Trước thập niên 1990, một phần thành công của các nước Đông Á được giải thích bằng hình tượng "đàn sếu bay", nghĩa là các nước trong nội vùng chuyển giao cho nhau lợi thế so sánh một cách có trật tự theo thời gian, thông qua ngoại thương và tự do hóa dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các công ty tư nhân.
|
Cảng Quy Nhơn - Một cảng biển có hiệu quả đầu tư cao hàng đầu ở VN |
Đi đầu trào lưu này là Singapore qua các hiệp định song phương với New Zealand, Nhật, Úc và gần đây nhất là Mỹ. Tiếp theo là Nhật, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang nóng lòng xúc tiến FTA cho mình. Một điểm đáng lưu ý khác là FTA đang đàm phán hay đang nghiên cứu phần lớn vẫn tập trung xung quanh các nước nội vùng Đông Á với nhau. Phải chăng ý tưởng Nhóm kinh tế Đông Á (EAEG) cách đây hơn 10 năm của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sắp trở thành hiện thực? Hay xa hơn là khu vực mậu dịch tự do Đông Á như con đường mà EU đã đi?
* Tại sao FTA?
Giống như nhiều nước trên thế giới, các nước Đông Á đã nhận thấy Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không phải là một định chế đúng tầm như họ mong muốn. Thất bại của vòng đàm phán Cancun (Mexique) mới đây chỉ là một phần của câu chuyện. Bởi vì, thực ra WTO chỉ có thể điều chỉnh các hoạt động thương mại hàng hóa thông qua cắt giảm thuế quan và giải quyết tranh chấp. WTO chưa hình thành một sân chơi bình đẳng mà các nước đang rất cần, đó là các hoạt động về FDI, thương mại dịch vụ và sự dịch chuyển lao động giữa các nước đang tăng lên hiện nay. Trong khi đó, WTO cũng cho phép các nước thành viên được hình thành các FTA hay các hiệp định thương mại vùng (RTA), miễn sao nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và không dựng lên các rào cản thuế quan ngoài khuôn khổ của WTO.
FTA là một cách tốt giúp thúc đẩy cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế nội địa mà Đông Á đang rất cần. Quá trình cải cách kinh tế của một quốc gia luôn phải đối mặt với các nhóm đặc lợi khác nhau. Sự hỗ trợ kèm quá nhiều "điều kiện đau đớn" của các định chế tài chính quốc tế do các nước giàu chi phối sau khủng hoảng tài chính châu Á (1997) là kinh nghiệm cay đắng mà các nước Đông Á không bao giờ quên. Và điều này cho thấy sự cần thiết phải có những hiệp định chung, ít nhất cũng là song phương, để cùng nhau giải quyết những vấn đề của khu vực.
* FTA - lợi ích và thách thức
FTA giúp mở rộng thị trường nhằm khai thác cơ hội lợi thế cạnh tranh nhờ quy mô, nó khuyến khích các công ty phát triển các sản phẩm và công nghệ mới. Hơn nữa, FTA cũng tạo áp lực cạnh tranh cao hơn cho các công ty. Và điều này buộc họ phải luôn tìm cách giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành và cuối cùng người tiêu dùng của các nước đều được lợi. Lợi ích không chỉ là các dòng thương mại, nó còn ảnh hưởng đến các dòng FDI. Thực tế của các FTA đang hoạt động cho thấy, FDI không những tăng lên giữa các nước ký kết với nhau mà còn có tác động hấp dẫn nhiều hơn FDI ở các nước không phải là thành viên.
Mặc dù các FTA được đàm phán chồng chéo giữa các nước khác nhau trong khu vực Đông Á, nhưng điều này không có nghĩa là sự hình thành một FTA chung cho khu vực sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Bởi vì còn rất nhiều trở ngại về kinh tế, các yếu tố lịch sử lẫn chính trị ở khu vực đặc thù này. Về mặt kinh tế, trình độ phát triển cũng như khả năng cạnh tranh trong từng mặt hàng ở mỗi quốc gia Đông Á là quá khác biệt nhau. Do vậy, nếu dỡ bỏ các rào cản thương mại sẽ tạo một sức ép mạnh lên nhóm hàng không có lợi thế cạnh tranh và phải tái cơ cấu nền kinh tế một cách đau đớn, điều mà không chắc quốc gia nào cũng muốn. Kinh nghiệm của EU cho thấy, để hợp nhất khu vực cần có một lãnh đạo chính trị mạnh mẽ như là một điều kiện tiên quyết dẫn dắt lộ trình hội nhập của các nước. Cho đến bây giờ, Đông Á vẫn chưa có được yếu tố này. Các khối FTA có thể làm nền tảng như ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật vẫn là các kịch bản của các nhà phân tích. Cuối cùng, những khác biệt trong quá khứ giữa các nước lớn như Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc cũng là một trở ngại đáng kể trên con đường tiến đến FTA của Đông Á trong tương lại. Dẫu vậy, xu hướng thúc đẩy FTA vẫn sẽ được nhiều quốc gia nghiên cứu triển khai.
. Đ.A
|