá hủy hoàn toàn để thực hiện "tiêu thổ kháng chiến". Chính quyền cho di dời chợ đến họp tạm trên một khu đất ở sân Trường Quốc Học (nay là khu đất thuộc Trường THCS Lê Hồng Phong).
- Năm 1953-1954, hoạt động của chợ gần như bị đình trệ do chiến tranh.
- Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn cho xây dựng lại chợ tạm trên nền chợ cũ.
- Năm 1969, chính quyền tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng chợ mới kiên cố.
- Đầu năm 1974, Chợ Quy Nhơn bị hỏa hoạn thiêu cháy rụi, chính quyền cho xây chợ tạm trên nền chợ cũ.
- Tháng 1-1983, UBND TP Quy Nhơn - có sự đóng góp của tiểu thương, đã cho xây dựng dãy chợ 2 tầng phía đường 31-3. Đến tháng 9-1985, UBND tỉnh đầu tư xây dựng khu chợ 3 tầng như hiện nay.
- Chợ mới được xây dựng trên nền chợ cũ, diện tích xây dựng là 9.121m2, diện tích kinh doanh 9.206 m2, khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 3-2-1986.
(Nguồn: Chợ Quy Nhơn, lịch sử và truyền thống, Ban Quản lý Chợ Lớn Quy Nhơn xuất bản 1998)
|