Chứng minh nhân dân (CMND), khai sinh, hộ khẩu, là một "bộ ba" giấy tờ không thể tách rời dành cho một công dân. Với khuôn khổ 5,7 x 9cm chứa đủ hình ảnh, dấu vân tay, họ tên, đặc điểm nhận dạng… trên giấy CMND, bạn có thể du lịch, học tập, thể hiện quyền đi lại và lưu trú ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước mình.
* Chuyện giấy, chuyện đời
Năm 1990 người anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhưng hiềm một nỗi sắp cưới vợ, nên đưa người em đi thay. Trong quân đội người em mang tên tuổi người anh, và trở thành một sĩ quan gương mẫu. Ngày tháng trôi đi, người em cũng lập gia đình. Hai cô vợ và những đứa con nối tiếp ra đời, sống ở hai nơi khác nhau, có chung một tên chồng và một tên cha! Một cán bộ (xin được giấu tên) trăn trở: "Chuyện này xảy ra đã nhiều năm. Khi chúng tôi phát hiện, bản thân sự việc trở nên quá đỗi tế nhị. Tôi đang ở tình thế "nói không được, ngậm cũng chẳng xong". Chuyện ở huyện, xin đừng vội kể với ai, ông nhé!". Tôi cũng định "đừng vội kể" nhưng không hiểu sao tôi lại cứ… nhớ đến cái giấy báo tử của đồng đội tôi thời chiến trường!.. Anh cán bộ có trách nhiệm ở tỉnh có vẻ động lòng trắc ẩn vì chưa định hướng được cách giải quyết cho trường hợp này.
Sau thời gian tìm hiểu, chàng nọ xin cưới cô A và họ đã đăng ký kết hôn ở UBND xã. Giờ rước dâu cô A bỗng biến mất! Để "chữa cháy", nhà gái cho cô chị đi thay. Thật lạ, đêm hoa chúc và "mối tình chưa ngỏ" của họ lại hạnh phúc êm ấm cho đến sau này… Chỉ có hai chính quyền địa phương xã Tây Giang và xã Bình Thuận (Tây Sơn) của bên trai, bên gái và cái giấy đăng ký kết hôn là… chẳng biết gì hết! Mãi sau này khi cô em, thời gian dài chạy theo người tình cũ đã "tìm về quê chồng" (hộ khẩu đã chuyển) để được chứng thực về tỉnh xin làm CMND, rồi tại điểm CMND của tỉnh - số 10 đường Trần Phú (Quy Nhơn) - sự việc mới vỡ lở. Một loạt giấy tờ liên quan đến nhân thân những người này được đưa ra "tháo nút" một cách phiền phức. Một ông bạn ngành luật nghe xong, nói như đùa: "Sau khi làm lại "bộ ba" hộ khẩu, khai sinh, CMND cho đúng với sự thật, tên chị ra chị, tên em trả lại cho em, thì chàng chồng nọ có thể… "khởi kiện" để "đòi" lấy người có tên trong giấy đăng ký kết hôn! Vậy giải quyết vụ này phải bắt đầu từ trước khi cô A lấy chồng".
Anh Hồ Văn Trị - Đội trưởng Đội QLHC - TTXH (Công an Tây Sơn) kể: "Có rất nhiều "pha" lắt léo xung quanh cái thẻ nhỏ xíu này lắm. Ty tỷ chuyện ấy chứ, nào là một người sử dụng hai số CMND, một người xài tới hai tên hoặc mượn hộ khẩu tráo người khi đi làm CMND... Thậm chí có anh giai nọ thấy ảnh trong giấy CMND của mình "xí" trai quá, chàng ta khắc phục bằng cách tự ý thay ảnh khác cho xinh hơn. Có chuyện mình nhắc nhở, cảnh cáo, nhưng cũng có chuyện phải phạt nặng đấy. Cái tay một tên chơi luôn 2 cái CMND bị phạt tới 500.000 đồng đấy".
* Còn cỏ, còn nhổ
Lân la ở quán cà phê gần điểm cấp phát CMND số 10 Trần Phú (Quy Nhơn) tôi bắt chuyện với anh K.H.L (40 tuổi, quê quán Phù Cát) đã sinh sống gần 15 năm ở TP.HCM. L. từ Sài Gòn về Quy Nhơn để dự đám cưới người nhà và để làm CMND. Nhưng L. chỉ có duy nhất một tờ đơn xin cấp CMND, không có sổ hộ khẩu. Trong đơn có chữ ký và con dấu xác nhận của CA địa phương ở Phù Cát. "Tôi không có hộ khẩu vì tôi bỏ nhà nước nhảy ra ngoài làm ăn. Từ lẩu từ lâu người ta đã xóa béng tên tôi mất rồi. Có quá nhiều phiền toái đến với tôi trong đi lại, giao dịch chỉ vì không có CMND. Trước mình nghĩ nó đơn giản, vào việc mới thấy không đơn giản vậy"- L. tâm sự.
Ông Trần Minh Xuyến, Đội trưởng Đội CMND (PC 13) vừa làm việc vừa lắc đầu quầy quậy: "Sống không hộ khẩu khác nào sống… ngoài vòng pháp luật! Cấp CMND phải dựa vào hộ khẩu chớ. Mới đây, một người ở Nhơn Thành (An Nhơn) mượn hộ khẩu người anh em ở Cát Lâm (Phù Cát) để làm CMND. Ông cậu bí thư chi bộ thôn là người đầu tiên bị thằng cháu cho ăn quả lừa khi ký xác nhận đấy… Vậy nên làm sao cấp CMND cho ông K.H.L nếu chỉ dựa vào mỗi cái dấu của địa phương. Thật ra anh này phải bắt đầu từ vấn đề hộ khẩu. Sự cứu xét của cấp thẩm quyền đối với công dân "mất" hộ khẩu và cải cách hành chính đã luôn giúp người dân thuận tiện hơn". Mỗi một công dân của nước CHXHCN Việt Nam chỉ được quyền có duy nhất một CMND dù có đi đến đâu, chuyển chỗ ở như thế nào thì số tàng thư, chi tiết lưu giữ trên đó vẫn duy trì như đăng ký ban đầu và chỉ bổ sung thêm chi tiết mới khi có thay đổi.
Cũng thật bất ngờ khi tại một địa điểm chuyên nghiệp, khoảng 7 cán bộ chuyên trách, như ở số 10 Trần Phú với mặt bằng làm việc chật hẹp, mùa hè nóng nực, mùa mưa lầy lội lại có thể tiếp nhận và giải phóng lượng khách đến làm CMND quá đông. Có ngày, ở đây hoàn tất hồ sơ cho 350 công dân - một con số thật đáng ghi nhận! Anh Thi, người đảm nhận việc chụp ảnh cho Đội (nhiều khi kiêm luôn phần lăn tay) kể: "Tôi bấm máy lia lịa, chẳng kịp… nheo mắt nữa là! Con số 350 người tương đương với 10 cuộn phim đấy. Đọc tên, gắn số trước ngực (ở hàng nút áo thứ 2 ấy) và chỉnh sửa tư thế nữa… À vâng, phải cạo trụi râu, phải xóa sạch son và chụp "tốc hành" ở cự ly 80cm. Lơ là một chút là ứ việc ngay…".
Có dịp đến các điểm cấp phát CMND ở các huyện mới thấy "áp lực" công việc tại điểm 10 Trần Phú. Dường như bằng nghị lực của thép tôi, cán bộ ở đây ôm đủ và xử lý đủ ngàn lẻ một kiểu "nghịch cảnh" mà các huyện thường tống đạt về điểm 10 Trần Phú để giải quyết. Cả những trường hợp liên quan đến đối tượng tội phạm.
* Cầm cân nảy mực
Về những thay đổi để tránh phiền hà cho người dân khi đi lại và cải cách hành chính trong công tác cấp phát CMND hiện nay, ông Nguyễn Đăng Hải, Trưởng phòng QLHC về TTXH (Công an Bình Định) cho biết: "Theo chỉ đạo của Giám đốc, đầu năm nay công tác cấp mới, đổi lại và kiểm tra, quản lý sử dụng CMND được phân cấp trách nhiệm cụ thể về huyện, trở thành chỉ tiêu thi đua của từng đơn vị, cá nhân trong năm 2004. 3 huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh do phòng PC 13 phối hợp với CA huyện thực hiện tại chỗ việc tiếp dân. An Nhơn, Tuy Phước đang là địa phương làm tốt công tác CMND. Phù Cát là huyện thực hiện đều đặn mỗi tuần 500 hồ sơ nhưng cũng là huyện dẫn đầu về sai hổng. Cho thấy năng lực quản lý của cán bộ cơ sở yếu kém, không đồng đều. Mặt bằng dân trí chênh lệch thể hiện qua cách khai trong đơn. Chúng tôi luôn giám sát để giảm thiểu sơ sót… Điểm số 10 Trần Phú của tỉnh hiện chỉ phụ trách việc cấp lại cho những người đánh mất CMND. Quy Nhơn có số báo mất, đổi lại CMND nhiều nhất với mỗi năm hàng ngàn hồ sơ".
Xin kết thúc bài viết này bằng một chuyện vui vui. Tại điểm cấp phát CMND của tỉnh, chị X. 32 tuổi lân la đến bàn làm việc của ông Đội trưởng. Chị chìa tờ khai CMND của mình ra xin được giải quyết. Đọc tờ khai, liếc nhìn chị một cách rất… nghiệp vụ, Đội trưởng hỏi: "Cô có chồng rồi mà?". "Dạ, có rồi, chồng và 2 con nữa…". "Điền tên ông xã vào cho đầy đủ rồi qua bàn bên kia nộp, chờ gọi tên. Bộ muốn lấy chồng khác à!". "Hổng có đâu anh, em đã ghi rồi nhưng mấy anh cán bộ bên bàn ấy không chịu tên đó, biểu em đi dề hỏi lại". "Ủa, sao kỳ vậy? Đâu, đưa tôi coi... Ơ... ơ. .. sao tên họ gì mà trụi lủi vậy!". "Dạ, thì hồi giờ vẫn gọi vậy có mắc gì đâu. Kêu là anh Tám thì em viết dậy chứ đâu có nói xạo". Những người có mặt trong phòng hôm ấy không thể nhịn được cười… Chị trả lời thật thà kể rằng: Đã thành vợ thành chồng, có với nhau tới hai mặt con nhưng chị chỉ nghe mọi người ở quê đều gọi ông xã chị là "anh Tám".
. Hư Trúc
|