Khá ấn tượng bởi những câu chuyện về một vị Tổng biên tập nổi tiếng là khá nghiêm khắc với các đồng sự, tôi chuẩn bị khá kỹ về tâm lý để tiếp xúc với một người già khó tính. Nhưng không, hóa ra ông lại khá nhỏ nhẹ, khúc chiết và trên hết là rất tâm huyết với nghề báo…
* Như một ngẫu nhiên
|
74 tuổi, vẫn lọc cọc bên máy vi tính viết báo |
Ông kể: "Hồi đó là vào cuối năm 1961, tôi đang dạy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thì được điều vào Nam. Vô đến nơi (2-1962), được điều ngay về Ban Tuyên huấn khu V để làm báo Cờ giải phóng". Vậy là đùng một cái, từ một nhà giáo, ông chuyển sang làm báo, khi mà vốn liếng nghề báo chỉ là con số không. "Thú thật là cũng rất lo, nhưng rồi được anh em, nhất là anh Hồ Dưỡng, Phó Ban tuyên huấn phụ trách báo chí, hướng dẫn thêm rồi vừa thâm nhập thực tế, vừa học dần qua mỗi bài viết mà nên nghề"- ông kể.
Chuyến công tác đầu tiên trong đời làm báo của ông là xuống chiến khu Quảng - Đà vào tháng 12-1962. Hơn một tháng băng rừng, có những đoạn phải băng qua bãi mìn ríp, cứ theo dấu chân giao liên dẫn đường mà mò mẫm đi, mới đến được vùng chiến khu. "Cái tít bài đầu tiên ấy tôi đặt thế nào thì giờ tôi không thể nhớ nổi, vì nó dài dòng lắm. Nhưng khi biên tập, anh Hồ Dưỡng sửa lại là Đà Nẵng dậy sóng căm thù. Đọc lại, tôi mới thấy: À! Ở phần kết bài viết mình cũng có câu này, nhưng lại không biết rút lên làm tít. Mà rút lại tít như vậy thì ngắn gọn mà hay hơn. Rồi tôi lấy bản biên tập đã sửa chữa, đối chiếu với bản thảo ban đầu, nghiền ngẫm rút kinh nghiệm. Đấy là học nghề vậy, học ở đó chứ học ở đâu".
Trên 10 năm làm báo Cờ giải phóng, ông đi khắp chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định. Mỗi chuyến đi kéo dài 2 đến 4 tháng. Đi, bám trụ với đồng bào, cùng tham gia chiến đấu, lấy tư liệu thực tế. Ông nói: "Có đi như vậy lại càng thấm thía sự gắn bó với nhân dân. Có đận, tôi nhớ là vào năm 1965, khi trở lại chiến trường Bình Định, đang nằm trong hầm, địch dùng xe bọc thép ủi ngoài kia, nếu đồng bào không kịp thời ra cản đường, thì tôi đâu còn được ngồi ở đây hôm nay".
* Tổng Biên tập… thép
Năm 1976, ông làm Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy kiêm Tổng Biên tập Báo Nghĩa Bình, rồi chuyên trách Tổng Biên tập. Ông về làm Tổng Biên tập cuối năm thì đầu năm sau (tháng 1-1977), báo Nghĩa Bình tăng từ 1 kỳ/tuần lên 2 kỳ/tuần và mở thêm hàng loạt chuyên mục mới. Đầu năm 1981, báo tăng lên 3 kỳ/tuần. Lúc bấy giờ, trong số các tờ báo Đảng địa phương (trừ Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng và Hải Phòng kiến thiết), báo Nghĩa Bình là tờ báo duy nhất ra mỗi tuần 3 kỳ với số lượng phát hành lên đến 7.000 tờ/kỳ. Trở ngại lúc ấy là vấn đề kỹ thuật. Nhà in của báo không in được ảnh kẽm, muốn in ảnh phải vào tận thành phố Hồ Chí Minh. Báo ra mất cả tuần, còn đâu tính thời sự. Vậy là ông đề nghị thuê hẳn một chuyên gia từ Đà Nẵng vào 15 ngày, đào tạo cho 2 phóng viên và 1 công nhân theo hình thức chìa khóa trao tay, trả 7 triệu đồng... Ông kể: "7 triệu hồi đó là to lắm. Nhiều người lo. Tôi nói: không có tiền thì tôi chịu, chứ chờ đến bao giờ. Vậy là làm".
Tôi nhắc lại những câu chuyện kể về sự nghiêm khắc của ông với các đồng nghiệp, ông cười: "Với tôi, một chữ sai cũng không được chứ nói gì một câu. Còn nhớ, có lần tôi tranh luận với ông Thư ký Tòa soạn. Ổng phản ứng bằng cách bỏ đi nằm viện. Vậy là Tổng Biên tập lại phải xắn tay áo ra làm thế". Rồi ông chùng xuống: "Bây giờ ngồi ngẫm lại, thấy mình có khuyết điểm là nói gay gắt, hơi nghịch nghĩ, thiếu thuyết phục. Nói thẳng là đúng, nhưng giá mà hồi đó mình có cách nói thuyết phục hơn…".
Vừa quản lý, nhưng ông vẫn không quên nghiệp viết lách. Ông thường xuyên cộng tác viết bài cho báo Nhân dân. Không ít bài trong số này tạo được dư luận xã hội. Nghĩa Bình sau 3 năm giải phóng, được báo Nhân dân đăng 2 kỳ, kèm theo xã luận Hãy làm tốt hơn Nghĩa Bình; rồi Những kiểu phân phối tùy tiện trên báo Nghĩa Bình đoạt giải ba báo chí Toàn quốc. Năm 1986, khi không còn làm Tổng Biên tập báo mà chuyển sang làm Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông lại viết bài Do đâu Đảng bộ Nghĩa Bình mất đoàn kết trên báo Nhân dân. "Viết bài này, tôi phải cẩn thận đến từng câu, từng chữ, từng chi tiết. Báo in ra, dư luận rất ủng hộ, người viết thấy sướng. Nhưng nói thật cũng hơi lo".
Hỏi ông kinh nghiệm của người viết trước những áp lực nhiều phía, ông cười: "Làm báo thời nào cũng phải chịu nhiều áp lực lắm. Nhưng trước hết anh phải có cái tâm trong sáng, viết bằng cái tâm trong sáng. Có vậy thì dù áp lực mấy anh cũng không sợ, bởi dư luận, tập thể lãnh đạo vẫn sáng suốt. Làm cái anh quản lý báo chí lại càng cần phải rất dũng cảm".
* Không có nhà báo về hưu
Về hưu, nhưng ông vẫn viết đều. Trước, mỗi tháng ít ra ông cũng có 1, 2 bài trên báo Nhân dân, báo Bình Định, rồi tạp chí Tư tưởng - Văn hóa, Xây dựng Đảng… Nay vẫn viết, nhưng một bên mắt đã yếu nên hạn chế hơn. Hỏi: "Rất nhiều nhà báo, khi nghỉ hưu là nghỉ viết luôn. Còn bác, vì sao vẫn chưa buông bút?". Ông cười: "Không viết, có những việc, đáng biểu dương mà mình không biểu dương, có những việc cần phê phán lại phê phán không được. Làm cái anh nhà báo mà như thế thì cảm thấy thế nào ấy, bứt rứt lắm, nên cứ ráng sức mà viết".
Say mê là vậy, chẳng thế mà dù đã về hưu nhưng ông vẫn ba lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về hoạt động báo chí vào các năm 1995, 1997, 2000. Rồi ông khoe với tôi cái máy vi tính ông hiện vẫn dùng để viết bài gửi cho các báo. Ông cười: "Gõ lộc cộc vậy mà hay và tiện hơn cái máy đánh chữ hồi xưa nhiều". Có tiếng người đưa thư. Ông vội chạy ra nhận báo. Lúc trở vào, ông vừa giở vội tờ báo, lướt qua những thông tin chính, vừa nói: "Nói thật cậu là bây giờ tui đọc cũng kỹ lắm. Báo Bình Định ngày nào tui cũng đọc. Rồi nghe đài, xem ti vi nữa, để không bỏ mất thông tin. Chỉ tiếc là đôi chân mình không còn cho phép mình được đi thực tế như trước đây nữa, mắt mũi lại kém nên viết lách không còn được thường xuyên. Nếu không thì vẫn có bài viết gửi báo Bình Định và thỉnh thoảng được lên nhận nhuận bút, gặp mặt anh em. Chứ như bây giờ, ngay nhuận bút cũng phải nhờ con gái lên nhận thay".
Khá yên tâm về gia đình, vì hai con ông đều đã trưởng thành, một đang học cao học ngành điện tử viễn thông tại thành phố Hồ Chí Minh và một đã tốt nghiệp đại học, hiện đang công tác tại Quy Nhơn. Để rồi, ngày lại ngày, nhà báo 74 tuổi này vẫn cặm cụi bên chiếc máy vi tính, để "biểu dương những gì đáng biểu dương, phê phán những gì đáng phê phán". Chia tay tôi ông hẹn: "Có dịp nào báo Bình Định tổng kết việc tăng trang, cải tiến báo, mà tôi được mời tham gia, tôi xin có vài ý kiến gọi là đóng góp…".
. L.V.T
Nhà báo Hoài Nam, sinh năm 1930 tại xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ. Kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946, khi mới 16 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp thành chung, từ 1949 - 1950, làm Hiệu trưởng Trường Bổ túc Công nông Bình Định, rồi Hiệu trưởng Trưởng Cấp 2 Phù Mỹ 3. Năm 1955 tập kết ra Bắc, dạy học.
Từ 1959 - 1960 học Khoa Sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1961, tốt nghiệp, được giữ lại trường, giảng dạy môn Lý luận Mác - Lênin.
Từ 1962 - 1975, vào Nam, làm báo Cờ Giải phóng (Liên khu V).
Từ 1976 - 1986 về tỉnh Nghĩa Bình, làm Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, kiêm Tổng Biên tập Báo Nghĩa Bình rồi Tổng Biên tập báo Nghĩa Bình (chuyên trách).
Từ 1986 - 1993: Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Năm 1993: nghỉ hưu.
Huy chương Vì Sự nghiệp Báo chí năm 1978.
Huân chương Độc lập hạng nhì năm 1998.
|