Bô rác phận người
18:34', 1/8/ 2004 (GMT+7)

Dưới cái nắng đỉnh cao mùa hè như góp phần thiêu cháy, phân hủy nhanh những gì có ở bãi rác khổng lồ thuộc khu xử lý chất thải rắn của thành phố Quy Nhơn trên địa bàn xã Phước Mỹ (Tuy Phước) là 150 con người đang lặng lẽ cúi thấp bán lưng cho trời, bán mặt cho… rác. Họ cần mẫn hất qua bên xác chuột chết, trái cây thối rữa; nhặt ra những bì túi xốp, vỏ hộp sữa chua… đến miếng dăm bào bằng sắt hen rỉ. Gần như hoàn toàn họ phó mặc số phận cho độc hại từng ngày thâm nhiễm cơ thể. Và, những em bé bán tuổi thơ mình bằng mồ hôi trút xuống để nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình.

* Sống nhờ rác

Gia đình chị N.T.B 6 nhân khẩu thì đã có 5 người đi nhặt phế liệu ở khu chứa rác, và từng sống trong căn nhà không ra nhà này

Đến khu xử lý chất thải mới thấy rác không chỉ tập trung lúc chiều tối hay rạng đông mà hầu như bất kỳ giờ nào cũng có một lượng rác mới đổ về. Hàng ngày lúc 5 giờ sáng, từng tốp 10 người, 20 người, kẻ xe đạp, người đi bộ khoác bên ngoài lớp áo dày như bao bố, mũ và khăn trùm kín mặt, lần lượt lướt qua chiếc cổng bê tông nhỏ để vào bãi chứa rác kiếm sống, như một cuộc hành hương về thánh địa!

Nói như một cán bộ làm việc ở đây thì lượng rác về bãi chứa mỗi năm một tăng, do dân số tăng và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội. Anh cho biết: "Một ngày chúng tôi tiếp nhận 350 mét khối rác. Những con người sống nhờ rác ở các thôn Long Thành, Thanh Long, Mỹ Lợi của xã Phước Mỹ và ở nhiều nơi khác đến, mỗi ngày lấy ra một lượng "sản phẩm" lên đến vài ngàn kilôgam phế liệu các loại. Chủ yếu là các vật dụng bằng nhựa, có giá trị từ 500 đồng đến 3.000 đồng/kg, bán lại tại chỗ cho người thu mua". Được biết, người thu mua "đúng hẹn lại lên", gom các bao phế liệu chở ngược về Quy Nhơn, Diêu Trì… nơi có những cơ sở tái chế và sản xuất ống nhựa đen, bì ươm cây...

Dường như biết… "có khách", mới 8 giờ nhưng nhiều người thấy chúng tôi chụp ảnh đã bỏ việc vào núp nắng dưới những tấm bạt rách che tạm. Anh Lê Văn Tám, 30 tuổi, ngụ thôn Long Thành, người có 9 năm trong nghề bới rác (từ khi bãi rác thành phố chưa dời lên đây), thổ lộ: "Hai vợ chồng tôi chỉ có 2 sào ruộng khô cằn, không đủ ăn nói gì đến nuôi con. Sống nhờ vào cái nghề bần cùng này là lẽ tự nhiên. Tôi bắt đầu công việc từ 6 đến 10 giờ, chiều từ 2 đến 5 giờ. Nếu cúc cung tận tụy, mỗi ngày thu nhập cũng được 25.000 đồng. Tôi thấy thứ bảy, chủ nhật giống hệt thứ hai, thứ ba…".

Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Bảy ở thôn Thanh Long trong giờ nghỉ trưa. Chị có 3 năm sống bằng nghề bươi rác. Điều khiến chúng tôi quan tâm hơn là cả bốn đứa con của chị cũng theo mẹ đi nhặt rác. Chị kể: "Chồng tôi đã chết. Con tôi đứa học lớp 4, đứa lớp 5 rồi rủ nhau nghỉ hết. Thằng út 12 tuổi hiện còn theo học trường xã, cũng chẳng biết có lên lớp nổi không nữa. Gia đình tôi ngày trước thường đi lượm củi nhưng bán chẳng được bao lăm. Từ ngày có khu chứa rác lù lù mọc lên ở đây thì lượm rác mỗi ngày cho thu nhập đều đặn 15.000 đồng vẫn là nghề sướng hơn nhiều". Bác Nguyễn Minh Chương 81 tuổi, cha chị Bảy, nghẹn ngào: "Nhiều, nhiều lắm, cái cảnh "mẹ rác đẻ con rác" ở xã tôi thật là… Con Bảy đã nhiều lần ngốp thở, xỉu ngay trên vũng rác đầy ruồi nhặng, may là có mấy đứa con nó cõng về. Tôi chẳng giúp ích được gì, lại sống nhờ vào việc bới rác của chúng. Lực bất tòng tâm, nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy an ủi vì dạy các cháu được một điều duy nhất: nghề ấy vẫn tốt hơn nghề lưu manh, nghề ăn cắp… Thôi chú uống đỡ ly nước trắng và đừng hỏi nữa. Chuyện nước non có bị ô nhiễm hay chưa tôi có nghe nhiều nhưng cũng không thiết... Chỉ khi nào bô rác không còn lù lù đằng kia thì mới chấm dứt việc người dân xã tôi nhà nhà đi móc rác".

Có khá nhiều những cặp vợ chồng cùng sống trên bãi chứa rác. Đó là vợ chồng anh N.V.X., 30 tuổi, ở thôn Long Thành. Vợ chồng N.N. quê ở xã Mỹ Lợi (Phù Mỹ) chuyên nghề móc rác nhiều năm. Chuyện kể hai mẹ con chị Ngọc Nà hiếu thảo ở xóm 5 thôn Thanh Long, nhờ một nắng hai sương ở bãi rác nên có tiền thuốc thang cho mẹ suốt mấy năm qua. Và những người sống đơn chiếc như bà Sáu, 55 tuổi ở phường Trần Quang Diệu, luôn nghỉ trưa, cơm nước ngay tại chỗ… Nhưng đáng thương nhất vẫn là hình ảnh những đứa trẻ mặc quần cộc, nước da đen đủi, mặt cúi thật thấp, vai quàng một cái bao to, tương lai lọt thỏm giữa bãi rác mênh mông.

* Tuổi thơ trên bãi rác

Phải lội vào tận cái rốn của bãi rác đang cháy âm ỉ, xú khí xung thiên với những cột khói lờ đờ màu xám mới gặp được những đứa trẻ chuyên tìm sắt. Đính 11 tuổi học lớp 5, Định 13 tuổi học lớp 6, Tánh 9 tuổi học lớp 4 là những "chiến hữu" không rời xa nhau khi đi chọc phế liệu. Các em thành thật một cách dễ thương: "Thứ chúng cháu cần tìm là sắt dăm bào, phải trợn mắt nhìn thật kỹ mới thấy được chú ạ, vì nó nhỏ xíu hà. Dăm bào xoắn thành cục bự mấy người lớn ở dưới khu công nghiệp lấy trước rồi, ở đây chỉ toàn xương vụn thôi, giá một ngàn một "ổ" (ý nói 1 ký). Mỗi ngày mỗi đứa kiếm được 5.000 đồng, bữa nào được 10.000 là "thu hoạch" đó (ý nói bội thu)". Em Định phân bua: "Cháu học… dở ẹt. Học 1 buổi còn 1 buổi đi tìm phế liệu làm sao cho giỏi. Mùa hè sống ở bãi rác cả ngày, thèm chơi lắm nhưng bố mẹ bảo phí"… Còn em Tánh thì lè lưỡi, tay vẫn cầm "thượng phương bảo kiếm" đâm sâu xuống mặt rác đen ngòm rồi rút ngang chìa cho tôi xem: "Nhờ cái que củi này đấy, vừa cào sắt vừa làm gậy để khỏi sụp lỗ... Tụi cháu không quen ăn sáng đâu, tới trưa mới được về ăn cơm. Còn nước uống thì đây, mỗi đứa đều có một chai bự, "ông" thấy rồi mà còn hỏi"! Chai nước Tánh khoe chính là nước giếng không qua lọc và đun sôi mà Cu Em ở bãi rác gọi là "sô đa Hà Bá". Cu Em nghỉ học đã lâu, sống ở bãi này nhiều năm và được phong là đại ca. Đại ca Cu Em 15 tuổi có vẻ mặt lầm lì, trên tay luôn vác cây cào cỏ của Trư Bát Giới và khăng khăng từ chối trả lời thẳng: "Sao ông dám chụp ảnh tui, đăng báo làm cái gì, xấu hổ lắm? Nếu vậy thì tui càng không nói". Rồi em vác cào cỏ bỏ chạy mất hút sau đống rác vĩ đại đang tỏa ra xung quanh cái mùi đặc trưng vốn có của nó.

Hai anh em Minh, Hùng sinh 1987, 1990. Các em Đồng Tiến Ngọc, Phạm Văn Vàng, Lê Thị Vui đều 13 tuổi. Em Nguyễn Văn Nghĩa 9 tuổi… Nhiều em đã bỏ học. Mỗi em đều có 1 đến 3 năm sống trên bãi rác. Bởi cật lực dang nắng, độc chiếm được đống rác tốt hoặc chịu đánh đổi thân mạng, lăn xả mỗi khi xe cơ giới xới đống rác mới lên để giành giật từng bì ny lông trị giá chỉ 10 đồng nên mỗi ngày nhiều em kiếm được hơn 20.000 đồng. Các em cho biết: "Mỗi ngày tụi cháu phải "đào" cho ra cả trăm ký bì ny lông, túi xốp… giá 500 đồng/kg và hàng chục ký nhựa cứng như chai dầu gội, nhựa thau bể vụn, vỏ hộp thức ăn nhanh… mỗi ký giá 3.000 đồng, thì mới phụ giúp được gia đình. Xịn hơn là vỏ hộp sữa chua vì cái nhãn của nó bằng nhôm đấy". Khi được hỏi vì sao lúc bới rác mà không đeo khẩu trang, mặc thêm đồ bảo hộ, em Nguyễn Ngọc Khánh 16 tuổi, nhà ở thôn Thanh Long, có nét mặt phong sương trước tuổi, cười e thẹn: "Không sao đâu, "chơi" riết thành quen. Mặc thêm áo hay mang bao tay tận khủy làm gì cho vướng, để trần mát mẻ hơn. Cháu có 2 năm lăn lộn trong bãi rác nên cũng có chút đỉnh kinh nghiệm. Đống rác nào thúi hẻo liếc qua có thể biết liền, mình đi tìm đống khác (!). Cháu có mặt trên từng vũng rác lúc trời tờ mờ sáng, 7 giờ tối mới nghỉ việc. Chỉ như vậy cháu mới bảo đảm 30.000 đồng/ngày để các em cháu được tiếp tục ăn học".

* Ngoại truyện

Gặp anh Nguyễn Vinh, một công chức làm việc thường xuyên trên khu chứa rác, anh cho biết: "Thật ra ruồi chỉ xuất hiện nhiều sau cơn bão số 2 vừa qua. Tuy hàng tuần Công ty Môi trường đô thị xử lý mỗi lần 1.000 lít chế phẩm EM được sản xuất tại chỗ, giúp phân hủy nhanh các chất hữu cơ và khử mùi hôi nhưng làm sao diệt hết ấu trùng. Ô nhiễm là chuyện không thể tránh. Cái mùi hiện giờ anh đang thở đấy đã là… thơm lắm rồi! Trẻ em ở đây à, khoảng bốn, năm mươi đứa gì đó. Anh thấy đấy, ngay cả bò cũng có hàng đàn trong khu này để ăn… rác. Nhờ chúng mà bớt đi một phần thức ăn hôi thiu, trái cây thúi…".

Ấn tượng không trơn láng như 20 kmlômét đường nhựa ngắn ngủi từ trung tâm TP. Quy Nhơn đến một vùng nông thôn heo hút, cằn khô trở thành câu hỏi xa xôi: chỉ có ai chịu đến tìm hiểu thì mới biết. Về đến thành phố, khi ngồi yên vị trước bàn phím gõ gõ bài viết này, ở thôn Long Thành mẹ chị Ngọc Nà đã qua đời. Vì người chết là mẹ của một dân bới rác nghèo nên việc hậu sự đều do tiền quyên góp của dân bươi rác kẻ ít người nhiều. Nói như bác Chương thì may mắn lắm, hiếm có người nào hào phóng cho tang gia một chuyến xe cọc cạch để làm lễ di quan hoành tráng đến như vậy. Và hình ảnh những đứa trẻ chôn vùi tương lai trên bãi rác lại hiện lên trong chúng tôi.

. Hư Trúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Châu Trúc: Mất dần một nguồn chình   (01/08/2004)
Vấn đề đô thị hóa nông thôn ở Bình Định   (01/08/2004)
Trọn vẹn nghĩa tình   (01/08/2004)
Nhà báo Hoài Nam: Một cái tâm trong sáng   (18/06/2004)
Trung thành với lợi ích của bạn đọc   (18/06/2004)
Không được nhận nhuận bút vì... trông tử tế lắm!   (18/06/2004)
Côn đồ lộng hành - nỗi lo của mọi người   (18/06/2004)
EURO 2004: Đừng nói trước điều gì khi bóng còn lăn   (18/06/2004)
Đông Á với trào lưu FTA   (18/06/2004)
Thơ   (18/06/2004)
Hàng sầu đông trổ hoa   (18/06/2004)
Bí mật của KHÓA   (18/06/2004)
Chuyện lớn quanh tấm giấy nhỏ   (18/06/2004)
Chợ Lớn Quy Nhơn - tìm một lối đi   (18/06/2004)
Khi bạn đọc không ngừng mơ ước   (18/06/2004)