"Sanh đa đề, vạn đại lộc"
18:26', 1/8/ 2004 (GMT+7)

Đó là tên 6 loài cây cảnh được yêu thích nhất hiện nay, ghép lại theo một trình tự nhân sinh quan. Và khi "tâm ngữ kinh doanh" này làm nên diện mạo mới trong hoạt động mua bán của người sản xuất, khai thác sinh vật cảnh (SVC)… Bình Định tiếp tục trở thành địa phương cuốn hút các tỉnh phía Bắc về số lượng lẫn chất lượng cung ứng 4 trong 6 loài cây có giá trị kinh tế cao kể trên: sanh, đa, đề, lộc.

* Mua người chán, bán người cần

Anh Tiến, người chuyên doanh cây cảnh nhà ở ngoại vi Hà Nội trong một lần về Bình Định mua cây, mở đề: "Cây sanh, cây đa lông, bồ đề là loài cây quen thuộc, ai cũng biết. Vạn chính là cây vạn tuế đấy. Còn đại tức là sứ đại, ưu tiên cây bông trắng. Lộc đích thị là cây lộc vừng nhé, hoa từng chuỗi xõa dài trông rất yêu kiều, mọc hoang dã nhiều trên những thác núi miền Trung. Tất cả các cây có thân càng to lớn nổi u, nhiều tuổi thì giá trị kinh tế càng cao. Vậy cây vạn, cây đại Bình Định không có để cung cấp cho chúng tôi. Ở Bắc, các đại gia thường tìm mua cả 6 loài cây ấy để trang trí xung quanh khuôn viên nhà cho đủ lễ bộ".

Khi cây cảnh nội tỉnh tự sản xuất, nuôi trồng có độ tuổi 20 năm trở lên xuất bán khắp nơi trên đất nước dần cạn nguồn thì hai năm qua, những cái tên: Đạt, Thuận, Đàn, Tiến, Hiếu… trở thành những "thương hiệu" quen thuộc trong chất lượng khai thác cây cảnh ở tỉnh ngoài đem về Bình Định xuất bán cho các tỉnh theo yêu cầu đặt hàng ồ ạt. Anh Bùi Văn Thuận, Nguyễn Văn Thu nhà ở bên chợ Bồ Đề (Tuy Phước) vừa lúi húi xúc đất chêm vào chậu để trồng cây mới, vừa kể: "Từ dạo nổi lên phong trào "chuyển cây ra Bắc" với lượng xuất đi rất lớn, lợi nhuận lại cao nên tôi, từ một người yêu thích cây cỏ có vốn liếng thường thường bậc trung, cũng bắt đầu nhập cuộc. Như một nghề mới, từ năm 2003 đến nay tôi đã thực hiện 30 chuyến đi, mỗi chuyến đem về 5-10 cây, chủ yếu là sanh, đề, lộc. Như gã lái chó, tôi dẫm nát hang cùng ngõ hẻm các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Sài Gòn, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên… để đặc chọn những cây "rơi" đúng tầm ngắm thưởng thức cổ điển lẫn hiện đại của người Hà Nội. Vâng, tất nhiên khi chịu khó khổ lặn lội ở những miền đất xa xôi thì hai anh em tôi còn phải đạt mục đích: mua với giá thấp nhất và "đẩy ra" với giá… mút chỉ cà tha"! Khi hỏi về thu nhập, Thuận ngập ngừng rồi tiết lộ: " Thú thật với… cha, chuyến nào tôi cũng đem về cho hầu bao gia đình một món tiền kha kháù. Từ sau Tết đến nay đã đến ngưỡng… 60 triệu đồng".

Nhiều tỉnh ở miền Trung, không ai trong giới mà không biết đến Hiếu "Đống Đa"- Quy Nhơn, một "sát thủ" chuyên sống bằng nghề đào cây rừng hiện đã rửa tay gác kiếm để chuyển sang làm dịch vụ cung cấp bất kỳ loại cây nào bạn cần. Hiếu cho biết: "Em đi nhiều tỉnh lắm, vài ngày "tha" về một cây. Có cây mua 300.000 giữa đường bán liền 3 triệu đồng theo kiểu "bốc nóng" cho các lái cấp 2 là chuyện mỗi tháng gặp năm, ba lần. Giống như  anh G. "lượm mót" cây dương liễu nho nhỏ trên rừng về bán được 2,5 triệu. Một cây dương khác của anh Đ. bán 5 triệu đồng chẵn cho Hà Nội… Chủ yếu mua cây của người "chán" anh à. Này nhé, em đã từng mò về những vùng quê hẻo lánh, chưa có dấu chân người đi săn cây. Gặp một "con" người ta trồng đã 30 năm rồi đấy, cây tự bể chậu, tiện tay chủ nhà "đá" ra ngoài hàng rào. Sống thêm 20 năm nghiêng ngửa bầm dập ngoài đất nữa, cây có hình thù cổ quái, đạt mức hiếm thấy về vẻ đẹp tuyệt tục của… cô đơn! Thấy cây em chỉ còn biết chiêm ngưỡng trong yên lặng và… run, vì biết chắc sẽ trúng! Cây ấy em mua hời lắm, giá chỉ là là trên mặt đất thôi. Ô hay, anh chỉ cần hiểu như vậy là đủ. Đương nhiên giá bán ra là đụng nóc… trời chứ! Dạ, đó là cây sanh, em là chuyên gia "sanh đa đề lộc" mà lị… Bạn hàng ruột ở Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Tây… nhiều lắm đấy, không thể kể cho xiết".

Như mở đầu cuộc đua maratông, những người cung ứng cây ở ta thật sự vào cuộc bằng sức chạy dẻo dai. Từ sau Tết Giáp Thân, họ đã cung cấp cho ông Cường ở Hải Dương 6 chuyến cây, ông Hiền ở Nam Định 4 chuyến, ông Lập ở Nghệ An vào 3 chuyến, v.v… Mỗi bạn hàng mua cây thường từ 1-2 xe tải lớn, trị giá mỗi xe hàng trăm triệu đồng… Một phần cây đặc chủng như sanh, sứ đại được bán sang Trung Quốc với giá cao hơn gấp nhiều lần, có khi đổi lấy loại cây có giá trị khác như đa Ấn Độ, si, du Trung Quốc.

* Cuộc chạy đua chưa từng có

Những vườn cây Trúc Mai, kiểng Xuân Lý, vườn Ông Đàn, Doanh nghiệp Hoa cảnh Ngọc Sơn và nhiều điểm trưng bày, mua bán khác ở Quy Nhơn luôn có cây mới đem về từ tỉnh xa. Ông Nguyễn Đàn, nhà ở đường Trần Thị Kỷ - người được giới SVC trong nước biết đến với "thao lược" nắm chắc thông tin về sở thích, mức độ cung cầu trên thị trường - vui vẻ cho biết: "Chỉ trong dịp tranh thủ phép năm, tôi đã 3 chuyến đem về từ các tỉnh miền Tây Nam bộ hàng chục cây đẹp, đắt tiền. Đây, xin giới thiệu cây sanh nguyên liệu này (vì chuyên chở đường dài phải cưa bỏ nhiều cành nhánh cho gọn ghẽ nên nó mới… trụi lủi như thế) có bộ đế rộng 1 mét, cao 3 mét đã có người ở ta trả 35 triệu rồi đấy, nhưng tôi chưa muốn bán. Cây bồ đề "Chùa Một Cột" này giá 50 triệu đồng" - Rồi ông đưa tay giới thiệu một cây sanh khác bên cạnh, tiếp - "Còn cây này bèo bèo cũng phải đến giá 150 triệu cơ. Chú mày không rành đấy thôi, chứ những cây sanh, cây đề và nhiều giống cây khác mang đặc thù "cây đa đầu làng" thường thấy ở nông thôn miền Bắc xưa hoặc cây mang ẩn dụ "cây đa cây đề" tượng trưng cho sự mạnh mẽ hiện đại của gia đình, dòng tộc… có tuổi tác thâm niên và rễ buông tỏa từ trên xuống một cách trật tự thì mình chẳng cần bán vội. Tốt nhất là gọi điện thoại tiếp thị thật khéo và "hất đẹp" cho bạn hàng phía Bắc, sẽ luôn được giá cao. À à, cây sanh "gân guốc" tháng trước ư? Đã bán 40 triệu cho lão Hải Dương rồi, mà giá mua vào tận tít Phan Rang cũng tới… 6 triệu đồng đấy! Đi tìm cây ưng ý khổ lắm chứ sướng ích gì, chú mày! Này nhé, mỗi tỉnh đều có ý tưởng riêng về kiểu cách cây, độ to lớn nên nhất thiết phải lưu tâm điều này, vì nó đóng vai trò tiên quyết trong cuộc "rượt đuổi" vừa mua vừa bán. Phải đi trước đồng nghiệp một bước chứ…".

Nhưng nếu bạn có dịp đến Tuy Phước, bạn sẽ được mục kích mức độ sôi động thật sự ở đây về lực cung ứng cây hàng hóa cho bạn hàng xa. Từ cây giá trị 500.000 đồng đến cây xấp xỉ 20 triệu. Từ số lượng 20 cây đến trăm cây một lúc. Theo đơn đặt hàng, các nghệ nhân xứ này bỏ vốn ra để gom cây. Từ "sanh đa đề lộc" đến sộp, trắc, dương liễu, lồng mứt ghép mai chiếu thủy… được đưa lên ga tàu để thẳng tiến ra Bắc mà không cần người áp tải hàng. Thôn Công Chánh, xã Phước Lộc là nơi hội tụ những người mua bán ở mọi nơi trong tỉnh và là điểm tập kết đa dạng chủng cây, mở ra những chuyến vận chuyển bằng xe tải. Ông Từ Hải, Chủ tịch Hội SVC huyện, cho biết: "Những năm gần đây, Tuy Phước trở thành trung tâm cung cấp cả cây sản xuất đến cây khai thác. Lợi nhuận nêu lên thật đáng kể trong kinh tế SVC. Mới đây thôi, khi mở đường mới từ Đèo Nhông đến Mỹ Thọ (Phù Mỹ) đã lộ ra một rừng lộc vừng màu mỡ, ẩn núp kín đáo lâu nay không ai biết. Thế là dân cây cảnh Quy Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước… được tin, liền tìm đến khai thác. Giá đổ đồng cứ 300.000/cây được khách phương xa đưa lên xe vận chuyển theo hướng Bắc… Nhiều người ở Quy Nhơn như nghệ nhân Phan Trọng Sấm, ông Chánh (cà phê Bonsai) lên Tuy Phước lập vườn cũng là nhằm kinh doanh cây kiểng đấy thôi".

Còn anh Cường, một "lão gia" lâu năm trong nghề khai thác cây, tâm sự thêm: "Em chuyên cây núi và một ít là cây vườn nhà. Em thấy những "tác phẩm" to lớn trồng ngoài đất ngày càng hiếm. Hiện nay muốn khai thác cho cây ra cây thì phải đi xa tít mù. Loanh quanh đây thì chỉ còn biết… leo núi hoặc tìm đến những nơi khó đến như… chùa chiền miếu mạo, những chỗ không ai dám vác mặt dày mò tới như… doanh trại quân đội! Mới đây em còn thấy trong khuôn viên kho đạn Đèo Son có cây sanh vĩ đại dễ đến tuổi trăm lận. Cơn bão số 2 vừa rồi đã không làm nó "sứt mẻ" đến một cái nhánh. Đế đấm trải rộng 5 mét, cao 6 mét, thân 3 người ôm, đẹp ra phết luôn. Bảo đảm cán bộ cỡ như… anh thấy là ghiền liền huống chi tụi em (!). Cây đó phải bán "theo đơn đặt hàng" và nhất định phải "bợ" trên trăm triệu đấy. Nhưng cách đây mấy hôm, có dịp ngang qua kho đạn "cây đa đầu làng" hùng vĩ kia gã nào đã đến… nhổ đi mất hút!"

Có thể nói "người người tìm cây, nhà nhà làm cây" là phương châm hiện nay của dân làm kinh tế kiểng. Và khi cuộc chạy đua giữa cung cầu chưa có dấu hiệu bão hòa, nhiệt độ giá cả chưa dừng lại thì triển vọng của người cung ứng cây hãy còn thuộc về phía trước. Sanh đa đề, vạn đại lộc!

. Trần Hoàng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bô rác phận người   (01/08/2004)
Châu Trúc: Mất dần một nguồn chình   (01/08/2004)
Vấn đề đô thị hóa nông thôn ở Bình Định   (01/08/2004)
Trọn vẹn nghĩa tình   (01/08/2004)
Nhà báo Hoài Nam: Một cái tâm trong sáng   (18/06/2004)
Trung thành với lợi ích của bạn đọc   (18/06/2004)
Không được nhận nhuận bút vì... trông tử tế lắm!   (18/06/2004)
Côn đồ lộng hành - nỗi lo của mọi người   (18/06/2004)
EURO 2004: Đừng nói trước điều gì khi bóng còn lăn   (18/06/2004)
Đông Á với trào lưu FTA   (18/06/2004)
Thơ   (18/06/2004)
Hàng sầu đông trổ hoa   (18/06/2004)
Bí mật của KHÓA   (18/06/2004)
Chuyện lớn quanh tấm giấy nhỏ   (18/06/2004)
Chợ Lớn Quy Nhơn - tìm một lối đi   (18/06/2004)