Hát đối đáp, nơi trao duyên gửi tình
18:41', 1/8/ 2004 (GMT+7)

Ngày trước, người dân lao động ở thôn quê vốn có cuộc sống khá vất vả. Quanh năm suốt tháng, mùa lại mùa, lúc nào họ cũng bận rộn. Rời công việc cày bừa cấy hái ngoài đồng, còn biết bao công việc phải làm ở nhà dường như thâu đêm: quay xa, kéo sợi, đập vải, vá lưới, giã gạo,… Chính trong những lúc lao động ấy, để cho tâm hồn thảnh thơi xua đi bao nỗi vất vả mệt nhọc, ông bà ta đã sáng tạo ra các hình thức sinh hoạt văn nghệ mà hát đối đáp là một loại hình khá phổ biến.

Đêm thanh trăng tỏ, cùng với tiếng xa quay vo vo, tiếng thình thịch của vồ đập chày nêm, là giọng hát đối đáp của con trai con gái cất lên, khi trữ tình đằm thắm, khi dí dỏm khôi hài, làm cho làng xóm trở nên sống động, tươi vui, xua đi bao nỗi mệt nhọc. Những buổi hát ấy, chẳng riêng để vui say lao động, yêu thêm cuộc đời cần lao, mà còn là nơi để cho đôi lứa trao duyên gởi tình cho nhau. Không ít những cặp đã sống trọn đời, con đàn cháu đống, cũng bắt đầu từ cái thuở "chàng hỏi thiếp đáp" ấy.

Vô đây, ớ bạn vô đây

Trầu têm cánh phượng bỏ khay ngô đồng

Thuốc ngon vấn điếu xây giồng

Một bầu rượu cúc hai hàng chén chai

Tối trời em chẳng biết ai

Chào chung một tiếng sáng mai hãy nhìn…

Mở đầu, người con gái hát chào như vậy. Ở đây, cô đã thi vị hóa cuộc sống lao động bằng những hình ảnh "trầu cánh phượng", "khay ngô đồng", "bầu rượu" cho tình ý thêm đậm đà vậy thôi.

Chàng trai được mời, hát đáp lại để dò ý người đẹp:

Hồi hôm anh mắc việc nhà

Bây giờ mới tới, đêm đà sang canh

Trầu cau không có trong mình

Bạn mời tình thật hay tình mời lơi?

Và cô gái thăm dò lại một cách kín đáo, ý nhị hơn:

Hôm giờ mắc khách nhộn nhàng

Bây giờ vắng khách hỏi chàng vài câu

Đố chàng biết biển bao sâu

Con cá bao lớn uốn lưỡi câu cho vừa?

Hỏi qua đáp lại, khi ý đã hợp, tâm đã đồng và tình cảm trở nên đằm thắm sâu nặng, thì cũng như các cô gái ngoài Bắc trong đêm quan họ giao duyên "Chàng về em chẳng cho về. Em nắm vạt áo…" - cô gái quê ta bảo bạn:

Chàng về cởi áo lại đây

Đêm khuya em đắp kẻo ngọn gió tây lạnh lùng.

Em muốn giữ cái áo lại để làm tin, làm kỷ niệm. Nhưng mà:

Nghĩa nhân đâu phải nợ nần

Anh về cởi áo ở trần sao nên? …

Nhiều khi (mà thông thường là như vậy) bước đầu họ còn thử tài nhau.

Cô gái: Tiếng đồn anh thường ăn, thường học, thường đọc Lục Vân Tiên

Ai trung ai nịnh, anh kể liền em nghe.

Nếu là chàng trai có học, đủ thông minh và có tài ứng đối, chàng đáp ngay:

Thái sư nịnh chúa đứng đầu

Bước qua Hâm - Kiệm nịnh sau chẳng lành

Vân Tiên, Ông Quán trung thành

Nguyệt Nga, Đồng Tử hiền lành ít ai…

Giả dụ như đó là một chàng "dốt đặc cán mai", không biết đối đáp thế nào mà chỉ biết "tán gái", trước câu hỏi của các cô cứ ấp a ấp úng, các cô sẽ đuổi khéo ngay:

Ngựa hay thì tới đua tài

Nếu mà ngựa dở cột ngoài mái hiên

Còn đây là khi "tương tư ăn phải miếng mồi" thì cô gái thổ lộ:

Anh thương em đã mấy em lo

Đây em thương bạn ốm o gầy mòn

Ngày thời ăn chẳng biết ngon

Đêm nằm không ngủ da còn bọc xương…

Chàng trai đáp lại, cũng với một tâm trạng ấy:

Em thương anh đã mấy anh than

Đây anh thương bạn mê man tấc lòng

Ngày thời ra ngõ ngóng trông

Đá vàng tạc dạ non sông ghi lời…

Cũng có lúc, do hoàn cảnh cụ thể, hoặc chỉ là để đùa vui người con trai, cô gái hỏi:

Dậm chân xuống đất keng keng

Sao anh lại bận quần đen của nàng?

Anh con trai trả lời (câu trả lời mới đáng thương làm sao!):

Dậm chân xuống đất thùng thùng

Vợ chồng nghèo khổ bận chung một quần!

Có anh chàng tán tỉnh một cách sống sượng:

Trứng vịt đổ lộn trứng gà

Thấy em má đỏ cà rà muốn hôn.

Thế là cô gái "trả miếng" ngay:

Em đang chân lấm tay bùn

Quần em vận chặt anh hôn chỗ nào.

Một miếng trả ác hiểm và khá chua cay. Cay mà vẫn phải cười vì tuy ác vậy mà lại tế nhị. Ta nghe như thấy cả chuỗi cười ròn tan của các cô gái, khi bạn mình vừa buông xong từ cuối của câu đáp.

Chẳng phải chỉ riêng có trai thanh gái lịch đối đáp nhau trong buổi hát ấy. Không hiếm gì các "cậu ấm", "con ông cháu cha" cũng muốn tới mong được lọt mắt xanh của các cô. Thông thường, bọn này ở dưới tầm mắt phái đẹp:

Tay cầm nắm cỏ nhem nhem

Mấy con bò nghé có thèm vô ăn.

Hoặc là:

Ngựa ô ăn cỏ bờ hồ

Đói thời chịu đói cỏ khô không thèm!

"Cỏ khô" phải chăng là muốn ám chỉ đức độ, tài năng của các cậu ấm? Và các cô thử thách họ:

Có nên thì hội đua tranh

Không nên dẹp lại cho mành ta treo.

Thông thường, các chàng "công tử bột" đành chịu "đo ván", im lặng rút lui để nhận thêm một đòn nữa:

Bắp tươi mà nướng hỏa lò

Miệng ăn thì có miệng hò thì không.

Đôi khi, họ cũng trả bậy lại một câu:

Hò khoan hò nhặt

Qua đấm c… qua chẳng thèm hò

Em như chó lác ngoài gò

Cớ sao dám chửi học trò khóa sinh?

Rồi mới chịu rút về, nhường chỗ cho người có tài ứng đối tương xứng với các cô.

***

Trời mưa lác đác

Gió tạt vườn dưa

Ai nhiều nhân ngãi chả lo

Tôi ít nhân ngãi để cho tôi tìm

Đôi ta như thể đôi chim

Ngày ăn xứ lạ, tối tìm cội xưa…

Đôi lứa lại tìm đến câu hát đối đáp, cùng nhau trao gửi tâm tình. Chính họ đã ngày càng làm giàu thêm kho tàng văn chương dân gian của chúng ta. Cũng chính họ là những bậc thầy sáng tạo của các nhà thơ đấy.

. Nguyễn Văn Chương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ   (01/08/2004)
"Sanh đa đề, vạn đại lộc"   (01/08/2004)
Bô rác phận người   (01/08/2004)
Châu Trúc: Mất dần một nguồn chình   (01/08/2004)
Vấn đề đô thị hóa nông thôn ở Bình Định   (01/08/2004)
Trọn vẹn nghĩa tình   (01/08/2004)
Nhà báo Hoài Nam: Một cái tâm trong sáng   (18/06/2004)
Trung thành với lợi ích của bạn đọc   (18/06/2004)
Không được nhận nhuận bút vì... trông tử tế lắm!   (18/06/2004)
Côn đồ lộng hành - nỗi lo của mọi người   (18/06/2004)
EURO 2004: Đừng nói trước điều gì khi bóng còn lăn   (18/06/2004)
Đông Á với trào lưu FTA   (18/06/2004)
Thơ   (18/06/2004)
Hàng sầu đông trổ hoa   (18/06/2004)
Bí mật của KHÓA   (18/06/2004)