Đầm Châu Trúc (hay Trà Ổ), thuộc huyện Phù Mỹ, nằm cách thành phố Quy Nhơn độ 40 km về hướng bắc, là một trong ba đầm có diện tích lớn ở tỉnh ta. Châu Trúc xưa nay nổi danh với một nguồn thủy sản có hương vị độc đáo, trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là cá chình. Tuy nhiên, lối khai thác tự nhiên đang làm nguồn chình ở đây khan dần. Nguồn lợi thủy sản này cần được đầu tư và khai thác một cách đồng bộ…
* Đặc sản của Châu Trúc…
|
Đầm Châu Trúc |
Cô Sáu là người Phù Mỹ, thân gái đoạn trường vô TP Hồ Chí Minh lăn lộn làm ăn đã nhiều năm, nhưng hễ mỗi lần về Quy Nhơn, không có duyên về tận đầm Châu Trúc để thưởng vị chình trong gió nước mênh mang lồng lộng mặt đầm, thì thể nào cũng rong ruổi lên Tuy Phước, hay ghé quán ở Quy Nhơn để ăn chình nướng. Cô nói: "Thiệt lạ, vô Sài Gòn cũng có chình, thậm chí sang cả Thái Lan, Hồng Kông nữa, chịu khó thì cũng kiếm ra, nhưng thật đắt mà lại không ngon. Chỉ có về quê hương mình, ăn chình mới thấy đã miệng, buông đũa còn thèm". Đâu chỉ mình cô Sáu, những người xa đầm Châu Trúc đều nhớ đến ứa nước mắt khi nhìn lại những món ngon năm cũ.
Tôi chưa có dịp đi xa, ruổi rong như cô Sáu để rồi được trở về, thưởng lại cái vị ngon của chình ngày hồi cố hương, nhưng cái vị thơm của cá chình nướng, cái vị ngọt thơm của gỏi chình khi chấm với nước mắm gừng đủ độ thì cũng đã từng qua. Bởi vậy, tôi cũng thấy quý cái "quỹ" chình của đầm Châu Trúc lắm lắm.
Đầm Châu Trúc rộng chừng 1.200 ha. Vào mùa mưa, mặt nước đầm có thể dềnh tới 1.600 ha; còn mùa khô, nước cạn, mặt đầm chỉ còn gần 300 ha. Châu Trúc nguyên là một vịnh nước mặn, thông với biển qua cửa Hà Ra, một thời thuyền bè qua lại, giao thương tấp nập. Năm qua, tháng qua, dấu xưa nay chỉ còn là một lạch nhỏ và đầm đã không còn chung nhịp thở thủy triều biển. Nước đầm theo đó nhạt dần vị mặn mòi của muối. Hẳn cái thứ nước dẫu chưa ngọt như sông, nhưng cũng không còn mặn như biển, đã tạo cho chình Châu Trúc mang hương vị đặc sắc. Đây là một loại cá thân không vảy, trơn láng, rất khỏe, thích sống ở vùng nước sâu, nước đứng có nhiều bùn như ao đầm, vùng hạ lưu sông rạch. Trung bình, chình dài gần cả mét, to bằng bắp chân người, lại có con sống lâu năm, to hơn nữa.
Châu Trúc có cả hai loại chình bông và chình mun. Trong đó, chình bông nhỏ con, da sáng nhiều đốm sẫm; chình mun to con, da đen láng. Chình mun là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm và chỉ thu hoạch tự nhiên theo mùa, không thường xuyên nên hiện nay giá bán trên thị trường trong nước rất cao. Tại đầm Châu Trúc, giá chình mun từ 100.000 đến 150.000 đồng/kg, có khi lên 200.000 đồng/kg. Nếu chuyển đến các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, giá có thể tăng lên gấp hai, ba lần. Một số thị trường nước ngoài: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... đều cần nhập khẩu sản phẩm này vì đây là món đặc sản cao cấp, đồng thời còn là thuốc bổ rất được ưa chuộng tại châu Á.
* Chình đang bị tận thu!
Một đận, về xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ), tôi tạt vào Gò Lao, một cù lao nhỏ nằm giữa đầm Châu Trúc. Cù lao nhỏ, chu vi chưa tới 80m này nay chẳng thể tìm đâu chút không khí của Gò Lao xưa, như sách Đại Nam nhất thống chí đã miêu tả: "Cây cối um tùm, đền miếu nguy nga, cũng là một nơi linh địa". Xóm nhỏ trên cù lao, chỉ có khoảng 15 hộ gia đình đang sinh sống. Những ngôi nhà nhỏ, xen giữa những đụn cây. Ở đây, nhà nào cũng nghèo như nhau và nguồn sống chính vẫn là dựa vào nguồn thủy sản trong đầm.
Rẽ vào một ngôi nhà bên mép đường, một người phụ nữ đang miệt mài chuẩn bị những cái dẹp để bắt hải sản trong đầm. Chị Đỗ Thị Thanh (tên người phụ nữ) cho biết, những hộ gia đình ở Gò Lao này đều mới từ xã Mỹ Châu (Phù Mỹ) ra từ năm 1987 trở lại, tất cả đều sống nhờ vào nguồn thủy sản Châu Trúc. Ngay gia đình chị, ngoài người chồng làm nghề tự do, chị làm thêm nghề thả dẹp bắt tôm, bắt tép, bắt chình.
Chình ở đây được người dân khai thác bằng nhiều cách: câu, đánh lưới và thậm chí dùng cả xung điện. Vào mùa lụt, riêng một cơ sở nuôi chình ở phía nam Gò Lao, mỗi ngày đã mua được từ 30 đến 40 kg chình. Còn ngày bình thường cũng mua được trên dưới 15 đến 20 kg chình. Số chình này bán lại cho các thương lái, đưa xuống Quy Nhơn, rồi tỏa khắp các địa phương trong cả nước, vào các quán đặc sản, quán nhậu, trở thành món nấu ám, lẩu chình, chình nướng… nổi danh; thậm chí còn xuất khẩu sang Hồng Kông, Thái Lan… Ngoài ra, Châu Trúc cũng là nơi cung cấp chình con cho các địa phương khác nuôi. Chình giống chưa sản xuất được, chình nuôi chủ yếu vẫn là nguồn chình con bắt được từ đầm đem bán.
Cá chình (Anguilliformes), bộ cá xương, có thân hình rắn, không có vây hông, vây ngực có khi thiếu. Vây lưng và vây hậu môn mềm, dai, và nối liền với vây đuôi. Bóng hơi thông với ruột. Cá chình phân bố rộng ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Ăn ấu trùng giáp xác, giun… Chúng sống trong hang hốc, chui rúc trong bùn. Một số loài có đặc điểm di cư để đẻ trứng như cá chình châu Âu. Ở Việt Nam gặp một số loài: cá dưa xám, cá lạc (có con dài đến 1m, nặng 10kg), cá chình Nhật. Thịt cá chình ngon, nạc, dùng làm thực phẩm. Một số nước đã nuôi cá chình như Nhật Bản.
(Nguồn: Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1) |
Với lối khai thác tự nhiên này, nguồn chình cứ khan dần. Anh Nguyễn Quang Tiên, một người dân Mỹ Lợi sống ngay bên bờ đầm, tâm sự: "Trước được mười phần, thì nay chỉ còn năm, sáu phần. Chình lớn, chình bé đều bị bắt đem bán ráo". Và không chỉ chình mà các loại cá, tôm cũng đang bị đánh bắt tận thu, thậm chí dùng cả xung điện. Ngay lúc chúng tôi đang đứng ở Gò Lao, nhìn ra góc đầm, dăm bảy chiếc thuyền đang lưới điện. Chưa nói đến xung điện, chỉ với lối đánh bắt như hiện nay cũng làm cho nguồn hải sản ở Châu Trúc có nguy cơ cạn kiệt. Chỉ riêng tại thôn Chánh Khoan Đông (xã Mỹ Lợi) có hơn 250 hộ, thì dăm, sáu chục hộ đã sống bằng nghề khai thác thủy sản. Ông Huỳnh Trọng Tín, người Chánh Khoan Đông, cho biết: "Chỉ cần nhìn vào thu nhập các hộ làm nghề khai thác thủy sản thôi cũng thấy rõ điều này. Chỉ hai năm trở lại đây, nguồn hải sản giảm, thu nhập giảm hẳn".
* Cần đầu tư đồng bộ
Cá chình là một đặc sản của đầm Châu Trúc, làm cho Châu Trúc nổi danh. Nếu nguồn lợi này được đầu tư một cách đồng bộ bằng việc sinh sản nhân tạo, chủ động nguồn giống, tiến hành nuôi ở quy mô công nghiệp sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao. Dự án nuôi chình mun xuất khẩu là một trong các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh. Tổng diện tích thực hiện dự án khoảng 50 ha. Trong đó, dành từ 20 đến 30ha cho khu ao, bể nuôi chình mun, 1 ha để sinh sản nhân tạo giống chình, 10 ha cho khu bảo quản và chế biến. Sản phẩm của dự án này sẽ là chình mun tươi, đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Nếu được thực hiện, đây sẽ là cách đầu tư đồng bộ và khai thác hiệu quả với nguồn chình đầm Châu Trúc.
. Lê Viết Thọ
|