Vấn đề đô thị hóa nông thôn ở Bình Định
18:2', 1/8/ 2004 (GMT+7)

Đô thị hóa là sự tập trung dân cư trên lãnh thổ của một vùng mà ở đó diễn ra sự chuyển đổi lao động từ giản đơn sang phức tạp, từ thủ công sang tinh vi; sự chuyển hóa từ lối sống dàn trải sang tập trung, từ điều kiện hạ tầng kỹ thuật giản đơn sang kỹ thuật hạ tầng phức tạp. Như vậy, đô thị hóa nông thôn là quá trình phân bố lại cơ cấu lao động theo hướng chuyển từ lao động nông nghiệp phân tán sang lao động trong khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ…; và hầu hết lực lượng lao động này đều tập trung với mật độ cao ở một vùng lãnh thổ.

Trung tâm huyện lỵ mới Vĩnh Thạnh

Có nhiều tiêu chí về đô thị nhưng đặc trưng chính vẫn là các ngành kinh tế phi nông nghiệp với phương thức lao động tiên tiến luôn gắn với sự tăng trưởng và lối sống đô thị với hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày một hoàn thiện.

Cũng như nhiều tỉnh nông nghiệp khác, nông thôn tỉnh ta chiếm trên 70% dân số, chênh lệch nhiều về thu nhập cũng như khác biệt về phương thức sinh hoạt với thành thị; nông thôn là nguồn cung cấp lực lượng lao động cho thành phố, nhưng yêu cầu kỹ năng lao động, chi phí cho đào tạo, ăn ở, cuộc sống ở thành phố đều cao so với khả năng thu nhập ở nông thôn, lại không thích ứng về quan niệm, càng khó khăn trong việc chuyển dịch lao động. Để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo điều kiện cho nông thôn phát triển toàn diện, cần đẩy nhanh và có hiệu quả sự nghiệp CNH-HĐH nông thôn, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, ở tỉnh ta đã hình thành nhiều trung tâm, tụ điểm dân cư với nhiều nghề nghiệp đa dạng; giao thương được mở rộng, từng bước trở thành những trung tâm mang tính đô thị. Tuy bước đầu còn mang tính tự phát nhưng cũng thể hiện được tiềm năng, ước muốn của nhân dân trong xu thế giao lưu, phát triển. Đến nay, chúng ta đã có thành phố Quy Nhơn là đô thị loại II và mười ba thị trấn là đô thị loại V, là những trung tâm có vai trò hạt nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và từng vùng. Ở Đập Đá, Gò Găng, Nhơn Hòa (An Nhơn), Tam Quan, Tam Quan Bắc, Hoài Hương (Hoài Nhơn)… mức độ đô thị hóa đã đi trước một bước, thể hiện ở tốc độ chuyển dịch lao động sang các ngành phi nông nghiệp nhanh hơn, hạ tầng kỹ thuật, xã hội được chú ý xây dựng, các loại hình dịch vụ tăng, lối sống đô thị ngày một phổ cập. Còn lại nhiều trung tâm xã có điều kiện về tự nhiên, kinh tế, xã hội có thể phát triển thành đô thị như Xuân Phong (An Lão), Mỹ Chánh (Phù Mỹ), Đề Gi, An Quang (Phù Cát), Đồng Phó (Tây Sơn)… và nhiều nơi khác nữa. Những năm vừa qua, phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa nông thôn. Đến cuối năm 2005 đến 2006, công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội và tuyến đường ven biển từ Quy Nhơn đến Tam Quan hoàn thành sẽ mở ra những cơ hội mới cho sự nghiệp phát triển nông thôn của tỉnh.

Để đô thị hóa nông thôn có bước tiến nhanh và có hiệu quả, một số vấn đề cần được chú ý:

Một là, với đường lối của Đảng "Về đẩy nhanh công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010", nông thôn có điều kiện phát triển, tốc độ đô thị hóa sẽ nhanh hơn, đây là cơ hội quý báu cần nghiên cứu thực hiện để có bước chuyển lớn trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Hai là, Bước đầu tiên của việc đô thị hóa nông thôn ở Bình Định (thực hiện theo định hướng của Tỉnh ủy được xác định tại Kế hoạch 17-KH/TU ngày 29 tháng 7 năm 2002) là quy hoạch, xây dựng các trung tâm xã, cụm xã. Quy hoạch phải đi trước một bước, nó cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế -xã hội trên một vùng lãnh thổ. Trong quy hoạch, trước tiên chú ý quy hoạch xây dựng vùng tỉnh - quy hoạch xây dựng trên phạm vi không gian toàn tỉnh. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh nhằm bố trí kết cấu không gian (dân cư, cơ sở công nghiệp chính, hạ tầng, môi trường…) phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh, nhằm giải quyết những vấn đề trên qui mô toàn vùng mà bản thân từng đô thị, điểm dân cư, đơn vị hành chính,… không thể giải quyết đơn lẻ. Quy hoạch xây dựng vùng sẽ tạo cơ sở cho không gian phát triển cân đối, đồng bộ, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, bền vững về tài nguyên, môi trường. Quy hoạch xây dựng vùng còn xác định qui mô, tính chất và cả tiến trình xây dựng các trung tâm xã. Quy hoạch xây dựng các trung tâm xã, cụm xã, các điểm dân cư là phục vụ cho việc triển khai các dự án xây dựng, thu hút các tổ chức, cá nhân có vốn, có tri thức, có sức lao động vào đầu tư, lao động ở đây. Quy hoạch phải khơi dậy được tiềm năng, góp thêm động lực phát triển của từng vùng lãnh thổ. Trung tâm xã ngày nay không chỉ đóng vai trò là trung tâm hành chính, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao… như lâu nay mà còn là hạt nhân, là động lực cho phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa vào sản xuất, hiện đại hóa nông thôn. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách, phải chuẩn bị quỹ đất cho phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, chợ và phố chợ, tuyến dịch vụ trong đó có dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông… nhằm tạo ra nhiều ngành nghề, nhiều tiện nghi ở nông thôn. Xây dựng trung tâm xã ngày nay còn phải chú ý tạo dựng được không gian công cộng, nơi thường diễn ra những hoạt động lễ hội, thi đấu thể dục- thể thao, vui chơi giải trí…, thông qua những hoạt động này mà tình cảm người dân trong xã phát triển, dần thoát khỏi tình trạng biệt lập vẫn thường có ở các thôn xóm xưa kia.

Ở một số nước, tỷ lệ đô thị hóa (dân số đô thị so với dân số trong nước) cao: từ năm 1996 ở Hàn Quốc khoảng 80%, Malaysia 54%, Thái Lan 30%. Ở Trung Quốc, đến nay có 37,66% dân số sống ở đô thị, tức trên 400 triệu người là thị dân và dự kiến đến năm 2050 có trên 1 tỉ người là thị dân.

Ở nước ta, hiện nay dân số đô thị chiếm khoảng 24% dân số cả nước, có tỷ lệ đô thị hóa thấp so với thế giới và khu vực. Dự báo tới năm 2020 dân số cả nước ta là 103 triệu người, trong đó dân số đô thị là 46 triệu người, xấp xỉ 46% dân số cả nước.

Đến nay, chỉ mới có hơn 30% các trung tâm xã, cụm xã đã được quy hoạch, còn lại một khối lượng lớn các trung tâm xã, cụm xã cần được quy hoạch trong thời gian tới. Ngành Xây dựng Bình Định nên chủ động phối hợp với các huyện, các xã đề ra mục tiêu đến năm 2005 cơ bản hoàn thành quy hoạch xây dựng các trung tâm xã, phối hợp với chính quyền sở tại hướng dẫn cho mọi người hiểu nội dung quy hoạch và việc quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Ba là, từ nhận thức sự cần thiết đô thị hóa nông thôn, tìm mọi nguồn lực, phát huy nội lực để thực hiện sự nghiệp đô thị hóa nông thôn. Đây là công việc khó khăn hơn cả, nhưng có đường lối của Đảng, với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng với nhân dân ở các huyện, xã với quyết tâm xây dựng quê hương giàu về vật chất, giàu về tri thức, thì vẫn tìm ra được giải pháp. Ở tỉnh ta, những năm gần đây nhiều trung tâm xã đã được quy hoạch và quan tâm đầu tư xây dựng những công trình thiết yếu, bước đầu đã có bề thế như Hoài Hương, Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), Chợ Gồm (Phù Cát), Đồng Phó (Tây Sơn)…

Đô thị hóa nông thôn là công việc còn mới, cần huy động nhiều tiền của, công sức; vì vậy, trong kế hoạch của Tỉnh ủy đã xác định bước đi: "Trước mắt, mỗi huyện xây dựng thí điểm một trung tâm để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng". Nếu mỗi huyện, ngoài việc xây dựng các thị trấn là đô thị loại V hiện có, còn tập trung xây dựng tiếp một trung tâm xã có đủ điều kiện thành đô thị mới, thì những năm sau - đến năm 2010 chẳng hạn - chúng ta sẽ có nhiều đô thị ở tỉnh. Điều này không khó mà có tính khả thi, bởi hiện nay nhiều trung tâm xã đã có vai trò là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, thể dục- thể thao…, bây giờ chú ý vào việc xây dựng cụm công nghiệp, làng nghề, chợ, dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông…; có chính sách thu hút đầu tư, thu hút lao động thì dân cư sẽ tập trung về đông hơn, các loại ngành nghề phát triển, các loại hình dịch vụ gia tăng, yếu tố đô thị hóa sẽ được phát huy. Ở những nơi này người dân được cung cấp nhiều dịch vụ như ở đô thị, từ dịch vụ về sản xuất nông nghiệp, y tế, văn hóa- nghệ thuật, thông tin báo chí, thể dục - thể thao, nước sạch, dịch vụ internet, điện thoại di động… đến việc sửa chữa đồ điện gia dụng, xe máy, ô tô… đều được chuyên môn hóa và cung cấp đầy đủ. Tiện nghi cho người dân sẽ tăng lên, nhiều cơ hội cho thanh niên tiếp cận tìm hướng lập nghiệp và nhiều dịch vụ như những vi lượng không thể thiếu được trong cuộc sống, nó cung cấp, tu bổ cho kiến thức người dân, góp phần nâng cao tri thức ở nông thôn.

. Nguyễn Huỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trọn vẹn nghĩa tình   (01/08/2004)
Nhà báo Hoài Nam: Một cái tâm trong sáng   (18/06/2004)
Trung thành với lợi ích của bạn đọc   (18/06/2004)
Không được nhận nhuận bút vì... trông tử tế lắm!   (18/06/2004)
Côn đồ lộng hành - nỗi lo của mọi người   (18/06/2004)
EURO 2004: Đừng nói trước điều gì khi bóng còn lăn   (18/06/2004)
Đông Á với trào lưu FTA   (18/06/2004)
Thơ   (18/06/2004)
Hàng sầu đông trổ hoa   (18/06/2004)
Bí mật của KHÓA   (18/06/2004)
Chuyện lớn quanh tấm giấy nhỏ   (18/06/2004)
Chợ Lớn Quy Nhơn - tìm một lối đi   (18/06/2004)
Khi bạn đọc không ngừng mơ ước   (18/06/2004)
Chuyển động mới trong đời sống báo chí   (18/06/2004)
CLB Bình Định nguyệt san   (08/06/2004)